Trồng một hecta hành lá lãi hơn 200 triệu đồng
Do nguồn cung cấp khan hiếm nên càng về cuối vụ hè thu giá các loại hoa màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tăng mạnh, nông dân phấn khởi vì đạt lợi nhuận cao.
So với cách đây gần một tháng giá các loại rau màu như: hẹ, hành lá, củ cải trắng đều tăng giá ở mức cao. Cụ thể, hành lá giá 20.000 đồng một kg (tăng 4.000 – 5.000 đồng một kg), củ cải trắng 6.000 đồng, hẹ 12.000 đồng (tăng khoảng 2.000 đồng một kg).
Các loại rau gia vị được mùa.
Theo một số hộ dân trồng hoa màu ở các xã cù lao của huyện Hồng Ngự thì giá hoa màu tăng cao như hiện nay là do thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mưa nhiều, sâu bệnh tăng khiến năng suất bình quân giảm, đồng thời do các diện tích hoa màu đã xuống giống thu hoạch gần hết nên nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Các hộ dân cho biết với giá tăng cao như hiện tại, trung bình một ha hành lá nông dân thu lãi trên 200 triệu đồng, một ha củ cải trắng thu lãi gần 80 triệu và một ha dưa leo thu lợi nhuận gần 90 triệu đồng (nếu giá dưa leo ổn định 7.000 đồng một kg như hiện nay).
Trong vụ hè thu này nông dân toàn huyện Hồng Ngự xuống giống 1.400ha hoa màu các loại, hiện tại nông dân đã thu hoạch được khoảng 1.200ha, các diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong thời gian tới.
Theo P.V (Báo Đồng Tháp)
Video đang HOT
Ngồi một chỗ vẫn thu nhập "khủng" nhờ... "cởi áo", rửa hành
Không trồng hành, cũng không kinh doanh mà chỉ nhận bóc vỏ già, rửa hành thuê tại các điểm đầu mối thu mua hành củ trên địa bàn, hàng trăm hộ dân tại xã Chu Điện, huyện Lục Nam, Bắc Giang có thu nhập "khủng" từ 6 đến trên 10 triệu đồng mỗi tháng.
Đó là nghề ăn theo vụ thu hoạch hành ở xã Chu Điện, huyện Lục Nam, Bắc Giang, nhờ nghề này mà hàng trăm hộ dân tại đây có thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Vào những ngày này tại các điểm đầu mối thu mua hành củ tại các thôn của xã Chu Điện luôn tấp nập người bóc, rửa hành.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ điểm thu mua hành củ Hương Công tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện cho biết, vào những ngày thu hoạch hành chính vụ, chị phải thuê trên dưới 30 người làm công việc bóc, rửa hành mới có đủ hàng đóng xe đi Hà Nội, Thanh Hóa.
"Với giá thuê làm 1.000 đồng/kg hành thương phẩm, có thời điểm nhiều hàng, tôi phải chi trả hơn 10 triệu đồng/ngày, tính ra cả tháng cũng mất hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường" - chị Hương chia sẻ.
Hơn 3 tháng làm công việc bóc, rửa hành tại điểm thu mua hành củ Hương Công, mỗi ngày bà Vân (56 tuổi) ở thôn Hà Mỹ làm được trên 2,5 tạ hành. Có ngày làm việc năng suất bà Vân rửa được trên 3 tạ đến 4 tạ hành nhân. Với giá thuê 1.000 đồng/kg ngày thường, ngày giá rét lên đến 2.000 đồng/kg, nếu làm đều cả tháng bà Vân có thu nhập lên tới trên 10 triệu đồng.
Công việc của họ khá nhàn hạ, chỉ ngồi một chỗ chờ chủ đưa xe hành từ ngoài cánh đồng về rồi nhận phần làm...
... sau đó ngồi bóc tách vỏ áo già và rửa sạch hành. "Làm nghề này không cần học nhiều, chỉ cần nhìn qua là ai cũng biết làm ngay, có điều khi bóc vỏ "cởi áo" cho hành rửa đừng để dập nát là được" - chị Phương, một công nhân làm thuê tại điểm thu mua ở thôn Hà Mỹ cho hay.
Bà Vân cho biết: "Công việc cũng nhàn hạ, chỉ ngồi một chỗ chờ chủ đưa xe hành từ ngoài cánh đồng về rồi nhận phần làm thôi chứ không phải bốc vác gì nặng nhọc đâu".
Ông Hoàng Văn Đềm - Phó Chủ tịch UBND xã Chu Điện cho biết: Toàn xã có 8 thôn trồng hơn 20ha hành củ, trong đó thôn Hà Mỹ chiếm trên 70% diện tích. "Vụ hành năm nay được mùa, được giá, tính ra mỗi sào hành củ sau Tết bán buôn tại ruộng giá 14.000 đồng/kg, bà con có lãi trên 10 triệu đồng nên ai cũng phấn khởi" - ông Đềm chia sẻ.
Ông Đềm cho biết thêm, vào những ngày thu hoạch hành rộ, tại các thôn trong xã có 12 điểm thu mua hành, trung bình mỗi điểm tạo công ăn việc làm cho trên dưới 30 người. Với mức thu nhập từ 250.000 đồng đến trên 350.000 đồng/người/ngày.
Để tránh nước hành ăn da, người làm nghề này phải đeo găng tay cao su.
Sau khi rửa sạch, bà con gánh hành đi cân để tính tiền công. "Làm nghề này ngồi nhiều hay bị mỏi lưng thôi chứ rất nhẹ nhàng, không bị gò bó thời gian mà công lại cao gấp nhiều lần nghề khác" - bà Vân chia sẻ.
Sau khi được làm sạch, hành củ thương phẩm sẽ được các lái buôn lớn từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội đưa xe tải đến lấy chuyển đi các tỉnh miền Trung và Sài Gòn tiêu thụ.
Theo Danviet