Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, địa chấn Trung Đông, Nga thất vọng
Truyền hình nhà nước Iran ngày 8.5 đưa tin, quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là “bất hợp pháp, không chính đáng và làm suy yếu các thỏa thuận quốc tế”.
Trong bài phát biểu chiều 8.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Iran đang tiếp tục hỗ trợ khủng bố, kích động bạo lực trên khắp khu vực Trung Đông và nguy hiểm nhất là nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông Trump cho rằng, thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5 1 dưới thời chính quyền Tổng thống Obama là một thảm họa, không mang lại hiệu quả thực sự, không mang lại hòa bình cũng như ổn định cho khu vực. Việc Mỹ đồng ý theo đuổi thỏa thuận trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông. Chính vì thế, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran:
“Hôm nay, tôi tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngay sau đây, tôi sẽ ký bản ghi nhớ để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Chúng tôi sẽ thực hiện trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất”.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày cho rằng, Tổng thống Trump đã đưa ra một quyết định đúng đắn và dũng cảm về việc rút khỏi JCPOA, mà ông cho đó là “một biện pháp dẫn đến thảm họa”.
Nhà lãnh đạo Israel, người đã kêu gọi JCPOA cần được sửa đổi hoặc bị hủy bỏ, đã đưa ra bình luận này sau khi Tổng thống Trump công bố quyết định nói trên trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng. Bên cạnh đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini bày tỏ hy vọng rằng phần còn lại của cộng đồng quốc tế tiếp tục thực hiện JCPOA sau quyết định trên của ông Trump.
Video đang HOT
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 8.5, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ “vô cùng thất vọng” trước quyết định cùng ngày của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Không có và không thể có cơ sở để phá vỡ JCPOA. Kế hoạch đã cho thấy sự hiệu quả hoàn toàn. Mỹ đang hủy hoại niềm tin quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)”.
Bên cạnh đó, bộ trên cũng khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương với Tehran. Cùng ngày, hãng tin RIA dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga Yevgeny Serebrennikov cho biết, quyết định của Tổng thống Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran đã tạo ra hoài nghi về tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8.5 cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là “sai lầm”. Trong một tuyên bố, ông Obama bày tỏ: “Tôi tin rằng quyết định nói trên đặt JCPOA vào tình trạng nguy hiểm mặc dù không có bất cứ vi phạm thỏa thuận nào về phía Iran, là một sai lầm nghiêm trọng”. Dưới thời cựu Tổng thống Obama, JCPOA đã đạt được vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ và Đức).
Theo Danviet
Iran biết cách để không mắc mưu Mỹ
Iran biết là nếu "ăn miếng trả miếng" với Mỹ, cũng rút khỏi thỏa thuận, sẽ mắc mưu của Mỹ. Như vậy, nhìn vào sẽ thấy không chỉ Mỹ mà cả Iran đang xé bỏ thỏa thuận hạt nhân, cựu Đại sứ Việt Nam tại Iran, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch đánh giá khi trao đổi với Dân Việt.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Thưa ông, Mỹ tuyên bố rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, ý nghĩa của quyết định này như thế nào và ông dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Đây là quyết định mà các nước đều cho là đáng tiếc. Sau phát biểu của Tổng thống Mỹ, các chính trị gia phương Tây đã lên tiếng và đều thống nhất cho rằng đây là quyết định đáng tiếc. Như chúng ta biết ngay cả các đồng minh của Mỹ và cả nhiều chính trị gia củ Mỹ hơn 2 năm qua can ngăn Tổng thống Mỹ D. Trump nhưng đến giờ thì họ không thể can ngăn thêm được nữa. Như vậy, ít nhất quyết định này đi ngược lại ý chí của đại đa số trong cộng đồng quốc tế. Tổng thống Trump giải thích rằng ông quyết tâm thực hiện điều ông đã hứa với cử tri Mỹ. Thực ra Tổng thống Trump thắng cử nhờ thắng phiếu Đại cử tri chứ không nhận được phiếu của đại đa số người dân Mỹ. Hơn nữa, trong số những phiếu ông nhận được có phải là người ta đã bỏ phiếu cho việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân không. Nhiều người tin là không. Vậy đấy là điều ông muốn hay đấy là điều cử trị muốn và ông thực hiện vẫn còn là một câu hỏi.
