Trồng thành công loài nấm mộc nhĩ đen khổng lồ ở Ninh Bình
Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình) thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm giống nấm mộc nhĩ đen (Auricularia polytricha) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Mộc nhĩ là loại nấm được sử dụng nhiều ở nước ta để chế biến các món ăn và làm thuốc. Tuy nhiên, các giống mộc nhĩ mà người dân sử dụng hiện nay là giống nấm mộc nhĩ Auricularia auricula cánh nhung, mỏng, năng suất thấp, khả năng thích ứng kém, dễ bị sâu bệnh.
Từ thực tế trên, Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình) thực hiện mô hình “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm giống nấm mộc nhĩ đen (Auricularia polytricha) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Cán bộ Trung tâm KHCN và Đo lường thử nghiệm trao đổi kỹ thuật nuôi trồng nấm mộc nhĩ đen với xã viên HTX nấm Khánh Vân.
Trong 7 tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 12/2019), các cán bộ của Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm nấm mộc nhĩ đen, quy mô 8.000 bịch tại xã Gia Tường (huyện Nho Quan) và xã Khánh Vân ( huyện Yên Khánh), đến nay đã cho kết quả rất tốt.
Ông Bùi Trung Thành, HTX nấm Khánh Vân (huyện Yên Khánh) – cơ sở phối hợp thực hiện mô hình chia sẻ: Chúng tôi có gần 3.000 m2 lán trại và được Trung tâm chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư… thực hiện mô hình thử nghiệm trồng giống nấm mộc nhĩ đen từ tháng 6 đến tháng 12.
Đến nay, 4.000 bịch nấm mộc nhĩ đen đang cho thu hái, chuyển sang chế biến, bảo quản. Để trồng nấm mộc nhĩ đen có thể sử dụng các loại giá thể như rơm rạ, vỏ lạc, bã mía, thân, lõi ngô, bông phế liệu, nhưng chủ yếu là sử dụng mùn cưa của các loại cây gỗ có nhựa trắng như mít, sung, keo, si, bồ đề, cao su. Không sử dụng các loại mùn cưa của cây có tinh dầu, độc tố.
Tuy nhiên, so với các loại nấm mộc nhĩ khác, mộc nhĩ đen sinh trưởng, phát triển nhanh, do vậy cần lượng dinh dưỡng lớn hơn, cần bổ sung lượng cám ngô, cám gạo nhiều hơn, nếu dùng mùn tạp có thể bổ sung thêm đạm sun phát, superphotphat. Để có được cánh nấm to, dày cần có chế độ tưới phù hợp, nếu thời tiết khô hanh thì tưới ngày 3-4 lần, nếu trời ẩm tưới ngày 2-3 lần đảm bảo độ ẩm trong lán 90%.
Thời gian của mỗi lứa kéo dài hơn, từ 20-25 ngày sẽ cho cánh nấm to, dày. Cần điều chỉnh ánh sáng phù hợp, ánh sáng quá yếu cánh nấm bị mỏng, mọc kém, ánh sáng mạnh hạn chế nấm sinh trưởng.
Video đang HOT
Thạc sỹ Đinh Thị Lan, Chủ nhiệm thực hiện mô hình cho biết: Giống nấm này có dải nhiệt rộng từ 20-30oC nên thời vụ trồng kéo dài, có thể trồng từ tháng 8 dương lịch, thu hoạch vào trước Tết Nguyên đán nên người dân có thể trồng sớm, tận dụng lúc nông nhàn, tận dụng lán trại, giá bán nấm vào thời điểm này từ 120-140 nghìn đồng/1kg nên cho hiệu quả kinh tế cao.
Mộc nhĩ đen rất có ích cho tim mạch: giảm lượng cholesterol, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ ở thành động mạch và sự hình thành cục máu do xơ vữa động mạch, chống ôxy hóa, ngăn ngừa đông máu, ức chế sự kết dính tiểu cầu.
Đặc biệt là tỷ lệ sắt và canxi trong mộc nhĩ đen cao gấp 30 – 70 lần trong thịt. Mô hình trồng nấm mộc nhĩ đen cho chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên nhu cầu rất lớn, hiện nay lượng cung không đủ cầu. Với kỹ thuật trồng không quá phức tạp, hiện nay Trung tâm ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm đã làm chủ được quy trình phân lập, nhân giống và nuôi trồng có thể chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu mở rộng mô hình sản xuất.
Hơn thế nữa, mô hình còn góp phần lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao năng suất, từ đó phát triển nghề trồng nấm tại Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.
Trên thực tế, tiềm năng để người dân mở rộng trồng nhiều loại nấm là rất lớn do có nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn lao động dồi dào, điều kiện thời tiết thuận lợi có thể trồng quanh năm. Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nấm đem lại hiệu quả kinh tế ở quy mô hộ gia đình, gia trại, trang trại, hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp.
Sản xuất nấm đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô hàng hóa gắn kết đồng bộ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ. Mô hình trồng nấm không chỉ tạo việc làm cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của lĩnh vực trồng trọt nhờ sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp.
Theo Nguyễn Minh (Báo Ninh Bình)
Cựu binh bỏ tiền túi xây, sửa 8 cây cầu
Về xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hỏi ông Sản 'xây cầu' ai cũng biết.
Tính từ cây cầu đầu tiên vào năm 2015, đến nay ông Sản đã bỏ tiền túi hơn 300 triệu đồng để xây mới, sửa lại 8 cây cầu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của người dân.
Sinh năm 1954, năm 22 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) nhập ngũ. Sau 8 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1984, ông xuất ngũ về quê mang theo mình những mảnh đạn còn găm trong người.
Ở tuổi 31, ông lấy vợ và sinh liền 3 người con trai. Chuyện cơm áo khiến người cựu chiến binh tất bật với cuộc sống mưu sinh, nghĩ cách làm giàu. Đã có thời điểm ông trắng tay, vào tận miền nam để tạm quên đi những thất bại.
Nhiều năm sau nhận thấy quê mình đang phát triển với nhu cầu xây dựng ngày một nhiều, ông Sản mạnh dạn mở một cửa hàng cho thuê cốp pha.
Làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình khấm khá dần, ông bắt đầu nghĩ tới việc đóng góp cho cộng đồng.
Ông Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Nguyễn Thảo
Đặc điểm của địa phương ông là có nhiều con sông chảy qua nên trên địa bàn xã có tới chục cây cầu. 'Cầu chợ Cát là cây cầu nối 2 xã Khánh Trung và Khánh Mậu, lại ngay sát chợ nên lượng người đi lại qua đây rất đông. Thế nhưng, suốt 60 năm từ khi tôi sinh ra, cây cầu vẫn thế. Trước khi xây cầu, người ta chỉ lấy 2 cây cột điện bắc qua sông. Ở đây đã từng xảy ra 4 vụ tai nạn, trong đó có 2 người chết khi đi qua cầu' - ông kể.
Vì lý do ấy mà ý định xây cầu chợ Cát đã nung nấu trong thâm tâm ông từ rất lâu. Năm 2015, trước khi đề xuất với chính quyền, ông hỏi ý kiến vợ con cho ông sử dụng số tiền tiết kiệm suốt nhiều năm làm ăn để xây cầu. Đồng lòng với chồng, vợ ông và các con đồng ý ngay. Ông nói: 'Số tiền không nhỏ, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của gia đình, nếu vợ con không đồng ý thì không làm được'.
Được vợ con ủng hộ, chính quyền khuyến khích, ông bắt tay vào thuê người thiết kế, thi công. Trong vòng 1 tháng, cây cầu rộng 3,5m được dựng lên chắc chắn, kiên cố cho đến bây giờ. Đầu bên này là chợ Cát nằm trên trục đường chính của xã Khánh Trung, đầu bên kia là địa phận xã Khánh Mậu.
Tổng chi phí cho toàn bộ công trình là 147 triệu đồng được ông bỏ tiền túi ra làm. Ở cây cầu đầu tiên, chi phí không phải là vấn đề lớn nhất ông Sản cần giải quyết, mà là ở cách thức thi công. 'Lần đầu tiên xây cầu, tôi còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa xử lý các vấn đề phát sinh. Còn bây giờ đến cây cầu thứ 8 thì tôi nắm rõ như lòng bàn tay rồi'.
Cây cầu chợ Cát được ông Sản xây dựng vào năm 2015. Ảnh: Nguyễn Thảo
Sau cây cầu chợ Cát xây dựng vào năm 2015, những năm sau đó, năm nào ông cũng xây lại, làm mới 1-2 cây cầu. Trong đó, có một cây cầu dẫn vào trường mầm non xã rộng hơn 5m, trải bê tông phẳng lỳ, thay thế cho cây cầu nhỏ 2m trước đây đã bị xuống cấp. 'Cây cầu mới nhất là vào tháng 10/2019' - ông Sản chia sẻ.
Những cây cầu sau đó, có cây ông đóng góp toàn bộ chi phí, có những cây ông phải huy động sự góp sức của người dân trong xã. Đến nay, với việc xây dựng, sửa sang lại 8 cây cầu, ông Sản đã chi ra hơn 300 triệu đồng - số tiền không nhỏ với một ông lão ở vùng quê.
'Tôi làm những việc ấy chỉ với mong muốn duy nhất là đóng góp chút ít sức lực của mình cho người dân quê hương, nhưng cũng có người khen, kẻ chê. Có người bảo tôi thừa tiền nên mới làm thế. Nghe vậy, tôi cũng chỉ bỏ ngoài tai', người cựu chiến binh tâm sự.
Hiện đã 65 tuổi nhưng ông Sản và vợ vẫn hăng say lao động. Bà vẫn nhận cấy 8 sào ruộng, còn ông quản lý cửa hàng cốp pha mỗi tháng mang về thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ông bảo, mấy năm nay thu nhập đã thấp hơn vì nhiều cửa hàng mọc lên.
Các con ông cũng đã trưởng thành và ra ở riêng hết. Ước mơ của ông bây giờ là mở rộng cây cầu chợ Cát thêm một làn 3,5m nữa để việc đi lại của bà con 2 xã thuận tiện hơn. Hiện tại với chiều rộng 3,5m, chỉ 1 xe ô tô đi lại được trên cầu.
'Chi phí dự tính lên đến 250-300 triệu. Một mình tôi không thể làm được hết, nên trong thời gian tới, nếu làm, tôi rất cần sự ủng hộ, đóng góp của người dân trong xã'.
Ông bảo, làm từ thiện thì có rất nhiều hình thức, nhưng riêng ông muốn đóng góp cho những công trình mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, thay vì chỉ cho từng cá nhân riêng lẻ.
Với những đóng góp thiết thực của mình, năm 2018, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo Nguyễn Thảo - Ngọc Trang (Vietnamnet)
Thay đổi thói quen vứt rác: Chuyện nhỏ mà không nhỏ Từng là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình), thế nhưng, gần đây xã Khánh Thiện đã lập đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại từng hộ gia đình và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Khi rác...