Trồng thứ cây ra quả đỏ thơm lừng ở gốc, lão nông kiếm bộn tiền
Từng một thời ăn củ sắn, củ mài vì đói nghèo, nhưng đến nay, lão nông Mùa Dúa Vàng (SN 1960), dân tộc Mông, bản Ten Hon ( xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã “bứt phá” từ hộ nghèo thành hộ giàu nhờ trồng cây thảo quả, loại cây cho ra quả màu đỏ thơm lừng dưới gốc.
Được sự giới thiệu của bà Phạm Thị Tuyên – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tuần Giáo, chúng tôi tìm đến xã Tênh Phông để tìm hiểu mô hình trồng cây thảo quả của ông Mùa Dúa Vàng – cây xóa nghèo của đồng bào Mông nơi đây.
Nhờ trồng cây thảo quả, từ đói nghèo, ông Vàng “bứt phá” thành hộ khá giả.
Sau gần 30 phút ngồi xe máy ngược núi trên con đường rải nhựa quanh co từ thị trấn Tuần Giáo, chúng tôi có mặt tại xã Tênh Phông. Ngôi nhà của ông Vàng nằm ngay trước cửa ngõ vào trung tâm xã.
Tại đây, cứ khoảng 10 – 15 phút lại có từ 4 – 5 chiếc xe máy chất đầy bao tải thảo quả của bà con ở các bản vùng cao chạy đến dừng trước cửa nhà ông Vàng để bán cho thương lái ở Lào Cai.
Ngoài bán thảo quả tươi, ông Vàng còn đầu tư lò sấy thảo quả khô, đợi khi nào giá thảo quả đạt ở mức cao nhất ông mới bán.
Video đang HOT
Chúng tôi không khó để nhận ra ông Vàng, người đàn ông có dáng người đậm, nước da màu đồng hun, đôi bàn tay nứt nẻ, thô ráp – dấu vết của một thời gian khổ do cầm dao, cầm cuốc để chọc lỗ tra hạt ngô, hạt thóc kiếm kế sinh nhai.
Với đôi bàn tay thoăn thoắt đang đếm sột soạt tập tiền 50 triệu đồng, hỏi ông Vàng mới biết đó là số tiền bán thảo quả của gia đình ông trong một buổi sáng.
Ông Vàng cho biết: Trồng thảo quá dưới tán rừng rất nhàn, không tốn một đồng phân bón. So với trồng ngô, lúa, thảo quả cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.
Biết chúng tôi là phóng viên, ông Vàng vội vàng cân nốt những bao tải thảo quả còn lại của gia đình và bà con cho thương lái rồi mời chúng tôi vào nhà uống nước.
Kể với giọng vanh vách, ông Vàng nhớ lại: Đầu những năm 90, cuộc sống của gia đình tôi và người dân nơi đây bị đói nghèo bủa vây như sương mù bao phủ vào mùa đông vậy. Con cái đông đúc nên ngô, thóc làm được bao nhiêu ăn hết đến đó. Tôi đã từng vào rừng đào củ mài, củ sắn, hái hoa chuối để đảm bảo bữa ăn qua ngày cho gia đình. Khổ lắm !.
Đối với một số hộ gia đình ở xa, ông Vàng giúp bà con thu mua lại thảo quả.
Ông Vàng cho biết: Tênh Phông nằm ở độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển, quanh năm sương, mây bao phủ khắp xã. Nhận biết được lợi thế này, ông Vừ Khua Xá – người ở xã Pú Nhung (Tuần Giáo) là cán bộ tăng cường ở xã Tênh Phông đã đem cây thảo quả ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu về hướng dẫn kỹ thuật bà con trồng. Vì vậy, người dân nơi mới được thoát được nghèo đấy.
Nhận thấy đói nghèo cứ bủa vây năm này qua năm khác, nên ông Vàng là một trong những hộ tiên phong trồng 100 gốc thảo quả đầu tiên trên đất Tênh Phông. Ông bắt đầu trồng thảo quả từ năm 1992, thời điểm đó, đất Tênh Phông nghèo khó, từ huyện Tuần Giáo ngược dốc lên Tênh Phông đi bộ mất nửa ngày trời, cây thảo quả trồng được cũng không có ai thu mua.
Theo ông Vàng, để thảo quả phát triển tốt, lúc mới trồng, phải làm cỏ sạch sẽ. Sau khi thu hoạch thảo quả xong, cắt bỏ đi những cành già.
Theo ông Vàng, phải đến năm 2000, thương lái ở Lào Cai mới biết xã Tênh Phong trồng thảo quả và tìm đến mua. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây thảo quả trồng dưới tán rừng ở bản Ten Hon phát triển rất tốt. Lúc đầu, diện tích trồng thảo quả của gia đình chỉ có 100 gốc nhưng đến nay đã phát triển thành 3ha. Từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch mất khoảng 3 năm, năm thứ 4, thứ 5 trở đi bắt đầu cho thu hoạch rộ.
Nhờ tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông Vàng nhiều năm nhận được tặng giấy khen của các cấp, các ngành.
Ông Vàng phấn khởi bảo: “Nhiều việc nên chúng tôi cũng chẳng ghi chép, tính toán cụ thể, mỗi năm thu được bao nhiêu tấn. Cứ đến mùa thảo quả ra quả, chúng tôi chỉ biết lên vườn hái về bán cho thương lái. Trung bình, năm được mùa thu được hơn 100 triệu đồng, năm mất mùa được 60 – 70 triệu đồng”.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Vàng chỉ tay vào hàng chục bao thảo quả đang chất đầy trước sân nhà và bảo: “Từ khi trồng thảo quả, cuộc sống đã ổn định hơn so với trồng ngô, sắn trên nương như trước đây. Mọi thứ trong nhà từ tủ lạnh, ti vi, xe máy… đều nhờ bán thảo quả có được. Đặc biệt, nhờ có thảo quả mà đói nghèo đã bị “đuổi” ra khỏi nhà”.
Theo Danviet
Nhổ "cây ăn thịt người" đi trồng thảo quả, Mùa Dúa Vàng đổi đời
"Trước kia, đất Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) từng được biết đến là thủ phủ của cây thuốc phiện.
Thời ấy, hơn 50% dân số ở xã Tênh Phông này bị sự quyến rũ ma mị của "nàng tiên nâu". Nhưng hôm nay, cây thuốc phiện ở vùng đất này đã được xóa bỏ triệt để; thay thế vào đó là hàng trăm ha cây lương thực, cây thảo quả cho ra trái ngọt..." - lão nông Mùa Dúa Vàng ở bản Ten Hon (xã Tênh Phông) bảo vậy.
Một thời đầy rẫy trộm cắp
Ông Mùa Dúa Vàng (SN 1960) - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Tênh Phông, kể: Trước đây, bà con ở xã này trồng bạt ngàn cây thuốc phiện. Việc trồng và hút thuốc phiện của người Mông nơi đây diễn ra như cơm bữa. Nhà nhà trồng thuốc phiện, người người hút thuốc phiện. "Nàng tiên nâu" đã đẩy không biết bao gia đình tan cửa, nát nhà. Người em trai của ông đã ra đi mãi mãi vì nghiện thuốc phiện.
Ông Mùa Dúa Vàng kiểm tra vườn thảo quả của mình. Ảnh: S.T.L
"Từ nhỏ, tôi theo chân bố mẹ và người dân trong bản đi khắp các vạt nương, triền đồi để thu hái, lấy nhựa cây thuốc phiện. Thứ cây "ăn thịt người" này trồng ở vùng đất Tênh Phông lên rất tốt. Bà con dùng ma túy để bán lấy tiền, đổi thức ăn nên nương rẫy bị bỏ bê. Cơm nước no nê, bà con lại say sưa, chân co chân duỗi bên bàn đèn. Có dịp trò chuyện với các ông, bà, họ bảo: Ngày nào cũng phải làm vài "bi" vào người thì đầu óc mới tỉnh táo và làm được việc" - ông Vàng nhớ lại.
