Trồng cây dưới gầm đường sắt: “Tại sao lại làm việc ngược đời như thế?”
Ngày 5/10, trao đổi với PV Infonet về việc Hà Nội cho trồng cây bàng dưới gầm đường sắt trên cao, KTS Trần Huy Ánh thốt lên: “Tại sao lại trồng những cây cao để tốn tiền cắt tỉa? Tại sao lại làm những việc ngược đời như thế?”
- Hà Nội vừa cho trồng hàng loạt cây xanh dưới gầm cầu đường sắt trên cao. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
KTS Trần Huy Ánh: Tôi thấy việc này ông Giám đốc Công ty cây xanh đã trả lời trồng như thế để tạo cảnh quan, bóng mát. Thế nhưng thực tế tôi đã nhìn thấy nhiều đường trên cao từ Thái Lan, Philippines, Singapore, kể cả châu Âu cũng không thấy họ trồng cây buồn cười như thế cả!
Có vẻ đây là sáng tạo mới của công ty cây xanh sau khi đi học nước ngoài về thì có sáng kiến đó không thì tôi cũng không biết được. Còn những nước tôi đi người ta không trồng như thế.
Vừa rồi thấy Công ty cây xanh sang Trung Quốc học, hay ở bên Trung Quốc có sáng kiến mới trồng cây để che bóng mát cho gầm cầu nên tôi không biết đây có phải là sáng kiến mới của Công ty cây xanh hay không(?).
Còn chúng tôi nghiên cứu về cây bóng mát trong đô thị, cây xanh trong đô thị, chúng tôi chưa bao giờ thấy có loại cây như vậy trồng ở gầm cầu. Phần lớn những cây ở gầm cầu thường có chiều cao khống chế, tầm nhìn cần ưu tiên cho nên thường dùng những cây bụi, trang trí ở đôi chỗ tương đối an toàn.
Người ta thường trồng những cây bụi cao khoảng 1,5 mét và có luồng cỏ ở dưới để trang trí gầm cầu. Còn trồng cây lồng lộng như thế xong rồi đứng cạnh gầm cầu về hình khối và tính năng sử dụng cũng kém và đôi khi chưa biết phát triển như thế nào, có gây nguy hiểm cho giao thông hay không.
KTS Trần Huy Ánh
- Công ty cây xanh Hà Nội cho biết họ sẽ chăm sóc, cắt tỉa và khống chế chiều cao của những cây này để phát triển hợp lý. Theo ông giải thích này có hợp lý?
KTS Trần Huy Ánh: Tại sao lại trồng những cây cao để tốn tiền cắt tỉa? Tại sao lại làm những việc ngược đời như thế? Hà Nội đang tiết kiệm tiền cắt tỉa, tại sao lại trồng cây để chi tiền cắt tỉa vô duyên thế?
Video đang HOT
Đây là một lời giải thích không thuyết phục lắm. Nếu trồng cây để cắt tỉa thì trồng cây bụi thôi chứ không ai trồng cây cao thế cả.
Theo tôi thì việc trồng những loại cây như vậy vào đấy là thiếu cân nhắc. Qua nghiên cứu các loài cây, đấy không phải là cây xanh đô thị, không được trồng thí nghiệm, nghiên cứu thấu đáo và có vẻ trồng khá tùy tiện.
- Gần đây ngoài việc trồng cây xanh ở gầm đường sắt, Hà Nội còn trồng một loạt cây Phượng ở giữa dải phân cách một số tuyến đường. Ông nói sao về cách làm này của Hà Nội?
KTS Trần Huy Ánh: Việc này có nhiều ý kiến rồi nên tôi không bình luận gì cả. Tôi chờ đợi sau một thời gian xem sự tăng trưởng của nó thế nào, ảnh hưởng của nó đến giao thông làm sao, hiệu quả tạo bóng mát cho đô thị thế nào?… Việc này cần phải có thời gian.
Hàng cây được trồng dưới gầm cầu đường sắt trên cao ở Hà Nội.
Còn thực tế mấy ngày hôm nay đi qua những con đường toàn thấy cọc chứ không thấy cây đâu, có cảm giác như là trồng những cọc gỗ làm tiêu đường, chứ chưa có bóng mát, chưa có hoa, chưa có tác dụng, tác hại gì cả nên khó bình luận.
- Vậy ông đánh giá thế nào về quy hoạch và việc trồng cây xanh ở Hà Nội hiện nay?
KTS Trần Huy Ánh: Hiện chưa có quy hoạch cây xanh. Nó có vẻ như vừa làm vừa dò đường, dò dẫm.
Tôi cũng nghiên cứu về quá trình phát triển cây xanh Hà Nội, tôi thấy rằng trước khi xây dựng TP Hà Nội, người Pháp đã thành lập khu vườn ươm Quốc gia (bây giờ là Bách Thảo), trước khi xây dựng các con đường 2 năm, người ta nghiên cứu về thổ nhưỡng, loài cây phù hợp với đô thị, sau đó người ta mới quy hoạch những con đường và đưa những loài cây đã được nghiên cứu cẩn thận vào những con đường như thế.
