Trong đầu tư, dù ràng buộc vẫn có khe hở
Để có thêm một góc nhìn cho câu chuyện các thương hiệu của Huy Việt Nam đang trên đường phá sản, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Đức (ảnh), Tổng giám đốc CTCP quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ICM (Innovation Capital Management), đơn vị chính thức đầu tiên của Việt Nam được cấp phép đầu tư và quản lý quỹ đầu tư (QĐT) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
PHÓNG VIÊN: - Trong mối quan hệ giữa QĐT – doanh nghiệp (DN) gọi vốn thì QĐT thường được nắm đằng “chuôi” khi đưa ra các tiêu chí rót vốn cũng như quy định “luật chơi” để giảm rủi ro. Nhưng sự việc của Huy Việt Nam dường như ngược lại, QĐT lại phải nuốt trái đắng? Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?
Ông NGUYỄN VIỆT ĐỨC: - Để có thể có một thương vụ đầu tư thành công, toàn bộ các bước đi trong quá trình đầu tư đều đóng vai trò rất quan trọng. Từ bước rà soát thương vụ ban đầu, tới bước rà soát kỹ lưỡng (hai bên cùng nhau thống nhất toàn bộ các nội dung về chiến lược, kinh doanh, vận hành, tài chính, quản trị, các điều kiện báo cáo, các điều kiện ràng buộc…), giám sát khoản đầu tư đều đóng vai trò mắt xích, bất kể mắt xích nào bị bỏ qua hoặc buông lỏng đều có thể dẫn tới rủi ro lớn cho thương vụ đầu tư.
Về tính chuyên môn, tôi cho rằng một nhóm nhà đầu tư (NĐT) không có nghĩa đó là QĐT-nơi được tổ chức bài bản cho tất cả các bước. Song tôi cũng rất bất ngờ khi có nhiều tên tuổi các quỹ cùng đầu tư nhưng lại để xảy ra việc này. NĐT là người có tiền nhưng không có nghĩa có đầy đủ nguồn lực (thời gian, công nghệ, nhân sự, phương thức) để quản trị tốt khoản đầu tư theo những giao kèo ban đầu.
Các thương vụ được Công ty quản lý QĐT khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) đầu tư được soát xét hàng tháng và gần gũi với chủ DN (founder) theo cách trợ giúp họ trong vận hành, quản trị, kinh doanh, cũng là cách để chúng tôi có phương án phản ứng kịp thời trước các diễn biến bất lợi cho khoản đầu tư.
Yếu tố con người luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong việc lựa chọn đầu tư, vì thực tế mọi ràng buộc hay điều kiện chỉ là những câu chữ, việc tuân thủ và tôn trọng, cam kết thuộc về tâm thái và đạo đức của người chủ khởi nghiệp, dù có ràng buộc thế nào thì vẫn có những khe hở để lách qua.
Cũng không thể phủ nhận, rủi ro kinh doanh của dự án với NĐT. Dù có quản trị tiên tiến theo cách nào, nếu rủi ro nằm ở chính mô hình kinh doanh thì dù có quản trị vẫn không thể đạt được kết quả đầu tư như mong đợi, và khi đó rõ ràng mọi thứ bắt đầu bung bét cho tất cả các bên.
- Có ý kiến cho rằng các QĐT đã lỏng lẻo trong kiểm soát hoạt động của Huy Việt Nam, ông có đồng tình với nhận định này hay không?
Dù có quản trị tiên tiến theo cách nào, nếu rủi ro nằm ở chính mô hình kinh doanh thì dù có quản trị vẫn không thể đạt được kết quả đầu tư như mong đợi.
- Tôi không có ý kiến về việc này, vì thực tế tôi không có thông tin về cách kiểm soát hoạt động của các NĐT trong thương vụ này. Tuy nhiên, nếu như những gì thông tin đại chúng đưa ra là đúng (thí dụ: việc đóng cửa hàng loạt không có phê duyệt, cuối năm 2018 nợ phải trả bao trùm bảng cân đối kế toán… trong khi bắt đầu từ 2007 với món Huế và đầu tư khoảng năm 2013), thì tôi cho rằng việc cử người tham gia điều hành, cơ cấu phù hợp với số vốn đầu tư lớn đã không như thông thường cần phải làm.
Việc đầu tư vào công ty mẹ – Huy Việt Nam, thay vì trực tiếp vào Công ty nhà hàng món Huế, cũng có thể đã làm cho tầm nhìn của NĐT trực tiếp vào thương vụ hạn chế, phương án tham gia quản trị bị hạn chế.
