Trồng nhót tây, loại quả lạ lẫm với người Việt, thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm
Sau nhiều năm đi làm thuê ở ngoài, anh Lâm quyết định về quê trồng nhót tây, thu nhập trăm triệu mỗi năm.
Anh Lâm, quê ở làng Jieliao, Trung Quốc chia sẻ rằng trước đây anh làm việc ở bên ngoài, anh bạn công nhân ở cùng ký túc xá với anh có sức khỏe không tốt, thường xuyên phải uống thuốc vì vậy sức đề kháng ngày một yếu đi. Vì vậy, anh Lâm thường thấy anh bạn đó mua nhót tây về ăn và nói rằng nó giúp giảm ho, lợi phổi, giá cả là 25 nhân dân tệ nửa cân (khoảng 86 nghìn đồng). Nhận thấy giá trị kinh tế của nhót tây khá cao, đồng thời nhìn thấy được triển vọng trong việc trồng nhót tây, anh Lâm đã xin nghỉ việc để về quê trồng loại cây ăn quả này.
Anh Lâm sau nhiều năm đi làm thuê quyết định về quê trồng nhót tây
Vào năm thứ ba sau khi trồng, cây nhót bắt đầu ra quả. Năm thứ năm và thứ sáu, vườn nhót tây chính thức bước vào thời kỳ năng suất cao. Sản lượng quả trên mỗi cây rơi vào khoảng 100 kg. Hoa của nhót tây có thể được sử dụng làm thuốc trong y học. Quả nhót tây chứa hàm lượng dinh dưỡng rất phong phú, chứa các nguyên tố khác nhau như fructose, glucose, kali, phốt pho, sắt, canxi và vitamin A, B và C… Lá của nhót tây cũng là một loại thuốc ho dân gian thường được mọi người sử dụng, chỉ cần rửa sạch rồi đun lấy nước uống là có thể giúp giảm ho, ngăn ngừa cảm cúm, ngoài ra còn có thể giữ ẩm và bảo vệ mắt.
Anh Lâm chia sẻ rằng trong suốt nhiều năm, anh đều rất chú trọng đến môi trường, không sử dụng thuốc trừ sâu. Ngay cả khi diệt côn trùng, anh cũng sử dụng các phương pháp tiêu diệt côn trùng khác, đôi khi, để đạt được hiệu quả diệt côn trùng tốt nhất, anh còn quét nước vôi lên các thân cây. Phân bón tưới cây chủ yếu là phân chuồng.
Hiện tại, vườn nhót tây của anh cho năng suất 4000 kg mỗi mẫu, và năm nào cũng được bán hết. Một số khách hàng thậm chí đến tận vườn để trực tiếp hái nhót tây. Anh Lâm chia sẻ rằng hiện tại, trung bình anh có thể kiếm 20 vạn nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 689 triệu đồng), không còn phải ra ngoài đi làm nữa.
Theo Danviet
Bỏ lương hơn chục triệu/tháng, trai 8x về làm giàu từ cây ăn quả
Đang làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty tại TP.Sơn La với mức lương hơn chục triệu/tháng, anh Đoàn Thanh Vỹ sinh năm 1989 tại Hợp tác xã 2, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bất ngờ bỏ việc về quê làm vườn, trồng các loại cây an quả trước sự tiếc nuối của nhiều người.
Video đang HOT
Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, giờ đây khu vườn trồng cây ăn quả nhà anh đã bắt đầu cho thu hoạch với đủ loại quả chất lượng cao.
Chàng trai trẻ liều lĩnh
Nhắc đến tên anh Vỹ thì hầu như ở xã Chiềng Ban ai cũng biết. Bởi Vỹ nổi tiếng là người trẻ tuổi nhưng "liều lĩnh", dám bỏ công việc nhiều người mong muốn để về quê trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao.
Sinh năm 1989 tại Hợp tác xã 2, xã Chiềng Ban - một xã miền núi khó khăn thuộc huyện Mai Sơn(Sơn La), anh Vỹ sớm hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân nơi đây. Vì muốn thoát li khỏi nương rẫy và có cuộc sống tốt hơn, anh Vỹ đã theo học ngành kỹ thuật điện tại trường Cao đẳng nghề Sóc Sơn.
Vì đam mê cây cối, anh Vỹ đã bỏ việc công ty để về quê phát triển trang trại trồng cây ăn quả.
Trao đổi với PV, anh Vỹ chia sẻ: "Sau khi học xong chuyên ngành điện, tôi về làm việc cho một công ty thi công xây dựng tại TP.Sơn La. Công việc của tôi là lắp đặt đường dây điện cho công trình với mức thu nhập hàng tháng khoảng 12 triệu đồng. Đấy là một mức lương khá ổn, đặc biệt so với cuộc sống của người dân ở quê tôi thì số tiền ấy là ao ước của nhiều người."
