Trong những ngày ’sinh tử’, từng đoàn y tế hướng về ‘chảo lửa’ COVID-19, vượt qua đại dịch
Nhớ đận tháng 5 oi bức, Bắc Giang được coi như một chảo lửa COVID-19 khi số ca mắc mới gia tăng chóng mặt.
Trong thời khắc sinh tử ấy, không ít đoàn y bác sĩ xuất quân trong đêm, chi viện cho Bắc Giang đã làm lay động trái tim người dân trên cả nước.
Lên đường bởi “mệnh lệnh từ trái tim”
Ông Nguyễn Văn Trang ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã không ít lần gọi điện đến đường dây nóng Báo Sức khỏe & Đời sống tâm sự nguyện vọng muốn được tham gia chống dịch ở Bắc Giang. Dù đã bước sang tuổi 78 nhưng ông Trang khẳng định chắc nịch: “Chỉ cần báo trước vài giờ đồng hồ để có thời gian chuẩn bị một số thuốc men và tư trang là tôi có thể lên đường ngay”.
Hình ảnh bác sĩ già đặt tay lên trái tim mình, nghe trái tim mách bảo và muốn vào nơi tâm dịch để phục vụ khiến nhiều người xúc động.
Hình ảnh vị bác sĩ đã nghỉ hưu với gương mặt phúc hậu, tay đặt lên ngực, thể hiện quyết tâm hướng về người dân vùng dịch sau khi được đăng tải trên báo chí đã khiến nhiều người rơi nước mắt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trang tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, từng nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Sau khi nghỉ hưu, nhờ kinh nghiệm và sức khỏe tốt nên ông thường xuyên tham gia các hoạt động công tác xã hội, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.
“Tôi có thể đảm đương hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân F0, chăm sóc F1. Trong quá trình làm chuyên môn, tôi từng điều trị các bệnh lây lan, tôi có sẵn kiến thức và giờ tôi sẽ học hỏi thêm. Đây là mệnh lệnh từ trái tim, vào vùng dịch có đồng đội, đồng nghiệp áo trắng, có lớp già, lớp trẻ động viên nhau”, ông Trang nói về lý do viết đơn xin tình nguyện đi tuyến đầu chống dịch.
Từ Tây Bắc xa xôi, Hoàng Việt Tiệp năm nay tròn 26 tuổi nhanh nhẹn chuẩn bị hành trang cùng đoàn y tế tỉnh Yên Bái lên đường đến Bắc Giang sau khi được Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ điều động.
Cầm theo tờ quyết định bỏ trống ngày về, Tiệp chỉ kịp cầm điện thoại nhắn tin cho bố mẹ: “Con đi Bắc Giang chống dịch theo lời kêu gọi của ngành y tế, theo sứ mệnh người thầy thuốc…”. Bố mẹ anh vừa lo lắng vừa vui bởi từ bé, trước khi theo học trường Đại học Y Dược Thái Bình, Tiệp đã có ước mơ sau này được làm bác sỹ, đi khắp nơi chữa bệnh, giúp người.
Dù làm việc mệt mỏi song các cán bộ y tế chi viện cho Bắc Giang vẫn luôn rực sáng ý chí kiên định, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19.
Là 1 trong 6 điều dưỡng nữ của Bệnh viện Đà Nẵng đến chi viện điểm nóng Bắc Giang, chị Võ Thị Hoài Thương (37 tuổi, Khoa Gây mê hồi sức) khiến nhiều người cảm phục khi tâm sự chị nhất quyết xung phong đi chống dịch dù nhà chỉ có 2 mẹ con, chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo.
Video đang HOT
Cô con gái điều dưỡng Hoài Thương năm nay đã chuẩn bị lên lớp 10. Chị kể, vì hoàn cảnh 1 mẹ 1 con nên con gái cũng có tính tự lập từ nhỏ. Khi quyết định đi Bắc Giang hỗ trợ chống dịch COVID-19, chị cũng hỏi ý kiến con gái. Cô con gái rất hiểu chuyện nên bảo: “Mẹ cứ yên tâm đi và hoàn thành nhiệm vụ, con ở nhà có thể tự chăm lo được. Con lớn rồi chứ bé nữa đâu!”.
