Trùm đường dây đánh bạc được bảo kê có tài sản kếch xù cỡ nào?
Trong vụ án tổ chức đánh bạc có bảo kê của hai tướng công an, bị can chủ mưu Phan Sào Nam đã tự nộp 777 tỷ đồng cùng một số tài sản.
Hai ông trùm Nguyễn Văn Dương (trái) và Phan Sào Nam.
Ngày 18.7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố 92 bị can liên quan đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia. Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, C50 Bộ Công an) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù. Liên quan vụ án còn có 12 người tiếp tục bị truy nã.
Cơ quan điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu đã tổ chức mạng lưới gồm 25 “đại lý cấp 1″, gần 5.900 “đại lý cấp 2″ và gần 43 triệu tài khoản tham gia. Tổng số tiền thu từ đánh bạc trực tuyến được xác định trên 9.800 tỷ đồng với tiền hưởng lợi là 4.700 tỷ đồng.
Thỏa thuận ăn chia tiền thu từ đánh bài trực tuyến
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2015, biết Công ty phát triển An ninh Công nghệ cao – CNC) của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an), Phan Sào Nam (Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC Online) đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài.
Dương đồng ý và ngày 1.4.2015 chỉ đạo Lưu Thị Hồng ký với Nam về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Winall khi khai thác thương mại Rikvip.
Theo đó, CNC là đơn vị phát hành dịch vụ vận hành, quảng bá, chăm sóc khách hàng, cung cấp giải pháp thanh toán dịch vụ đứng tên giấy phép, văn bản chấp thuận theo quy định pháp luật… VTC Online là đơn vị sản xuất phát triển và liên tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật dịch vụ….
Nếu doanh thu đến 5 tỷ đồng một tháng thì CNC hưởng 30%, VTC Online 70%, trên 5 tỷ và dưới 15 tỷ thì CNC hưởng 35%, VTC Online 65%. Trên 15 tỷ đồng CNC hưởng 40%, VTC Online 60%. Mỗi tháng hai kỳ CNC và VTC Online ký đối soát để thanh toán hợp đồng.
Theo cơ quan điều tra, cuối tháng 8.2016 để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Nam và Dương thoả thuận thay đổi pháp nhân phát hành game bài Rikvip và không hạch toán tiền doanh thu từ đây vào hoạt động kinh doanh của công ty; thực hiện đối soát thanh toán bằng tiền mặt không có hoá đơn.
Ngày 24.8.2016, Dương chỉ đạo Hoàng Đại Dương (Giám đốc Công ty giải pháp Việt) thành lập công ty Hải Khánh để thay CNC phát hành cổng game bài Tip.Club.
Video đang HOT
Để theo dõi, phân chia doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến, Nam trực tiếp tổng hợp số liệu doanh thu game Tip.Club từ một trang web do Hoàng Thành Trung cung cấp kết nối đến cơ sở dữ liệu cổng game bài Tip.Club.
Đến cuối tháng, Nam tổng hợp số liệu thành bảng kê phản ánh doanh thu và phân chia lợi nhuận, sau đó chụp ảnh màn hình chuyển cho Dương qua ứng dụng chat Telegram để làm căn cứ thanh toán tiền mặt giữa hai người.
Số tiền cơ quan an ninh điều tra thu giữ của Phan Sào Nam. Ảnh: CAND
Rửa tiền bằng việc đầu tư vào BOT giao thông, nhà đất
Theo điều tra, Nam được hưởng lợi gần 1.500 tỷ, Dương gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dương mới khai chỉ đạo thuộc cấp chuyển 576 tỷ đồng góp vốn vào Công ty đầu tư UDIC; góp vốn 329 tỷ đồng vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Dương mở hai sổ tiết kiệm trị giá 150 tỷ đồng mang tên mình tại ngân hàng; mua tầng 5 và tầng 6 của một tòa nhà tại quận Đống Đa với giá 61 tỷ đồng… Cơ quan điều tra cho rằng “Dương vẫn còn che đậy số tiền thu lợi bất chính”.
Phan Sào Nam bị cơ quan điều tra xác định đã chuyển cho một đồng phạm 216 tỷ đồng để gửi tiết kiệm và mua bất động sản. Nam rút 50 tỷ đồng để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào một số công ty ở Quảng Ninh..
Kết luận điều tra chỉ rõ Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore; gửi một người đàn ông ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỷ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỷ đồng. Anh ta cũng nhờ một người khác ở TP HCM gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ có trị giá hợp đồng là gần 112 tỷ đồng, mua bốn căn hộ trị giá gần 39 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nam khai đã chuyển cho một số bị can cất giữ vàng, ngoại tệ có tổng trị giá hơn 530 tỷ đồng. Tuy nhiên theo cơ quan điều tra “các bị can được Nam gửi tiền và cất giữ đang trốn, nên chưa thể làm rõ”.
Những tài sản bị kê biên của hai ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia.
Tài liệu điều tra cho thấy, cơ quan công an tạm giữ của Dương một điện thoại Vertu-S125214, một thẻ visa, một thẻ ngân hàng, hai sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.
