Trồng củ nhiều nhánh vàng khè, 8X Thái Nguyên lãi trăm triệu/năm
Khởi nghiệp chỉ với số vốn ít ỏi, anh Hứa Văn Tiền (xóm 7, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã thành công với mô hình trồng nghệ và chế biến tinh bột nghệ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Sau quá trình làm ăn thua lỗ trong lĩnh vực khoáng sản, anh Hứa Văn Tiền (SN 1980, trú tại xóm 7, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã nghiên cứu và quyết định tìm ra hướng đi mới để khởi nghiệp lại. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, với số vốn ít ỏi còn sót lại, anh Tiền đã mạnh dạn nghĩ đến việc trồng và chế biến sản phẩm tinh bột nghệ từ củ nghệ tươi.
Những đồi nghệ bạt ngàn xanh mướt của gia đình anh Hứa Văn Tiền với tổng diện tích 5ha.
Theo anh Tiền, năm 2015, anh trồng thử nghiệm nghệ tươi ở một vài nơi với diện tích khoảng 2 sào. Đến cuối năm 2017, anh mới bắt đầu đưa vào trồng đại trà rồi dần dần mở rộng quy mô diện tích.
Ngoài trồng nghệ trên diện tích đất của gia đình, anh Tiền còn mua thêm nhiều diện tích đất đồi của một số hộ dân trong vùng để trồng thêm với số lượng lớn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng nghệ của gia đình anh Tiền đã lên tới 5ha.
Tháng 8/2018, sau khi đã cơ bản ổn định, anh Tiền quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên để sản phẩm bán ra thị trường có thương hiệu và uy tín.
Dẫn PV Dân Việt đi thăm những đồi nghệ, anh Tiền cho biết: “Mô hình trồng nghệ này tôi đã có ý định làm từ lâu bởi tôi nhận thấy nhu cầu thị trường dược liệu đang rất cần. Do vậy tôi quyết định làm mô hình này để cung cấp nguồn dược liệu cho thị trường. Để làm được mô hình này, ngoài số tiền ít ỏi của gia đình, tôi còn vay thêm một khoản tiền lớn từ ngân hàng để đầu tư mua máy móc, thiết bị”.
Theo anh Tiền, nghệ là loại cây trồng ưa đất tơi xốp, chịu hạn tốt nên phù hợp với đất đồi phì nhiêu. Hơn nữa, việc chăm sóc cây nghệ cũng tương đối dễ vì không có sâu bệnh, chủ yếu mất công ở giai đoạn đầu, bởi vậy chỉ cần chú ý bón phân đầy đủ cho cây, không cần phun thuốc.
Anh Tiền cũng cho biết, thời điểm trồng nghệ thích hợp từ tháng 12 đến tháng 3. Sau khoảng 1 năm trồng là đã có thể thu hoạch củ nghệ.
Theo anh Tiền thì nghệ là loại cây trồng ưa đất tơi xốp, chịu hạn tốt nên phù hợp với đất đồi phì nhiêu
Hiện tại, gia đình anh Tiền đang trồng 3 loại nghệ là nghệ vàng, nghệ đen và nghệ trắng nhưng chủ yếu là nghệ vàng. Nghệ sau khi thu hoạch sẽ được mang về để chế biến thành sản phẩm tinh bột nghệ. Hiện nay, với 5ha trồng nghệ, mỗi năm gia đình anh Tiền thu về 85 tấn nghệ tươi các loại. Trung bình 1 tấn nghệ tươi sau khi chế biến sẽ thu được khoảng 30kg tinh bột nghệ.
Video đang HOT
Anh Tiền cho biết, để có thể trồng và thu hoạch nghệ kịp thời vụ, gia đình anh phải thuê 13 nhân công thời vụ với mức tiền công trồng khoảng 200.000 đồng/người/ngày và 1 triệu đồng/người/tấn tiền công thu hoạch tùy theo từng thời điểm.
Nghệ sau khi đã loại bỏ hết dầu và tạp chất đợi đến khi lắng khô sẽ cho vào phòng sấy ở nhiệt độ từ 15 – 22oC
Để làm ra được sản phẩm tinh bột nghệ hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn trong khoảng thời gian từ 5 – 7 ngày. Nghệ sau khi thu hoạch phải tách, bẻ nhánh rồi cho vào lồng rửa sạch, sau đó cho vào máy nghiền lọc bỏ bã lấy nước.