Hà Nội có thời kỳ rất tự hào là thành phố có cây xanh đẹp đẽ, cảnh quan tốt, an toàn, tạo ra bản sắc đô thị. Đó là kết quả công phu của những người nghiên cứu về cây xanh đô thị và là một bộ phận cấu thành của đô thị có kinh nghiệm.
Việc trồng cây xanh trong thành phố khác với việc trồng cây ở bệ đất ven mương hay những nơi ít người qua lại. Việc trồng cây xanh trong đô thị phức tạp hơn rất nhiều.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia được đào tạo về kiến trúc, cảnh quan ở Đức và họ có rất nhiều ý kiến cho rằng việc cây xanh trồng như ở Hà Nội còn rất chủ quan, thiếu cân nhắc và tùy tiện.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Infonet
Đường sắt Cát Linh Hà Đông chỉ được đầu tư thêm 250 triệu USD
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá, nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ GTVT vào chiều ngày 29/9.
Theo đó, tại cuộc họp báo trên, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến tổng mức đầu tư, tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án khởi công từ tháng 10/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức tổng thầu EPC.
"Do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá, nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ cách đây 3 năm. Mới đây nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc, hai bên thực hiện ký kết vay vốn cho dự án, không phải là vốn tăng thêm và vay mới.
Trước đó, đầu năm 2014, sau 5 năm thi công, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư. Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó. Trong đó, các khoản phát sinh lớn nhất tại dự án là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 25 triệu USD)...
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2017.
Tại cuộc họp báo trên, đề cập đến tiến độ công trình, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, từ năm 2013 đến nay, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ của dự án đã được cải thiện tích cực, đến nay cơ bản kiểm soát tiến độ. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt đôn đốc, giám sát tiến độ của dự án.
Bộ đã làm với tổng thầu Trung Quốc chốt mốc thời gian cụ thể cuối năm nay, toàn bộ phần xây lắp liên quan tới kết cấu chính gồm hệ thống dầm, trụ, nhà ga... nói chung cơ bản phải hoàn thành.
"Đến tháng 6/2017, nhà thầu sẽ lắp đặt xong các thiết bị phục vụ cho đường sắt. Tới tháng 9/2017 sẽ đưa đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào vận hành, khai thác thương mại. Chúng tôi khẳng định, đây là tiến độ cuối cùng và sẽ thực hiện được," Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Về thiết bị phục vụ hoạt động khai thác bao gồm 13 đoàn tàu, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống nhà điều hành, nhà xưởng phục vụ bảo dưỡng,... Thứ trưởng Trường cho biết, hiện gói thiết bị (khoảng 200 triệu USD) đang được đàm phán để đảm bảo công nghệ mới nhất, đáp ứng tự động hoá cao, đặc biệt trong hệ thống thông tin tín hiệu và giá thành.
"Bộ GTVT đang mời các công ty thẩm định giá của Bộ Tài chính để thẩm định giá. Phía Trung Quốc cũng muốn Việt Nam sớm thẩm định giá để trên cơ sở giá đó triển khai đấu thầu", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói và khẳng định nếu không có gì thay đổi, hết quý I/2017 sẽ hoàn tất việc đấu giá cũng như mua sắm toàn bộ thiết bị. Sau 3 tháng lắp đặt, 3 tháng chạy thử, đến tháng 9/2017, dự án có thể khai thác thương mại.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tại cuộc họp giao ban định kỳ nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện, kế hoạch, tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào chiều ngày 5/8 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, với tình hình rất khó khăn về nguồn vốn nhưng các nhà thầu phụ đã không ngừng thi công và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Hiện công tác thi công đã hoàn thành toàn bộ bệ trụ, thân trụ, xà mũ.
Ngoại trừ ga Cát Linh và ga Vành đai 3, còn lại 10 nhà ga khác đã xong toàn bộ kết cấu chính. Hiện nay đang thi công kết cấu phụ trợ, thang lên xuống và kết cấu thép.
Theo báo cáo, nhà điều hành khu Depot đang thi công kết cấu chính tầng 4, các công trình kiến trúc khác đang thi công phần móng cọc, bệ trụ. Công tác lao dầm cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lại 18 phiến. Tỷ lệ ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ đạt 90%, 10% còn lại chưa ký kết chủ yếu là hoàn thiện công trình phụ trợ, dự kiến sẽ ký xong vào cuối tháng 9.
Về tình hình giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu phụ, đại diện Tổng thầu EPC cho biết, sau khi Tổng thầu điều động 60 triệu NDT vốn lưu động sang để chi trả, đơn vị này đã lần lượt thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật tư và thanh toán chi phí quản lý dự án. Hiện còn nợ 340 tỷ, sau khi nhận được 19 triệu USD tạm ứng phần bổ sung, Tổng thầu sẽ lần lượt thanh toán cho các đơn vị..../.
Theo Thanh Niên
Hà Nội trồng hàng trăm cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao Hà Nội đã từng chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ khi triển khai xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Gần đây thành phố lại triển khai trồng hàng loạt cây xanh ngay dưới gầm công trình đường sắt này, khiến nhiều người thắc mắc... Nhiều người băn khoăn những cây xanh mới trồng này khi...