Trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận cao
Để tăng hiệu quả sản xuất, nhiều nông dân ở Trà Vinh đã trồng luân canh 1 vụ lúa 2 vụ màu cho thu nhập tăng nhiều lần so với độc canh cây lúa.
Đơn cử như mô hình luân canh lúa- ngô- khoai môn sáp của nông dân xã Đại An, huyện Trà Cú. Bình quân mỗi vụ trồng khoai môn sáp, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha, tăng rất nhiều lần so với vụ lúa trên cùng diện tích.
Trồng khoai môn sáp lãi từ 150 – 200 triệu đồng/ha.
Anh Lý Thanh Trà, Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú canh tác theo mô hình lúa- ngô- khoai môn sáp trên diện tích 3 công (1 công= 1.000 m2) gần 20 năm nay. Anh Trà cho biết, khi kết thúc vụ lúa Hè Thu, vụ Đông Xuân anh bắt đầu xuống giống khoai môn sáp. Sau hơn 4 tháng trồng, khoai môn cho thu hoạch, với năng suất khoảng 2 tấn/công. Với giá bán dao động từ 20.000-26.000 đồng/kg, bình quân mỗi công khoai môn sáp, gia đình anh thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
Theo ông Thạch Long, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú, mô hình lúa- ngô- khoai môn sáp đã giúp rất nhiều hộ Khmer ở ấp Giồng Lớn A cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đến nay, ấp chỉ còn 8 hộ nghèo, giảm gần 200 hộ nghèo so với năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của ấp hiện đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng 30 triệu đồng/người/năm so với 5 năm trước. Thấy được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân trong ấp chuyển đổi sản xuất và mở rộng diện tích trồng khoai môn sáp lên hơn 40 ha.
Video đang HOT
Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nhất tỉnh, mặn xâm nhập, thiếu nước tưới vào mùa khô…Vì vậy, địa phương đang vận động nông dân cơ cấu lại mùa vụ, giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang các loại cây màu khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, cây khoai môn sáp là một trong những cây trồng ngành nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi, bởi đầu ra những năm gần đây khá ổn định, đặc biệt là rất thích nghi với điều kiện thiếu nước tưới của địa phương; cho hiệu quả kinh tế tăng rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Thấy được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân tự chuyển đổi sản xuất nhân rộng diện tích trồng khoai môn sáp.
Để người dân mạnh dạn chuyển đổi, cùng với việc hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật trên những cây trồng, vật nuôi mới, huyện Trà Cú đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra nông sản ổn định.
Những chiếc "cần câu" thay đổi cuộc sống người dân vùng khó
Những năm qua, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, những chương trình, dự án giảm nghèo của tỉnh được ví như chiếc "cần câu" đã giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới theo hướng tích cực.
Bằng các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ dân huyện Quan Sơn đã vươn lên thoát nghèo.
Tạo động lực để người nghèo vươn lên
Có dịp trở lại bản Hạ, xã Sơn Hà (Quan Sơn) vào những ngày đầu xuân, tôi khá bất ngờ bởi đường sá, bản làng, cuộc sống của bà con nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Gặp chúng tôi trong nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hà Văn Khương vui vẻ cho biết: Bản Hạ đã đổi thay rồi. Hồi chưa có đường, hiếm lắm mới thấy xe ô tô chạy; xe máy thì đoạn đi, đoạn phải dắt, bà con đi lại cực lắm. Lúc đó, nghèo đói, túng thiếu cứ đeo bám dân bản. Thậm chí, vào những ngày tết, vẫn có nhà phải đi vay gạo ăn nên không khí xuân vô cùng ảm đạm, buồn tẻ. Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa nên đời sống Nhân dân đã đổi thay nhanh chóng. Trước đây, toàn bản Hạ có 120 hộ thì có tới 30 hộ nghèo (năm 2016), đến nay chỉ còn 5 hộ nghèo...
Như để minh chứng cho lời nói, đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng bản dẫn chúng tôi đến nhà anh Lò Văn Tùng. Ngồi trong ngôi nhà sàn kiên cố, anh Tùng không giấu được niềm phấn khởi. Bởi chỉ cách đây hơn 5 năm gia đình sống trong ngôi nhà tranh tre tạm bợ. Không biết chữ, lại lập gia đình và sinh con sớm nên cuộc sống của gia đình anh Tùng cứ quay quắt trong nghèo khó. "Năm 2018, gia đình được Nhà nước tạo điều kiện cho chiếc "cần câu" là con bò giống và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn 50 triệu đồng, chúng tôi mừng lắm. Lại được sự giúp đỡ của ông bí thư chi bộ và các đảng viên trong bản, nên vợ chồng tôi đã biết cách chăn nuôi bò, trồng luồng, vầu để có thu nhập. Rồi mỗi tháng đi làm thêm, khai thác nứa, vầu cũng được hơn 5 triệu đồng, đủ tiền chi phí để phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi các con ăn học. Không còn nghèo như trước, nhà cửa cũng đã đẹp, có xe máy để đi rồi nên năm 2019 gia đình tôi đã làm đơn xin thoát nghèo" - anh Tùng chia sẻ.