- Việc mất vốn với Huy Việt Nam có thể xem như một thương vụ đầu tư thất bại với các QĐT mạo hiểm. Vậy kiện tụng liệu có giải quyết được gì hay không, thưa ông?
Video đang HOT
- Việc này không dễ dàng để trả lời, thông thường nghĩa vụ của founder với NĐT được thể hiện dưới 2 tài liệu: hợp đồng đầu tư (ta còn gọi là termsheet) và điều lệ, việc kiện tụng chỉ có kết quả khi người điều hành vi phạm những nội dung trong đó.
Chúng ta cũng không rõ ràng việc đầu tư được thực hiện dưới hình thức nào (cổ phần/ cổ phần đặc biệt/ trái phiếu) nên không thể trả lời sẽ bị chi phối bởi hình thức và căn cứ pháp lý nào.
Mặt khác, NĐT đầu tư vào công ty mẹ, như vậy chỉ phát sinh quyền với các thành viên quản lý thuộc công ty mẹ hoặc người đại diện vốn/ điều hành tại công ty con, nên không thể khẳng định việc thất bại của công ty con có liên quan trực tiếp sự thất bại hay căn cứ kiện tụng của NĐT trong khoản đầu tư tại công ty mẹ.
Những thương hiệu này một thời liên tục mở rộng chuỗi nay đã phải đóng cửa toàn bộ. Ảnh: H.HÙNG
- Sau vụ việc của Huy Việt Nam, liệu các QĐT có dè dặt hơn trong việc rót vốn vào các DN gọi vốn ở Việt Nam hay không? Ông có lời khuyên nào cho DN gọi vốn sau thương vụ này?
- Trước hết về ảnh hưởng của dòng vốn, tôi tin là việc đó có ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư của các NĐT/QĐT nước ngoài vào Việt Nam, nhưng ảnh hưởng đó không quá lớn. Thị trường có nhiều đối tượng để đầu tư, nhiều phương châm đầu tư khác nhau, nhiều hình thái đầu tư khác nhau, nhiều giai đoạn đầu tư khác nhau.
Với cá nhân tôi, lựa chọn đầu tư cho đổi mới sáng tạo thì tôi không coi Món Huế hoặc mô hình lặp lại và mở rộng đặc sản F&B là một mô hình kinh doanh phù hợp.
Với DN khởi nghiệp đi gọi vốn, thì tôi vẫn luôn nói với các founder nên: Trung thực với bản thân và NĐT. Nhìn xa và có phương án quản trị rủi ro tốt. Tập trung phân bổ nguồn vốn sau gọi vốn vào những điểm nóng nhất của mô hình kinh doanh và đánh giá vị thế cạnh tranh của mô hình kinh doanh hàng quý để có phương án phù hợp, mọi thứ đều có thể bị thay thế.
- Xin cảm ơn ông.
Thanh Dung (thực hiện)
Theo saigondautu.com.vn
Món Huế và Highlands Coffee sau kế hoạch IPO bất thành
Cùng kinh doanh chuỗi nhà hàng F&B với tham vọng IPO trên sàn chứng khoán, nhưng kết quả của Món Huế và Highlands Coffee lại diễn ra trái ngược sau khi kế hoạch này bất thành.
Tại thị trường Việt Nam, Highlands Coffee hiện là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất cả nước với gần 300 cửa hàng. Trong khi đó, trước thời điểm phải đóng hầu hết cửa hàng, Món Huế cũng nằm trong nhóm chuỗi nhà hàng ẩm thực có số lượng nhiều nhất với 77 cửa hàng trên cả nước.
Tham vọng IPO của ông chủ 2 chuỗi F&B
Cùng kinh doanh lĩnh vực chuỗi nhà hàng F&B, cả Món Huế và Highlands Coffee từng nuôi tham vọng chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng IPO để gọi vốn mở rộng thị trường.
Cuối năm 2015, trang FinanceAsia cho hay, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi Món Huế) đã lên kế hoạch gửi hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.
Thương vụ được dự đoán sẽ tiến hành vào đầu năm 2016, tuy nhiên, phía Huy Việt Nam không công bố số lượng cổ phần phát hành. Theo dữ liệu của FinanceAsia, hãng dự báo đại diện phía Việt Nam có thể huy động khoảng 100 triệu USD trong đợt IPO này.
Chủ sở hữu Món Huế từng có tham vọng IPO chuỗi này trên sàn chứng khoán Hong Kong vào đầu năm 2016. Ảnh: Hữu Phúc/DealStreetAsia.
Trong đó, Công ty chứng khoán Citic CLSA và ngân hàng CIMB sẽ cùng hỗ trợ bảo lãnh phát hành cho Huy Việt Nam.
Tại thời điểm công bố kế hoạch IPO trên, Huy Việt Nam vận hành và quản lý khoảng 100 nhà hàng với 3 thương hiệu chính gồm Món Huế, Cơm Thố Cháy và Phở Ông Hùng. Trước đó, đầu năm 2014, ông Dennis Nguyen (khi đó là Phó chủ tịch Huy Việt Nam) cũng cho hay đang cân nhắc để tăng quy mô vốn thông qua việc niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Huy Việt Nam cũng chính là doanh nghiệp đứng ra nhận hàng chục triệu USD đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Đến nay, kế hoạch IPO trên sàn Hong Kong của Huy Việt Nam vẫn chưa được diễn ra trong khi hầu hết cửa hàng ẩm thực trong nước đã phải đóng cửa vì thua lỗ.
Cũng có tham vọng IPO để gọi vốn, Superfoods Group (chủ sở hữu và vận hành thương hiệu Highlands Coffee) đến nay vẫn chưa hoàn tất kế hoạch của mình.
Cụ thể, cuối năm 2016, DealStreetAsia cho biết, hãng đồ ăn nhanh của Philippines Jollibee Foods Corp và đối tác Công ty Việt Thái Quốc tế đã lên kế hoạch niêm yết chuỗi cửa hàng Highlands Coffee lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quy mô cũng như giá trị của đợt IPO không được tiết lộ, nhưng theo kế hoạch, Superfoods sẽ IPO trước hoặc trong tháng 7/2019.
Ngoài Highlands Coffee, liên doanh này còn sở hữu và vận hành chuỗi nhà hàng Phở 24, nhượng quyền thương hiệu chuỗi Hard Rock Café tại Hong Kong, Macau và Việt Nam.
Highlands Coffee hiện có gần 300 cửa hàng trên cả nước. Ảnh: Highlands Coffee.
Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa qua, trong một thông báo gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Philippines (PSE), Jollibee cho biết kế hoạch IPO của Highlands Coffee sẽ không thể diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ phải đánh giá lại hiệu quả. Đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến đợt IPO của chuỗi cà phê này.
Highlands Coffee mở rộng, Món Huế đóng cửa hàng loạt
Cùng thất bại trong kế hoạch IPO, nhưng tình hình kinh doanh của Món Huế và Highlands Coffee tại thị trường Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược.
Trong khi Highlands Coffee không ngừng mở rộng và trở thành chuỗi cà phê lớn nhất cả nước thì Món Huế lại hụt hơi so với các đối thủ và đã phải dẹp bỏ hầu hết cửa hàng.
Cụ thể, số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho biết, Highlands Coffee hiện là chuỗi cà phê có doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Ước tính năm gần nhất (2018), chuỗi này đạt hơn 1.628 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 31% so với năm 2017.
Cùng năm, chuỗi đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm so với mức 132 tỷ năm 2017. Tuy vậy, đây vẫn là chuỗi cà phê có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường.
Tính riêng tại Việt Nam, Highlands Coffee đang vận hành 298 cửa hàng, cùng với đó là 43 cửa hàng cà phê tương tự tại Philippines.
Ngược lại, báo cáo tài chính của Món Huế cho biết, đến cuối năm 2018, công ty này đang lỗ lũy kế gần 107 tỷ đồng.
Năm 2015, sau khi nhận hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư, số lượng cửa hàng cũng như doanh thu của chuỗi Món Huế tăng mạnh, đạt trên dưới 200 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận lại có xu hướng lao dốc. Từ mức có lãi năm 2016, trong 2 năm 2017 và 2018, mỗi năm Món Huế lỗ hơn 50 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty đạt hơn 750 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên vượt mức 841 tỷ.
Hiện tại, hầu hết cửa hàng trong chuỗi Món Huế đều đã đóng cửa, các cửa hàng Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, TP Tea cũng ngừng hoạt động tại nhiều nơi. Món Huế cũng đang bị các nhà cung cấp tố nợ hàng chục tỷ đồng tiền nguyên vật liệu, trong khi nhân viên, nhà đầu tư đã bị mất liên lạc với ban lãnh đạo.
Quang Thắng
Theo Zing.vn
Món Huế trả nợ cho nhà cung cấp, "người có, kẻ không" Nhà cung cấp nào may mắn thì được Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế trả nợ từ 50 - 100 triệu đồng, không may thì tiền vẫn chưa vào tài khoản như cam kết Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đã thanh toán 50 triệu đồng cho nhà cung cấp thịt bò. Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt...