Trong thực tế, học sách giáo khoa nào cứ cấp trên muốn là được
Chỉ cần trong Hội đồng chọn sách vị lãnh đạo có vài ba câu gợi ý, hướng đến bộ sách nào thì gần như chắc chắn bộ sách ấy sẽ được chọn để làm vừa lòng cấp trên.
Câu chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại chi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đang làm dậy sóng trên nhiều diễn đàn.
Hai cuốn sách giáo khoa Tin học nội dung kiến thức gần như giống nhau nhưng vẫn thay và giá thành sách mới gấp hơn 2 lần cuốn sách giáo khoa cũ (Ảnh Phan Tuyết)
Nhiều người lo lắng chuyện Sở Giáo dục nhận tiền hoa hồng hàng tháng của nhà xuất bản sẽ khó có thể minh bạch, công bằng trong việc chọn lựa sách giáo khoa.
Những băn khoăn, lo lắng của công luận là có cơ sở vì trong thực tế chuyện học sách giáo khoa của nhà xuất bản nào từ trước đến nay đều do cấp lãnh đạo bên trên (cấp sở, cấp phòng) đạo diễn.
Nơi trường học hoàn toàn bị động, không ít hiệu trưởng từng bức xúc việc thay đổi sách liên tục đã làm khó cho nhà trường, làm khổ cho phụ huynh đặc biệt là phụ huynh nghèo.
Thế nên dù bức xúc đến đâu lãnh đạo nhà trường (đừng nói gì giáo viên) chỉ biết im lặng và thực hiện.
Chuyện có ý kiến góp ý còn chưa có chứ nói gì đến ý kiến phản đối.
Sách Tin học, Anh văn vài năm trở lại đây nhiều địa phương liên tục thay đổi
Một bộ sách Anh văn gần 200 ngàn đồng, sách Tin học cũng có giá khoảng 50 ngàn đồng/bộ. Vậy mà học sinh học năm trước vừa xong đã trở thành sách loại do địa phương lại đổi sách của một nhà xuất bản khác.
Xem cuốn sách Tin học bậc tiểu học do Nhà xuất Giáo dục phát hành đã được học ổn định khá nhiều năm. Giá cuốn sách này cũng chỉ hơn 20 ngàn đồng/cuốn (học chung cho cả năm). Chất lượng môn học cuối năm trường nào chẳng đánh giá học sinh hoàn thành 100%.
Vậy mà, đùng một cái cuối năm nhà trường được thông báo sang năm thay sách Tin học mới do một nhà xuất bản khác xuất bản. Giá của sách Tin học lại lên tới gần 50 ngàn đồng/bộ.
Lý do thay sách được cấp trên đưa ra nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Video đang HOT
Nhưng cầm 2 cuốn sách Tin học của hai nhà xuất bản trên tay, chúng tôi thấy về kiến thức cung cấp cho học sinh chẳng khác nhau là mấy. Điều khác duy nhất chỉ là sắp xếp các bài dạy và sách mới có hình ảnh bắt mắt hơn.
Giáo viên dạy tin cũng cho biết: “Cũng thế cả thôi, mình đâu có quyền trên bảo sao thì làm vậy”.
Sách Tin học giá tiền ít hơn còn thấy xót, bộ sách Anh văn mới là lãng phí vô cùng. Bởi mỗi bộ sách gần 200 nghìn đồng chứ đâu phải ít.
Giáo viên dạy Anh văn cũng cho rằng đến 80% kiến thức của 2 cuốn sách giống nhau.
Kết quả học tập môn Anh văn của học sinh tiểu học ở địa phương tôi luôn được đánh giá gần 100% hoàn thành môn học. Vậy mà, họ vẫn cho thay sách mới với lý do sách mới chất lượng học tập sẽ tốt hơn.
