Trọng quyền riêng tư đến mức… xem thường nhau
Rộng hơn cả quyền riêng tư. Đó là câu chuyện tôn trọng, tin tưởng nhau. Bảo vệ quyền riêng tư rất khác với việc đề phòng, xem đối phương như một thế lực sẵn sàng xâm lược không gian riêng của mình.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em đang trăn trở về khái niệm “không gian riêng”. Xưa nay em tự thấy mình là người khá hiện đại, văn minh. Không bao giờ em hình dung mình rơi vào cảnh của người phụ nữ bị xem là “thiếu văn minh”, mà lại là do người yêu mình đánh giá.
Ngay từ khi gặp anh, em đã có cảm giác an toàn như đây chính là người đàn ông sẽ gắn bó với mình. Anh ấy rất chừng mực, không quá chiều chuộng em. Ngược lại, với những vấn đề dễ phân hóa quan điểm, anh dành thời gian để phân tích cho em những hướng tiếp cận rồi từ đó tôn trọng quan điểm sau cùng của em. Tụi em cùng nhau nấu ăn, nghe nhạc và bàn về mọi thứ. Rất bình đẳng và thú vị.
Mọi thứ không có vấn đề gì cho đến khi em nhận ra anh ấy rất cảnh giác với điện thoại, ví tiền và máy tính cá nhân của mình. Biểu hiện bảo vệ quyền riêng tư của anh ấy gần như vượt qua giới hạn thông thường.
Anh ấy luôn úp mặt vào điện thoại. Mỗi lần rời khỏi bàn, anh luôn mang theo những món đồ riêng tư. Em bắt đầu để ý thấy vì có lần anh vào bếp lấy trái cây, biết trước đôi tay sẽ vướng víu với đồ đạc nhưng anh vẫn mang điện thoại và ví tiền theo.
Em hỏi: “ Sao anh không để đó?”, thì anh lại giảng cho em về quyền riêng tư. Lúc đầu em cũng xuôi xuôi, nhưng về sau em càng lúc càng lấn cấn. Em không bao giờ có ý định xâm phạm những món đồ riêng tư của anh ấy. Nhưng hành động luôn cách ly bạn gái với cái điện thoại của mình ở anh ấy khiến em cảm thấy bị coi thường.
Có lúc đang cùng xem phim trên máy tính thì anh phải chạy ra đầu ngõ nhận hàng online. Lúc chạy đi, anh cẩn thận tắt luôn máy tính rồi nói: “chờ anh về xem tiếp”. Đó cũng là một hành động mà theo anh ấy là bình thường, theo nguyên tắc riêng tư. Lắm lúc, em cảm thấy bị xúc phạm vì rõ ràng anh ấy không hề tin rằng em sẽ tôn trọng nguyên tắc riêng tư đó.
Có phải em suy nghĩ nhiều quá không? Em muốn đối thoại với anh ấy nhưng mỗi lần nhắc đến, câu chuyện lại rơi vào những phân tích về quyền riêng tư cũ mèm, rồi em lại thấy mình dở hơi. Nhưng cảm giác lấn cấn vẫn luôn lặp lại cho em những cảm xúc rất tệ về giao tiếp giữa hai người…
Duyên Hải (TP.HCM)
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Em Duyên Hải mến,
Thực tế, ai cũng có những bí mật cá nhân không thể chia sẻ với người khác, dù đó là bạn đời mình. Bí mật đó có thể là một điều sai trái. Nhưng, vẫn có những bí mật không sai trái, chỉ là nó riêng tư đến mức người ta không muốn có một ánh mắt nào khác nhìn vào. Bảo vệ nó là điều chính đáng. Thậm chí, là người yêu/bạn đời của nhau, ta càng nên tôn trọng và giúp đối phương tự do với vùng bí mật đó của họ.
Chính vì vậy, Hạnh Dung vẫn tán thành việc tôn trọng những vật dụng và không gian riêng tư của người khác, dù đó là người yêu/bạn đời mình. Thế nhưng, câu chuyện của em còn có một vấn đề rộng hơn cả quyền riêng tư. Đó là câu chuyện tôn trọng, tin tưởng nhau.
Cảm giác lấn cấn hiện tại của em, theo Hạnh Dung hiểu, chính là cảm giác bị đề phòng bởi chính người mình yêu thương. Đó còn có thể là cảm giác bị xem thường, bị đánh giá quá thấp về một nguyên tắc căn bản.