Năm 1982, ông Vàng lập gia đình, nhà có vài sào nương thì bố, mẹ, anh em trồng phủ kín cây thuốc phiện. Theo ông Vàng, thời đấy, gia đình ông và bà con dân bản tin rằng chỉ có trồng cây thuốc phiện đem bán lấy tiền, đổi thức ăn mới có cuộc sống giàu sang.
Càng về sau, ông Vàng nhận thấy thuốc phiện không giúp cuộc sống của bà con giàu sang như nhiều người hoang tưởng mà ngược lại nó (thuốc phiện - PV) gây mất an ninh - trật tự địa phương, khiến hạnh phúc bao gia đình tan vỡ khi con cái phải sống cảnh không cha, không mẹ, vợ mất chồng, người già không ai chăm sóc...
Đổi đời nhờ trồng cây thảo quả
Chia sẻ về câu chuyện từ bỏ cây thuốc phiện để có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay, ông Vàng cho hay: Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thấy cuộc sống của người dân nơi đây khổ cực quá, đồng chí Vừ Khu Xá (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tênh Phông đã cất công đi tận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, lấy giống thảo quả về cho bà con trồng. Nhà nước cũng đầu tư nhiều chính sách mới về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đưa giống cây trồng, con nuôi mới, hiệu quả cao về cho dân. Bởi vậy, Tênh Phông mới đổi thay được như hôm nay.
Năm 1995, phát huy lợi thế tiếng Mông của mình, ông Vàng ngày đêm cùng cán bộ xã, cán bộ huyện đi tuyên truyền tác hại của cây thuốc phiện và vận động người dân từ bỏ cây thuốc phiện chuyển hướng sang trồng cây con giống mới. Dần dà, ông Vàng tạo được uy tín với bà con và được bầu làm Trưởng bản Ten Hon từ năm 1995 đến năm 2011.
Dẫn tôi đi thăm vườn thảo quả xanh ngút ngàn của gia đình - nơi mà trước đây từng bạt ngàn hoa anh túc nở, ông Vàng bảo: "Mình làm Trưởng bản, muốn người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mình phải gương mẫu thực hiện trước mới tuyên truyền, vận động được bà con. Lúc đầu, tôi trồng 100 gốc thảo quả. Sau mấy năm, tôi có 3ha thảo quả. Năm nào mất mùa cũng thu từ 50 - 60 triệu đồng; năm được mùa tôi bỏ túi trên 100 triệu đồng".
Ông Mùa A Dụa - Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phong cho biết: Chính nhờ ông Vàng mà người dân xã Tênh Phong đã "đuổi" được cây thuốc phiện ra khỏi bản. Bà con thấy ông Vàng trồng được thảo quả, bán được nhiều tiền liền làm theo ngay. Hiện nay, bà con người Mông ở Tênh Phong, hộ ít nhất cũng có vài trăm m2 thảo quả, hộ nhiều từ 4 - 5ha. Mỗi năm, từ nguồn thu bán thảo quả, bà con ai cũng sắm sửa được tivi, tủ lạnh, xe máy. Cái đói, cái nghèo chỉ còn là chuyện quá khứ...
Thung lũng sa nhân-nơi dân vào rừng hái thứ quả quý mọc dưới gốc, để khô bán 500 ngàn/kg Hơn 20 năm trước, cây sa nhân bén rễ ở xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), tập trung ở bản Lồng - một trong 7 bản của xã miền núi, nằm trên con đèo Pha Đin. Đến nay, toàn xã có hơn 120ha cây sa nhân, là địa phương có diện tích trồng cây sa nhân lớn nhất tỉnh Điện...