Trưa nay ăn gì: lạ mà quen canh bún bạch tuộc
Đối với món canh bún bạch tuộc, điểm đặc biệt nhất là bạch tuộc tươi được luộc vừa chín tới, thấm vị nước dùng đậm đà, dai giòn vừa miệng. Canh bún vẫn nấu với riêu cua như công thức truyền thống, thêm nhiều nguyên liệu ăn kèm cho món ăn được đa dạng.
Bánh canh bạch tuộc. Ảnh minh họa: Dienmayxanh
Canh bún không còn xa lạ với nhiều người, bởi món này có hương vị thơm ngon, tuy xuất xứ từ miền Bắc nhưng đã trở nên phổ biến khắp các địa phương khác. Thoạt nhìn, canh bún trông giống bún riêu cua, cách nấu cũng không quá khác biệt nên không ít người nhầm tưởng hai món này là một. Phải tự tay nấu hoặc thưởng thức tô canh bún đúng chuẩn mới cảm nhận hết vị ngon, nước dùng thơm riêu cua, màu cam vàng từ gạch cua và cà chua tự nhiên.
Kết hợp canh bún cùng bạch tuộc là sự biến tấu mới lạ, không chỉ tăng mùi vị mà còn tăng độ bổ dưỡng. Bạch tuộc luôn được hầu hết các tín đồ hải sản ưa chuộng, trong bạch tuộc chứa lượng omega-3 và vitamin cao, có lợi cho sức khỏe và làn da. Nhưng phải biết chọn nguyên liệu tươi ngon thì món ăn mới đạt chuẩn. Bạch tuộc tươi sống nên lựa con có tròng mắt long lanh, bụng trắng sáng, di chuyển linh hoạt và thịt còn độ đàn hồi, nếu phải mua loại đông lạnh chú ý chọn con da trơn mịn, không bị trương phình.
Video đang HOT
Sơ chế bạch tuộc cũng rất đơn giản, sau khi cắt rời xúc tu và loại bỏ túi mực, đem rửa qua giấm, rượu hoặc gừng để khử tanh. Với món canh bún, bạch tuộc không cần ướp gì mà chỉ luộc chín, nhưng phải luộc trong nước dùng đã tạo màu, thành phẩm sẽ cho ra bạch tuộc màu cam vàng đẹp mắt. Khi thưởng thức, chấm qua nước sốt me hoặc muối tiêu chanh giúp tăng vị ngon bạch tuộc, vừa mềm vừa giòn.
Bên cạnh yếu tố mới mẻ thì nước dùng vẫn giữ được sự nguyên bản, cách nấu truyền thống luôn làm hài lòng những thực khách của canh bún. Vị ngọt tự nhiên từ nước hầm xương và riêu cua, thêm màu cam gạch cua, cà chua, dầu màu điều, khiến món ăn trông hấp dẫn hơn. Điểm khác so với bún riêu cua là canh bún không dùng nước cốt me, vị chua không nhiều, nhưng vẫn nêm nếm bằng mắm ruốc cho đậm đà.
Chưa hết, canh bún ngoài bạch tuộc còn thêm bún sợi to, đậu hũ chiên, chả quế, riêu cua trộn thêm thịt xay và trứng gà. Đặc biệt, rau dùng trong món này thường chỉ có hai loại là rau muống và rau nhút, trụng sơ để giữ độ giòn, cũng là một sự thú vị của món canh bún.
Tại TPHCM, mọi người có thể thưởng thức món ăn này tại một số địa chỉ sau: Canh bún & Bún riêu bạch tuộc (quận 8), Chị Thủy – Canh bún (quận 8), Henry Food – Bún Thái cay (quận Tân Phú), Phượng 22F – Bún riêu & Canh bún (quận 8), Quán bún Minh Ngọc (quận Tân Bình), Bún Thái đảo bạch tuộc (quận Tân Bình), Bánh canh bạch tuộc (quận Phú Nhuận), Chị Trâm – Canh bún, Bún riêu (quận 6), Quán bún riêu (quận 6)… Theo đó, một phần canh bún bạch tuộc có giá bán khoảng 40.000 – 55.000 đồng.