Vậy nên, người yêu em không cần phải lý giải thêm về nguyên tắc riêng tư khi đối thoại về vấn đề này. Càng lý giải, càng khiến em có cảm giác bị xem như kẻ chẳng biết gì về quyền riêng tư, gây cho em “cảm xúc tệ”.
Trong khi, vấn đề em quan tâm không nằm ở cái điện thoại hay một bí mật nào đó mà anh ấy muốn bảo vệ. Vấn đề chính là thái độ đề phòng, thiếu tin tưởng của anh ấy với em.
Khi trò chuyện về vấn đề này, em đừng để câu chuyện rơi vào bí mật đằng sau chiếc laptop, cái ví, hay điện thoại. Em hãy nói với anh ấy về cảm giác không được tôn trọng, cảm giác bị đề phòng, cảm giác người yêu không hề tin tưởng khi luôn chủ động cách ly em khỏi những vật dụng đó.
Bảo vệ quyền riêng tư rất khác với việc đề phòng, xem đối phương như một thế lực sẵn sàng xâm lược không gian riêng của mình. Việc tôn trọng không gian riêng nhất định phải được duy trì trên nền tảng tự nguyện, tin tưởng và tôn trọng nhau. Bản thân em cũng cần nhắc mình tôn trọng quyền riêng tư của người yêu – chỉ khi đó, việc đòi hỏi sự tôn trọng, tin tưởng từ anh ấy mới hiệu quả.
Hạnh Dung cũng biết nhiều anh, chị luôn kè kè điện thoại bên mình như sợ người khác chực chờ xâm phạm. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là cảm giác của người trong cuộc. Một khi em đã cảm thấy lấn cấn thì cần trò chuyện để hóa giải.
Hãy nói chuyện chân thành và đúng trọng tâm, để câu chuyện không bị dẫn dắt sang hướng… hoài nghi, buộc tội nhau. Có thể, việc giấu nhẹm chiếc điện thoại chỉ là một thói quen của anh ấy, và cuộc nói chuyện không khiến anh ấy từ bỏ được thói quen đó. Nhưng, ít nhất, một cuộc nói chuyện hiệu quả sẽ khiến em hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau sự bất thường đó, để thông suốt.
Chúc em sớm hóa giải được trăn trở này.
Lửa gần rơm sẽ... cháy
Em nghĩ anh và cô ấy lâu ngày ở gần nhau cũng sẽ có gì đó. Nhưng vì kinh tế gia đình, em không biết phải làm sao.
Đống xà bần mang tên tái hôn Lần thứ ba chồng ngoại tình Trọng quyền riêng tư đến mức... xem thường nhau
Thân gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em trước đều là giáo viên, nhưng luôn phải tìm việc gì đó làm thêm. Em bán hàng online, anh chạy xe đưa hàng. Nhưng vất vả quá, giờ giấc không phù hợp. Xoay nhiều việc, rồi cuối cùng may gặp được cô bạn cũ giàu có của anh mở một gara sửa xe và một cửa hàng ăn ở xa thành phố. Cô ấy thuê anh làm quản lý.
Từ đó việc xa nhà của anh cứ tăng lên. Trước đây thì vài ngày về nhà, sau tăng lên một tuần, rồi một tháng. Một lần tình cờ ghé thăm, em thấy hai người ngồi ăn cơm với nhau khá thân mật. Mà rất ngại chị ơi, khi em biết cô ấy cũng ly hôn rồi.
Em không nghi chồng phản bội, nhưng lo rằng hoàn cảnh như thế liệu lửa gần rơm sẽ... cháy chăng?
Hay là em kêu chồng về?
Lê Thị Lân (TP.HCM)
Em không biết anh ấy có thay lòng đổi dạ hay không - Ảnh minh họa
Thân gửi bạn Lân,
Thư bạn không cho biết thêm các "yếu tố" cần thiết để cảm nhận rõ hơn, nên tôi phải hỏi bạn mấy việc để có thể cùng bạn suy xét vào sát tình hình hơn.
Quan hệ vợ chồng trong gia đình hai bạn xưa nay có sâu sắc và êm đẹp không? "Em không nghi chồng phản bội" - bạn viết thế tôi đoán quan hệ tốt, và bạn khá tin tưởng ở chồng. Vậy chỉ là bạn lo lắng mơ hồ về những khả năng "nhỡ ra", "biết đâu", "thói đời thường thế"...? Hay là có dấu hiệu gì khiến người phụ nữ nhạy cảm hoài nghi?