Không chỉ gia đình anh Tùng, mà 52 hộ nghèo ở xã Sơn Hà nhờ có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tự vươn lên đã viết đơn xin thoát nghèo và giờ đây họ đã có cuộc sống ấm no, đầy đủ. Đó là chia sẻ của anh Lò Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà.
Kết quả triển khai chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở một số địa phương hiện nay cho thấy, chỉ khi các địa phương lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chính sách giảm nghèo, thì khi ấy công tác giảm nghèo mới mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, có thể kể đến việc triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, thu hút hàng ngàn hộ nghèo tham gia, như: mô hình phục tráng rừng luồng ở Quan Hóa, Lang Chánh; trồng dưa hấu, nuôi lợn cỏ ở Như Xuân; trồng nghệ dược liệu ở Thạch Thành, Cẩm Thủy; trồng vầu, chuối tiêu hồng, khoai mán ở Quan Sơn; nuôi vịt Cổ Lũng ở Bá Thước...
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, góp phần giảm được 105.924 hộ nghèo, bình quân giảm 2,24%/năm, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Riêng 11 huyện miền núi, số hộ nghèo giảm được 44.327 hộ (từ 57.684 hộ xuống còn 13.357 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,79% xuống 5,78%, bình quân giảm 4%/năm; trong đó 1 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a, 5 xã và 55 thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Trao "cần" và chỉ "cách câu"
Tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững là vấn đề luôn được các địa phương quan tâm, nhất là ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế việc "trao cần" và chỉ "cách câu" như thế nào cho hợp lý, vẫn luôn là "chủ đề nóng". Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc đó còn khó hơn nhiều, bởi lẽ để giúp dân thoát nghèo không đơn thuần chỉ là cho một vài tạ gạo, hay mấy con bò... mà điều quan trọng là phải giúp người dân thay đổi được nhận thức.
Ví như câu chuyện "nghèo không thể thoát" của nhiều hộ gia đình trên địa bàn thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái (Như Thanh). Theo chia sẻ của ông Dương Đình Cương, Trưởng thôn Cây Nghia thì: Trong thôn hiện còn 7/124 hộ nghèo, điều đáng nói là những hộ nghèo này đa số là những người khỏe mạnh, còn trong độ tuổi lao động. Theo lẽ thường, đối với những hộ như vậy thì cơ hội thoát nghèo sẽ nhiều hơn và tình trạng nghèo đói sẽ giảm. Song trên thực tế, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn lại gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Được biết, Xuân Thái là một trong những xã còn nhiều hộ nghèo của huyện Như Thanh, với 135 hộ nghèo (chiếm 13,68%). Để giải bài toán giảm nghèo, những năm qua các cấp, các ngành, cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực vào cuộc trong việc tuyên truyền, vận động người dân tự giác vươn lên; cùng tính toán cách thoát nghèo với bà con nông dân từ những nguồn lực được đầu tư, hỗ trợ. Và đã có những sinh kế, bước đầu đơn giản, như làm vườn rau nho nhỏ tại gia đình để cải thiện bữa ăn hàng ngày và tăng thêm thu nhập... Tuy nhiên, việc giảm nghèo ở đây suốt nhiều năm qua dường như vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.
Trao đổi về chủ đề hỗ trợ gì, cách thức hỗ trợ thế nào để hộ nghèo thoát nghèo bền vững, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Thường thì người ta nghĩ tới cái cần câu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xóa đói, giảm nghèo phức tạp hơn nhiều, chứ không đơn giản là giúp đỡ bằng cách này hay cách kia. Chính vì thế để giải bài toán này, trước hết chúng ta phải nắm bắt xem nhu cầu của người nghèo cần gì, từ đó mới có hình thức giúp đỡ thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ theo phương châm "giúp cần câu chứ không cho con cá". Bởi thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, việc hỗ trợ hộ nghèo bằng tiền mặt, lương thực, vô hình chung khiến cho một bộ phận người dân nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; thậm chí một số hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Cùng với xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả, tránh tư duy tiểu nông, manh mún, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát quá trình sản xuất, đồng hành, giúp người nghèo chủ động vươn lên. Mỗi địa phương cần linh hoạt trong hướng dẫn hộ nghèo làm ăn phù hợp với thực tiễn, trong đó đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương... từ đó sẽ giúp cho người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo nhanh hơn, bền vững hơn.
Vụ Đông Xuân thắng lợi kép Ngày 24/3 tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ Đông Xuân 2020-2021 vùng Nam Bộ. Cơ bản né được hạn hán, xâm nhập mặn, vụ lúa này tiếp tục trúng mùa được giá, nông dân có lợi nhuận cao nhất trong vòng nhiều năm nay. Phát biểu khạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch...