Trong số những thứ nửa vời, biết nửa vời là cái nguy hiểm nhất!
Đông y hay Tây y trong phòng, chống và điều trị bệnh đều không bài trừ chuyện dùng thuốc kèm theo các liệu pháp về dinh dưỡng. Cũng như vậy, trong phương pháp thực dưỡng, Thầy thuốc Nhân dân, Nguyên Giám đốc Viện y học Hàng không có chia sẻ, theo thực dưỡng không có nghĩa bài xích Tây y.
Chế độ ăn chưa bao giờ được lựa chọn như một phương pháp điều trị ung thư
Trong Tây y, khi điều trị cho bệnh nhân, các bác sỹ cũng luôn dặn dò bệnh nhân chú ý đến chế độ dinh dưỡng, Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Quang Thành – Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Bắc Thăng Long cho biết. Theo đó, ví như các bệnh về tiểu đường, bác sỹ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm để điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân. Việc kiêng đường, giảm muối, tăng thức ăn chứa hàm lượng đạm cao… cũng là một trong những cách ăn phối hợp trong quá trình dùng thuốc.
Nhưng Tây y chuyên điều trị bằng thuốc và các hoạt động can thiệp, nên việc ăn uống không chuyên tâm nghiên cứu để có thể trở thành một phương pháp chuyên biệt, hoặc cụ thể như thực dưỡng, bác sỹ Thành quan điểm.
Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều các bệnh nhân nặng từ chối điều trị bằng Tây y mà đòi về nhà điều trị bằng phương pháp thực dưỡng Ohsawa, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K trong một lần trả lời báo chí cũng cho hay, nếu những người theo phương pháp này có một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, đầy đủ năng lượng thì đây là một điều tốt. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp mọi người tránh được một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng.
Còn về việc bỏ Tây y để điều trị hoàn toàn theo thực dưỡng thì ông cho rằng, chế độ ăn chưa bao giờ được lựa chọn như một phương pháp điều trị ung thư. Theo ông, những bệnh nhân ung thư thường được khuyên có chế độ dinh dưỡng với thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nhưng tuyệt nhiên không nên cắt bỏ đạm động vật ra khỏi chế độ ăn của mình. Nếu bệnh nhân lựa chọn việc ăn chay, thì phải đảm bảo đó là một chế độ ăn chay lành mạnh, đảm bảo cung cấp đủ vitamin khoáng chất và năng lượng cho cơ thể.
Thực dưỡng là một phương pháp hỗ trợ, song hành cùng điều trị
Có duyên với phương pháp thực dưỡng, đại tá, bác sỹ CKII, thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích, nguyên Giám đốc Viện y học Phòng không cho biết, ông đã thực hành phương pháp thực dưỡng hàng chục năm nay. Và theo đó, những bệnh đeo bám ông thời điểm ông mới về hưu không còn làm khó ông nhiều nữa.
Nói về quan điểm về chuyện thực dưỡng chữa bách bệnh, cũng như có thể thay thế Tây y trong việc điều trị nhiều bệnh nan y, bác sỹ Mích cho rằng, có nhiều bệnh bất cứ phương pháp điều trị nào cũng không thể thay thế Tây y. Việc thực hành và ăn uống theo phương pháp thực dưỡng là một trong những liệu pháp hỗ trợ và song hành trong công tác điều trị bệnh.
Ông cũng không phủ nhận, và đưa ra những nhân chứng sống về việc sau khi điều chỉnh chế độ ăn theo thực dưỡng, nhiều bệnh nhân bị… “bệnh viện trả về” đã sống vui, sống khỏe. Tuy nhiên theo ông, để thực hành và đạt kết quả tốt nhất khi ăn theo chế độ thực dưỡng, thì trước hết người bệnh phải có “Duyên” sau đó là phải hiểu thật kỹ, tường tận về thực dưỡng.
Video đang HOT
Đại tá, bác sỹ CKII, Thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích
Trong câu chuyện đã có bệnh nhân tiểu đường tử vong do tin vào thực dưỡng, bác sỹ Mích cho biết: việc bài xích và “tuyệt giao” hoàn toàn với thuốc tây hòng mong chỉ ăn gạo lứt, muối mè điều trị tiểu đường là sai hoàn toàn. Người bệnh muốn tìm đến phương pháp thực dưỡng đều phải thấu hiểu, ăn từ từ và điều chỉnh dần cho phù hợp với thể trạng, sức khỏe của mình. “Lúc này, thực dưỡng chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị bệnh chứ không chữa bệnh.” Ông nói.
Thực dưỡng, thực chất là chữa Tâm bệnh, bác sỹ Mích nói. Trao đổi về nhiều những thông tin của những người tham gia thực dưỡng trong việc phòng chống nCoV, bác sỹ Mích chia sẻ: tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của Bộ y tế, bên cạnh đó, có thể bổ sung dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng.
“Ăn uống quân bình âm dương, tăng thực phẩm tạo kiềm, vì môi trường kiềm máu huyết sẽ kìm hãm sự phát triển cả vi khuẩn, vi rút và tế bào ác tính. Tăng cường các thực phẩm có nhiều chất chống ô xy hoá trong thực dưỡng như gạo lức, đậu đỏ, đậu gà, đậu lăng, kê, ngưu bàng, tỏi tamary lâu năm, cà rốt, hành Tây, ngò, mùi tầu, lá tía tô, tinh bột nghệ, hạt óc chó, củ nén, uống enzym, nước kiềm …” ông nói.