Sau nữa - vào ngày bạn gặp "sự kiện ăn cơm thân mật", bạn đã ứng xử thế nào? Buồn giận nói vu vơ? Hay im lặng lo lắng tự giày vò? Sao bạn chưa hỏi thăm điều kiện sống và sinh hoạt của chồng khi xa nhà? Đâu cần phải giả vờ "khéo léo điều tra" gì, mà những điều này bình thường vợ phải biết chứ nhỉ?
Anh trên đó ăn ở ra sao, có cần em chuẩn bị gì không, có ai cũng xa nhà cùng cảnh ngộ, giúp nhau cơm nước thuận lợi không? "Cô chủ" sống ở đâu? Công việc thế nào, có bận rộn quá không, sao lịch đi về luôn phải thay đổi vậy? Bây giờ có điện thoại trao đổi hằng ngày mà, sao bạn có vẻ "mịt mù" thông tin đến mức tình cờ ghé thăm mới biết?
Những nhà tư vấn đã khuyên khá nhiều về "dấu hiệu nhận biết" - nghe thì đúng thôi - nhưng chúng ta nên tự tin ở mình và tin ở chồng mình trước khi nghe nhiều cái làm mình "thấy sợ".
Đừng bị ám ảnh bởi những nghi kỵ của "thám tử" khiến quan hệ vợ chồng càng rắc rối, rồi chuyện chưa đâu vào đâu lại được nhận định cứ như "đúng rồi". Thí dụ phải để ý xem anh ấy có đột nhiên đối xử khác đi (tốt hẳn lên hoặc tệ hẳn đi). Đời sống quan hệ vợ chồng nết ăn ở thân quen có gì khác lạ? Có đột ngột siêng năng, ăn mặc chải chuốt không?
Rồi người ta còn dặn để ý xem vợ có còn là nơi anh kể những khó khăn rắc rối gặp phải trong cuộc sống? "Người kia" có cải tạo được những thói quen của anh ấy - những thói quen xưa vợ hết hơi phàn nàn nay bỗng tự thay đổi như vệ sinh cá nhân, thay đổi áo quần...
Rồi anh ấy có nhiều "hành vi riêng tư" giấu giếm điện thoại, tin nhắn, một mình suy nghĩ trầm tư không muốn vợ biết? Có hay nhắc đến cô ấy - dù chỉ là lấy cớ công việc? Rồi xem cô kia có xuất hiện nhiều trong liên hoan tiệc tùng, chụp hình?
Chao ôi, các hiện tượng tâm lý ấy là nói đúng cả, nhưng nghe nhiều quá hóa ra bị ám ảnh hư hư thực thực không biết đằng nào, làm ta rối trí.
Bạn cũng cứ nên để ý như các lời gợi ý đó, nhưng bình tĩnh và biết rõ chồng bằng cảm nhận tình cảm của người vợ thương yêu chứ không phải "thám tử điều tra". Đa nghi tra hỏi có khi như vẽ đường cho hươu chạy. Suy diễn ít thôi. Hãy hỏi anh xem việc làm và cuộc sống vậy có ổn không, vợ thấy buồn khi xa và không được chăm sóc chồng. Anh cần gì ở sự hỗ trợ của vợ không? Hiện nay công việc có ổn không? Liệu có nên tìm công việc khác? Xem anh ấy phân tích thế nào là từ đó bạn có thể hiểu thêm.
Tiếp tục làm hay thôi, nên hỏi ý anh ấy nữa, không phải tự nhiên "gọi về".
Bạn hãy cứ thử như vậy xem sao đã nhé. Mong mọi sự tốt đẹp.
Gửi những người yêu xa: 10 điều cần nhớ để ta luôn hiểu mình mãi thuộc về nhau Dưới đây là 10 gợi ý giúp bạn nuôi dưỡng tình yêu xa của mình một cách hoàn hảo và ấm áp nhất. Khoảng cách luôn là điều đáng sợ trong tình yêu. Yêu xa, đồng nghĩa chúng ta phải trải qua vô vàn những điều thiệt thòi mà chỉ cần lỡ một nhịp cảm xúc là có thể làm tổn thương nhau....