Trọng trách mới với vị thế mới tại Liên Hợp Quốc
Một trong những dấu ấn đối ngoại nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2019 là lần thứ hai được bầu làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tỷ lệ phiếu bầu (192/193).
Kết quả bỏ phiếu này là bằng chứng đầy sức thuyết phục về sự tin tưởng của các nước trên thế giới dành cho Việt Nam, hiện thân cho vị thế quốc tế mới của đất nước ta.
Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc.
Nâng cao vị thế quốc tế
Đảm nhận trọng trách mới này, đất nước ta không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với thế giới và khả năng đóng góp tích cực vào việc cùng các nước khác giải quyết các vấn đề chung đặt ra lâu nay cho cả thế giới, mà còn có cơ hội tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của đất nước và tạo động lực mới cho đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Bằng nhiều hoạt động cụ thể trên nhiều lĩnh vực từ nhiều năm nay, Việt Nam đã làm cho thế giới thực sự tin tưởng và công nhận rằng Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn gắn kết hài hoà công cuộc phát triển đất nước trên mọi phương diện với đóng góp tích cực và hiệu quả cho nhân loại và thế giới. Thành tựu phát triển đất nước và những đóng góp ấy đã quyết định sự lựa chọn của các nước thành viên LHQ khi bầu Việt Nam lần thứ hai làm Ủy viên không thường trực của HĐBALHQ.
Tham gia HĐBALHQ, Việt Nam có cơ hội cùng các thành viên khác xử lý các vấn đề chung của cả thế giới phục vụ cho những mục tiêu phấn đấu cao cả chung của nhân loại là hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vì một thế giới trong hoà bình, phát triển bền vững, bình đẳng và dân chủ.
Ở đó không chỉ có vai trò và ảnh hưởng của Việt Nam, mà còn có cả khát vọng và quyết tâm của Việt Nam làm tất cả những gì có thể để củng cố và đề cao vai trò của LHQ trong thế giới hiện đại và để góp phần giúp LHQ thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử được các nước thành viên giao phó thể hiện trong Hiến chương LHQ.
Với trọng trách mới này, Việt Nam cùng quyết định chương trình nghị sự và cùng định hướng cho hoạt động của LHQ, tham gia xây dựng và thông qua những quyết sách cần thiết của HĐBALHQ mà các thành viên LHQ và cả thế giới mong chờ. Do đó, vị thế quốc tế của đất nước sẽ được nâng cao khi trên cương vị mới và với trọng trách mới này trong LHQ, Việt Nam không chỉ khẳng định đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đúng đắn và thích hợp cho Việt Nam, mà còn thể hiện đóng góp tích cực vào việc thực hiện những mục tiêu phấn đấu chung của các nước trên thế giới.
Vận hội mới rộng mở
Video đang HOT
Quốc gia nào trên thế giới cũng đề ra, theo đuổi và thực hiện lợi ích quốc gia riêng. Trên cương vị mới tại LHQ, Việt Nam cũng có lợi ích và mục tiêu riêng, nhưng phải hài hoà và tương thích với những lợi ích và mục tiêu chung của các nước trên thế giới. Khi thực hiện những mục tiêu đó, Việt Nam luôn phải lưu ý đảm bảo sao cho chúng đồng thời đóng góp cụ thể và thiết thực cho đất nước, cũng như cho cả thế giới nói chung. Uy tín quốc tế của đất nước được gia tăng khi các nước thành viên LHQ thấy Việt Nam thể hiện rõ là đại diện cho tất cả các nước thành viên của LHQ, chứ không phải chỉ cho một diện thành viên nhất định hay một nhóm thành viên nào đó.
Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tình hình thế giới và quan hệ quốc tế nói chung đang diễn biến rất phức tạp. Việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa 15 thành viên của HĐBALHQ không đơn giản. Mẫu số lợi ích chung không dễ tìm ra được và cũng không dễ gây dựng nên được. Vì thế, đi cùng với vị thế mới và trọng trách mới, có nhiều khó khăn và thách thức mới đối với Việt Nam. So với nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBALHQ 2008- 2009), Việt Nam hiện có nhiều tiền đề và điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong thời gian hơn 10 năm qua, đất nước ta đã chuyển mình rõ rệt và đã tiến bước được xa hơn trên con đường phát triển đi vào tương lai. Vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta cũng đã được tăng lên rất đáng kể trong khoảng thời gian ấy.
