Trồng… sim dại làm giàu
“Việc tui đùng đùng phá bỏ hàng chục ha rừng tràm đang cho thu nhập ổn định để bứng sim rừng về trồng đã chịu không ít thị phi, đàm tiếu. Có người còn chửi thẳng mặt tui là thằng khùng, thằng điên. Nhưng ở cái xứ chó ăn đá, gà ăn sỏi này không có những ý tưởng điên khùng thì khó thoát cảnh nghèo khó” – anh Phan Thanh Nhàn nói.
Anh Nhàn giữa đồi sim vừa mới trồng của mình
Năm nay vừa bước vào tuổi 40 nhưng vợ chồng anh Nhàn đã có một cơ ngơi khá vững chắc nhờ vào sự siêng năng, cần cù lao động. Quảng Tiến quê anh Nhàn là một xã vùng gò đồi, đất đai cằn cỗi, nằm dưới dãy Hoành Sơn. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng, hết rừng tự nhiên thì quay sang trồng rừng kinh tế.
“Nhàn khùng”
Sau nhiều năm quăng quật với hơn 15 ha đồi trọc, đá nhiều hơn đất, vợ chồng anh Nhàn cũng có thu nhập ổn định hàng năm gần 200 triệu đồng từ trồng rừng. Ở nơi vùng quê heo hút này, cuộc sống của 4 người như gia đình anh Nhàn là niềm mơ ước của nhiều người.
Nhưng rồi, đầu năm 2015, người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch, Quảng Bình) mắt tròn, mắt dẹt khi thấy anh Nhàn thuê người chặt phá rừng keo để chuyển sang trồng sim. Sau khi cày xới lại đất, vợ chồng anh Nhàn thuê hàng chục người dân địa phương vào rừng bứng cây sim dại về trồng.”Nói thiệt, vợ chồng chú ấy thuê thì tui làm, nhưng nhận của chú ấy 200 nghìn một ngày cũng ái ngại lắm.Cũng không biết chú ấy nghĩ chi mà trồng sim, chứ ở đây chẳng ai làm như chú ấy cả” – một người làm công lo lắng cho anh Nhàn.
Theo anh Nhàn, công việc trồng sim lúc đầu không dễ dàng gì.Cây sim sống hoang dại nên cần phải bứng được cả bầu đất mới có hi vọng sống. Để trồng được 2 vạn gốc sim, trên diện tích chừng 2 ha, vợ chồng anh Nhàn đã phải đầu tư hơn 200 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tắm.”Cây sim vốn sống trên đất cằn, sỏi đá và chịu hạn rất tốt, nhưng khi mình bứng về trồng ở vùng đất mới, phải thường xuyên tưới nước để cây có sức và dần quen với đất lạ. Hai vợ chồng tui phải nai lưng ra gánh nước lên đồi tưới hằng ngày đó” – anh Nhàn nói.
Video đang HOT
Anh Nhàn tin tưởng vụ đầu tiên này anh đã thu hồi đủ vốn
“Vua sim”
Nói về ý tưởng trồng sim “có một không hai”, anh Nhàn cho biết, đã toan tính rất kỹ trước khi thực hiện, chứ không hề “khùng, điên” như mọi người nghĩ. Thực ra, trước khi phá bỏ rừng keo đang cho thu nhập ổn định, anh là một người buôn sim, hay đúng hơn anh là đầu nậu sim ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Đầu ra cho trái sim là Hà Nội, TPHCM…
Hai năm trở lại đây, lượng sim thu mua được ngày càng ít đi. Mặc dù anh Nhàn đã tăng giá khá cao, nhưng nhiều đầu nậu phải trả lại tiền, vì không thu mua được sim.
Nguyên nhân của việc sim rừng ngày càng khan hiếm, theo anh Nhàn, là do đất đồi, đất rừng hoang ngày càng thu hẹp. Người ta khai hoang để trồng rừng và các loại cây trồng khác nên cây sim không còn đất sống.Ngay như ở Quảng Tiến quê anh, những năm trước sim mọc khắp nơi, nhưng nay gần như vắng bóng.
“Sau nhiều năm buôn sim tui biết, nhu cầu thực tế của quả sim rất lớn. Chưa nói là nhập cho các nhà máy rượu, mà ngay dân thành phố cũng rất thích ăn quả sim rừng, hoặc dùng để ngâm đường hoặc rượu. Với sức tàn phá rừng tự nhiên như hiện nay, không lâu nữa, ngay cả dân rừng cũng khó kiếm ra quả sim mà ăn.Vậy tại sao mình không trồng cây sim như một loại cây trồng khác, trong khi hiệu quả kinh tế của nó đem lại không hề thua kém bất kỳ một loại cây trồng nào khác?” – anh Nhàn nói.
Theo anh Nhàn, mỗi bụi sim, nếu chăm sóc tốt sẽ cho 1 – 3 kg quả. Với diện tích ban đầu hơn 2 ha, khoảng 20 nghìn cây sim, mỗi vụ anh thu hoạch được từ 20 đến 60 tấn sim. Chỉ cần lấy giá thấp nhất là 10 ngàn đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh thu 200 – 600 triệu đồng.
“Cây sim khi bén đất rồi thì rất dễ chăm sóc, chỉ bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều và mật sim nhiều hơn. Ở dải đất miền Trung này, trong khi trồng các loại cây trồng khác như keo, cao su… người dân luôn phải lo ngay ngáy vì sợ bão quật gãy thì cây sim không bao giờ bị hề hấn gì” – anh Nhàn cho biết.