Tiếp tục cho nước nghệ đã lọc vào bể lắng để loại bỏ dầu, tạp chất; sau đó đưa vào máy vắt lọc ly tâm loại bỏ nốt những váng dầu còn lại; đợi đến khi lắng khô thì cho vào phòng sấy ở nhiệt độ từ 15 – 22oC khoảng 30 giờ đồng hồ; đến khi đạt ở mức khô 85 – 90% thì tiếp tục nâng nhiệt độ lên gấp đôi cho đến khi khô hẳn rồi mang đi nghiền bằng máy để tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ.
Trong quá trình chế biến tinh bột nghệ, cần chú ý công đoạn rửa nghệ phải thật sạch để tránh bụi bẩn và sạn. Đặc biệt, không nên sấy nghệ trong thời gian quá lâu vì sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng của nghệ.
Anh Tiền tâm sự, ban đầu chế biến sản phẩm tinh bột nghệ cũng nhiều lần thất bại, nhưng dần dần anh tự mày mò, học hỏi nên đã thành công. Hiện nay trong gia đình anh có 2 sản phẩm chính từ nghệ là tinh bột nghệ với giá bán ở thời điểm này là 900.000 đồng/kg, và viên nghệ mật ong có giá 1.000.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, gia đình anh cũng bán nghệ tươi cho những ai có nhu cầu với giá 18.000 đồng/kg tuy nhiên số lượng không nhiều, và so với bán tinh bột nghệ thì giá trị thấp hơn nhiều.
Như vậy, bình quân mỗi năm doanh thu từ nghệ của gia đình anh Tiền lên tới trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. Thị trường bán hàng của gia đình anh chủ yếu trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắk Nông.
Sản phẩm tinh bột nghệ sau khi hoàn thành và đóng hộp.
Ngoài trồng nghệ, anh Tiền còn trồng thêm một số loại dược liệu và cây trồng có giá trị kinh tế cao như đinh lăng, ba kích, trám đen. Anh Tiền cũng chia sẻ, trong thời gian tới, anh có ý định mở rộng thị trường sang Trung Quốc, để sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên ngày càng được biết đến rộng rãi.
Theo Danviet
Thái Nguyên: Mang rau dại từ rừng về vườn, bán dễ, kiếm bộn tiền
Là một trong những người đầu tiên dám đưa bò khai-loài rau dại mọc hoang trên rừng về trồng trong vườn nhà .
Anh nông dân Trần Văn Khuyến ở xóm 13, xã Cù Vân, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) mang về thu nhập cho gia đình mỗi năm lên tới trên 200 triệu đồng. So với ngô, lúa, rau màu, thu nhập từ rau bò khai này cao hơn cả chục lần.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về ý tưởng thực hiện và phát triển mô hình trồng rau bò khai của gia đình, anh Trần Văn Khuyến, hộ gia đình có diện tích trồng rau bò khai theo hướng hữu cơ lớn nhất trong khu vực cho biết: "Ban đầu, thấy mọi người trong vùng lấy về trồng để ăn, còn dư thì bán, mà bán rất chạy, thế là tôi đã quyết định bắt tay vào trồng đại trà loại rau này".
Anh Trần Văn Khuyến, xóm 13, xã Cù Vân, huyện Đại Từ dẫn PV báo Dân Việt đi thăm vườn rau bò khai của gia đình
Lúc đầu chỉ có một vài hộ gia đình trồng rau bòkhai rải rác với số lượng và diện tích nhỏ, tuy nhiên dần dần nhận thấy giá trị kinh tế mà loại rau này mang lại nên nhiều hộ dân trong vùng đã ngày càng mở rộng diện tích. Theo chị Đinh Thị Luyện - Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ cho biết: Đến thời điểm hiện tại mô hình trồng rau bò khai này đã được triển khai ở 27 hộ dân thuộc hai xóm 12 và 13 của xã Cù Vân, huyện Đại Từ với tổng diện tích 6ha.
Chị Đinh Thị Luyện - Cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ thăm và kiểm tra mô hình rau bò khai của gia đình anh Khuyến
Gia đình anh Khuyến bắt đầu trồng cây rau bò khai từ năm 2018 chủ yếu trên đất vườn đồi của gia đình. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2019 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ đã triển khai sâu rộng mô hình này đến bà con nhân dân trên địa bàn với nguồn vốn hỗ trợ tương đối lớn.
Theo anh Trần Văn Khuyến thì rau bò khai là loại rau ưa ẩm và thời tiết ấm, tuy nhiên loại rau này lại có khả năng chịu rét rất tốt. Điểm đặc biệt của rau bò khai là hầu như không có sâu bệnh, nếu có thì việc phát hiện và xử lý sâu bệnh cũng rất dễ dàng.
Rau bò khai thông thường được chia thành hai loại là rau vàng và rau xanh. Theo kinh nghiệm của những người trồng rau như anh Khuyến thì loại rau vàng sẽ có khả năng chịu rét tốt hơn so với loại rau xanh.
Vườn rau bò khai xanh mướt, ngọn non mơn mởn
Ban đầu, gia đình anh Khuyến trồng thử nghiệm rau bò khai trên diện tích khoảng 1 sào, sau dần phát triển lên quy mô lớn hơn. Đến nay diện tích trồng rau bò khai của gia đình anh đã lên tới 1 mẫu (.3.600m2). Anh Khuyến chia sẻ, quá trình trồng và chăm sóc loại rau bò khai cơ bản đơn giản và không tốn quá nhiều công sức.
Vì bò khai vốn dĩ là loại rau mọc dại trên rừng nên khả năng thích nghi với thời tiết khí hậu tương đối thuận lợi. Trong quá trình chăm sóc rau bò khai chỉ cần chú ý chủ yếu tới khâu tưới nước và bón phân cho rau. Trung bình mỗi ngày rau cần được tưới nước đều đặn 2 lần, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều tối.
Còn đối với công đoạn làm cỏ thì không cần phải chú tâm quá nhiều bởi khi rau đã phát triển đến một thời gian nhất định phủ kín đất thì về cơ bản cỏ sẽ không mọc nữa. Vì thế mỗi tháng chỉ cần làm cỏ cho rau khoảng 2 lần.
Hiện tại gia đình anh Khuyến đang sử dụng giàn lưới che cho rau và hệ thống tưới tiêu tự động nên giảm thiểu tối đa thời gian và công sức cho việc chăm sóc rau bò khai đồng thời hạn chế cơ bản ảnh hưởng của thời tiết đến cây rau. Nhờ đó, rau bò khai ở vườn đồi của gia đình anh phát triển rất tốt trong khi chỉ cần hai nhân công chăm sóc là anh và vợ anh.
Với loại rau rừng này thì thời gian từ lúc bắt đầu trồng đến khi có thể thu hoạch rau đem bán mất khoảng chưa đầy một năm. Hơn nữa khoảng cách giữa các lần thu hái tương đối gần nhau, chỉ sau khoảng 2 - 3 ngày là lại có thể cắt rau tiếp. Trong vòng 25 ngày cắt rau gần như liên tục sẽ nghỉ khoảng 1 tuần để rau có thể sinh trưởng phát triển rồi lại tiến hành thu hoạch lứa tiếp theo.
Anh Khuyến và vợ còn thu mua rau bò khai của các hộ dân trong xóm
Những năm trước đây khi gia đình anh Khuyến mới chỉ trồng rau bò khai trên diện tích hơn 2.000m2 thì trung bình mỗi tháng gia đình anh thu hoạch khoảng trên 4 tạ rau. Nhưng đến nay với diện tích lên đến 3.600m2 thì trung bình gia đình anh thu hoạch khoảng 7 tạ rau/tháng.
Thông thường giá bán rau bò khai dao động ở mức 15.000 - 25.000đ/kg. Tuy nhiên có những thời điểm giá cao, nhất là vào vụ đông hay những dịp gần tết giá rau bò khai có thể lên tới 50.000 - 60.000đ/kg. Ở thời điểm hiện tại, gia đình anh Khuyến đang bán buôn với giá 25.000đ/kg cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh trong khu vực miền Nam.
Sau khi thu hoạch, những mớ rau bò khai tươi non mơn mởn thế này sẽ được vận chuyển bằng ô tô hoặc máy bay đến những khu vực xa hơn với giá trung bình hiện tại là 25.000đ/kg
Theo anh Khuyến thì thị trường rau bò khai tương đối ổn định, thậm chí có những lúc không đủ số lượng rau để cung cấp ra thị trường. Rau bò khai giờ đây đã trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn chinh phục khẩu vị của cả những khách hàng khó tính.
Anh Khuyến cho biết, điều cần chú ý đối với loại rau này là nếu vận chuyển bằng ô tô hoặc máy bay trong nhiều giờ đến những khu vực xa thì rau phải được đóng vào thùng xốp rồi ướp đá khô và bảo quản trong điều kiện bật điều hòa sẽ được khoảng tối đa 5 ngày mà không dấp nước.
Theo Danviet
Sạt bãi thải mỏ than, khoảng 35.000m2 diện tích lúa bị vùi lấp Ước tính khoảng 35.000m2 diện tích lúa bị đất đá bồi lấp trong trận lũ đêm 28, sáng 29/5 tại xóm Cây Thổ, xã Na Mao huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Đêm 28 rạng sáng 29/5, trên địa bàn huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã xảy ra mưa lớn kèm dông lốc gây sạt lở đất, nhiều diện tích lúa bị...