Hỏi chị, những lúc bận rộn rồi khi hết ca, có khi nào yếu lòng yếu lòng nhớ nhà nhớ con mà khóc?, nữ điều dưỡng bộc bạch: “Đúng là khi vào trong phòng bệnh, mặc đồ bảo hộ kín, thời tiết nóng bức người mất sức nhiều, rất mệt. Nhưng nghỉ ngơi 1-2 tiếng là lấy lại sức và lại có thể tiếp tục công việc. Tôi dành buổi tối tranh thủ nói chuyện với con gái, nhớ và thương con thiệt thòi nhưng tôi không dám khóc vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Lúc nào gọi về cũng tỏ ra là người mẹ mạnh mẽ…”.
“Hậu phương” của điều dưỡng Võ Thị Hoài Thương thể hiện quyết tâm chống dịch trước khi chị lên đường đến Bắc Giang.
Thông tin trên các phương tiện truyền thông về các chuyến xe chi viện cho Bắc Giang nhưng khó có thể nói hết những nhiệm vụ “không tên” trong lòng dịch COVID-19. Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, đã có bao nhiêu y bác sĩ, bao nhiêu cán bộ y tế không còn khái niệm nghỉ ngơi. Sự “chia lửa” của cả nước, của các địa phương, các tổ chức, cá nhân cho thấy tâm dịch Bắc Giang không cô đơn…
Cuộc chiến đúng nghĩa…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quan điểm hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. Ngành y tế từng hỗ trợ rất lớn để dập dịch tại Đà Nẵng năm 2020 nhưng lần này phải hỗ trợ ở mức cao hơn. Bộ Y tế đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt toàn quyền “điều quân” từ mọi nơi tới Bắc Giang.
Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – những nơi có các đơn vị hồi sức tích cực mạnh hỗ trợ cho Bắc Giang điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng.
“Chúng tôi không xác định thời gian chi viện là bao lâu bởi khi dịch COVID-19 còn, chúng tôi còn ở lại”, một cán bộ trong đoàn Bộ Y tế tâm sự khi đặt chân đến “chảo lửa” Bắc Giang.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – Trưởng bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang mong muốn các đoàn chi viện nỗ lực cao nhất để sớm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Trò chuyện với PV Báo Sức khỏe & Đời sống khi mà dịch COVID-19 ở Bắc Giang đã được khống chế, Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu liên tục nhắc câu “cảm phục” và “trân quý” đối với hàng nghìn cán bộ y tế, chuyên gia, học viên, sinh viên ngành y đã hỗ trợ Bắc Giang trong lúc “nước sôi lửa bỏng”.
Thời điểm tháng 5/2021, Bắc Giang là địa phương có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong cả nước với hơn 500 bệnh nhân. Đợt dịch lần này tại Bắc Giang so với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan lẫn mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ.
Bắc Giang thực sự bước vào một cuộc chiến đúng nghĩa với sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Đợt bùng phát dịch lần này xảy ra trong các khu công nghiệp lớn với hàng trăm nghìn công nhân liên quan khiến cho công tác dập dịch cam go hơn bao giờ hết. Nhờ sự “chia lửa”, hỗ trợ đắc lực của các bộ, ngành và địa phương đã tiếp thêm sức mạnh cho Bắc Giang trong công tác phòng chống dịch.
BS. Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự cảm kích trước sự giúp đỡ của đoàn y tế các tỉnh bạn trong lúc “nước sôi lửa bỏng”.
Sáng 4/6, Bắc Giang báo tin vui về Bộ Y tế khi bệnh nhân N.V.G (sinh năm 1987, quê Lục Nam) đã được cai máy thở sau 12 ngày điều trị, đồng thời có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.