Như vậy, thực dưỡng không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị khác trong y học. Việc lựa chọn theo phương pháp nào, ra sao phụ thuộc vào mỗi người. Nhưng điều quan trọng nhất là khi tìm đến bất cứ một phương pháp nào, mỗi người đều cần tự tìm hiểu một cách thấu đáo và cần có những chỉ dẫn khoa học nhất. Trong số những thứ nửa vời, biết nửa vời là cái nguy hiểm nhất!
Theo PLXH
Chuyên gia chỉ rõ sai lầm dễ mắc phải khi theo phương pháp ăn thực dưỡng
Chế độ ăn thực dưỡng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng do hạn chế ăn sản phẩm từ động vật, từ đó gây ra suy nhược cơ thể cho người áp dụng.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống, được phát triển bởi George Ohsawa, người Nhật Bản. Thực dưỡng là chế độ ăn uống dựa trên thuyết âm dương.
Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm sản phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực. Với chế độ này, phải ăn toàn phần, nghĩa là thực phẩm trải qua ít công đoạn chế biến nhất (ngũ cốc nguyên cám, rau củ sạch nguyên vỏ, đậu hạt, đường đen, động vật (ăn cả con và cả xương)...
Phác đồ thực dưỡng gồm 10 giai đoạn hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối cùng thì chỉ còn ăn gạo lứt muối mè và uống nước.
TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Theo TS Sơn, những thành phần thực phẩm trong thực dưỡng như ngũ cốc nguyên cám và rau củ về cơ bản là tốt cho sức khỏe. Nguyên tắc ăn các thực phẩm càng ít chế biến càng tốt cũng là một nguyên tắc đúng. Tuy nhiên, chế độ ăn thực dưỡng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng do hạn chế ăn sản phẩm từ động vật, dẫn đến suy nhược cơ thể cho người áp dụng.
"Chế độ ăn quá ít calo khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng. Từ đó, giảm chức năng miễn dịch của người bệnh. Do vậy, những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không nên áp dụng chế độ này", TS Sơn nói.
Không chế độ ăn uống nào hoàn hảo
Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng đau bụng dữ dội, cơ thể suy kiệt.
Kết quả xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm toan chuyển hoá rất nặng, men gan lên tới hàng nghìn đơn vị/lít. Ngay lập tức, bệnh nhân được cho thở máy, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến ngày 6/1, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân không qua khỏi.
Theo gia đình, bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường cách đây 2 năm và duy trì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ kê. Gần đây, bệnh nhân đột ngột ngừng thuốc để chuyển sang áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng lan truyền trên mạng. Theo đó, suốt 2 tháng qua, bệnh nhân chỉ ăn gạo lứt, muối vừng, sữa hạt và ngồi thiền.
Hậu quả, bệnh nhân bị suy kiệt nặng, sau 2 tháng sụt 7kg, tình trạng đau bụng tăng dần, đến khi không chịu nổi mới vào bệnh viện cấp cứu.
Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện trong gan có nhiều khối, bụng có dịch, không loại trừ nguyên nhân do ăn uống thiếu chất, cơ thể suy kiệt làm khối u âm thầm to nhanh dẫn đến vỡ vào ổ bụng.
Chế độ ăn thực dưỡng không quá "thần kỳ" như nhiều lời đồn. (Ảnh: Kyuc)
Chi sẻ về trường hợp bệnh nhân trên, dưới góc độ chuyên gia, TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng đây là vụ việc hết sức đáng tiếc. Nhưng đó không phải lần đầu trào lưu chữa bệnh vô căn cứ như trên để lại hậu quả nghiêm trọng.
Ông Sơn cũng từng chứng kiến một số trào lưu sai lầm và cực đoan cũng gây ra những hậu quả đáng tiếc như: trào lưu anti vaccine, trào lưu sinh con thuận tự nhiên...
Theo TS Sơn, không chế độ ăn nào là hoàn hảo, ngay cả khi có nhiều người theo đuổi chế độ ăn đó từ rất lâu. Nhưng hiện nay, do có quá nhiều nguồn thông tin sai lệch, bị bóp méo nên người dân phải tự bảo vệ mình bằng cách tiếp cận nguồn thông tin chính thống.
Mặt khác, ông Sơn cũng cho biết, để thực hiện chế độ ăn khoa học, lành mạnh, người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi chính các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng sẽ đưa ra sự điều chỉnh phù hợp và khoa học với tình trạng dinh dưỡng của từng người, cũng như một chế độ ăn đúng đắn nhất.
"Khi người bệnh muốn áp dụng một chế độ ăn nào, phải đảm bảo đó là chế độ ăn đó thật lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đủ năng lượng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện một chế độ ăn uống.
Ngoài ra, trong suốt quá trình thực hiện, người dân cũng nên được theo dõi bởi các chuyên gia y tế. Dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị bệnh có thể giúp bệnh nhân duy trì sức mạnh và tăng tốc độ phục hồi thể trạng", TS Sơn khuyến cáo.
KHẢ MINH
Theo VTC
Thực dưỡng chữa bách bệnh: Đúng hay sai? Sẽ không có điều gì đáng nói, nếu như sau khi theo thực dưỡng, một số cá nhân ở cộng đồng này bài xích luôn các cách chữa bệnh của Tây y. Và mới đây, khi dịch nCoV xuất hiện, thì ngay trong cộng đồng này cũng có rất nhiều cách phòng, chống bệnh khá... kỳ lạ của riêng họ. Những năm gần...