Trục lợi vỉa hè Hà Nội: Nương tay hay “bảo kê” ?
Thanh tra thành phố đã phát hiện nhiều vi phạm về sử dụng lòng đường, vỉa hè từ khâu cấp phép đến quản lý sau cấp phép… nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan, kéo dài.
Trục lợi vỉa hè Hà Nội: Nương tay hay “bảo kê” ?
“Tạo điều kiện” vi phạm!
Nhằm làm rõ những sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp trong sử dụng lòng đường, vỉa hè, nhóm phóng viên đã liên hệ với đại diện UBND nhiều phường, quận. Về các điểm trông giữ xe vi phạm, đại diện lãnh đạo các phường đều biết rất rõ, nhưng ậm ừ theo kiểu “đã nhắc rồi, đã xử lý rồi nhưng lại cứ tái diễn”, hoặc lặp lại điệp khúc “cảm ơn các anh thông tin, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống xử lý ngay”.
Nhiều điểm vi phạm nằm ngay sát trụ sở UBND quận, UBND phường, công an phường nhưng một số cán bộ lại nói “chỗ này tiếp giáp mấy phường, khó xử lý”, hoặc “lực lượng mỏng, phương tiện thiếu”.
Trường hợp nhà hàng Vedell-Sailing Beer Club tại 27 Lý Thường Kiệt là một ví dụ. Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Bài đều biết rõ tại đây xây dựng, cải tạo nhà lấn ra vỉa hè không giấy phép. Nhưng đều tìm cách “nói khéo”, né tránh vi phạm của nhà hàng. Hàng loạt nhà hàng cà phê trên phố Thái Phiên lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, lập điểm đỗ xe kiếm bộn tiền nhiều năm qua.
Video đang HOT
Ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), nói: “Chúng tôi cũng liên tục ra quân xử lý ở khu vực phố Thái Phiên, nhưng nói thật rất khó xử lý triệt để được. Tâm lý, ý thức của người dân, rồi mưu sinh cuộc sống hằng ngày của họ, trong khi lực lượng chức năng không thể có mặt 24/24 để mà xử lý”.
Nhà hàng, quán cà phê phủ kín vỉa hè phố Thái Phiên cách trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng chỉ chừng trăm mét.
Ông Cao Thanh Long, Phó Công an phường Lê Đại Hành nói rằng, rất khó xử lý vì… hoàn cảnh. “Khu vực này tập trung nhiều tòa nhà văn phòng nên nhiều khi họ tràn xuống tập trung rất đông ở các hàng quán, các bãi xe ở phố Thái Phiên. Còn việc xử lý thì… Khi lực lượng công an đi rồi, đâu lại vào đấy”, ông Long nói.
Trước vi phạm của hàng loạt điểm đỗ xe trên phố Quán Sứ, đại diện lãnh đạo UBND phường Hàng Bông nói rằng đã xử lý nhưng vẫn tái diễn. phóng viên đặt câu hỏi: Liệu có mối “quan hệ” nào giữa các doanh nghiệp vi phạm với cán bộ chức năng của phường? Đại diện lãnh đạo phường Hàng Bông nói: “Không có quan hệ gì đặc biệt, chỉ là tạo điều kiện cho anh em kinh doanh thôi”.
Phải chăng vì được “tạo điều kiện” nên trên tuyến phố Quán Sứ, ô tô đỗ không phép dưới lòng đường kéo dài gần như cả tuyến? Nếu tính mỗi lượt gửi xe theo đúng giá quy định là 30.000 đồng đến 50.000 đồng/2 giờ đầu nhân với hàng vạn lượt xe dừng đỗ trái phép thuộc quản lý của các “bến cóc” giăng đầy nhiều tuyến phố mỗi ngày thì số tiền thu được là rất lớn. Vậy, số tiền này chảy vào túi ai?
Có dấu hiệu dung túng
Bãi đỗ ô tô, nhà hàng kinh doanh trên tuyến phố Quán Sứ nhiều lần vi phạm và đã bị xử phạt, nhưng UBND quận Hoàn Kiếm vẫn cho phép gia hạn giấy phép. “Giấy phép đỗ xe ô tô do quận cấp chỉ có giá trị trong sáu tháng, nhưng cứ hết hạn thì quận lại cấp tiếp.
