Trồng “rau vua”, đêm dậy đi bắt sâu, hái măng, thu hàng chục triệu
2,2ha trồng măng tây-loại cây được ví là “rau vua”, mỗi ngày cho thu hoạch từ 30 – 50kg, với giá bán từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh Trần Văn Chung ở thôn Phúc Trung Bắc, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thu về hàng chục triệu đồng.
Anh Chung cho biết: Măng tây có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực, chống lão hóa, béo phì, giảm Cholesterol, giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa đột quỵ, đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
“Măng tây chỉ trồng một lần nhưng lại cho thu hoạch từ 7 – 10 năm nếu chăm sóc tốt. Vì thế, khi được biết và tìm hiểu về loại măng tây, tôi đã bị thuyết phục và quyết tâm trồng măng tây trên đồng đất địa phương để phát triển kinh tế…”, anh Chung thổ lộ.
Để thực hiện dự định của mình, năm 2017, anh Chung thuê 2,2ha đất. Do đây là vùng đất trũng nên gia đình anh phải cải tạo, tiến hành làm luống và hệ thống tưới, tiêu, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển và tỷ lệ nảy mầm của măng.
Chưa có kinh nghiệm trồng măng tây, anh Chung tự mày mò học hỏi từ những mô hình trồng măng tây ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội…và tham khảo, nghiên cứu trên các trang mạng Internet. Tuy nhiên, năm đầu tiên trồng măng tây anh Chung thất bại do thời tiết bất thuận. Mưa nhiều cộng thêm thiếu kinh nghiệm chăm sóc măng tây, 320 triệu đồng tiền giống và tiền thuê 7 nhân công mất trắng. Thất bại ngay từ khi khởi nghiệp nhưng không làm anh Chung nản chí.
Video đang HOT
Mùa đầu tiên thất bại với hàng trăm triệu đồng đầu tư bị mất, nhưng giờ đây những ruộng măng tây của anh Chung đã bắt đầu cho “lộc” và phát triển tươi tốt.
Từ kinh nghiệm tích lũy trong năm đầu thất bại, đầu năm 2018, anh Chung quyết định trồng măng tây theo hướng hữu cơ. Phân bón cho cây, anh mua phân bò, gà ủ mục trong 6 tháng rồi đem bón. Việc làm cỏ cũng được thực hiện thủ công.
Đối với sâu bệnh, gia đình anh không tiến hành phun thuốc trừ sâu mà dùng phương pháp bắt tay. Qua thường xuyên theo dõi, anh nắm được chu kỳ sinh sản, phát triển và đặc tính của sâu. Sâu hại măng tây là loại sâu to, khỏe, thường xuất hiện nhiều vào các tháng 3, 4, 9, 10. Sâu thường bám thân cây vào buổi tối, vì thế anh cùng mọi người dùng đèn pin để bắt. Việc bắt sâu bằng tay thường tốn công nhưng hiệu quả cao và ít gây hại cho cây.
Măng tây cho thu hoạch đều mỗi ngày, thời điểm hái măng tây thích hợp nhất là sáng sớm.
Nhờ kiên trì chăm sóc, đến nay, 2,2ha măng tây đã cho “quả ngọt”. Vào mùa hè, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được từ 30 – 50kg. Mùa thu măng cho thu hoạch cao hơn, có thể đạt trên 70kg/ngày. Mùa đông, thời tiết lạnh, cây măng tây ít cho thu hoạch nên đây gọi là thời kỳ cây ngủ đông. Do ít sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu nên măng tây của gia đình anh nhỏ nhưng có độ giòn và ngọt. Số lượng măng thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhân công tiến hành thay thế những cây măng tây mẹ cũ bằng những mầm mới.
Anh Chung cho biết thêm: Măng tây chịu ảnh hưởng khá lớn của thời tiết, ưa nhiệt độ từ 28 – 32oC. Khí hậu miền Bắc lại nắng mưa thất thường, nếu không che chắn sản lượng măng thu hoạch thường thấp hơn một số vùng trồng măng khác. Sau khi trồng khoảng 4 – 5 tháng, măng tây đã cho thu hoạch.
Tuy nhiên, việc thu hoạch phải được thực hiện trước khi mặt trời mọc bởi sau khi có nắng măng tây sẽ nhanh già, chất lượng không cao. Để bảo đảm chất lượng măng sau thu hoạch, gia đình anh Chung phải thuê thêm 7 nhân công. Công việc thu hoạch măng mùa hè được bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng.