Trưa nay ăn gì: nồng nàn vị biển cùng bánh canh bạch tuộc
Nếu là tín đồ của món bánh canh nhưng đã quá quen thuộc với bánh canh giò heo, bánh canh cá lóc, bánh canh chả cá... sao mọi người không thử qua món bánh canh bạch tuộc lạ miệng nồng nàn hương vị biển.
Khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng để món ăn tươi ngon hấp dẫn. Để chọn bạch tuộc tươi, hãy chú ý tới màu da, độ đàn hồi và mắt của bạch tuộc. Da bạch tuộc phải căng và mịn. Dùng tay ấn nhẹ vào chúng thấy rõ độ đàn hồi trên thân. Mắt của bạch tuộc tươi sẽ trong, màu sắc con ngươi sắc xảo.
Khi chọn bạch tuộc để nấu món này, lưu ý chỉ cần chọn con nhỏ nhưng phải tươi. Có thể tự làm sạch ở nhà hoặc mua loại đã được làm sẵn ở siêu thị, khi mang về chỉ cần rã đông và rửa sơ lại là có thể chế biến được ngay. Bạch tuộc cần được bóp muối thật kỹ rồi rửa lại với nước; sau đó, cho ra rổ để ráo và cắt thành miếng vừa ăn, ướp thêm một chút gia vị cho đậm đà tròn vị.
Bánh canh được chọn làm món bánh canh bạch tuộc là loại bánh canh tươi có màu trắng ngà hay hơi đục. Sợi bánh không căng bóng mà mềm mại, dễ nát, dễ dính vào nhau. Khi ăn cảm nhận mùi chua tự nhiên của bột gạo.
Để món bánh canh bạch tuộc thêm đậm đà, có thể dùng xương ống để hầm cho phần nước dùng thêm hấp dẫn hơn. Bạch tuộc baby sẽ hợp với món bánh canh hơn bạch tuộc loại lớn. Nên xào bạch tuộc với một chút nước điều để bạch tuộc lên màu đẹp mắt. Món bánh canh bạch tuộc ăn kèm với rau xà lách, rau thơm, chanh và nước chấm là nước mắm cay hoặc muối tiêu xanh sẽ rất hợp. Nước dùng thanh ngọt, bánh canh mềm cùng với thịt bạch tuộc giòn sần sật chấm với muối tiêu xanh chua chua, cay cay thật hấp dẫn cho bữa trưa giữa tuần.
Tại TPHCM, mọi người có thể thưởng thức món ăn này tại một số địa chỉ sau: Bánh canh ghẹ & Bạch tuộc (huyện Bình Chánh), Bánh canh cua 240K (quận 5), Chị Thủy - Canh bún & Bún riêu bạch tuộc (quận 8), Canh bún & Bún riêu bạch tuộc (quận 8), A Trọc - Bánh canh bột gạo (quận Gò Vấp), Bánh canh cua tôm tích 86 (quận 10), Bánh canh đặc sản Đà Nẵng (quận Bình Tân), Út Hiếu - Bánh canh cua (quận 3)... Theo đó, một phần bánh canh bạch tuộc có giá bán khoảng 45.000 - 55.000 đồng.
Bản đồ ẩm thực: Dân dã bánh khọt Vũng Tàu Từ là món ăn chơi, bánh khọt dần được nhiều người dân Vũng Tàu yêu thích và chọn là món ăn tiêu biểu để giới thiệu đến du khách thập phương mỗi khi ghé thăm. Về ngoại hình, bánh khá giống với bánh căn của một số tỉnh, thành ven biển như Khánh Hòa, Bình Thuận hay Ninh Thuận. Lý giải tên bánh,...