Trồng rừng gỗ lớn đồi núi xanh mướt, thu nhập cao vượt trội
Gần 790ha rừng trồng thuộc các xã khó khăn của các tỉnhYên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Cà Mau đã được phủ một màu xanh mướt của các loài keo lai và keo tai tượng, hứa hẹn sẽ mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao cho nhân dân trong vùng.
Đây là kết quả bước đầu từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn thuộc dự án khuyến nông Trung ương “Trồng rừng thâm canh (keo lai và keo tai tượng) gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn”, triển khai từ năm 2014 – 2016.
Lãnh đạo Vụ Phát triển rừng -Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. ảnh: Nhữ Văn
Tăng năng suất và giá trị kinh tế rừng trồng
Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn được triển khai ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Cà Mau. Đây là những địa phương có diện tích rừng lớn, tuy nhiên đời sống của người dân làm kinh tế rừng còn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn là 789/720ha (đạt 109,5% kế hoạch), trồng tại 36 huyện với 453 hộ tham gia. Trong đó, mô hình keo lai sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao đã được Bộ NNPTNT công nhận, như BV10, BV16, BV32, BV33, BV 73, BV75. Mô hình keo tai tượng sử dụng giống keo của Úc, xuất xứ Pongakii.
Mô hình được triển khai trồng tương đối tập trung, gần đường giao thông, gần các khu dân cư nên thuận lợi cho việc tham quan học tập mô hình. Theo Ths Nhữ Văn Kỳ, 2 giống keo này đều có năng suất, giá trị kinh tế cao, sinh trưởng và phát triển nhanh, mọc được trên nhiều dạng lập địa khác nhau, phù hợp cho trồng rừng quy mô lớn.
Bà Bùi Thị Thủy ở xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ban đầu gia đình bà cũng như các hộ trong xã không khỏi hoài nghi về hiệu quả của mô hình, bởi chu kỳ kinh doanh của cây keo này từ 12-14 năm, trong khi gia đình có thói quen khai thác sớm từ 5-7 năm. Qua tư vấn của cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, gia đình bà mạnh dạn tham gia mô hình với diện tích 3ha. Mỗi ha, bà được hỗ trợ 1.563 cây keo tai tượng và 399kg phân NPK cho năm đầu tiên. Năm thứ 2 và thứ 3 được hỗ trợ 266 kg phân NPK/ha/năm.
Video đang HOT
Kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây keo tại huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Ảnh: T.L
Hiện rừng keo tai tượng của nhà bà Thủy được 28 tháng tuổi và đã khép tán, chiều cao vút ngọn khoảng 6 – 7m, đường kính 8-9 cm, thân thẳng tắp. Chỉ sang lô rừng bên cạnh, bà Thủy cho biết đó là lô rừng được trồng cùng thời điểm với lô rừng nhà bà do gia đình tự đầu tư, cây giống tự mua không rõ nguồn gốc. Lô rừng này trồng dày nên cây nhỏ, chỉ cao khoảng 5m, sinh trưởng không đồng đều, lá vàng, có biểu hiện thiếu dinh dưỡng.
Hướng về phía dẻo đồi xanh mướt, ông Nguyễn Thễ – Chủ nhiệm HTX Phú Hưng, xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) phấn khởi khoe hơn 10ha rừng trồng keo lai, 25 tháng tuổi đang lên xanh tốt.
Ông Thễ cho biết: “HTX được giao 278ha đất rừng, sau khi khai thác 10ha keo lai thu nhập đạt 720 triệu đồng, bình quân 12 triệu đồng/ha/năm, tôi thấy như vậy là rất thấp. Khi được Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị tư vấn về mô hình thâm canh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh dài gấp đôi gỗ nhỏ, nhưng hiệu quả cao hơn gấp rưỡi và HTX đang thực hiện cấp chứng chỉ FSC cho những lô rừng còn lại, tôi đã chủ động họp bàn với Ban quản trị HTX tham gia dự án”.
Đòn bẩy kinh tế lâm nghiệp
Cán bộ khuyến nông kiểm tra rừng keo được trồng tại huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Ảnh: T.L
Ths Nhữ Văn Kỳ – Chủ nhiệm dự án cho biết, các giống keo tại các mô hình trồng rừng thâm canh có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%.
Các dòng keo lai BV 16, BV 32 năng suất trung bình từ 20-25 m3/ha/năm; các dòng TB03, TB05, TB 06, TB12, AH1, AH7 năng suất từ 30 – 35 m3/ha/năm; các dòng keo tai tượng Úc có xuất xứ Pongakii, Carwell… năng suất có thể đạt 20 – 25 m3/ha/năm. Gỗ các giống keo này đều thích hợp để làm giấy, ván dăm, ván MDF, PALET ván sàn, làm gỗ xẻ và đồ mộc.
Tác dụng lớn nhất của phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Thực tế, do diện tích rừng trồng ở nước ta hiện chủ yếu là rừng ngắn ngày nên chất lượng gỗ không cao, với 80% sản lượng sử dụng cho công nghiệp giấy. Chỉ một lượng gỗ nhỏ khai thác trong nước được sử dụng chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, cho thu nhập cao.
“Để đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ, hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ 4 – 4,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đồ nội thất và mỹ nghệ của nước ta đều yêu cầu sản phẩm làm từ gỗ được cấp chứng chỉ. Để có chứng chỉ này, bắt buộc phải là gỗ khai thác từ những nơi có chứng chỉ rừng, mà để được cấp chứng chỉ thì phải là rừng gỗ lớn. Không có cách nào khác, chúng ta phải phát triển rừng gỗ lớn, đây cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp nước ta hiện nay” – Ths Nhữ Văn Kỳ nhấn mạnh. /.
Theo Danviet
Lão nông gàn miền Tây xứ Nghệ "ôm" cả khu rừng gỗ quý hiếm
20 năm trước ông Pày Cả Nam (SN 1964) trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) tự nhận khoanh nuôi, trồng và bảo vệ khu rừng săng lẻ rộng hơn 3ha. Nhiều người gọi là lão nông gàn ôm cả khu rừng gỗ quý hiếm. Trải qua thời gian, đến nay ông Nam đã có cả một cơ ngơi đồ sộ, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ diện tích 30ha rừng được mở rộng với đủ loại gỗ từ săng lẻ, lát hoa, xoan, keo...
Biến rừng nghèo thành rừng "vàng"
Vượt 2 con suối nhỏ, băng qua 3 quả đồi chúng tôi đến khu rừng "cấm" của ông Pày Cả Nam (SN 1964), trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An). Vừa đặt chân đến bìa rừng, chúng tôi thấy cảnh tượng hùng vĩ của cánh rừng mà ông Nam đã bỏ biết bao công sức chăm sóc bấy lâu nay. Hàng nghìn cây săng lẻ được bảo vệ hơn 20 năm nay đã trở thành một cánh rừng bạt ngàn xanh tốt. Ngoài rừng săng lẻ, ông còn đầu tư trồng hàng nghìn cây lát hoa, cây xoan, kéo... khiến cho hơn 30ha đất rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ trở nên xanh tốt bạt ngàn nơi núi rừng miền tây xứ Nghệ.
Ông Pày Cả Nam bên cánh rừng săng lẻ xanh bạt ngàn của mình. Ảnh: CT
Ông Pày Cả Nam kể lại: Vào năm 1997, ông cũng như bao người thanh niên khác ở xã Yên Na vác dao vào vùng rừng núi Huồi Khung làm rẫy, kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên khác với những người nông dân khác, ông cảm nhận được cảnh núi rừng nơi đây đã bị tàn phá, chỉ còn sót lại những cây săng lẻ non đang mọc lên chừng khoảng 3ha. Ban đầu ý định của ông định chặt phá những cây săng lẻ này để làm nương rẫy, nhưng rồi ông quyết định khoanh nuôi bảo vệ, như cách nói của ông là để "làm kỷ niệm"... Và kể từ khi ông nhận khoanh nuôi, bảo vệ cánh rừng săng lẻ này, ông không động đến một cây săng lẻ cũng như không cho bất cứ người dân nào tự ý chặt phá cây ở khu rừng này.
Trao đổi với PV Báo NTNN , ông Pày Cả Nam chia sẻ: "Ban đầu ý định của tôi là chặt phá khu rừng đó để làm nương rẫy trồng lúa. Tuy nhiên khi nhìn ngắm khu rừng này tôi chợt nảy ra ý định, nếu mình khoanh nuôi bảo vệ cánh rừng này khoảng hai, ba mươi năm nữa thì nó sẽ đẹp biết bao. Nhiều cánh rừng tự nhiên bị chính con người tàn phá rồi, mà hệ quả thì vô cùng lớn... Hàng năm người dân chúng tôi bị lũ ống, lũ cuốn nên chúng tôi cũng sợ lắm... Nghĩ là làm, tôi quyết tâm dựng lán trại nơi đây để khoanh nuôi bảo vệ cánh rừng này. Tôi nhận khoán đất rừng để trồng thêm các loại cây thân gỗ khác, đến nay cánh rừng tôi quản lý đã hơn 30ha. Tôi chăm sóc chu đáo nên rừng cũng cho tôi của ăn của để..."