Chưa biết quyết định này được cho ai nhưng mất thì thấy rõ. Giới doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp Tây Âu đang làm ăn với Iran sẽ bị trói chân trói tay. Về kinh tế làm ăn với Iran sẽ khó khăn hơn. Còn về chính trị, không nghi ngờ gì là không khí căng thẳng sẽ bao trùm lên Trung Đông.
Iran không rút khỏi thỏa thuận để tránh mắc bẫy của Mỹ là cùng xé bỏ thỏa thuận, nhưng sẽ tìm cách khác để "trả đũa" Mỹ. Cách người ta có thể hình dung được là tăng cường hỗ trợ các phong trào/lực lượng chống Mỹ và Israel. Tình hình Trung Đông đã căng sẽ còn tiếp tục căng hơn nữa. Nếu Tổng thống Trump muốn cấm vận chống đất nước ông cho là hỗ trợ khủng bố nhiều nhất, việc ông làm lại chính là làm tăng sự hỗ trợ đó.
Các cuộc chiến "ủy nhiệm" (từ chuyên môn cho cuộc chiến qua tay người khác) sẽ càng căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria, Yemen và có thể lan sang cả Li băng. Xung đột Palestine và Isarel cũng sẽ nóng hơn khi phe Hamas càng có lý do để không tin vào giải pháp chính trị cho xung đột.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch là Đại sứ Việt Nam tại Iran vừa kết thúc nhiệm kỳ.
Thưa ông, trước khi có tuyên bố chính thức của Tổng thống Trump, Iran cũng đã lường trước được kịch bản này, đồng thời cho biết sẽ ở lại thoả thuận và đe doạ sẽ trả đũa Mỹ. Vì sao Iran lại quyết định như vậy?
Như trên tôi đã nói Iran biết là nếu "ăn miếng trả miếng" với Mỹ, cũng rút khỏi thỏa thuận, sẽ mắc mưu của Mỹ. Như vậy, nhìn vào sẽ thấy không chỉ Mỹ mà cả Iran đang xé bỏ thỏa thuận. Tuyên bố của Tổng thống Rouhani ngay sau khi ông Trump phát biểu là rất khéo léo. Iran tuyên bố "sẽ duy trì thỏa thuận có điều kiện" tức là Iran vẫn duy trì nhưng để ngỏ khả năng rút khỏi thỏa thuận khi cần thiết.
Theo đánh giá của ông, Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, Nga sẽ được hưởng lợi gì?
Thực ra việc Mỹ rút chỉ làm cho người ta thấy Mỹ không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế; Mỹ mất uy tín của mình như một thành viên trong cộng đồng quốc tế. Mỹ mất uy tín không có nghĩa là các đối thủ của Mỹ trong "cuộc chơi" này sẽ được. Nga hay Trung Quốc, Tây Âu vẫn duy trì cam kết của mình với thỏa thuận sẽ vẫn duy trì uy tín như trước khi có tuyên bố của ông Trump. Các diễn biến tiếp theo, chính sách của các nước đối với tình hình mới sẽ xác định vị trí của họ tại Trung Đông. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chưa nói lên được gì về sự thay đổi vị trí của các nước trong "bàn cờ" khu vực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Danviet
Trump thông qua Iran để bắn 'mũi tên chí tử' đến Triều Tiên Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 8.5 tuyên bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn một thỏa thuận hạt nhân "thật sự" với Triều Tiên. Đây là một thông điệp được chuyển tải thông qua quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên dự kiến gặp nhau...