Trồng mía tím trên đất dốc, có của ăn của để
Ông Bùi Văn Liên, sinh năm 1957 ở xóm Sung (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) trồng mía tím trên 1.000m2 đất đồi dốc. Dù lợi nhuận không cao bằng các loại cây ăn quả, nhưng bước đầu cây mía tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Liên.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Liên, kể về cơ duyên đến với nghề trồng mía tím: Trong thời gian công tác tại xã, tôi được đi tham quan nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, được tận mắt thấy nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiểu quan kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng mía tím.
Sau khi nghỉ hưu, tôi dùng số tiền tiết kiệm thuê người dân trong xã phát quang nương rẫy trồng mía tím. Tôi trồng mía trên diện tích 1.000 m2, mới đầu trồng mía tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên rất lo lắng về chất lượng của cây, sợ nhất là cây bị dịch bệnh. Sau đó tôi lên mạng internet tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc mía, nhờ vậy mà tôi đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.
Sau khi nghỉ hưu, ông Bùi Văn Liên trồng mía phát triển kinh tế gia đình.
Video đang HOT
Theo kinh nghiệm của ông Liên: Mía tím là loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất xám, đất pha cát hay đất sét nặng, kể cả đất dốc mía vẫn phát triển xanh tốt. Trong thời gian trồng mía, tôi tiến hành cày cuốc đất cho tơi xốp và thoáng khí, sau đó tiến hành làm sạch cỏ dại. Tôi dùng phân bón thúc và phân chuông hoai muc bón cho mía tím, để loại trừ mầm bệnh gây hại cho cây mía, sau đó rắc vôi xung quanh gốc mía, nhờ vậy mà vườn mía luôn tươi tốt.
Để nương mía phát triển xanh tốt, ông Liên luôn tìm đọc sách báo trên mạng internet để học hỏi kinh nghiệm.
Công đoạn thu hoạch mía có thể nói là phần việc cuối cùng để lão nông dân gặt hái những thành quả sau một năm cực nhọc trồng và chăm sóc cây mía. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, ông Liên luôn quan tâm đến thời gian thu hoạch mía bởi đây là khâu quyết định đến sự thành bại sau 1 năm trồng mía.
Hàng ngày ông Liên lên nương theo dõi quá trình phát triển của nương mía.
Ông Bùi Văn Liên chia sẻ: “Cây mía chỉ cho hiệu quả cao nhất khi thu hoạch đạt đủ 3 tiêu chuẩn chín, sạch, tươi. Dấu hiệu để nhận biết cây mía chín như lá khô nhiều, còn khoảng 5 – 6 lá vàng xanh, các lá đọt ngắn lại có tán hình rẽ quạt, vỏ thân mía bóng láng, cứng; khi gõ vào thân cây mía nghe tiếng trong, dòn, màu da mía sẫm, màu đặc trưng của giống. Người trồng có thể kiểm tra bằng cách chặt 1 cây để nhai thử, có thể sử dụng brix kế để đo độ ngọt phần gốc và phần thân gần ngọn đã bảo đảm ngọt hay chưa. Sau khi đạt các yếu tố trên thì mới tiến hành thu hoạch mía”.
Ngoài trồng mía tím, ông Liên còn trồng thêm bưởi đỏ.
“Sau mỗi vụ thu hoạch mía tím, gia đình tôi lãi gần 40 triệu đồng. Ngoài trồng mía, gia đình tôi còn trồng thêm bưởi đỏ trên 4.000m2 phát triển kinh tế, tính tổng thu nhập từ mía và bưởi bình quân 1 năm tôi có lãi hơn 120 triệu đồng. Từ khi trồng mía và bưởi đỏ đến nay, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng sung túc và có nguồn thu nhập ổn định”- ông Bùi Văn Liên cho biết thêm.
Mỗi 1 năm ông Liên có lãi hơn 120 triệu đồng từ trồng mía và bưởi đỏ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bùi Văn Liên còn tích cực tham gia các hoạt động và phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các hộ dân trong xóm cùng sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Theo Danviet