Trump có thể bị đồng minh quay lưng trong bão luận tội
Gordon Sondland, đại sứ trung thành của Trump, đang đứng trước áp lực từ bỏ Tổng thống để tự cứu chính mình.
Sondland, đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU), dự kiến ra làm chứng trước Hạ viện trong phiên điều trần luận tội Tổng thống Donald Trump lần thứ hai được truyền hình trực tiếp trên truyền hình vào ngày 20/11.
Trong phiên điều trần này, Sondland chắc chắn sẽ đối diện với những câu hỏi liên quan đến thông tin gây chấn động nhất được tiết lộ tuần trước: Cuộc điện thoại từ Ukraine mà ông gọi cho Trump hồi tháng 7. Các nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy trong cuộc điện thoại này, ông chủ Nhà Trắng đã hỏi về cuộc điều tra một đối thủ chính trị. Sondland bị cáo buộc đã đảm bảo với Trump rằng cuộc điều tra sẽ diễn ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hồi tháng một. Ảnh: Reuters.
Đại sứ Mỹ Sondland không đề cập tới cuộc gọi trên trong lời khai với các ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ trong những lần hỏi đáp kín trước đây, cũng như trong tuyên bố được đưa ra ba tuần sau đó, thừa nhận có sự thỏa hiệp giữa chính quyền Trump và Ukraine liên quan tới gói viện trợ quân sự 400 triệu USD Washington định cấp cho Kiev. Giờ đây, trước máy quay và hàng triệu người xem truyền hình, ông sẽ phải trả lời “Vì sao?”
Trong lúc tìm câu trả lời phù hợp, Sondland có thể tính tới số phận của những quan chức từng rất thân cận với Tổng thống Trump nhưng đã sụp đổ: Cựu luật sư Michael Cohen và cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort hiện đều ngồi sau song sắt, còn cố vấn lâu năm Roger Stone tuần trước bị kết án 7 tội danh, gồm nói dối, cản trở quốc hội và mua chuộc nhân chứng.
“Này Đại sứ Sondland, Roger Stone nói dối trước quốc hội vì Trump và giờ bị tống vào tù. Giống như luật sư và quản lý chiến dịch tranh cử của ông ấy. Ông sẽ là người tiếp theo chứ? Do ông lựa chọn cả, Gordy”, cựu nghị sĩ quốc hội Mỹ Joe Scarborough viết trên Twitter.
Tuần trước, tại phiên điều trần công khai đầu tiên về cuộc điều tra luận tội Trump, ba quan chức hàng đầu gồm Bill Taylor, George Kent and Marie Yovanovitch đã cung cấp những thông tin gây sốc về cách Trump loại các nhà ngoại giao Mỹ sang một bên để thiết lập kênh liên lạc bất thường nhằm mua chuộc Ukraine đồng thời gia tăng cơ hội thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm sau.
Trump vẫn kiên quyết khẳng định ông không làm điều gì sai, song đã xuất hiện những vết nứt trên bức tường phòng thủ do phe Cộng hòa và truyền thông bảo thủ dựng lên, giới quan sát đánh giá.
Lời khai của Sondland được dự đoán sẽ gây rung chuyển Washington. Sondland, một ông chủ khách sạn kiêm nhà gây quỹ ủng hộ đảng Cộng hòa, từng có mối quan hệ gắn bó với Trump trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016. Sondland ủng hộ một triệu USD cho ủy ban nhậm chức của Trump và được chỉ định làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và chuyển tới Brussels, Bỉ, hồi năm ngoái.
Video đang HOT
Ngày 10/7, một cuộc họp tại Nhà Trắng với các quan chức Ukraine kết thúc đột ngột sau khi Sondland nói ông đã có thỏa thuận với quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ được gặp Trump nếu Kiev đồng ý mở các cuộc điều tra.
John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc bấy giờ, tỏ ra bất ngờ. “Tôi chưa bao giờ là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào mà Sondland và Mulvaney đang dựng lên”, ông nói.
Viện trợ quân sự của Mỹ tới Ukraine từ đó bị đóng băng. Ngày 25/7, Trump điện đàm với Zelenskiy và được cho là đã thúc giục Tổng thống Ukraine giúp thu thập thông tin có khả năng gây bất lợi cho cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ngày 26/7, Trump nói chuyện qua điện thoại với Sondland khi đại sứ Mỹ đang ở một nhà hàng tại Kiev. Tuần trước, Đại sứ Mỹ ở Ukraine Bill Taylor khai trước Hạ viện rằng một nhân viên của ông đã nghe được cuộc đối thoại, ở đó Trump đề cập tới “các cuộc điều tra”.
Sau cuộc gọi, người này đã hỏi Sondland về ý định của Trump với Ukraine. “Đại sứ Sondland trả lời rằng Tổng thống Trump quan tâm nhiều hơn tới cuộc điều tra Biden, thứ đang được luật sư riêng của ông, Rudy Giuliani, thúc đẩy”, Taylor cho hay.
Phe Cộng hòa cho rằng lời khai của Taylor không khác gì một tin đồn vô căn cứ, còn Trump khẳng định với các phóng viên rằng ông “không biết gì” về bất cứ cuộc gọi nào với Sondland. Nhân viên được Taylor dẫn lời là David Holmes, người đã làm chứng riêng hôm 15/11.
Lời khai của Holmes cho biết Sondland nói với Trump rằng Zelenskiy vô cùng yêu quý ông. Rồi Tổng thống Trump hỏi “Ông ấy sẽ điều tra chứ?”, Đại sứ Sondland trả lời “Ông ấy sẽ làm vậy” và thêm rằng Tổng thống Zelenskiy “sẽ làm mọi điều ngài yêu cầu”.
Trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang tìm cách tuyên bố các lời khai này là thông tin thứ cấp không đáng tin cậy, đảng Dân chủ được dự đoán chắc chắn sẽ thúc ép Sondland khai về cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Trump và hỏi xem vì sao ông không đề cập nó trước đây.
“Tôi nghĩ lời khai của Sondland là vô cùng quan trọng, bởi nếu nhìn vào lần xuất hiện gần đây nhất của ông ấy trước ủy ban, có vẻ như Sondland đã giữ lại ít nhiều thông tin. Ông ấy khẳng định không nhớ gì về những cuộc đối thoại không thể quên được”, Matthew Miller, cựu phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ, bình luận.
Sondland nói ông chưa từng thảo luận về cuộc điều tra Biden với bất kỳ ai ở Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao, Miller lưu ý. “Giờ đây, chúng ta có thông tin về một cuộc đối thoại khi ông ấy ngắt điện thoại và nói với một nhân viên rằng Biden là yếu tố quan trọng nhất. Nếu thông tin này là chính xác, ông ấy rõ ràng đã nói dối ủy ban”.
Theo Miller, Sondland sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu vẫn tiếp tục “trung thành mù quáng” với Trump, thậm chí có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự.
“Trong cuộc điều tra của Mueller về nghi vấn Nga thông đồng với chiến dịch của Trump can thiệp bầu cử Mỹ, có không ít nhân chứng tin rằng họ sẽ thoát tội nếu tiếp tục trung thành với Trump”, Miller nói. “Paul Manafort và Michael Cohen đang ngồi tù và Roger Stone vừa bị tuyên án. Đây là một canh bạc khá mạo hiểm”.
Theo Vũ Hoàng (VNE)
Người đầu tiên ra làm chứng chống lại Tổng thống Trump nói gì?
Theo lời khai của ông Vindman, sau khi nghe được cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, ông thực sự quan ngại và 2 lần báo cáo điều này với luật sư trưởng NSC.
Sĩ quan quân đội làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), người hai lần nêu lên mối quan ngại về nỗ lực của chính quyền Trump thúc ép Ukraine điều tra ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, mặc quân phục đến Đồi Capitol để làm chứng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ hôm 29/10.
Alexander Vindman, trung tá từng phục vụ tại Iraq và sau đó trở thành nhà ngoại giao, sẵn sàng nói với các nhà điều tra Hạ viện rằng ông đã nghe được cuộc điện đàm ngày 25/7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và báo cáo mối quan ngại của mình với luật sư trưởng của NSC - theo lời khai chuẩn bị trước cho phiên điều trần.
Sự xuất hiện của ông trong bộ quân phục màu xanh đen cùng với huy chương tạo nên một hình ảnh nổi bật khi ông bước vào tòa nhà Quốc hội.
Trung tá Alexander Vindman bước vào tòa nhà Quốc hội với bộ quân phục. (Ảnh: AP)
Theo lời khai mà AP nhận được vào tối ngày 28/10, ông Vindman nói: " Tôi đã quan tâm đến cuộc gọi đó. Tôi không nghĩ rằng việc yêu cầu một chính phủ nước ngoài điều tra công dân Mỹ là đúng đắn và tôi lo lắng về những tác động đến sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ đối với Ukraine".
Ông Vindman là quan chức đầu tiên quyết định nghe theo lời kêu gọi ra làm chứng, trong bối cảnh mà cuộc điều tra luận tội đã tiến sâu hơn vào chính quyền Trump và đảng Dân chủ đang chuẩn bị cho giai đoạn lấy ý kiến công khai tiếp theo. Ông cũng là quan chức Nhà Trắng đầu tiên xuất hiện trước hội đồng luận tội tính đến thời điểm hiện tại.
Cuộc điều tra đang xem xét cáo buộc cho rằng ông Trump đã yêu cầu nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tạo điều kiện, hỗ trợ điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người có thể là đối thủ hàng đầu của ông từ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2020. Điều này, theo đảng Dân chủ, là một hành vi vi hiến không thể chối cãi.
Trung tá Vindman lần đầu báo cáo những lo ngại của mình sau cuộc họp ngày 10/7, trong đó Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine điều tra cuộc bầu cử năm 2016 cũng như Burisma, công ty Ukraine có mối liên hệ với gia đình của ông Biden.
Bản khai chuẩn bị trước của ông Alexander Vindman. (Ảnh: AP)
Ông Vindman cho biết ông nói với Đại sứ Sondland: " Những tuyên bố cho rằng việc yêu cầu điều tra Biden và con trai ông ấy không liên quan gì đến an ninh quốc gia, và những cuộc điều tra như vậy không phải là điều mà NSC sẽ tham gia hoặc thúc đẩy, là không phù hợp".
Điều này trái ngược với lời khai của ông Sondland, một doanh nhân giàu có, người từng quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump và làm chứng trước các nhà điều tra luận tội rằng không ai từ NSC " từng bày tỏ bất kỳ mối lo ngại nào". Ông Sondland cũng tuyên bố rằng, ông không nhận ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa Biden và Burisma.
Về cuộc điện đàm giữa các ông Trump và Zelensky, Trung tá Vindman nói ông nghe từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng cùng các đồng nghiệp từ NSC và văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence và thực sự quan ngại. Ông cho biết, sau đó ông một lần nữa báo cáo mối quan ngại của mình với luật sư trưởng của NSC.
Trong lời khai của ông Vindman có đoạn: " Tôi nhận ra rằng nếu Ukraine theo đuổi một cuộc điều tra về Biden và Burisma, thì nó có thể được hiểu là một trò chơi đảng phái, chắc chắn sẽ dẫn đến việc Ukraine mất đi sự hỗ trợ lưỡng đảng mà đến nay vẫn được duy trì. Tất cả những điều này sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ".
(Nguồn: AP)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Foreign Policy: TT Trump đòi Nhật Bản 8 tỷ USD để giữ lính Mỹ ở lại Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa yêu cầu Nhật Bản tăng gấp bốn lần chi phí hàng năm, lên 8 tỷ USD, cho lực lượng Mỹ đóng tại nước này. Động thái thể hiện nỗ lực của Mỹ nhằm ép các quốc gia đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng, theo tờ Foreign Policy. Yêu cầu gia tăng chi phí lên 8...