Năm 2019 là năm đất nước đạt được rất nhiều thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế có ý nghĩa rất to lớn. Phía trước là vận hội mới đang rộng mở cho đất nước. Tự hào và tự tin, hào khí và quyết tâm, có đường lối đúng đắn và kinh nghiệm thực tiễn, được đối tác và bạn bè ủng hộ và đồng hành- tất cả những yếu tố này sẽ góp phần đảm bảo thành công của Việt Nam trong việc thực hiện trọng trách mới này.
Thuỵ Vân
Theo DĐDN
Việt Nam thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ
Ngày 6/12, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm năm 2019 về Phát triển của Luật pháp quốc tế với sự tham dự của hơn 100 đại biểu bao gồm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các chuyên gia, học giả, giảng viên từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cùng đại diện một số công ty, hiệp hội, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực luật pháp quốc tế tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai điểm qua một số nét lớn về phát triển luật pháp quốc tế gần đây, đề cập một số thách thức to lớn đối với luật pháp quốc tế, trong đó nổi bật là việc một số nước gia tăng sử dụng biện pháp đơn phương trái với quy tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, gây những tác động lớn đến quan hệ quốc tế và khu vực.
Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế Lê Thị Tuyết Mai phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)
Tuy nhiên, hầu hết các nước, kể cả những nước sử dụng biện pháp đơn phương, đều đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ; đề cập yêu cầu tất yếu đòi hỏi các nước tăng cường hợp tác quốc tế, định hình quy tắc và chuẩn mực chung trong lĩnh vực mới nổi và củng cố các cơ chế đa phương trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, để cùng nhau giải quyết các thách thức xuyên biên giới mà một nước, một nhóm nước không thể giải quyết được; khẳng định nhận định chung của cộng đồng quốc tế cho rằng luật pháp quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng giúp các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, phát huy nguồn lực trong nước và quốc tế để hợp tác ứng phó với các thách thức, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, duy trì quan hệ quốc tế hữu nghị, hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Bà Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ, hiện nay quá trình xây dựng luật chơi trong lĩnh vực mới và cả lĩnh vực truyền thống tiếp tục diễn ra trên thế giới, với yêu cầu cải tổ một số cơ chế đa phương, trong đó có sự khác biệt quan điểm rất lớn giữa các nhóm nước, đấu tranh gay gắt, thể hiện rõ nét nhất ở một số lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, luật biển; và các lĩnh vực mới phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh cuộc Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)
Trước tình hình quốc tế và khu vực như vậy, Việt Nam tiếp tục đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, tiến hành cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở trong nước. Những chuyển biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường của tình hình khu vực và quốc tế, cùng với thách thức trong trong giải thích, áp dụng và định hình luật chơi cũng như yêu cầu nhiệm vụ thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn mới đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Tọa đàm năm 2019 về Phát triển của luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy thảo luận, trao đổi pháp lý giữa các cán bộ các bộ, ngành và các chuyên gia, học giả, luật sư, trọng tài viên trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, cũng như pháp luật quốc gia, nhất là đánh giá các vấn đề pháp lý quốc tế đang nổi lên có liên quan, hoặc có thể có tác động đến Việt Nam; thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng quan điểm, giải pháp của Việt Nam liên quan đến các chủ đề này; đồng thời tạo kết nối, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia pháp lý, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế, tham gia các diễn đàn pháp lý đa phương, nâng cao hiệu quả vận dụng và tham gia phát triển luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tọa đàm có hơn 20 tham luận của các diễn giả và nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu đến từ các cơ quan Nhà nước ở Trung ương (Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường...), các chuyên gia, học giả, luật sư, trọng tài viên thuộc Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung tâm trọng tài Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC).
Các thảo luận tại Tọa đàm có nội dung phong phú và thực tiễn về nhiều vấn đề pháp lý quốc tế gắn kết chặt chẽ với pháp luật quốc gia, tập trung vào ba chủ đề lớn, bao gồm: Việt Nam tham gia phát triển và thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế; các vấn đề pháp lý nổi bật hiện nay của Luật Biển và tác động đến Việt Nam; và các vấn đề pháp lý quốc tế về thương mại, đầu tư.