Chúng tôi lo cho chuyện chọn sách sắp tới
Nếu ai ở trong ngành giáo dục sẽ hiểu rất rõ chuyện cấp dưới phục tùng cấp trên gần như tuyệt đối dù cho đó là những mệnh lệnh vô lý, bất lợi cho học sinh, cho nhà trường (trừ một vài trường hợp bức xúc đấu tranh nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu).
Cái lý của nhiều thầy cô: “Im lặng cho nó lành, phản ứng chẳng được gì có khi rước họa vào thân”. Nhiều người lấy câu nói: “Một điều nhịn chín điều lành” làm phương châm sống.
Tâm lý của nhiều thầy cô giáo luôn sống an phận, đến quyền lợi của mình bị xâm phạm còn chịu đựng thì nói gì đấu tranh bảo vệ ai?
Vì những nguyên nhân trên, chúng tôi lo sợ rằng việc chọn sách giáo khoa theo chương trình mới sẽ khó có được sự công minh.
Chỉ cần trong Hội đồng chọn sách vị lãnh đạo có vài ba câu gợi ý, hướng đến bộ sách nào thì gần như chắc chắn bộ sách ấy sẽ được chọn để làm vừa lòng cấp trên.
Có lẽ nắm được điều này nên nhà xuất bản đã đi trước một bước. Khi lãnh đạo địa phương ấy đã ăn tiền thì gần như cơ hội cho nhà xuất bản khác sẽ không còn.
Đỗ Quyên
Theo giaoducthoidai
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: "Các chuẩn mực của đạo đức công vụ không cho phép Sở GD&ĐT nhận tiền của NXBGDVN"
Sự việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa (SGK) miền Nam, trong đó có lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khiến dư luận dậy sóng.
Vụ việc không chỉ đặt ra câu hỏi về tính công bằng, khách quan trong việc lựa chọn SGK cho khu vực, mà còn đặt ra nghi vấn: Liệu NXBGDVN và Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có phạm luật?
Bộ SGK dành cho học sinh lớp 1 (Ảnh: Minh Thúy)
Các quy định pháp luật
Năm 2014, Nghị quyết số 88 về chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã được Quốc hội ban hành. Kể từ thời điểm đó, Chính phủ và toàn ngành giáo dục khẩn trương bước vào thực hiện chủ trương lớn này. Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Trong đó, khoản 2, điều 11 của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 33, cho biết: " Người tham gia biên soạn SGK không tham gia thẩm định SGK".
Thông tư 33 này thay thế cho Quyết định số 37/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, khoản 2, điều 11 lại kế thừa một phần trong khoản 1, điều 6 của Quyết định: "...Hội đồng thẩm định phải có ít nhất một phần tư tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học, bậc học tương ứng. Tác giả của dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa được thẩm định không tham gia Hội đồng thẩm định".
Như vậy, cho tới trước khi Thông tư số 33/2017 được ban hành, Quyết định số 37/2001 của Bộ GD&ĐT vẫn có hiệu lực.
Trong khi đó, tại khoản 1a, điều 7 của Nghị định số 11/2010 của Chính Phủ về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Sở GD&ĐT có trách nhiệm: " Trình UBND cấp tỉnh: dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục trên địa bàn; dự thảo các quyết định, chỉ thị khác về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh để phát triển giáo dục".
Bên cạnh đó, năm 2015, Chính phủ đã có Quyết định số 404 về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó quy định Bộ GD&ĐT có quyền " thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; các ban xây dựng chương trình, các ban biên soạn SGK; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình; Hội đồng quốc gia thẩm định SGK".
Năm 2020, các trường sẽ được tự chọn bộ SGK phù hợp nhất với mục tiêu giảng dạy của mình.
Trong khi đó, NXBGDVN chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh từ năm 2015. Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam được thành lập gồm 11 người: 1 Giám đốc sở, 1 Phó giám đốc, 1 Phó Chánh văn phòng, 1 Trưởng phòng Giáo dục Trung học, 2 Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, 1 Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 2 Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 1 Chánh văn phòng và Phó Chánh văn phòng.