Theo ông Nam, ngày trước khu vực rừng hiện giờ là rừng nghèo, bị con người tàn phá... Từ khi ông nhận khoán để chăm sóc cánh rừng ngày càng phát triển. "Ngoài trồng thêm các loại cây lấy gỗ, tôi còn trồng lúa nương, đào ao thả cá, nuôi trâu, dê, lợn gà... Hiện tại nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình tôi là vòng tròn khắp kín, hết gạo có trên nương, hết thức ăn có trong vườn và rau, củ quả thì ở trong rừng" - ông Pày Cả Nam cho biết thêm
Có của ăn của để từ rừng
Nhìn lại 20 năm về trước, ông Pày Cả Nam có cuộc sống muôn vàn khó khăn, ông cũng như bao người nông dân khác nơi đây, đều dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai qua ngày. Tuy nhiên dần dần những cánh rừng nơi đây bị tàn phá, "vàng tặc" đào bới khắp cả khu rừng và dòng sông để tìm vàng nên bà con nơi đây rất thiếu đất để sản xuất... Rồi bằng nghị lực, sự kiên trì ông Nam đã làm thay đổi tất cả. Bên cạnh việc khoanh nuôi bảo vệ hơn 3ha rừng săng lẻ, ông còn nhận khoán thêm đất rừng để trồng thêm các loại cây thân gỗ khác như cây lát hoa, cây xoan, keo... đồng thời còn đào ao thả cả, nuôi trâu, dê trên chính khu rừng trồng của mình.
Đến nay cuộc sống của gia đình ông Nam đã thay đổi, với trang trại rộng 30ha rừng trồng đang đến vụ thu hoạch. Hàng năm ông bán các loại cây như keo, xoan cũng cho thu hoạch xấp xỉ hơn 120 triệu đồng. Đầu năm nay, ông Pày Cả Nam đã đầu tư gần 100 triệu đồng để mở đường vào trang trại để tiện cho giao thương. "Những ngày trước do tôi chưa có đường vào nên khi thương lái đến mua gỗ xoan, keo, tôi đều bị họ ép giá. Nay tôi quyết mở đường vào khu trang trại của tôi, thì họ sẽ không có cơ hội để ép giá được nữa..." ông Nam hồ hởi cho biết.
Được biết hiện nay, ngoài cây săng lẻ, ông Nam còn trồng hơn 6.000 cây lát và 3.000 gốc xoan. Tất cả đều đã đến kỳ thu hoạch nhưng ông chưa bán. "Đợi khi hoàn thành con đường thì tôi sẽ bán một lượt luôn, chứ không bán lẻ tẻ một vài xe tải chẳng thu nhập được là bao"- ông Nam nói thêm.
Ngoài việc chăm sóc rừng, thời gian gần đây ông còn chăn nuôi thêm để cải thiện cuộc sống. Ông đào ao thả cá, nuôi trâu, gà, lợn, dê. Rau trên rừng, ngoài vườn, gạo thì có lúa nương... thịt cá cũng tự nuôi lấy, có thể nói cuộc sống của ông Pay Cả Nam đều tự túc, tự cấp trên cánh rừng của mình.
Từ cánh rừng ban đầu, ông Nam bứng cây nhỏ trồng vào các khoảng trống. Cứ vậy hàng chục năm liền, ông Nam đã cải tạo cánh rừng hoang thành một khu vườn mà các hàng cây hoang trở nên có nề nếp, hàng lối. Ông Nam cho biết thêm: Hiện nay tôi cảm thấy rất thoải mái khi sống trong "lãnh địa" rộng lớn và ngát một màu xanh của mình. Tôi có ý định gắn bó cả đời với nơi đây. Được biết thời gian gần đây gỗ săng lẻ được người dân địa phương cũng như các đầu nậu thu mua săn lùng. Tuy nhiên cánh rừng của săng lẻ được ông chăm sóc bảo vệ vẫn rất an toàn.
"Cách đây không lâu có một người địa phương tìm đến gia đình tôi để trả giá cả khu rừng của mình 3 tỷ đồng, nhưng tôi nhất quyết không bán. Dù số tiền có bao nhiêu đi nữa tôi cũng không bán, vì tôi nghĩ suốt cuộc đời còn lại tôi sẻ sống ở khu rừng này. Cuộc sống nơi đây thật thoải mái"- ông Nam cho biết thêm.
Trao đổi với NTNN ông Lương Đại Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: "Lúc trước gia đình ông Nam nghèo lắm, nhưng từ khi khoanh nuôi trong rừng nơi đây mà gia đình ông đã trở nên khá giả, cả xã ai cũng ngưỡng mộ và noi gương ông Nam làm kinh tế rừng và trang trại rừng để mưu sinh. Ông Nam không chỉ trồng thêm rừng mà còn biết phát triển kinh tế rừng, bà con ai cũng muốn học theo".
Theo Danviet
Xây dựng NTM ở Quảng Nam: Phước Ninh bật lên từ các mô hình Mục đích cuối cùng của việc xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống người dân ở nông thôn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã triển khai, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả... Nhiều mô...