Công an cũng tạm giữ nhiều xe Audi A8, Mercedes Benz S500, Toyota Land Cruiser, Lexus 579; kê biên số bất động sản…
“Dương thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng không hợp tác khai báo số tiền thu lợi bất chính, gây khó khăn cho cơ quan chức năng thu hồi vật chứng vụ án”, cơ quan điều tra nêu trong kết luận.
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố Dương về các tội Tổ chức đánh bạc (khoản 2 điều 294), tội Rửa tiền (khoản 2 điều 251) và Đưa hối lộ (khoản 3 điều 364 Bộ luật Hình sự 2015).
Với Nam, cơ quan tạm giữ 777 tỷ đồng do Nam tự nộp, ôtô Ford Mustang biển TP HCM, Audi Q5, hai giấy chứng nhận sử dụng đất.
Theo cơ quan điều tra, Nam mặc dù thừa nhận hành vi của mình nhưng chưa khai báo hết sử dụng nguồn tiền thu lời bất chính gây khó khăn cho quá trình điều tra. Nam bị đề nghị truy tố về các tội Tổ chức đánh bạc (khoản 2 điều 249) và Rửa tiền (khoản 2 điều 251).
Theo cơ quan chức năng, ông Phan Văn Vĩnh khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản, đề nghị Bộ Thông tin truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho sai phạm trên, tuy nhiên đã bị từ chối.
Lãnh đạo Bộ Công an khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo song ông Vĩnh không chấp hành.
Ông Vĩnh được Dương biếu đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương trung tướng của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Theo Bá Đô (VnExpress)
Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa tìm cách trốn trách nhiệm, đổ lỗi
Theo Cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm được tổ chức hay không được tổ chức đánh bạc, bị bắt hay không bị bắt đều phụ thuộc vào quyết định của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (thời điểm đó ông Vĩnh là Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, còn ông Hóa là Thiếu tướng, Cục trưởng C50).
Bị can Nguyễn Thanh Hóa (ảnh IT).
Trong vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành có 92 bị can bị đề nghị truy tố về 7 tội danh, gồm: Tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; đưa hối hộ; sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ.
Ông Nguyễn Thanh Hóa là một trong số 92 bị can được xác định có hành như sau: Ông Hóa đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho ông Phan Văn Vĩnh, lúc đó là đang là Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ký quyết định về việc thành lập công ty bình phong thuộc Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), công ty CNC.
Việc làm này trái với quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. Đồng thời ông Hóa còn đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội do Tổng cục Cảnh sát quản lý, làm cho các đơn vị chức năng quản lý, phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao lầm tưởng công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát. Việc đó đã tạo vỏ bọc cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong thời gian C50 hợp tác với công ty CNC, bị can Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng và một phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30 nghìn USD. Nguyễn Văn Dương khai đưa cho ông Hóa 22 tỷ đồng nhưng tại cơ quan điều tra ông Hóa không thừa nhận.
Theo Cơ quan điều tra, mục đích của bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cho công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo nguồn thu từ hoạt động thí điểm này dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm là một nhiệm vụ chiến lược của C50. Tuy nhiên trong thực tế, trong hai năm công ty CNC tổ chức đánh mạng trên mạng internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, không có khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đưa vào hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng.
Trong khi đó Nguyễn Văn Dương và đồng phạm được tổ chức hay không được tổ chức đánh bạc, bị bắt hay không bị bắt đều phụ thuộc vào quyết định của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Cơ quan điều tra khẳng định hành vi của Nguyễn Thanh Hóa đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại khoản 3 điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can, Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố theo khoản 2 điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra nhận xét: Bị can Nguyễn Thanh Hóa là người đứng đầu trong cơ quan phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhưng đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ, làm trái công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho bị can Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân.
Cơ quan điều tra cũng nhận xét, trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thanh Hóa chưa hợp tác, chưa thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, đổ lỗi cho người khác, tìm cách trốn tránh trách nhiệm hình sự. Hành vi trên của bị can Nguyễn Thanh Hóa cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Qua điều tra, đến nay đã có đủ căn cứ kết luận xác định đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, gồm 25 "đại lý cấp 1", 5.877 "đại lý cấp 2" và 42.956.718 tài khoản tham gia đánh bạc; số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được là 9.853.227.342.109đ. Sau khi chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709.001.472.839đ, các cá nhân được hưởng lợi là 4.713.202.833.990đ, trong đó: Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475.063.029.176đ; Nguyễn Văn Dương, công ty CNC hưởng lợi 1.655.426.920.746đ.
Theo Danviet
Ông Nguyễn Thanh Hóa "bảo kê" đường dây đánh bạc Rikvip như thế nào? Khi Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, ông Nguyễn Thanh Hóa đã bao che không cho các phòng nghiệp vụ xử lý. Ông Hóa không thừa nhận việc được cho 22 tỷ đồng. Ông Phan Văn Vĩnh (phải) và Nguyễn Thanh Hóa bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"....