Tin tưởng vào hướng đi mới lạ của mình, vợ chồng anh Nhàn đang tiếp tục “chuyển đổi” hết 15 ha rừng keo của gia đình sang trồng sim. Khi có vốn anh sẽ mua thêm đất ở những vùng đồi cằn cỗi để trồng sim, với ước mơ biến vùng đất Quảng Tiến thành một vùng nguyên liệu sim để cung cấp cho thị trường.
Theo_24h
"Vua" tinh dầu lạc đất miền Trung
Anh Từ Linh Nhân được mệnh danh là "vua tinh dầu lạc" không phải vì độ giàu có mà vì anh là người đi đầu sản xuất tinh dầu lạc ở khu vực miền Trung theo quy mô lớn.
Tốt nghiệp cử nhân, thất bại hết lần này đến lần khác nhưng anh Từ Linh Nhân vẫn vững chí tìm hướng gây dựng cuộc sống của mình. Giờ đây, anh Nhân đã bước đầu thành công với sản phẩm tinh dầu lạc và có doanh thu 500 triệu đồng/tháng.
Tiên phong đi đầu
Anh Từ Linh Nhân tiếp xúc với nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đặt vấn đề liên kết sản xuất lạc sạch cung cấp cho công ty. Ảnh: Ngọc Vũ
Vừa qua, sản phẩm tinh dầu lạc mang nhãn hiệu Super Green do anh Nhân sản xuất đã vinh dự đạt giải Nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 năm 2016.
Học xong THPT, anh Nhân học tiếp Trường Cao đẳng công nghiệp, trung cấp kế toán ở Đà Nẵng. Năm 2005-2009, anh Nhân học thêm bằng cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng. Trong thời gian này, anh cầm cố sổ đỏ gia đình lấy vốn kinh doanh buôn bán tôn, nhựa, đồ gỗ, nhôm, sắt... nhưng đều thất bại, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhưng, khí chất chàng trai sinh ra ở miền quê nghèo thôn Ngô Đồng, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) không biết sợ là gì. Năm 2010, anh tiếp tục vay mượn tiền để mở công ty xây dựng. "Tuy là công ty nhỏ, khởi đầu từ cái cuốc, cái xẻng nhưng số vốn bỏ ra không hề nhỏ. Đúng là tôi cũng liều thật" - anh Nhân cười khi kể lại.
Cơ duyên đến với nghề sản xuất tinh dầu lạc của anh Nhân thật tình cờ, đó là lần mẹ của anh được người bạn ở Quảng Nam tặng một lít tinh dầu lạc, dùng chế biến thức ăn rất ngon. Anh mê mùi thơm của tinh dầu lạc, lại nhớ đến chuyện gia đình có thâm niên 20 năm làm nghề thu mua lạc cho bà con nông dân nên lóe lên ý tưởng chế biến. Bắt tay vào làm, gia đình ủng hộ nhưng dân làng thì nói anh là kẻ điên, chắc chắn không thể thành công. Nhưng, anh Nhân vẫn quyết tâm vào Quảng Nam, Quảng Ngãi xem chế biến dầu lạc thế nào. "Ở trong đó, người dân chỉ ép dầu lạc theo kiểu nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, không phải sản xuất hàng hóa" - anh Nhân cho hay.
Khi đã nắm khá rõ kỹ thuật, năm 2014 anh Nhân bắt tay xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu lạc với mức đầu tư giai đoạn một là 4 tỷ đồng và lấy tên Công ty TNHH MTV Từ Phong. Tháng 8.2015, Công ty Từ Phong đi vào hoạt động.
Liên kết với nông dân
Lạc sau khi thua hoạch phải phơi khô, bóc vỏ lấy nhân xay thành bột, sau đó hấp cách thủy khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tiếp đó đem đóng gói lạc, cho vào máy ép lấy tinh dầu thô, sau đó phải cho tinh dầu thô qua màng lọc cặn rồi chiết xuất vào chai, dán nhãn mác. Đó là quy trình sản xuất dầu lạc của Công ty Từ Phong.
Anh Nhân cho biết, mỗi năm công ty chế biến 1.000 tấn lạc (trong đó 600 tấn hàng thô xuất khẩu, còn lại sản xuất tinh dầu lạc). Trung bình, 2,3 kg lạc khô sẽ cho ra 1 lít dầu lạc. Mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... 5.000 lít dầu lạc, doanh thu 500 triệu đồng. Ngoài ra, xác (sau khi ép lấy dầu), vỏ, thân và lá cây lạc đều được tận dụng để sản xuất phân bón, phục vụ trở lại việc trồng lạc.
"Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Cho nên, tới đây công ty sẽ liên kết với nông dân, cung cấp giống, phân bón, hệ thống tưới tiết kiệm nước... để sản xuất lạc hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Lạc sau khi thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm, đưa về chế biến dầu lạc an toàn" - anh Nhân chia sẻ.
Công ty của anh Nhân không chỉ tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng và 40 lao động thời vụ, mà còn giải quyết đầu ra cho hơn 800ha cây lạc trên địa bàn huyện Cam Lộ, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo Danviet
Vua rắn mối: Quãng đời tiến sỹ bỏ học sửa xe đạp Hơn 20 năm trước, Nguyễn Văn Thuyết (SN 1978, ở khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) từng phải bỏ học để làm nghề sửa xe đạp kiếm sống. Nhưng bằng nghị lực, cậu học trò nhà nghèo năm nào giờ đã là một tiến sỹ. Không chỉ vậy, nhờ chịu khó nghiên cứu, anh còn trở thành "vua rắn mối...