Trump sắp đọc thông điệp liên bang đầu tiên: Nước Mỹ đã trở lại
Trong lần đầu đọc thông điệp liên bang, tổng thống Mỹ dự kiến ca ngợi sự phát triển của kinh tế Mỹ và tập trung vào việc xây dựng một nước Mỹ “an toàn, mạnh mẽ, tự hào”.
Hôm 29/1, Tổng thống Donald Trump đã vạch ra những gì sẽ có trong thông điệp liên bang đầu tiên của mình được phát vào tối 30/1 (giờ Mỹ), khi tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
“Đó là bài phát biểu lớn, bài phát biểu quan trọng, chúng tôi đã đề cập vấn đề nhập cư…”, Daily Mail dẫn lời Tổng thống Trump hôm 29.1. “Nó sẽ hướng tới cả hai đảng bởi chỉ mình đảng Cộng hòa thì không thể tập hợp đủ số phiếu”.
AP trước đó dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết đây sẽ là một thông điệp “lạc quan” và “hướng tới tương lai”, đề cập ít nhất 5 chủ đề: việc làm và nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhập cư, thương mại và an ninh quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đọc thông điệp liên bang vào tối 30/1. Ảnh: Bloomberg.
Tham dự lễ đọc thông điệp liên bang của ông Trump là các nhà lập pháp, các thẩm phán Tòa tối cao và gia đình tổng thống. Trump cũng mời thêm nhiều vị khách, bao gồm những chủ doanh nghiệp nhỏ được hưởng lợi từ chương trình cải tổ thuế do ông đề xuất.
Video đang HOT
“Họ đại diện cho tinh thần Mỹ không thể phá vỡ”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói.
Một quan chức cấp cao cho hay ông Trump sẽ nói về việc “xây dựng lại quân đội, trở lại với chính sách hòa bình thông qua sức mạnh, làm rõ về bạn bè và những kẻ thù của nước Mỹ và những nỗ lực của ông để đánh bại những kẻ khủng bố trên toàn thế giới”.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.020 người từ ngày 7-11.12.2017. Đồ họa: AP.
Trump cũng sẽ nêu đậm nét kế hoạch thuế của mình trong bài phát biểu và nhấn mạnh mức tăng kỷ lục của thị trường chứng khoán trong năm đầu nhiệm kỳ của ông.
Ngoài trọng tâm tiếp theo là thương mại, tổng thống khẳng định rằng bài phát biểu cũng sẽ nhấn mạnh vào DACA, chương trình có từ thời cựu Tổng thống Obama nhằm bảo vệ thanh niên nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp.
Tại buổi họp báo hôm 29.1, Sanders nói rằng cô không muốn làm hỏng bài phát biểu bằng việc đưa ra quá nhiều chi tiết. “Đây rõ ràng là sự kiện phải theo dõi qua truyền hình”, phát ngôn viên của ông Trump tuyên bố.
Theo Hoa Hạ (Zing)
Người Triều Tiên đào tẩu được Trump ca ngợi trong Thông điệp Liên bang
Tổng thống Mỹ ca ngợi sự hy sinh to lớn của một người Triều Tiên đào tẩu khi đọc Thông điệp Liên bang sáng nay.
Ji Seong-ho giơ nạng gỗ khi được ông Trump nhắc tới khi phát biểu Thông điệp Liên bang. Ảnh: AFP.
Ji Seong-ho, 36 tuổi, người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Seoul, Hàn Quốc, đã được mời tới nghe Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang tối ngày 30.12 ở thủ đô Washington, theo Vox.
Trong bài phát biểu, ông Trump dành một đoạn dài kể về những nỗ lực vươn tới tự do của Seong-ho. Tổng thống Mỹ cho rằng Seong-ho "đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người" và "là minh chứng cho khát vọng sống tự do trong lòng mỗi người".
Năm 1996, Seong-ho vì quá đói nên định ăn cắp than trên tàu hỏa để đổi lấy thức ăn. Tuy nhiên, cậu thiếu niên 14 tuổi ngất xỉu vì kiệt sức khi đến chỗ đường ray và bị tàu hỏa cán đứt hai chân, mất một tay trái, theo Guardian.
Không ai giúp đỡ, Seong-ho lết người đến bệnh viện và cắn răng nhịn đau để bác sĩ cắt chi vì bệnh viện không có thuốc mê. Cuộc phẫu thuật dài 4,5 tiếng. Cậu mất hơn 10 tháng để hồi phục và luôn trách bố, một đảng viên đảng Lao động Triều Tiên, vì đã để gia đình đói ăn.
Sau đó, Seong-ho chống nạn vượt biên sang Trung Quốc tìm thức ăn. Khi trở lại, cậu bị tra tấn mà không hiểu tại sao. Cuối cùng, Seong-ho nhận ra mình cần phải chạy trốn nếu muốn "được đối xử như con người". Năm 2006, cậu và người nhà vượt sông Đồ Môn sang biên giới Trung Quốc. Trong quá trình đào tẩu, bố của Seong-ho bị bắt giữ và tra tấn tới chết.
Seong-ho ổn định cuộc sống ở Seoul và tốt nghiệp cử nhân Luật học, đại học Dongguk ở Hàn Quốc. Năm 2010, anh sáng lập tổ chức NAUH chuyên giúp đỡ người Triều Tiên đào tẩu và muốn đào tẩu.
Theo đánh giá của Trung tâm Vì sự Tiến bộ Mỹ, một tổ chức nghiên cứu chính sách công có trụ sở tại thủ đô Washington, ông Trump ca ngợi những nỗ lực vươn lên hoàn cảnh để được "sống tự do" của Seong-ho, nhưng lời ngợi khen mâu thuẫn với chính sách mà ông đã ban hành hồi tháng 9/2017. Theo đó, chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ cấm những công dân đến từ Triều Tiên như Seong-ho nhập cảnh vào Mỹ, trong sắc lệnh cấm nhập cảnh mở rộng với 8 nước.
Hồi đầu tuần, chính quyền của ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục "tiếp nhận" người tị nạn từ 11 quốc gia từng bị coi là "có nguy cơ cao" theo đánh giá cảnh báo về an ninh quốc gia, nhưng vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp an ninh đối với những quốc gia này và xem xét "kỹ lưỡng" đơn xin tị nạn của từng cá nhân.
Từ thời điểm ông Trump lên nắm quyền tổng thống hôm 20.1.2017 tới cuối năm 2017, chính quyền Mỹ chỉ tiếp nhận 29.022 người tị nạn, con số thấp nhất kể từ năm 2002 tới nay.
Còn theo hãng tin Mỹ Vox, phần phát biểu của ông Trump về Seong-ho là "đoạn đáng sợ nhất trong bài phát biểu liên bang", vì "ông nói tới Triều Tiên như cựu tổng thống George W.Bush từng nói về Saddam Hussein và Iraq". Năm 2002, ông Bush từng gọi Iran, Iraq và Triều Tiên là "trục ma quỷ"; tuyên bố chính quyền Saddam Hussein là mối đe dọa cận kề nước Mỹ và sau đó phát động cuộc chiến tại Iraq.
"Phát biểu của ông Trump về Triều Tiên như một lời cảnh báo đầy bất an. Đây là cách mà các tổng thống Mỹ thường làm khi muốn tạo cớ gây chiến", cây bút Zack Beauchamp bình luận.
Theo Hồng Hạnh (Vnexpress)
Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang đầu tiên Sáng nay 31/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu Thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái. Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters) Bài phát biểu dự kiến bắt đầu từ 9h10 tối ngày thứ Ba giờ địa phương, tức 9h10 sáng nay giờ Việt Nam. Bài phát biểu...