Trong những ngày nắng nóng, oi bức ấy, bên cạnh những thông tin về diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Bắc Giang với số ca mắc mỗi ngày vẫn cao, thì mỗi thông tin tiến triển tốt của người bệnh trở thành động lực không nhỏ cho các bác sĩ tại Bắc Giang nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung. Điều đó chứng tỏ rằng những nỗ lực của họ trong nhiều ngày qua đã đem lại kết quả và sự chi viện y tế của bệnh viện các tuyến, từ nhiều tỉnh thành cho tâm dịch Bắc Giang, thật quý giá biết nhường nào…
Bắc Giang đáp lại ân tình
Sau khi dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được khống chế, từ tháng 7 đến tháng 9, ngành y tế tỉnh Bắc Giang đã cử 364 cán bộ y tế đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam phòng, chống dịch, 806 người cho thủ đô Hà Nội và 137 người sang Hà Nam. Tổng cộng, tỉnh Bắc Giang đã cử 7 đoàn chi viện với 1307 cán bộ y tế hỗ trợ các tỉnh thành đang bùng phát dịch.
Thang 9/2021, Bắc Giang cử hơn 800 nhân viên y tế hỗ trợ TP Hà Nội chống dịch.
Là đoàn cán bộ y tế đầu tiên của 11 tỉnh, thành phố theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đến tham gia hỗ trợ TP Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng, điều dưỡng Đàm Thị Toan, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên bày tỏ: “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần cả nước vì Bắc Giang, Bắc Giang vì cả nước”.
BS. Từ Quốc Hiệu – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tâm sự: Trải qua các đợt dịch, hiện nay hệ thống y tế tuyến dưới hoàn toàn chủ động thực hiện và báo cáo trong thời gian rất ngắn. Chính vì thế, trong những tháng cuối năm 2021 và tháng 1/2022 dù phát sinh thêm hàng nghìn ca mắc mới nhưng Bắc Giang đã có thể chủ động hoàn toàn trong việc khống chế dịch bệnh.
Để chủ động hơn nữa trong việc kiềm chế COVID-19, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các cơ quan đoàn thể, đơn vị tự lấy mẫu xét nghiệm. Việc tập huấn này nhằm mục tiêu để khi xuất hiện các trường hợp F0 ở đâu thì đơn vị đó chủ động tầm soát và phân loại nhóm nguy cơ để dập dịch nhanh nhất có thể. Ví dụ, dịch xâm nhập vào trường học thì các giáo viên có thể tự lấy mẫu xét nghiệm, triển khai nhanh các biện pháp phòng chống dịch bước đầu nhằm hạn chế tối đa việc dịch có thể lây lan.
Người dân Bắc Giang chào tạm biệt đoàn y tế tỉnh Quảng Ninh trước khi chia tay.
Không chỉ dừng lại ở đó, tỉnh Bắc Giang đang lên phương án về việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở các xã. Theo nhận định của tỉnh, việc đưa các F0 không triệu chứng hoặc bệnh nhân nhẹ sẽ chuyển về đơn vị hành chính cấp xã. Bản thân tỉnh Bắc Giang khi cử cán bộ đi chi viện miền Nam chống dịch cũng từng cử các cán bộ y tế ở cấp xã tham gia cùng đoàn.
BS. Từ Quốc Hiệu cũng chia sẻ, nhằm chủ động với tình hình dịch bệnh luôn diễn biến khó lường, tỉnh Bắc Giang cũng chuẩn bị các kịch bản cho các cấp độ dịch. Trong đó, việc kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2 là một trong những động thái nhằm chủ động ứng phó với dịch trong tình hình mới. Điểm đặc biệt tại các bệnh viện dã chiến hiện nay là số lượng nhân viên y tế được giảm đến 2/3. Thay vì phải dùng 300-400 nhân viên y tế cho mỗi bệnh viện, hiện nay chỉ duy trì ở mức 100 nhân viên y tế.
Bốn điểm yếu của ngành y tế TP.HCM trong đại dịch COVID-19
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nêu những điểm yếu của ngành y tế thành phố trong đợt dịch thứ 4 (27/4 - 30/9).
Chiều 30/10, phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đợt dịch vừa qua đã bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế thành phố, dẫn đến quá tải trong điều trị bệnh nhân.
Theo ông Châu, điểm yếu đầu tiên là khả năng dự báo. Do đây là đại dịch mới, chưa từng có tiền lệ, chủng Delta lây lan quá nhanh, chưa từng xảy ra nên chưa có những ứng xử kịp thời. Dịch bệnh lây nhanh trong thời gian ngắn, trong khi đó dân cư đông đúc nhưng lại chưa có dự báo kịp thời khiến số ca mắc mới tăng lên nhanh chóng.