Làm nhân viên kỹ thuật điện được 6 năm, đến năm 2016, anh Vỹ bất ngờ nghỉ việc tại công ty và về quê quyết tâm làm giàu từ trồng cây ăn quả khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. "Khi làm nghề điện tôi mới phát hiện ra sở thích của mình là chăm sóc cây cối, chứ không phải là những sợi dây điện dài ngoằng. Cảm giác được trồng những loại cây mới, rồi theo dõi chúng lớn lên thật thú vị." Anh Vỹ vui vẻ nói.
Trang trại của anh Vỹ được trồng rất nhiều loại cây. Đặc biệt có nhiều giống quả lạ được anh Vỹ "liều" trồng như cam Cara ruột đỏ, bưởi Phúc Kiến Trung Quốc...
Nhận thấy khu đất nhà mình rộng rất thích hợp trồng các loại cây ăn quả, nên anh Vỹ đã dốc một phần vốn để mua các loại cây giống về trồng, phần còn lại anh đầu tư mở một đại lý cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu, vừa là để phục vụ cho vườn cây nhà mình, vừa là bán cho các hộ khác ở trong xã vì ở quê của anh nhà nào cũng làm trang trại.
Quyết tâm làm giàu
Với mong muốn có được sản phẩm chất lượng, anh Vỹ đã chọn mua các loại giống tại nơi đầu nguồn. Anh nhập các giống cam, bưởi, nhãn, xoài.... ở những nơi uy tín. Đặc biệt anh là người đầu tiên dám nhập giống cam Cara ruột đỏ của Úc về trồng tại Chiềng Ban.
Không giống nhiều bà con khác là trồng cây ăn quả xen lẫn với cà phê, anh Vỹ đã chia đất của mình thành từng ô, và mỗi ô đất chỉ trồng 1 loại cây chuyên biệt. Theo anh Vỹ, cách làm này sẽ đảm bảo khoảng cách trồng cây theo tiêu chuẩn và thuận tiện cho việc tưới nước, bón phân định kì vì mỗi loại cây sẽ có một chu kì chăm sóc khác nhau.
Anh Vỹ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm công chăm sóc và đảm bảo nguồn nước cho cây.
Đến khi một số loại cây bắt đầu cho thu hoạch quả thì anh Vỹ thầu thêm đất của một số hộ dân khác trong xã để mở rộng diện tích trồng cây. Đến nay, trang trại của anh có khoảng 4 ha đất, trồng đủ các loại cây ăn quả và số cây này đang phát triển rất tốt.
"Chủ trương của tôi là lấy ngắn nuôi dài. Để tránh rủi ro, tôi không đầu tư vào một loại cây, mà trồng đa dạng các loại cây ăn quả bao gồm cả những cây ngắn ngày và dài ngày. Như giống cam Cara ruột đỏ phát triển khá nhanh và cho thu hoạch suốt 4 mùa.", anh Vỹ nói thêm.
Nhờ được chọn lọc giống và chăm sóc tốt nên cây cối trong vườn nhà anh đều rất khỏe mạnh, ít sâu bệnh và cho quả đạt chất lượng cao.
Năm 2018, vườn cây nhà anh cho những trái bói đầu tiên. Những cây cam, cây bưởi, hồng xiêm... sai trĩu trịt quả, anh vặt bỏ bớt để tập trung dinh dưỡng phát triển cho cây. Số quả còn lại anh để bán chín. Vụ đầu tiên, chỉ tính riêng cam và bưởi anh đã bán được khoảng 6 tấn, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, đặc biệt kể đến giống cam Cara ruột đỏ cho quả nhiều, bán được giá với mức bán tại vườn là 50.000 đồng/kg.
Anh Vĩ ươm thêm cây giống để bán cho bà con. Mỗi cây cam thế này được bán với giá 50.000 đồng.
Sau 2 năm đầu tư vào trang trại, đến nay trang trại của anh Vỹ đã phủ kín một màu xanh mướt của cây cỏ với khoảng 600 gốc cam, 200 gốc bưởi, và rất nhiều cây nhãn, xoài, ổi.. Tất cả đang phát triển rất tốt và đang cho nhiều quả non. Anh Vỹ dự tính vụ mùa năm nay sản lượng quả thu hoạch được sẽ gấp 3 lần năm trước
Ngoài trồng cây ăn quả, anh Vỹ còn khoanh đất nuôi gà siêu trứng dưới tán cây vừa lấy trứng bán, vừa lấy phân bón cho cây trồng.
Bên cạnh đó, cửa hàng cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu của nhà anh cũng hoạt động rất tốt, giúp gia đình anh Vỹ tăng thu nhập đáng kể.
Nhờ sự liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm của mình mà gia đình anh Vỹ đã trở thành một trong những hộ khá giả, tiêu biểu ở Chiềng Ban.
Theo Danviet
Phát triển cây ăn quả phía Nam: Nâng chất, không "đua" số lượng Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thúc đẩy bền vững cây ăn quả (CĂQ) các tỉnh phía Nam, tổ chức ngày hôm qua 15/3. Theo ông Lê Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích CĂQ khu vực phía Nam còn phân tán, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho đầu tư cơ...