Trump – Biden ganh đua ở vành đai công nghiệp Mỹ
Trump và Biden ráo riết khai thác điểm yếu của nhau khi “chạy nước rút” vận động trước bầu cử tại ba bang vành đai công nghiệp vùng Trung Tây.
Trong bài phát biểu bên ngoài trụ sở công đoàn ngành sản xuất ô tô ở bang Michigan hôm 9/9, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã chỉ trích gay gắt vai trò quản lý kinh tế của đối thủ Donald Trump, khi cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ đã không thực hiện được lời hứa ngăn chặn tình trạng mất việc và thuê gia công. Biden đã đề xuất phạt công ty Mỹ chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài và sau đó mang sản phẩm trở lại tiêu thụ ở thị trường Mỹ.
“Tổng thống chắc giờ hy vọng chúng tôi không chú ý hoặc không nhớ những điều ông ấy từng nói. Ông ấy đã khiến nền kinh tế và cả đất nước chúng ta thất bại”, Biden nói.
Đáp lại, Trump hôm nay tổ chức sự kiện tranh cử ở một nhà chứa máy bay tại Freeland, bang Michigan. Ông đã phát sóng đoạn quảng cáo tại bang này nói rằng nền kinh tế “đang hồi sinh” và phác họa Biden là mối đe dọa cho tiến trình đó.
Những diễn biến này cho thấy hai ứng viên tổng thống Mỹ đang ganh đua quyết liệt để thuyết phục cử tri tại “ Vành đai Rỉ sét” (Rust Belt), thuật ngữ được dùng để chỉ các bang vùng Trung Tây Mỹ từng là những “cỗ máy công nghiệp” hùng mạnh của nước Mỹ nhưng chứng kiến tình trạng suy thoái từ năm 1980. Vành đai này bắt đầu ở vùng trung tâm bang New York, vắt qua các bang phía tây như Pennsylvania, Ohio, Maryland, Indiana và Michigan, kết thúc ở phía bắc Illinois, phía đông Iowa và đông nam Wisconsin.
Các khu vực nằm trên “Vành đai Rỉ sét” (màu cam) của nước Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Trump từng giành chiến thắng sát sao 0,3 điểm phần trăm trước đối thủ Hillary Clinton hồi năm 2016 tại bang Michigan, một phần trong đại thắng khu vực Thượng Trung Tây gây chấn động giúp đưa ông vào Nhà Trắng.
4 năm sau, ba bang thuộc Vành đai Rỉ sét gồm Michigan, Wisconsin và Pennylvania đã thu hút sự quan tâm của cả hai chiến dịch tranh cử. Hầu hết kết quả khảo sát cho thấy Biden dẫn trước Trump với khoảng cách không đáng kể ở cả ba bang. Cả hai ứng viên đều đang tập trung vào mối lo kinh tế ở khu vực này, triển khai nhiều chiến lược đầy rủi ro nhằm thu hút chú ý của cử tri vào chương trình nghị sự của mình.
Dù Biden đang xây dựng nền tảng kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc với cam kết đầu tư lớn cho ngành công nghiệp Mỹ, ông vẫn đối mặt với nhiều chỉ trích từ Trump và thậm chí thành viên Dân chủ vì từng ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cả hai thỏa thuận thương mại vấp phản đối của nhiều công đoàn Mỹ.
Trump từng hứa hẹn đưa việc làm ngành sản xuất về cho người Mỹ và cắt giảm nhiều hoạt động của các công ty đa quốc gia, nhưng kết quả thực tế không đạt được như kỳ vọng. Số việc làm ngành sản xuất ở Mỹ vẫn ở mức thấp so với nhiều chính quyền tiền nhiệm. Giới chỉ trích cho rằng đòn áp thuế của ông đã đẩy các công ty ra nước ngoài. Cuộc chiến tranh thương mại của ông với Trung Quốc cũng tàn phá cuộc sống của nông dân ở vùng Trung Tây.
Chuyến thăm hôm 9/9 là lần đầu tiên Biden tới Michigan kể từ khi nhận đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Ông đã có bài phát biểu tại Warren, hạt Macomb, nơi có truyền thống ủng hộ ứng viên Dân chủ như Ronald Reagan và Barack Obama, trước khi chuyển sang bầu cho Trump năm 2016.
Andy Levin, nghị sĩ Dân chủ bang Michigan, cho biết rất nhiều người ở hạt Macomb năm 2016 đã bỏ phiếu cho Trump vì lý do kinh tế. “Họ nói rằng ông ấy là tỷ phú đến từ New York, người đã kiếm được rất nhiều tiền và có thể giúp được họ, nên họ phải thử làm điều gì khác đi”, Levin nói. “Và giờ nhiều rất nhiều người bỏ phiếu phản đối Trump cũng vì lý do tương tự, bởi ông ấy không thực hiện được cam kết”.
Video đang HOT
Bài phát biểu của Biden nhấn mạnh vào chủ đề tương tự và được xem như “vũ khí sắc bén” nhất để đối phó với Trump, đồng thời chỉ trích Tổng thống vì bình luận bị cáo buộc khinh thường lính Mỹ tử trận và việc đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19.
Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên Dân chủ Joe Biden. Ảnh: CNN.
Song kinh tế vẫn là trọng tâm bài phát biểu của ông. Biden gọi chính sách thương mại của Trump là “liều lĩnh và hỗn loạn”, cáo buộc Tổng thống đẩy nước Mỹ vào cảnh suy thoái.
Biden đề xuất mức thuế phụ thu 10% để trừng phạt các công ty mang việc làm ngành sản xuất và dịch vụ ra nước ngoài, sau đó bán sản phẩm trở lại thị trường Mỹ. Ông cũng đề xuất mức tín dụng thuế 10% để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc làm trong nước và thúc đẩy nền kinh tế.
Thuế phụ thu sẽ áp dụng cho lợi nhuận mà các công ty có được từ kinh doanh sản phẩm và dịch vụ của Mỹ ở nước ngoài thay vì trong nước. Nó có thể dẫn tới mức thuế 30,8% đối với các lợi nhuận như vậy, theo chiến dịch của Biden.
“Tôi không muốn trừng phạt doanh nghiệp Mỹ. Nhưng có cách tốt hơn. Hãy làm điều đó ở Michigan. Hãy làm điều đó ở Mỹ”, Biden nói.
Kế hoạch của cựu phó tổng thống Mỹ được dựa trên kế hoạch kinh tế “Build Back Better” (Xây dựng Mỹ tốt trở lại) công bố trước đó, nhằm chống lại chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” của Trump.
Trong khi đó, phe của Trump tập trung công kích Biden về việc từng ủng hộ NAFTA và TPP. “Biden từng bỏ phiếu cho NAFTA, thúc đẩy TPP và có mối quan hệ với Trung Quốc trong suốt sự nghiệp 50 năm ở Washington”, Donald Trump Jr., con trai cả của Trump, đăng bài trên Twitter hôm 8/9. “Ông ấy chính là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc rút ruột tầng lớp trung lưu và đưa việc làm ngành sản xuất của Mỹ ra nước ngoài. Đừng tin lời nói dối của ông ấy”.
Joe Biden tại sự kiện vận động tranh cử ở Warren, bang Michigan hôm 9/9. Ảnh: Reuters.
Đồng minh của Trump cũng nỗ lực hướng sự chú ý của dư luận vào hồ sơ kinh tế của ông hơn là cách xử lý đại dịch và nhiều vấn đề khác. Các cố vấn thân cận với chiến dịch tranh cử của Trump nói rằng Tổng thống có lợi thế rõ ràng nếu gán Biden với các thỏa thuận thương mại không được ủng hộ, cũng như chính sách đánh thuế cao và cấm khai thác dầu đá phiến. Biden phản bác những cáo buộc này, nói rằng chỉ phản đối cấp giấy phép cho các dự án mới chứ không cấm hoàn toàn việc khai thác dầu đá phiến.