"Công tác dự báo chưa sát với thực tế, chưa theo kịp diễn tiến của dịch, sự lây lan nhanh của dịch. Biến chủng Delta đã được cảnh báo từ sớm nhưng việc dự báo chưa theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp", ông Châu nhận định.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu.
Hạn chế thứ hai, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM là do thời điểm đầu đỉnh dịch, năng lực xét nghiệm RT-PCR chưa tương xứng với dịch bệnh. Xét nghiệm PCR chậm, mất đi thời điểm kịp thời để tách F0 khỏi cộng đồng. Thời kỳ đầu đỉnh dịch, kỹ thuật xét nghiệm rRT-PCR là phương pháp chủ yếu để xác định F0.
" Kỹ thuật rRT-PCR cần thời gian, năng lực xét nghiệm chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta. Tốc độ lây nhiễm càng cao, dịch lan sâu vào trong cộng đồng. Có thời điểm thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ. Qua mất thời điểm bóc tách F0 khỏi cộng đồng", ông Châu cho biết.
Điểm yếu thứ 3 bộc lộ trong chiến dịch tiêm vaccine. Thời gian qua, TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng chưa từng có trong lịch sử, chưa có khả năng đồng đều trong tiêm vaccine và chưa đủ giãn cách. Công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng chỉ rõ hạn chế của thành phố khi cách ly tập trung toàn bộ F0 gây quá tải. Trước tháng 7, Bộ Y tế và thành phố chủ trương tất cả F0 đều cách ly tập trung. Tuy nhiên, khi F0 tăng quá nhanh, hàng loạt bệnh viện dã chiến liên tiếp được hình thành nhưng không đáp ứng kịp.
"Số lượng F0 quá nhiều thì khả năng chăm sóc của nhân viên y tế cũng quá tải. Từ đó mới có tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc toàn diện, chuyển viện kịp thời và tử vong", ông Châu nói.
Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và đồng bộ.
Bên cạnh những hạn chế, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ ra những mô hình hay, hiệu quả trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, như mô hình tháp 3 tầng thu dung điều trị, mô hình trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022, mô hình hoán cải xe vận chuyển hành khách thành cứu thương,...
Trong đó, mô hình trạm y tế lưu động nhằm chăm sóc F0 tại nhà đã tạo được tâm lý thoải mái, an toàn cho bệnh nhân. Trong bối cảnh y tế địa phương quá tải, mô hình trạm y tế lưu động do Bộ Quốc phòng hỗ trợ, thiết lập 525 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động đã quản lý F0, cung cấp các gói thuốc, cung cấp ôxy, chuyển bệnh nhân chuyển nặng đến các bệnh viện, giảm quá tải và áp lực cho các bệnh viện.
Ngoài ra còn các mô hình như: Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng của Trường Đại học Y dược TP.HCM; Mô hình "Bệnh viện chị em"; Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng từ bệnh viện dã chiến TP và trung tâm hồi sức COVID-19; Mô hình Trung tâm HOPE... đã góp phần đưa đến hiệu quả phòng chống dịch tại TP.HCM.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, để ứng phó với dịch bệnh thời gian tới, TP.HCM cần xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch; Xây dựng các kịch bản và tình huống tương ứng từng cấp độ dịch là rất cần thiết và mang ý nghĩa quyết định cho sự chủ động khi ứng phó với dịch bệnh; Kịp thời phát hiện các địa bàn có nguy cơ chuyển sang cấp độ dịch cao hơn để chủ động có giải pháp can thiệp.
Thành phố tổ chức cách ly F0 để ngăn chặn sự lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung. Chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà, xây dựng nhiều khu cách ly quy mô nhỏ gắn với địa bàn phường, xã.
TP.HCM cần phát huy chiến lược điều trị theo 2 trụ cột: Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Thành phố huy động nguồn lực, phát huy hiệu quả mô hình y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ chuyển viện...
Gia tăng ca mắc mới, Bà Rịa - Vũng Tàu lo ngại dịch Covid-19 tái bùng phát Chiều 30/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 24 giờ qua, địa phương ghi nhận 65 ca mắc mới (đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân), trong đó có 41 ca mắc mới trong cộng đồng. 41 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu...