Trump làm Lầu Năm Góc quay cuồng với những tuyên bố bất ngờ
Quân đội Mỹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi Trump liên tục có những tuyên bố dường như bột phát về Triều Tiên hay Venezuela.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Sau những tuyên bố gay gắt về khả năng can thiệp quân sự ở Triều Tiên, các quan chức Lầu Năm Góc cuối tuần trước lại phải đón nhận một tin chấn động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước máy quay và nói rằng Mỹ cân nhắc lựa chọn quân sự nếu cần thiết để phản ứng với Venezuela, sau khi nhà lãnh đạo nước này thay quốc hội do phe đối lập chi phối bằng một hội đồng lập hiến mới gồm nhiều người ủng hộ ông.
Tuyên bố này dường như khiến các nhân viên Lầu Năm Góc bất ngờ. Họ sau đó nhấn mạnh với truyền thông rằng Bộ chỉ huy miền Nam chưa nhận được bất kỳ lệnh nào về Venezuela.
Tuần này, sau khi cuộc tuần hành của những người ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hôm 12/8 biến thành bạo lực, gây chết người ở Charlottesville, Virginia, ông Trump đã bị chỉ trích vì trong tuyên bố ban đầu, ông không chỉ trích thẳng những người theo chủ nghĩa đó. Ông nói rằng lỗi do nhiều bên, ngụ ý rằng những người cánh tả phản đối cuộc tuần hành cũng có lỗi.
Tuy không trực tiếp nhận xét về bình luận của Tổng thống Mỹ, các lãnh đạo quân sự hàng đầu đã đưa ra các tuyên bố chỉ trích nạn phân biệt chủng tộc. Đây là một động thái hiếm thấy vì Lầu Năm Góc thường tách biệt mình khỏi chính trị.
Trump tuần trước khiến thế giới đổ dồn chú ý khi ông tuyên bố sẽ trút “lửa giận” lên Kim Jong-un nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa Mỹ với chương trình tên lửa đạn đạo. Ông sau đó còn nhấn mạnh lựa chọn quân sự “đã khóa mục tiêu và lên nòng”.
Không rõ Trump đã bàn luận thông điệp của mình với Lầu Năm Góc cẩn thận đến mức nào. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning nói rằng chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis “tiếp xúc gần gũi với Tổng thống”, theo AFP.
Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson sau đó viết một bài xã luận để xoa dịu tình hình, nói rằng Mỹ “không quan tâm” đến việc thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng và nhấn mạnh các giải pháp ngoại giao.
Trump còn làm quân đội bất ngờ vào tháng trước khi ông viết trên Twitter rằng ông quyết định bỏ chính sách của Obama là cho phép người chuyển giới nhập ngũ.
Thông báo của Trump được đưa ra khi Mattis đang đi nghỉ, các quan chức thậm chí không thể nói chắc chắn liệu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có biết trước quyết định của Trump không.
Video đang HOT
Một số quan chức quân sự cấp cao sau đó bày tỏ lo lắng về việc thay đổi chính sách. Người đứng đầu lực lượng tuần duyên Mỹ khẳng định ông sẽ giữ niềm tin vào các binh sĩ chuyển giới.
Cây bút Thomas Watkins của AFP nhận xét những thông báo có vẻ bột phát của Trump đã đẩy Mattis vào thế khó. Ông không muốn mâu thuẫn với cấp trên nhưng cũng đồng thời phải trấn an những người lo lắng về thông điệp của Trump. (Chính sách với người chuyển giới từ thời Obama hiện vẫn còn hiệu lực).
Việc Trump sẵn sàng phá vỡ các quy tắc của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khi ra tuyên bố khiến một số nhà quan sát băn khoăn. Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia của tổng thống Mỹ thường phối hợp chặt chẽ khi cần thông báo về chính sách, đặc biệt là khi bàn về hành động quân sự.
John Hannah, cựu cố vấn của phó tổng thống Dick Cheney, nói rằng không rõ các tuyên bố về an ninh quốc gia của Trump là một phần trong chiến lược được cân nhắc cẩn thận, “hay là những lời lẽ bột phát của một tay mơ trong chính sách đối ngoại không chịu theo khuôn phép”.
Theo Hannah, không rõ liệu có phải Trump đã tạo ra mớ hỗn độn khiến Mattis và Tillerson phải vất vả “dọn dẹp”, hay liệu các tuyên bố khoa trương và sự khó lường của ông thực sự tạo ra đòn bẩy để gây sức ép với đối phương và đồng minh.
Lauren Fish, tại trung tâm An ninh Mỹ mới nói rằng một phần của vấn đề là Trump vẫn chưa quen với cách chính quyền hoạt động.
“Điều mới mẻ với ông ấy là Lầu Năm Góc không phải là việc làm ăn của gia đình, một dòng tweet hay bình luận chóng vánh không thể thay đổi toàn bộ tình hình”.
Phương Vũ
Theo VNE
Bộ ngoại giao Mỹ bị 'ra rìa' trong căng thẳng với Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Mỹ đang mất đi tiếng nói ảnh hưởng tới chính quyền Trump trong các quyết sách quan trọng, đặc biệt về vấn đề Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) dường như không nhận được sự tôn trọng của Nhà Trắng dù ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump. Ảnh minh họa: AFP.
Hơn 7 tháng sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đương đầu với một cuộc khủng hoảng ngoại giao đầu tiên thực sự và phần lớn do chính quyền ông tự gây ra. Thách thức từ chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên vẫn là nỗi nhức nhối của Mỹ trong hơn một thấp kỷ qua nhưng chính Trump đã biến nó thành mối nguy khẩn cấp toàn cầu chỉ bằng vài phát ngôn cứng rắn ông đưa ra, theo Guardian.
Ông chủ Nhà Trắng hôm 8/8 khiến các trợ lý, cố vấn trở tay không kịp khi bất ngờ buông lời cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ hứng "hỏa lực và thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến" nếu tiếp tục đe dọa Mỹ. Chỉ vài giờ sau cảnh báo từ Trump, Triều Tiên đáp trả bằng lời đe dọa phóng tên lửa tấn công vùng biển xung quanh đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Hôm 11/8, trước những lời kêu gọi giảm các phát ngôn hiếu chiến, ông đã làm ngược lại bằng cách biến một vấn đề địa chính trị gai góc thành "cuộc khẩu chiến" cá nhân với lãnh đạo Triều Tiên khi cảnh báo tiếp rằng ông Kim Jong-un sẽ phải "hối tiếc thực sự" nếu tấn công Guam hay các lãnh thổ khác của Mỹ hay các đồng minh với Mỹ.
Khủng hoảng niềm tin
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của Bộ Ngoại giao Mỹ là bảo đảm các cuộc khủng hoảng toàn cầu không bùng phát thành chiến tranh, nhưng cơ quan này hiện vẫn phải xoay xở ứng phó với cuộc khủng hoảng sống còn của riêng nó, cây bút Julian Borger từ Guardian nhận định.
Nhà Trắng dưới thời Trump đã kêu gọi cắt giảm 1/3 ngân sách ở Bộ Ngoại giao và đưa ông Rex Tillerson, một cựu lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu khí, lên nắm quyền bộ này. Nhưng suốt thời gian qua, Tillerson dường như không mấy quan tâm tới việc rút kinh nghiệm và phân tích từ những cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài.
Các quan chức ngoại giao Mỹ cho biết họ liên tục gửi các giác thư, báo cáo, đề nghị khẩn cấp về cho cho bộ máy lãnh đạo ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại tầng 7, tòa nhà Harry S. Truman, Washington D.C. Tuy nhiên, họ hiếm khi nhận được phản hồi và thậm chí, ngay cả những thông điệp thường lệ mà Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển tới các chính phủ nước ngoài thông qua các cơ quan đại sứ, lãnh sự quán Mỹ cũng không được gửi đi.
Tillerson đánh mất niềm tin ở nhân viên cấp dưới vì không lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Bộ Ngoại giao khi ông ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về ngân sách hoạt động của bộ cho năm tài khóa 2018 dù ông có cơ hội đối chất với các thượng nghị sĩ. Nhiều người trong số này ủng hộ ông.
Lợi thế của Tillerson là ông dễ dàng tiếp cận với Tổng thống Mỹ. Ông đã ăn trưa với Tổng thống Trump ở Nhà Trắng nhiều lần hơn bất cứ bộ trưởng nào khác nhưng sự tiếp cận này rõ ràng không giúp ông nhận được sự tôn trọng.
Nhiều đề nghị bổ nhiệm nhân sự của ông cho các chức danh cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao không được ban chính trị Nhà Trắng thông qua vì họ đều bị đánh giá là không đủ tận tâm cho chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" mà Tổng thống Trump đề ra.
Bị xem thường
Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng liên quan đến Triều Tiên hồi tuần trước, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump lắng nghe bất kỳ lời khuyên nào từ Bộ Ngoại giao hay thảo luận các phương án quân sự riêng với Ngoại trưởng Tillerson. Giới chuyên gia nhận định điều này cho thấy tiếng nói từ Bộ Ngoại giao không được Tổng thống Mỹ coi trọng.
Mối bất đồng giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao càng được thể hiện rõ nét vào hôm 10/8. Sau khi ông Trump đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson đã tìm cách chữa cháy bằng việc bảo đảm rằng người Mỹ có thể "ngủ ngon giấc" vì xung đột sẽ không xảy ra.
"Có rất nhiều chỉ dấu chung cho thấy Nhà Trắng liên tục tìm cách hạ thấp và gạt Bộ Ngoại giao ra rìa trong các cuộc thảo luận chính sách liên ngành", Thomas Countryman, người từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí, cho hay. "Điều này khiến tôi cực kỳ lo lắng. Nó chỉ khiến mọi thứ khó khăn hơn nếu chúng ta thực sự dấn thân vào cuộc đối đầu quân sự với Triều Tiên. Bạn cần Bộ Ngoại giao ở vào vị trí sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng".
Tình hình càng thêm tệ hơn khi Tổng thống Trump ngày 10/8 bất ngờ cảm ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã giúp ông tiết kiệm được ngân sách khi yêu cầu Mỹ cắt giảm nhân viên ngoại giao ở Nga. Trước đó, hồi cuối tháng 7, ông Putin đã yêu cầu Mỹ phải cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao ở Nga nhưng Nhà Trắng hoàn toàn im lặng.
Các quan chức Nhà Trắng sau đó giải thích rằng Tổng thống Trump chẳng qua muốn châm biến người đồng cấp Nga.
"Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, tôi thấy thật đau xót khi những nhà ngoại giao chuyên nghiệp tuyệt vời của chúng ta lại bị đối xử theo kiểu thiếu tôn trọng như vậy từ Tổng thống", Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, chia sẻ.
Moira Whelan, một nhà ngoại giao kỳ cựu khác, viết trên Twitter: "Rất nhiều nhân viên ngoại giao mà tôi biết đang làm việc ngoài chuyên môn nhiều hơn, chẳng hạn như tân trang nhà cửa. Họ không bận rộn với công việc nhà nước nên họ có thời gian tìm kiếm niềm hạnh phúc ở nơi khác".
Chưa sẵn sàng ứng phó khủng hoảng
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AP.
Hôm 11/8, khi ông Trump tuyên bố các giải pháp quân sự cho những vấn đề của Triều Tiên đã "khóa và lên nòng", Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được cho là đã thiết lập được kênh ngoại giao không chính thức với các quan chức Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc.
Joseph Yun, đặc sứ Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên kiêm phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Hàn Quốc và Nhật Bản, đã trao đổi với ông Pak Song-il, một nhà ngoại giao cấp cao thuộc phái bộ Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, về những công dân Mỹ đang bị Triều Tiên giam giữ và về các vấn đề rộng hơn giữa hai nước.
Tuy nhiên, dường như cả hai bên đã ngừng trao đổi kể từ khi cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim Jong-un bùng phát trở lại. Giới chuyên gia đánh giá việc Tổng thống Mỹ không coi trọng Bộ Ngoại giao cũng có thể khiến người Triều Tiên cảm thấy không tin tưởng vào quyền lực của cơ quan này.
Max Bergmann, cựu quan chức cấp cao thuộc ban tham mưu hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét tình trạng trống rỗng quyền lực bên trong Bộ Ngoại giao "làm gia tăng mối nguy hiểm hiện nay vì không ai đủ tin cậy để phát ngôn thay mặt Tổng thống ngoài bản thân ông ấy".
"Điều này có nghĩa người Triều Tiên sẽ phớt lờ những gì Bộ Ngoại giao Mỹ nói và sẽ chuyển hướng sang nghe ngóng những người có quyền lực phát động chiến tranh, bao gồm Tổng thống và quân đội Mỹ", ông Bergmann nhấn mạnh. "Điều đó sẽ đặt quân đội Mỹ vào tình thế cực kỳ lúng túng vì họ không phải là những nhà ngoại giao và được huấn luyện để luôn thể hiện sự dứt khoát. Nhưng việc họ hưởng ứng lời hô hào từ Tổng thống trong trường hợp này có thể dẫn Triều Tiên đến một tính toán sai lầm bi thảm".
Vì chính quyền Mỹ tự ý hành động và xem thường Bộ ngoại giao nên rõ ràng "Mỹ chưa được chuẩn bị đầy đủ về mặt ngoại giao để ứng phó cuộc khủng hoảng này", Bergmann bình luận.
Hồng Vân
Theo VNE
Ngoại trưởng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên Ông Rex Tillerson tuyên bố Mỹ tiếp tục muốn đối thoại với Triều Tiên, khi cả hai bên dường như đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ảnh: NBCNews. "Chúng tôi tiếp tục muốn tìm cách đối thoại nhưng điều đó phụ thuộc vào ông ấy", Reuters dẫn lời ông Tillerson hôm 15/8 nói, ý chỉ lãnh đạo Kim...