Khi tôi về đây công tác thì đã có điểm đỗ xe này rồi, thời gian cũng đã tới 5-6 năm”, một cán bộ của UBND phường Hàng Bông nói. Đại diện UBND phường Hàng Bông thừa nhận, nếu cấp phép như hiện nay, cho ô tô đỗ vuông góc với vỉa hè đến sát tường thì sẽ không còn vỉa hè cho người đi bộ. “Đây là giấy phép do quận cấp nên chúng tôi không thể có ý kiến”, vị đại diện nói.
Kết luận của Thanh tra thành phố khẳng định, Sở GTVT chưa tham mưu UBND thành phố phê duyệt quy hoạch sử dụng tạm hè phố lòng đường; chưa ban hành văn bản hướng dẫn chính quyền địa phương. UBND các quận cũng chưa lập quy hoạch và danh mục điểm bãi đỗ xe tạm trên các tuyến được phép theo chỉ đạo của thành phố. “Từ năm 2012 đến 2014, Sở GTVT không tổ chức thanh tra đối với UBND các quận về việc quản lý, khai thác, sử dụng hè phố”, Thanh tra thành phố nêu rõ.
Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nói: “Với ý thức kinh doanh buôn bán lâu nay của người dân còn kém, nên nếu không kiên trì tuyên truyền, xử phạt nghiêm thì rất khó thành công.
Chẳng hạn, việc sắp xếp các chợ dân sinh, các chợ cóc trên địa bàn như ở khu vực cầu Lủ tồn tại rất lâu, gây bức xúc về ách tắc giao thông, nhiều lần ra quân xử lý nhưng vẫn tồn tại. Thậm chí cán bộ tại đây có dấu hiệu dung túng cho vi phạm, nhưng khi chúng tôi phân rõ trách nhiệm, duy trì lực lượng hằng ngày, hằng tuần tập trung xử lý thì sau một thời gian đã dẹp bỏ được”.
Trao đổi vớibáo chí ngày 5/3, đại diện Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm khẳng định, việc cải tạo mặt tiền khách sạn Hòa Bình thành “tổ hợp” nhà hàng ăn uống, bia tươi tại số 27 Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài) lấn ra vỉa hè là chưa được cấp phép xây dựng.
“Những vi phạm trong việc cải tạo mặt tiền của công trình số 27 Lý Thường Kiệt thuộc thẩm quyền xử lý của UBND phường Hàng Bài. Phường đang yêu cầu chủ đầu tư tiến hành tháo dỡ phần vi phạm. Chúng tôi sẽ giám sát việc xử lý này”, đại diện Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm nói.
Lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo xử lý ngay
Ngày 5/3, UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo các quận huyện liên quan xử lý ngay tình trạng thu phí trông giữ xe vô tội vạ.
Văn bản số 1177 được Văn phòng UBND thành phố Hà Nội truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, nêu rõ: Giao các quận Đống Đa, Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy kiểm tra, chấn chỉnh công tác trông giữ xe tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Hà đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; báo cáo kết quả về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan (Đoàn kiểm tra liên ngành) tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin các báo nêu theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời cung cấp thông tin kết quả xử lý cho các cơ quan thông tin truyền thông để phối hợp giám sát, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên ngày 5/3 (rằm tháng Giêng), lợi dụng ngày lễ, các điểm trông giữ xe tại các đền chùa tại Hà Nội đã tăng phí cao gấp đôi so với những ngày thường.
Cụ thể, những ngày trước phí trông giữ xe tại chùa Phúc Khánh, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Đống Đa), chùa Hà (Cầu Giấy), chùa Trấn Quốc (Tây Hồ), đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm)… là 50.000 đến 80.000 đồng/lượt ô tô; 10.000 đồng/lượt xe máy, tuy nhiên ngày hôm qua các điểm trông xe tại đây đã tăng lên 80.000 – 100.000 đồng/lượt với ô tô; 20.000 đồng/lượt với xe máy (tăng trên 6 lần giá quy định). Ngoài ra các điểm trông xe này còn sử dụng vé tự chế, quay vòng.
Theo Tiền Phong