Trùm mafia TQ: Từ ma cô quèn tới tỉ phú
Bằng thủ đoạn tàn bạo, anh em họ Lưu đã tích trữ được khối tài sản khổng lồ.
Trong chiến dịch “đả hổ, bắt ruồi” chống tham nhũng gần đây, Trung Quốc đang điều tra cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong giới lãnh đạo nước này. Hàng trăm quan chức, doanh nhân có quan hệ mật thiết và hậu thuẫn đắc lực cho Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giữ, xét xử, trong đó nổi bật có Lưu Hán, một tỉ phú lừng danh ngành khai mỏ Trung Quốc. Ít ai ngờ vị tỉ phú đầy tham vọng này lại là ông trùm của một đường dây mafia tàn bạo, sẵn sàng thanh trừng mọi đối thủ bằng súng đạn bất chấp luật pháp và chính quyền. Trong loạt bài này, xin giới thiệu với độc giả về chân dung của ông trùm khét tiếng Trung Quốc này cùng những thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo mà hắn đã sử dụng để lộng hành trong một khu vực rộng lớn trong suốt thời gian dài.
Ở kỳ trước, chúng ta đã có thể hình dung về một tên trùm mafia mang danh tỉ phú Trung Quốc Lưu Hán, một “doanh nhân thành đạt” đi lên bằng súng đạn của mình, máu và nước mắt của nhiều nạn nhân. Vậy hành trình từ một tên ma cô quèn ở Tứ Xuyên trở thành tên trùm mafia tàn bạo bậc nhất Trung Quốc này như thế nào, mời các bạn tiếp tục theo dõi.
Hơn 100 người dân được cho là đã trở thành nạn nhân của băng nhóm do Lưu Hán cầm đầu, nhưng rất ít người dám đứng ra tố cáo tội các của bọn chúng. Các nạn nhân và gia đình họ thậm chí còn không dám nói to tên “Lưu” mà chỉ gọi bọn chúng là “nhà họ”.
Cô Trương Lệ, em gái của nạn nhân Trương Vĩ bị tay chân của Lưu Hán đâm chết cho biết: “Bố tôi nằm liệt giường sau khi anh trai tôi bị chúng đâm chết. Hằng ngày ông ấy đều khóc và gọi tên anh trai tôi. “
Còn người bố của nạn nhân Chu Dương thậm chí còn không dám nói về vụ con trai mình bị băng của Lưu Hán thanh toán. Ông nói: “Một thành viên trong gia đình tôi đã bị giết, và chúng tôi không thể mất thêm một người nào nữa.”
Một đàn em trong băng mafia của Lưu Hán bị cảnh sát bắt giữ
Năm 2008, Trần Phú Vĩ, một ông trùm có máu mặt trong giới giang hồ ở Quảng Hán được ra tù và đe dọa sẽ trả thù anh em nhà họ Lưu. Đáp lại, Lưu Duy đã cho gọi 2 tay chân thân tín của mình và ra lệnh cho chúng “trừ khử Trần”, còn hắn sẽ “gánh chịu mọi trách nhiệm”.
Vụ thanh toán này diễn ra ngay giữa ban ngày vào ngày 10/1/2009.
Sau vụ giết người công khai này, Lưu Hán sắp xếp cho em trai lánh đi một thời gian và tìm cách chạy án gỡ tội cho em. Trong thời gian Lưu Duy chạy trốn, Lưu Hán đã nhiều lần tới gặp em và đưa cho hắn ta hàng triệu tệ để chi tiêu, và viết một thư kêu oan gửi tới Bắc Kinh rằng “Lưu Duy vô tội”.
Các bằng chứng do cảnh sát thu thập được cho thấy băng đảng của Lưu Hán đã dính líu tới hàng chục vụ án nghiêm trọng với đủ loại tội ác, từ giết người, hành hung cho tới giam giữ người trái pháp luật trong giai đoạn hơn 10 năm. Ít nhất đã có 9 nạn nhân thiệt mạng dưới tay chúng, trong đó có 5 người bị bắn bằng súng.
Những hoạt động phạm tội của băng đảng Lưu Hán không phải là điều gì quá bí mật đối với người dân Tứ Xuyên. Năm 2007, trên Internet đã xuất hiện những thông tin cáo buộc Lưu Hán trốn thuế và cầm đầu một băng nhóm tội phạm địa phương.