Người ủng hộ Trump cũng viện dẫn cuộc đối đầu của ông với Trung Quốc về chính sách kinh tế, cũng như mức tăng trưởng trong một số ngành công nghiệp nội địa được ông bảo vệ bằng hàng rào thuế. Trump cũng thúc đẩy các cơ quan liên bang mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn, rót hàng nghìn tỷ USD vào dự luật chi tiêu mới và các biện pháp như tăng thêm trợ cấp thất nghiệp và chuyển trực tiếp 1.200 USD cho hàng triệu dân Mỹ.
Nhưng Trump cũng không ít lần vấp chỉ trích với các quyết định của ông. Tổng thống Mỹ phản đối đề xuất của phe Dân chủ cung cấp một nghìn tỷ USD trợ cấp y tế do Covid-19 cho nhiều bang và thành phố. Ông cũng đạt được rất ít bước tiến đối với gói hỗ trợ cơ sở hạ tầng từng được xem là ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch thuế ký năm 2017 của ông cũng gây tổn thất lớn cho các tập đoàn và giới giàu ở Mỹ.
“Năm 2016, Trump từng đi khắp bang của tôi và cam kết trở thành một thành viên Cộng hòa khác biệt, như chi ngân sách nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và bảo vệ cơ quan An sinh Xã hội. Nhưng khi nhậm chức, ông chỉ quan tâm tới nhóm giàu nhất của Mỹ và không làm gì cho người lao động”, nghị sĩ Dân chủ Brendan Boyle của bang Pennsylvania, chỉ trích Trump.
Cuộc đối đầu ở “Vành đai Rỉ sét” giữa Trump và Biden ngày càng gay cấn khi chưa đầy hai tháng nữa người Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Trump đang cố gắng bảo vệ thành quả năm 2016, trong khi Biden nỗ lực đưa cử tri da màu quay trở lại ủng hộ Dân chủ. Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đều có các khu vực đô thị lớn với nhiều cử tri da màu tự do, cùng các vùng ngoại ô dần xa rời Trump và khu vực nông thôn với cử tri da trắng vẫn ủng hộ Tổng thống.
Ngoài kinh tế, Trump cũng đang tìm cách xây dựng hình ảnh ông như “bức tường thành” chống người biểu tình bạo lực, hay lãnh đạo mạnh mẽ bảo vệ người dân Mỹ. Trong khi đó, Biden cố khắc họa bản thân như người hàn gắn vết thương kinh tế, chính trị và phân biệt chủng tộc. “Đây là cuộc suy thoái do sự cẩu thả của Trump gây ra và ông ấy không phù hợp với công việc này”, Biden khẳng định.
Ba nhân tố 'chực chờ bùng nổ' trong bầu cử Mỹ
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng có ba nhân tố có thể tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Khi chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (3/11), cuộc đua vào vị trí nắm quyền Nhà Trắng trong 4 năm nữa giữa Tổng thống đương nhiệm Trump và ứng viên Dân chủ Biden đang được tăng tốc. Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh giai đoạn 2014-2018 cho rằng có ba nhân tố "chực chờ bùng nổ" trong cuộc bầu cử năm nay khi trao đổi với báo chí tại Hà Nội hôm 10/9.
Thứ nhất là nhóm cử tri chưa lên tiếng. Cựu đại sứ cho biết kết quả các cuộc thăm dò dư luận về hai ứng viên từ cuối tháng 5 đến nay không có đột biến nào, Biden duy trì đà dẫn trước Trump. Điều đó dường như cho thấy "nhóm chưa lên tiếng vẫn im lặng", chưa bày tỏ ủng hộ đại diện đảng Cộng hòa hay Dân chủ.
