Trực thăng Mỹ dọa người biểu tình do ‘nhầm lẫn’
Vệ binh Quốc gia Mỹ nói những mệnh lệnh thiếu rõ ràng đã khiến trực thăng UH-72 Lakota treo trên đầu người biểu tình ở thủ đô Washington đêm 1/6.
Vệ binh Quốc gia Mỹ vừa hoàn tất cuộc điều tra về vụ trực thăng quân sự Urocopter UH-72 Lakota bay tầm thấp đe dọa người biểu tình hồi đầu tháng. Báo cáo sơ bộ của cuộc điều tra đã được gửi tới thiếu tướng William J. Walker, tư lệnh Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington, hai quan chức quốc phòng cho biết hôm 17/6.
Báo cáo điều tra cho thấy đã có sự nhầm lẫn và thiếu rõ ràng trong cách truyền đạt mệnh lệnh từ các chỉ huy vệ binh đến phi công trực thăng dẫn đến sự cố đêm 1/6, các quan chức cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới nhầm lẫn là quyết định để cả Vệ binh Quốc gia và lực lượng hành pháp dân sự, trong đó có các sĩ quan từ nhiều cơ quan an ninh khác nhau và cảnh sát thủ đô Washington, đều sẽ tham gia nỗ lực kiểm soát các cuộc biểu tình.
Trực thăng quân sự Mỹ lơ lửng trên đám đông biểu tình ở thủ đô Washington, hôm 1/6. Video: Twitter/NYTimes.
Vấn đề chủ chốt được đề cập trong báo cáo điều tra là ai đã phê chuẩn việc sử dụng trực thăng và liệu người đó có biết rằng phải cần một số thủ tục đặc biệt để có thể dùng trực thăng quân sự trấn áp vụ hỗn loạn dân sự theo cách đó hay không.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy là người đã cho phép sử dụng “các khí tài trên không” để cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các cuộc biểu tình. Một quan chức quốc phòng cho biết vào đêm 1/6, trực thăng UH-72 Lakota này được giao “nhiệm vụ rõ ràng”, trong đó có việc tham gia “răn đe” hoạt động tội phạm như nổi loạn, cướp phá bằng cách duy trì sự hiện diện trên đầu người biểu tình.
Tướng Walker có thể chấp nhận hoặc từ chối bất cứ khuyến nghị nào trong báo cáo điều tra, hoặc có thêm hành động như ra quyết định kỷ luật người vi phạm.
Kết quả cuộc điều tra có thể được công bố vào cuối tuần này. Tuy nhiên, nếu tướng Walker quyết định xử lý kỷ luật, những người liên quan sẽ có 10 ngày để phản hồi và điều này sẽ khiến kết quả cuộc điều tra bị lùi thời gian công bố sang tuần tới.
Chiếc trực thăng xuất hiện trong biểu tình là Urocopter UH-72 Lakota, phiên bản quân sự hóa của mẫu Eurocopter EC145, chuyên dùng trong công tác đảm bảo an ninh nội địa, ứng phó thảm họa và cứu hộ cứu nạn.
Trực thăng xuất hiện vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ triển khai quân đội để dẹp các cuộc nổi loạn, bạo động trên lãnh thổ Mỹ. Lực lượng an ninh Mỹ trước đó phải dùng đạn hơi cay để giải tán đám đông đụng độ với cảnh sát gần Nhà Trắng trong lúc Trump họp báo.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đã lan ra khắp 50 bang của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Hàng chục nghìn vệ binh quốc gia đã được triển khai để hỗ trợ đảm bảo an ninh ở thủ đô Washington và các bang khác.
Mỹ 'trữ hàng vạn viên đạn' ở thủ đô đối phó biểu tình
Vệ binh Quốc gia Mỹ đối phó biểu tình ở thủ đô Washington được chuẩn bị hàng chục nghìn viên đạn, sẵn sàng nổ súng khi khẩn cấp, theo NYTimes.
Quan chức Lầu Năm Góc hồi đầu tháng họp trực tuyến với chỉ huy Vệ binh Quốc gia Mỹ tại các bang nhằm tìm phương án đối phó phong trào biểu tình phản đối cái chết của người da màu George Floyd, cũng như chuẩn bị cho kịch bản xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào Nhà Trắng và các cơ quan chính phủ tại thủ đô Washington, New York Times hôm 10/6 tiết lộ, dẫn thông tin từ hàng chục quan chức quân đội và các tài liệu mà tờ báo thu thập được.
Các nội dung trao đổi trong cuộc họp được mô tả là "rất gấp gáp và thẳng thừng", trong đó xác định thời gian và số lượng Vệ binh Quốc gia có thể triển khai ở thủ đô Washington ngay khi có yêu cầu. Những bang do đảng Cộng hòa kiểm soát như Utah, Nam Carolina, Tennessee và Tây Virginia nhanh chóng nhận trách nhiệm góp quân, trong khi Vệ binh Quốc gia tại một số bang cung cấp vũ khí và đạn.
"Hàng chục nghìn viên đạn súng trường và súng ngắn được cất trữ trong kho quân khí ở thủ đô và chia thành từng kiện nhỏ có đánh dấu bang xuất xứ. Chúng có thể được dùng để tấn công người biểu tình trong trường hợp khẩn cấp", bài viết của New York Times có đoạn.
Vệ binh Quốc gia bang Nam Carolina triển khai gần Nhà Trắng hôm 3/6. Ảnh: Army Times.
Thông tin này cho thấy những vấn đề mà quan chức chính phủ và quân đội Mỹ phải đối mặt sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu họ giải quyết các cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, đồng thời kêu gọi các bang triển khai "lực lượng áp đảo" và hành động mạnh tay với người biểu tình.
Một số chỉ huy Vệ binh Quốc gia lo ngại việc điều quân tới thủ đô Washington mà không được biết rõ nhiệm vụ của họ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy dường như đã cảnh báo rằng nếu Vệ binh Quốc gia không giải quyết được biểu tình, Tổng thống Trump sẽ triển khai Sư đoàn lính dù số 82 để can thiệp.
Vệ binh Quốc gia là lực lượng quân sự dự bị của các lực lượng vũ trang Mỹ. Mỗi bang và vùng lãnh thổ Mỹ đều có lực lượng Vệ binh Quốc gia riêng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ thống đốc, người đóng vai trò là tổng tư lệnh Vệ binh Quốc gia ở bang đó.
Lực lượng này hiện có khoảng 350.000 thành viên, có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp nội địa hoặc tham gia chiến đấu ở nước ngoài như một bộ phận của Lục quân Mỹ. Vệ binh Quốc gia không có quyền hành pháp như cảnh sát, nhưng được phép mang vũ khí khi thực hiện nhiệm vụ và được quyền nổ súng trong trường hợp khẩn cấp.
Nhà Trắng từng muốn triển khai 10.000 quân chính quy ứng phó biểu tình, nhưng vấp phải phản đối từ Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.
Biểu tình vẫn diễn ra tại thủ đô Washington và nhiều nơi khác trên nước Mỹ để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của Floyd. Vệ binh Quốc gia bang Kentucky được xác định là lực lượng đã bắn chết David McAtee, một người da màu trong cuộc biểu tình bạo lực rạng sáng 1/6.
Trump phản đối đổi tên căn cứ quân sự Trump tuyên bố không cho đổi tên những căn cứ quân sự được đặt theo tên các chỉ huy Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ. "Những căn cứ hùng mạnh và phi thường đó đã trở thành một phần di sản của nước Mỹ vĩ đại, cũng là lịch sử của chiến thắng và tự do. Nước Mỹ đã huấn luyện...