Người đàn ông họ Tôn, cánh tay phải đắc lực của Lưu Hán khai báo: “Khi tôi gây sức ép để xóa các thông tin này, Lưu Hán đã bảo tôi loại bỏ cáo buộc trốn thuế nhưng giữ lại thông tin về băng đảng tội phạm, vì điều đó có lợi cho công việc làm ăn.”
Lưu Hán bảo vệ công việc làm ăn của mình bằng những tên côn đồ sẵn sàng đâm thuê chém mướn trong băng, và lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh để nuôi những tên tội phạm này. Thủ đoạn vừa tinh vi vừa tàn bạo của hắn đã khiến cho gia tài của họ Lưu tăng lên theo cấp số nhân.
Vào tháng 3/1997, khi Lưu Hán thành lập Tập đoàn Hán Long ở Miên Dương, hắn đã bảo với Tôn tuyển một những tên côn đồ lưu manh về làm cho công ty dưới danh nghĩa nhân viên bảo vệ. Hắn cũng yêu cầu Lưu Duy mua sắm thật nhiều vũ khí, đạn dược đề dùng khi hữu sự, và bọn chúng còn xây hẳn cả một kho súng ngầm ở Quảng Hán.
Kho súng do Lưu Hán xây dựng ở Quảng Hán
Khi băng đảng này bị triệt phá vào năm 2013, cảnh sát đã tịch thu 3 quả lựu đạn, 20 khẩu súng trường, 677 viên đạn, 2.163 viên đạn súng săn và hơn 100 dao kiếm các loại.
Băng đảng của Lưu Hán được phân chia thứ tự, cấp bậc rất rõ ràng và chặt chẽ. Lưu Hán là thủ lĩnh, Lưu Duy và Tôn là “quan võ” và “quan văn”, bên dưới là một số thành viên chủ chốt có trách nhiệm báo cáo mọi việc cho Lưu Duy và Tôn. Còn tầng lớp ở phía dưới nữa là vô số những tên lưu manh vô lại sẵn sàng làm bất cứ việc gì.
Video đang HOT
Lưu Hán luôn tìm cách tuyển mộ những chiến binh hung hãn và dữ dằn nhất, và miễn là chúng chiến đấu cho “tổ chức”, băng đảng này sẽ luôn tìm cách che giấu tội ác của chúng, bất kể mức độ và hậu quả như thế nào.
Theo luật trong băng do Lưu Hán đặt ra, bọn tay chân không được phép hé răng nửa lời về sự liên quan tới tập đoàn Hán Long nếu chúng bị cảnh sát bắt. Những tên tiết lộ bí mật của tổ chức sẽ bị trừng phạt rất nặng nề.
Những tên nhát gan hoặc ngần ngừ không chịu ra tay giết người sẽ bị loại bỏ, trong khi những kẻ sát nhân như Đường Xiên Bình lại được đề bạt lên các vị trí quản lý với mức lương hàng năm lên tới 100.000 nhân dân tệ.
Sau khi Tôn Hoa Trung và Diệu Quân sát hại Vương Vĩnh Thành, Lưu Hán đã thu xếp cho bọn chúng bỏ trốn, đồng thời thưởng cho tên Tôn một chiếc xe Cadillac, một xe Audi và hơn 300.000 tệ, còn tên Diệu Quân nhận được 600.000 tệ.
Hệ thống tổ chức chặt chẽ trong băng đảng mafia của Lưu Hán
Bằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” này, Lưu Hán đã thiết lập quyền lực tột đỉnh bên trong băng đảng tội phạm của mình. Máu đã dọn đường cho công việc làm ăn của Lưu Hán, và xung quanh hắn là những tên gangster sẵn sàng làm bất cứ mọi việc để dẹp tan mọi đối thủ cạnh tranh, khiến cho Lưu Hán nhanh chóng phất lên thành một tỉ phú.
Theo hồ sơ của cảnh sát, sau vụ sát hại Chu Dương vào năm 1998, Lưu Hán và Lưu Duy đã độc quyền thâu tóm hoạt động cờ bạc và cho vay nặng lãi ở Quảng Hán. Lĩnh vực làm ăn của chúng được mở rộng sang hoạt động khai thác cát, buôn bán vật liệu xây dựng ở Quảng Hán và các thị trường lân cận.
Vụ sát hại Trương Vĩ và Vương Vĩnh Thành đã dọn đường cho anh em nhà họ Lưu tiến sâu vào lĩnh vực bất động sản ở Miên Dương. Lưu đã giành được rất nhiều dự án béo bở, chẳng hạn như dự án xây dựng sân bay Miên Dương và cầu Hán Long. Hắn ta cũng đã dễ dàng thâu tóm được nhà máy Chế biến Rượu Forgood với giá vô cùng rẻ mạt nhờ quyền lực đen của mình.
Năm 2000, Lưu Hán chuyển trụ sở tập đoàn Hán Long từ Miên Dương tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên để mở rộng địa bàn và lĩnh vực làm ăn. Một khi tổ chức của hắn nhòm ngó một dự án nào thì tất cả các đối thủ khác đều phải biết ý mà lẳng lặng rút lui.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal của Mỹ vào năm 2010, Lưu đã cao ngạo tuyên bố: “Lưu Hán luôn luôn là người thắng cuộc, không hề thua bao giờ.”
Từ năm 2000 trở đi, Lưu Hán ngày càng ít phải dùng đến bạo lực trong các phi vụ làm ăn của mình, bởi băng đảng của hắn đã hoàn thành nhiệm vụ gieo rắc nỗi sợ hãi khắp mọi nơi. Lưu Hán và băng của hắn khống chế cả hoạt động chính trị và kinh tế ở địa phương bằng chính sách hăm dọa và khủng bố là chủ yếu.
Lưu Hán và tập đoàn Hán Long của hắn đã nhảy vào và độc quyền khống chế rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Những phi vụ làm ăn của hắn luôn lấp ló ánh thép của súng và dao kiếm. Cảnh sát Trung Quốc cho biết hắn và băng đảng của mình đã thu được nguồn lợi khổng lồ trong lĩnh vực khai mỏ, điện năng, cho vay nặng lãi và thao túng thị trường chứng khoán bằng những cuộc sáp nhập và thâu tóm bất hợp pháp cùng nhiều biện pháp tinh vi xảo quyệt khác.
Lưu Hán và đồng bọn kiểm soát hơn 70 công ty, trong đó có 2 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán cùng 4 chi nhánh ở nước ngoài. Bọn chúng làm giả những khoản vay lên tới 4,6 tỉ nhân dân tệ, mua cổ phần của các công ty cờ bạc nước ngoài, và kiếm hơn 230 triệu đô-la Hong Kong từ việc đưa người dân từ Trung Quốc đại lục tới Macao đánh bạc.
Đế chế tội phạm của Lưu Hán đã thu về gần 40 tỉ nhân dân tệ tài sản cùng hàng trăm xe hơi, trong đó có nhiều siêu xe vô cùng đắt tiền như Roll-Royce, Bentley, Ferrari.
Phòng làm việc của ông trùm mafia Lưu Hán
Theo giới truyền thông, con trai của cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang là Chu Bân từng làm ăn với Lưu Hán khi đầu tư vào thủy điện, dầu khí tại tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2003, Lưu Hán đã bỏ ra tới 20 triệu tệ để mua lại của Chu Bân một công ty khai mỏ, trong khi giá trị thực của nó chỉ vào khoảng 3 triệu tệ. Lưu Hán quyết chịu lỗ trong thương vụ này vì muốn tạo quan hệ tốt với quý tử của Chu Vĩnh Khang, khi đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Năm 2005, để đền đáp lại, Chu Bân đã đứng ra mua 20% cổ phần của một công ty điện lực ở Tứ Xuyên, sau đó bán lại cho Lưu Hán để Tập đoàn Hán Long thâu tóm công ty này nhằm né quy định bảo hộ tài nguyên của chính quyền.
Ngoài kinh doanh hầm mỏ ở tỉnh Tứ Xuyên, Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long còn đầu tư sang châu Phi, thao túng các mỏ sắt ở Cameroon. Khi sang thăm Cameroon, Lưu Hán đã mời Tổng thống nước này cùng một số bộ trưởng tới Thành Đô với tư cách khách của Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long để dễ bề chiếm lĩnh thị trường châu Phi. Tập đoàn Khai thác khoáng sản Hán Long cũng từng muốn thôn tính Công ty Australia Sundance Resources Ltd với giá hơn một tỉ USD, tuy nhiên các kế hoạch này đều bị đổ bể khi Lưu Hán bị bắt.
Cơ quan chức năng thống kê, băng đảng do Lưu Hán cầm đầu đã đầu tư, góp vốn, tham gia cổ phần với 70 công ty, trong đó có 2 công ty đã lên sàn, 4 công ty ở nước ngoài với tổng trị giá tài sản lên tới 40 tỷ NDT (gần 7 tỷ USD). Mặc dù hoành hành ngang ngược tại tỉnh Tứ Xuyên, nhưng Công an Bắc Kinh lại là nơi đầu tiên phát hiện ra các hành vi phạm tội của băng nhóm Lưu Hán.
Theo Khampha
Chân dung ông trùm mafia tàn bạo nhất Trung Quốc
Lưu Hán sẵn sàng dùng súng triệt hạ các đối thủ cạnh tranh trong lãnh địa.
Trong chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi" chống tham nhũng gần đây, Trung Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, một trong những nhân vật quyền lực nhất trong giới lãnh đạo nước này. Hàng trăm quan chức, doanh nhân có quan hệ mật thiết và hậu thuẫn đắc lực cho Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giữ, xét xử, trong đó nổi bật có Lưu Hán, một tỉ phú lừng danh ngành khai mỏ Trung Quốc. Ít ai ngờ vị tỉ phú đầy tham vọng này lại là ông trùm của một đường dây mafia tàn bạo, sẵn sàng thanh trừng mọi đối thủ bằng súng đạn bất chấp luật pháp và chính quyền. Trong loạt bài này, xin giới thiệu với độc giả về chân dung của ông trùm khét tiếng Trung Quốc này cùng những thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo mà hắn đã sử dụng để lộng hành trong một khu vực rộng lớn trong suốt thời gian dài.
Hồi đầu tuần vừa rồi, Tòa án Trung cấp huyện Hàm Ninh tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã quyết định xét xử Lưu Hán, một tỉ phú nổi tiếng của nước này cùng với 35 thành viên khác của một băng đảng tội phạm với 9 tội danh giết người cùng nhiều tội danh nghiêm trọng khác.
Tuy nhiên, thông tin về vụ triệt phá băng đảng kiểu mafia do ông trùm khai mỏ Lưu Hán cầm đầu đã rộ lên từ hồi tháng 3 năm ngoái, khi vị tỉ phú nổi tiếng này bỗng nhiên biến mất trước công chúng.
Vốn là một nhà tỉ phú nổi danh với các hoạt động từ thiện, ông Lưu đã được bầu làm cố vấn chính trị của tỉnh Tứ Xuyên trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, và đã được trao hơn 20 danh hiệu cao quý. Hoạt động từ thiện nổi tiếng nhất của ông này là việc xây một ngôi trường tiểu học tại một khu vực khó khăn ở Tứ Xuyên, và chính ngôi trường này đã trụ vững và trở thành nơi trú ẩn an toàn cho nhiều người dân trong trận động đất kinh hoàng hồi năm 2008.
Lưu Hán là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hán Long, một công ty tư nhân lớn nhất ở tỉnh Tứ Xuyên, và ông cũng lọt vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Tập đoàn của ông có tới hàng chục công ty con hoạt động trong lĩnh vực điện lực, năng lượng, tài chính, khai mỏ, bất động sản và chứng khoán. Tổng giá trị tài sản của vị tỉ phú này ước tính lên tới hàng chục tỉ nhân dân tệ.
Trùm mafia núp bóng doanh nhân Lưu Hán
Tuy nhiên, hồi tháng Ba năm ngoái, theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Bộ Công an đã ra lệnh cho công an Bắc Kinh, Hồ Bắc và Tứ Xuyên mở một cuộc điều tra quy mô lớn đối với Lưu và đưa kẻ cầm đầu băng đảng tội phạm kiểu mafia lộng hành ở Tứ Xuyên này ra ánh sáng.
Thông tin về vụ điều tra và bắt giữ này đã làm chấn động giới chính trị và doanh nhân ở Tứ Xuyên, và nhiều người trong số họ không thể ngờ rằng một mạng lưới tội phạm lớn như thế lại có thể bị công an bóc gỡ.
Vụ nổ súng chấn động Trung Quốc
Tỉ phú Lưu Hán bắt đầu lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng sau một vụ giết người làm rúng động dư luận xảy ra vào ngày 10/1/2009 ở Quảng Hán, Tứ Xuyên.
Buổi chiều hôm đó, tại một quán trà ở Quảng Hán, mọi người nhìn thấy một chiếc xe đỗ xịch lại, vài người đàn ông lạnh lùng bước ra, rút súng và bắn hơn 10 phát đạn vào một nhóm người đang uống trà rồi thản nhiên bỏ đi. Ba người bị bắn chết trong vụ xả súng, và 2 người không liên quan cũng bị thương vì đạn lạc.
Những người có mặt tại hiện trường không khỏi bàng hoàng trước vụ xả súng kiểu mafia mà họ lần đầu tiên chứng kiến trong đời. Một nhân chứng cho biết: "Mọi việc diễn ra rất nhanh, giống như trong một bộ phim hành động vậy!"
Vụ thảm sát diễn ra tại một quán trà đông đúc (Ảnh minh họa)
Vụ nổ súng công khai ở một đất nước mà việc sử dụng súng bị quản lý vô cùng chặt chẽ này đã làm dư luận cả nước vô cùng ngạc nhiên và giận dữ. Làn sóng phản ứng của người dân từ Tứ Xuyên lan tới tận chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Một cuộc điều tra được chỉ đạo quyết liệt, và 2 nghi phạm bị bắt giữ sau đó không lâu. Khi cảnh sát hỏi về kẻ chủ mưu, hai tên này nhanh chóng phun ra cái tên Lưu Duy. Tại thời điểm đó, Lưu Duy đã đánh hơi thấy nguy hiểm và nhanh chân bỏ trốn, khiến hắn ta trở thành người bị truy nã gắt gao nhất của Bộ Công an.
Lưu Duy không phải ai xa lạ, mà chính là em trai của nhà tài phiệt Lưu Hán. Trong thời điểm xảy ra vụ án, Lưu Duy đang là ông chủ của Tập đoàn Công nghiệp Yiyuan Quảng Hán, một doanh nhân kiêm mạnh thường quân có tiếng ở địa phương, là người đã từng được giao trọng trách mang ngọn đuốc Olympic diễu hành qua tỉnh Tứ Xuyên dịp Olmpic Bắc Kinh năm 2008.
Tuy nhiên, với những người quen biết, Lưu Duy lại là một ông trùm tàn bạo trong thế giới ngầm ở Tứ Xuyên, chuyên bảo kê cho các hoạt động cờ bạc, cho vay nặng lãi và các dự án xây dựng trên địa bàn. Trần Phú Vĩ, một trong 3 nạn nhân bị bắn chết trong quán trà chính là một đối thủ chuyên cạnh tranh địa bàn với Lưu Duy.
Lưu Duy là trợ thủ đắc lực cho anh trai Lưu Hán trong các vụ thanh toán bằng súng
Trong suốt 4 năm tiếp theo, cảnh sát đã nhiều lần nhận được tin mật báo về nơi Lưu Duy đang lẩn trốn, nhưng cứ mỗi lần họ tung lực lượng bủa vây và cất vó thì Lưu Duy lại chạy thoát chỉ trong gang tấc.
Tuy nhiên trong suốt thời gian lẩn trốn này, Lưu Duy vẫn không rời khỏi mảnh đất Quảng Hán, bởi ở đây hắn ta có một người bảo trợ vô cùng chắc chắn, đó chính là đại ca Lưu Hán.
Không ai dám đến quấy rầy
Lưu Hán sinh năm 1965 ở Tứ Xuyên. Hồi đầu thập niên 1990, 2 anh em nhà họ Lưu điều hành một số trung tâm cờ bạc ở Quảng Hán. Để thuận lợi trong việc làm ăn, hai anh em đã lập ra một băng đảng chuyên thu thập những tên ma cô và lưu manh trên địa bàn.
Vào năm 1993, hai anh em này đã công khai thách thức chính quyền khi phá niêm phong một số máy đánh bạc bị tòa án tịch thu và ngang nhiên sử dụng súng chống lại lực lượng thực thi pháp luật. Trong năm đó, Lưu Hán được một người đàn ông họ Tôn cho vay một khoản tiền để làm ăn, và kể từ đó vận may liên tục đến với anh ta, khiến anh ta phất lên như diều gặp gió.
Với tham vọng kiếm lời nhiều hơn, đến năm 1998, Lưu Hán chính thức đầu tư vào một dự án bất động sản ở làng Xiaodao tại thành phố Miên Dương sầm uất của Tứ Xuyên. Trong một cuộc tranh cãi với người dân địa phương về khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng, một bảo vệ thuộc công ty của Lưu Hán là Đường Xiên Bình đã đâm chết ông Trương Vĩ, người dẫn đầu nhóm dân làng phản đối.
Sau này, trong lời khai của mình, Đường Xiên Bình cho biết: "Tôi không bị việc gì sau vụ giết người này, điều này càng khiến tôi vững dạ và tàn nhẫn hơn. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho công ty, kể cả giết người. Tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa."
Quá sợ hãi trước hành vi giết người không bị trừng phạt của tay chân Lưu Duy, dân làng buộc phải nhượng bộ và từ bỏ đất đai cho ông ta làm dự án.
Chỉ 5 ngày sau khi ông Trương Vĩ bị đâm chết, Lưu Hán tiếp tục ra lệnh cho một tay chân của mình là Zeng Jianjun ra tay bắn chết tên giang hồ cộm cán Chu Dương ngay trên đường phố Quảng Hán vì tên này dám ra mặt thách thức Lưu.
Tên Zheng khai với cảnh sát: "Nhiều người biết rằng chúng tôi đã gây ra vụ nổ súng giết người này, song không ai dám đến quấy rầy chúng tôi."
Sự bao che trắng trợn này đã khiến cho băng đảng của Lưu Hán gây ra nhiều tội ác dã man và điên cuồng hơn nữa.
Tháng 2/1999, Vương Vĩnh Thành, một têm trùm giang hồ ở Miên Dương đe dọa sẽ cho thổi bay tòa nhà công ty của Lưu Hán. Sau khi nghe tay chân báo cáo lại, Lưu Hán tuyên bố: "Không sợ. Cử thằng nào đó tới xử lý nó đi."
Vài ngày sau, Vương bị một sát thủ bắn do tay chân của Lưu Hán bỏ tiền ra thuê bắn gục ngay trên địa bàn của hắn.
Đến tháng 9/2000, đích thân Lưu Duy ra lệnh cho đàn em ra tay sát hại dã man một người đàn ông có tên là Lương Viên Liệu. Lương là hàng xóm cũ của anh em nhà Lưu, và dì của Lương đã từng nuôi nấng Lưu Hán như con đẻ của mình. Thế nhưng Lưu Duy vẫn lạnh lùng ra lệnh sát hại Lương, chỉ vì nghi ngờ Lương đã biển thủ "tiền bảo vệ chó" của mình.
Tháng 5/2002, hai đàn em của Lưu Hán là Chu Đặng Phong và Hoàng Trí Lữ gây ra một vụ gây lộn trong một trung tâm giải trí ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, rồi tụ tập một đám côn đồ vô cớ hành hung người qua đường. Một người dân vô tội đã bị đám côn đồ này đánh chết và nhiều người khác bị thương.
Sau vụ giết người dã man này, chỉ có tên Chu nhận án 4 năm tù, còn tên Hoàng và những gã côn đồ khác thì bình yên vô sự khi được một bàn tay vô hình bảo kê.
Được đà, Lưu Hán sớm thành lập một "vương quốc" ở Quảng Hán và Miên Dương. Hắn và băng đảng của mình tác oai tác quái ở đây đến mức nhiều nạn nhân đã phải bỏ nhà bỏ cửa đi biệt xứ vì sợ tay chân của hắn gây sự.
Theo Khampha
TQ: Ông trùm tỉ phú mafia đối mặt án chung thân Lợi dụng các mối quan hệ của mình, Lưu Hán đã hoành hành suốt hàng chục năm. Ngày 31/3, hơn 150 quan chức cấp cao của Trung Quốc đã tới thành phố Xianning, tỉnh Hồ Bắc để giám sát phiên tòa xét xử ông trùm khai mỏ Tứ Xuyên với các tội danh không khác gì băng đảng mafia. Đây là phiên tòa...