Để hạn chế tác động của thời tiết, hiện anh Chung đang tiến hành trồng thử nghiệm măng tây tại hệ thống nhà lưới ở tỉnh Hưng Yên. Nếu thành công, anh dự tính sẽ tiếp tục đầu tư trồng măng tây trong nhà lưới với diện tích ban đầu 5 sào. Dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Chung đã đưa thêm một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao về địa phương, góp phần giải bài toán cho vùng đất cấy lúa năng suất thấp và mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp, nông thôn xã Phúc Thành.
Theo Hoàng Lanh (Báo Thái Bình)
Thợ điện lạnh trồng "rau Vua", mỗi ngày đút túi 300-500 ngàn đồng
Mới trồng 1.000m2 măng tây xanh-loài rau được mệnh danh là "rau Vua", nhưng chàng thợ cơ điện lạnh Bùi Duy Quốc, thôn Phước Hiệp, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) mỗi ngày có thu nhập từ 300-500 ngàn đồng từ tiền bán mầm măng...
Mặc dù cửa hàng điện lạnh của anh luôn đắt khách, nhưng anh Quốc vẫn muốn khai thác quỹ đất rộng của gia đình đang để không. "Vườn gia đình tôi hơn 6 sào đất, lại không bị ngập vào mùa mưa, nên từ lâu tôi đã mong muốn trồng các loại rau sạch để tăng thu nhập. Thế nhưng, điều tôi trăn trở suốt nhiều năm qua là, nếu trồng các loại rau phổ biến trên thị trường, thì giá cả sẽ bấp bênh. Mãi cho đến năm 2016, qua tìm tòi tôi biết cây măng tây có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao nên đã bắt tay vào trồng", anh Quốc chia sẻ.
Anh Bùi Duy Quốc chăm sóc vườn măng tây.
Sau hơn một năm nghiên cứu, giữa năm 2017 anh Quốc xuống giống hơn 2.000 cây măng tây trên diện tích 1.000m2.
Anh Quốc chia sẻ: "Khi tôi triển khai trồng măng tây thì ở Quảng Ngãi chưa có nhiều người trồng loại cây này, nên việc học hỏi kinh nghiệm trồng măng tây xanh rất khó. Tôi phải tự mày mò và trồng thử nghiệm để rút kinh nghiệm. Măng tây là loại cây cần chăm sóc nhiều, phát triển tốt ở nơi có độ ẩm cao, nhưng không chịu được ngập úng và khô hạn, nên tôi dùng hệ thống tưới phun sương tự động và phân hữu cơ đã qua xử lý để bón cây".
Cũng theo anh Quốc, trồng măng tây cần chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây mới phát triển và cho năng suất cao. Sau khi trồng được một năm thì có măng non. Măng tây có thể thu hoạch ròng cả tháng, cả năm, nhưng anh Quốc chỉ thu hoạch khoảng 25 ngày/tháng, 6 tháng/năm, còn lại để cây "hồi sức".
"Hiện nay, măng tây dần được mọi người biết đến và ưa chuộng bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Thế nên, dù giá đến 100.000 đồng/kg, nhưng tôi vẫn không đủ số lượng để bán. Chu kỳ sống, cho măng của một cây măng tây bố mẹ là 25 năm, nên chỉ mất tiền một lần để mua giống. Dù mới trồng một năm, thu hoạch hơn một tháng, nhưng tôi thấy hiệu quả kinh tế khá tốt", anh Quốc bộc bạch.
Trung bình mỗi ngày anh Quốc thu hoạch từ 3-5kg măng tây, thu về từ 300-500.000 đồng. Chỉ sau hơn một tháng anh đã thu về hơn chục triệu đồng. Anh Quốc cho biết: "Với 1.000m2 măng tây, thu hoạch chừng nửa năm thì tôi đã lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Thị trường của loại cây này rất lớn, vì thế sắp đến tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng và hướng dẫn kỹ thuật, liên kết sản xuất với thanh niên địa phương để trồng cây măng tây".
Theo Hiền Thu (Báo Quảng Ngãi)
Vụ 19 học viên bị ngộ độc: Phát hiện cơ sở cung cấp suất ăn không đủ điều kiện ATTP Để truy nguồn gốc các suất ăn liên quan đến vụ 19 học viên đang học tại Hoài Đức bị ngộ độc phải nhập viện, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra địa điểm nấu ăn của Công ty Nhật Anh tại Phú Lãm (Hà Đông) và phát hiện cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Hàng chục...