Đến năm 2018, NXB này tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam cùng với mức chi thù lao. Lúc này, Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK không chỉ có mỗi Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh mà còn có thêm các thành viên từ nhà xuất bản và nhóm tư vấn hỗ trợ.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh không nên nhận lời mời của NXB
Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nhận định, Sở GD&ĐT có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc lựa chọn SGK. Chính vì vậy, những người này lại tham gia Ban chỉ đạo biên soạn SGK là không nên. Đây là trường hợp xung đột lợi ích quá rõ ràng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
"Đáng lẽ, lãnh đạo Sở GD&ĐT cần phải từ chối khi được mời tham gia vào Ban chỉ đạo biên soạn SGK. Đặc biệt, nếu Nhà xuất bản Giáo dục mời tham gia và trả tiền bồi dưỡng thì lại càng phải từ chối. Bởi vì rằng, chẳng có cách gì để Sở có thể giải trình được với công chúng về cách hành xử như vậy cả!" - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuẩn mực của đạo đức công vụ, cho dù không được quy định thành văn bản thì vẫn hiển hiện trong cuộc sống. Các chuẩn mực đó là: Đã thực thi công vụ thì phải: 1. Tránh xung đột lợi ích; 2. Đặt lợi ích công lên trên hết; 3. Phải luôn luôn gìn giữ cho được lòng tin của công chúng. Cả 3 nguyên tắc trên đều không cho phép Sở GD&ĐT nhận tiền của NXBGDVN.
Về việc NXBGDVN chi thù lao hàng tháng từ năm 2015 đến năm 2017 cho Ban chỉ đạo biên soạn Bộ SGK miền Nam trong đó có các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, trong bất cứ trường hợp nào, công chức đang đi làm không được phép nhận lương của doanh nghiệp.
Nếu có một ban chỉ đạo biên soạn sách, thì ban chỉ đạo này phải do Nhà nước thành lập, chi phí cho việc chỉ đạo nếu có phải lấy từ ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp này, Sở GD&ĐT việc nhận tiền mà không làm gì cả còn có thể phạm vào tội tham ô. Các quan chức của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã tham gia Ban chỉ đạo biên soạn sách, thì phải làm rõ được là họ đã chỉ đạo ai? Các động tác chỉ đạo cụ thể là những động tác gì? Biên bản họp hành, ý kiến chỉ đạo được lưu trữ ở đâu? Sản phẩm cụ thể của hoạt động chỉ đạo là những sản phẩm gì? Chứng cứ cho các đóng góp trên ở đâu? Nếu có đầy đủ chứng cứ, thì cách hành xử trên là vi phạm đạo đức. Nếu không có bất kỳ chứng cứ gì thì cách hành xử trên là vi phạm pháp luật.
"Sở phải trình ra được văn bản các cuộc họp và ý kiến tư vấn, ý kiến chỉ đạo, đối tượng chỉ đạo. Nếu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chỉ có tên trong Ban chỉ đạo này và nhận tiền mà không làm gì cả, thì đó là hành vi tham ô" - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Tuy nhiên, nếu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có chỉ đạo biên soạn sách thật sự, việc tham gia Ban chỉ đạo vẫn gây ra xung đột lợi ích làm cho uy tín của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng, lòng tin của người dân bị giảm sút.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh đến khả năng tham gia Ban chỉ đạo là vi phạm Luật phòng chống tam nhũng. Khoản 1c, điều 37, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định rất rõ ràng như sau: Cán bộ, công chức, viên chức không được "làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết".
Theo viettimes
'Làm sách giáo khoa ở Việt Nam có những sai lầm ngay từ đầu' Ông Nguyễn Quốc Vương cho rằng một trong những sai lầm cơ bản là không dứt khoát việc trao quyền làm sách giáo khoa cho tác giả và nhà xuất bản. "Gần đây, Nhật Bản phát hiện việc các giáo viên ở trường phổ thông đọc bản thảo sách giáo khoa để 'góp ý' cho nhà xuất bản và nhận thù lao. Theo...