"Con số này sẽ chiếm bao nhiêu trong tổng số cử tri có khả năng đi bỏ phiếu là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nó đóng vai trò rất lớn trong quyết định ai thắng ai bại trong bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11", ông Vinh nói.
Cựu đại sứ dẫn lại một số khảo sát cho thấy có khoảng 160/538 phiếu đại cử tri là trung dung. Hiện chưa rõ Trump và Biden sẽ nhắm vào lôi kéo "nhóm chưa lên tiếng" hay tìm cách giữ chân các cử tri trung thành.
Tổng thống Trump phát biểu trước người ủng hộ tại Sân bay Quốc tế MBS ở Freeland, Michigan, ngày 10/9. Ảnh AFP.
Thứ hai là tín hiệu kinh tế Mỹ phục hồi sau thời gian dài ngưng trệ do ảnh hưởng của Covid-19. Ông Vinh cho hay nếu Mỹ có tín hiệu mở cửa, tỷ lệ thất nghiệp tạm thời sẽ được cải thiện đáng kể, nhiều người dân sẽ có thu nhập để trang trải các chi phí cơ bản, như trả góp tiền nhà. Khi đó, Tổng thống đương nhiệm Trump sẽ có "cơ giành chiến thắng" mạnh hơn nhiều so với đối thủ Biden.
Trong khi đó, có nhiều bằng chứng cho thấy người Mỹ đang hứng chịu nhiều tổn thất về kinh tế giữa đại dịch, theo Washington Post. Khoảng 14 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp. Khoảng 40% người thuê nhà trong tháng 8 phải đối mặt nguy cơ bị đuổi vì không trả được tiền thuê. 29 triệu người đang dựa vào một số loại trợ cấp thất nghiệp. Dự đoán về tình hình Covid-19 ở Mỹ còn u ám. Nhiều chuyên gia cảnh báo số người chết vì đại dịch ở Mỹ có thể tăng gấp đôi vào cuối năm nay, tức hơn 400.000 người, đồng thời đẩy quốc gia này đứng trước nguy cơ đóng cửa lâu hơn. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận hơn 6,5 triệu ca nhiễm và hơn 195.000 ca tử vong.
Theo ông Vinh, việc phục hồi kinh tế xã hội của Mỹ phụ thuộc nhiều vào khả năng nước này có được vaccine ngừa Covid-19. Nếu điều này xảy ra trước ngày bầu cử vào 3/11, sẽ có biến chuyển lớn đối với kết quả bầu cử. Dù vậy, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng "rất ít khả năng" nước này sẽ có vaccine Covid-19 trước 3/11.
Nhân tố thứ ba là sự cố bất ngờ. Cựu đại sứ Việt Nam cho rằng một cuộc bạo động quy mô lớn liên quan đến chủng tộc, sự cố của cá nhân Trump hoặc Biden sẽ tác động mạnh đến kết quả bầu cử.
Về phía Trump, ông từng phải đối diện với làn sóng biểu tình tại khắp các thành phố Mỹ, bắt đầu từ sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì gối lên gáy ở Minneapolis, bang Minnesota, hồi tháng 5. Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và nạn bạo lực của cảnh sát lan rộng đã đẩy Mỹ vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Vì thế, Trump có nguy cơ thất cử nếu có sự cố tương tự gần sát ngày bỏ phiếu. Với Biden, ông có thể mất đi lượng người ủng hộ đáng kể nếu xuất hiện vấn đề cá nhân cho thấy "trái ngược với hình ảnh chính trực" lâu nay.
Nêu lên những điểm khác biệt trong bầu cử tổng thống Mỹ 2020, cựu đại sứ Việt Nam cho biết điểm đáng chú ý đầu tiên là có một bộ phận cử tri không hoàn toàn ủng hộ Trump hay Biden. Họ có thể bỏ phiếu cho một ứng viên không phải vì "thích ứng viên này" mà vì "ghét ứng viên kia".
Ông Vinh cho rằng cử tri Mỹ đang phân hoá mạnh mẽ, liên quan đến công ăn việc làm, sắc tộc, tuổi tác, khu vực thành thị và nông thôn. Cử tri Mỹ không còn duy trì mô hình truyền thống là "tầng lớp bình dân ủng hộ Dân chủ, người giàu đi với Cộng hoà". Trên thực tế, sự phân hoá này có từ năm 2016, khi tỷ lệ lớn người da trắng và không có bằng đại học là nhân tố giúp Trump thắng cử, còn ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton lại giành được ít số phiếu của dân gốc Phi hơn so với những người đi trước, trong đó có Obama.
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Biden. Ảnh: Reuters.
Trong bầu cử 2016, người dân Mỹ chán nản với "chính trị dòng chính", muốn tìm sự khác biệt nên bỏ phiếu cho Trump, tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm làm chính trị. Đến bầu cử năm nay, cử tri Mỹ tỏ ra chán nản với đình trệ kinh tế và phong toả do đại dịch, họ có thể trông đợi những chiến lược cụ thể của Biden. Tuy nhiên, sau đại hội của đảng Dân chủ và Cộng Hoà, cả hai đều không tạo được cú hích đáng kể nào cho hai ứng viên. Vì thế cử tri có thể nhìn nhận nỗ lực vận động ở hiện trường và tranh luận trực tiếp của Trump và Biden sắp tới để đưa ra quyết định bỏ phiếu cho ai. Đại diện hai đảng dự kiến có ba cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 29/9, 15/10 và 22/10. Họ không chỉ cọ xát về chính sách mà còn bộc lộ tính cách ở các sự kiện này.
Một điểm khác biệt nữa trong bầu cử 2020 là Mỹ bộc lộ sự phân cực chính trị sâu sắc. Trong 4 năm qua, nước Mỹ khó tìm ra điểm chung ở quốc hội, đã khởi động điều tra và luận tội tổng thống đương nhiệm. Do đó, Trump và Biden sẽ nỗ lực thúc đẩy chính sách nghiêng về phía cánh tả hoặc cánh hữu.
Cũng do ảnh hưởng của Covid-19, cách tiếp cận cử tri của hai ứng viên rất khác biệt, không thể gặp trực tiếp, chủ yếu tương tác qua internet. Vì thế, các chiến dịch tranh cử khó có thể tính được số người thực tế đi bỏ phiếu. Bên cạnh đó, quy định bỏ phiếu qua bưu điện cũng có thể làm giảm số cử tri. Khảo sát năm 2016 cho thấy chỉ có 60% người dân Mỹ đi bầu cử.
Cựu đại sứ Vinh đánh giá nếu tình hình duy trì như hiện nay đến ngày bầu cử, ứng viên Biden có thể có nhiều lợi thế hơn Trump, trong khi Tổng thống đương nhiệm có thể lật ngược tình thế nếu có đột biến.
"Dù vậy, đến nay không có hãng thực hiện thăm dò hay cơ quan truyền thông nào của Mỹ dám kết kết luận ai thắng ai thua", ông Vinh nói, nhắc lại kết quả bất ngờ của bầu cử năm 2016, sau khi hầu hết các dự đoán đều cho rằng bà Clinton chiến thắng.
Cảnh báo tin tặc Nga nhắm vào chiến dịch của Biden Microsoft cảnh báo SKDKnickerbocker, một công ty tư vấn cho chiến dịch bầu cử của Biden, rằng họ bị tin tặc Nga nhắm tới, theo các nguồn tin. Các nguồn thạo tin hôm 9/9 cho biết các tin tặc từ Nga trong hai tháng qua đã nhắm mục tiêu vào SKDKnickerbocker (SKDK), công ty truyền thông và chiến lược chiến dịch có trụ...