Tọa đàm đã trao đổi về công tác trọng tâm của Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và sự tích cực của thành viên Việt Nam tại Ủy ban này; khẳng định giá trị của Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế sau 50 năm ra đời và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam; đánh giá những vấn đề đặt ra trong quá trình Việt Nam tham gia các cơ chế đánh giá quốc gia đối với việc thực thi một số điều ước quốc tế đa phương (Công ước LHQ về quyền dân sự và chính trị, Công ước LHQ về chống tra tấn, và Công ước LHQ về Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia).
Về lĩnh vực luật biển, Tọa đàm nhấn mạnh giá trị của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sau 25 năm có hiệu lực, đặc biệt là vai trò thiết yếu của UNCLOS với tư cách là Hiến pháp của biển và đại dương, điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế về biển; đồng thời đánh giá về một số vấn đề an ninh biển đang nổi lên thời gian qua như mực nước biển dâng và tác động đối với luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, quá trình phân định ranh giới biển của Việt Nam với các nước láng giềng, bảo vệ môi trường biển cũng như vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU).
Về lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế, Tọa đàm nhấn mạnh chủ trương đúng đắn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thảo luận những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư thế hệ mới (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam - EVIPA).
Những cam kết quốc tế của Việt Nam đáp ứng yêu cầu nội tại về hoàn thiện chính sách và pháp luật và cải cách tư pháp trong nước cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, với nội dung ngày càng được mở rộng vượt khỏi các lĩnh vực thương mại, đầu tư truyền thống sang các lĩnh vực khác có liên quan đến thương mại, đầu tư (như lao động, công đoàn, phát triển bền vững). Điều này đang tạo ra những chuyển biến tích cực và cả những thách thức không nhỏ trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong nước.
Các xu hướng cải tổ hệ thống và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đang có những chuyển biến lớn và Việt Nam, với tư cách nước tiếp nhận đầu tư và có cả đầu tư ra nước ngoài, đang và sẽ cần tiếp tục tận dụng xu thế này để hoàn thiện các điều ước quốc tế về đầu tư theo hướng một mặt duy trì sức hút đối với đầu tư nước ngoài, đồng thời xác định rõ thẩm quyền của quốc gia trong việc hoạch định chính sách và quy định pháp luật đối với các lĩnh vực thiết yếu nhằm bảo đảm đầu tư có chất lượng, vì các mục tiêu phát triển bền vững.
Tọa đàm cũng trao đổi về việc Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế thuộc LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, xu hướng của thế giới và khu vực trong việc thúc đẩy các biện pháp trọng tài và hòa giải các tranh chấp thương mại quốc tế, trong đó có tranh chấp đầu tư quốc tế cũng như các vấn đề liên quan đặt ra đối với Việt Nam.
Các chuyên gia, đại biểu tham dự thảo luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)
Tọa đàm cho thấy những bước đi ngày càng vững chắc của Việt Nam trong lĩnh vực pháp lý quốc tế thời gian qua không chỉ khẳng định Việt Nam đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia mà còn đánh dấu bước tiến của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về mặt luật pháp quốc tế, thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Các cán bộ, chuyên gia của Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc nắm bắt kịp thời các xu thế quốc tế, đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp với lợi ích quốc gia và xu thế tiến bộ của quốc tế.
Tuy nhiên, tương tự không ít nước đang phát triển, Việt Nam đang gặp phải những khó khăn và hạn chế nhất định, cả về khách quan và chủ quan, trong việc thúc đẩy tuân thủ cam kết quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia, nhất là việc tranh thủ cơ hội mang lại từ các cam kết quốc tế trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, đòi hỏi sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp và địa phương.
Các đại biểu tham gia thảo luận cũng bày tỏ sẵn sàng tăng cường phối hợp, đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao nghiên cứu tiếp tục tổ chức mô hình thảo luận này nhằm tạo cầu nối cho các cán bộ, chuyên gia pháp lý trên nhiều lĩnh vực có cơ hội trao đổi chuyên sâu về các vấn đề pháp lý, nâng cao hiệu quả triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đóng góp vì mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Theo baoquocte
Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới Trong lịch sử và truyền thống Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn và hoàn cảnh nào, đối ngoại nhân dân luôn là một thành tố quan trọng trong công tác đối ngoại chung; phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước...