Trồng cây có múi đút túi 500 triệu đồng mỗi năm
Với 2ha đất của gia đình, bà Vũ Thị Tráng, trú tại khu 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ trồng 400 gốc bưởi, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, bà còn biết vận dụng nuôi gà để nhặt cỏ, khiến vườn bưởi của gia đình bà luôn sạch bong, có phân bón, ngăn ngừa sâu bệnh phát triển và thu được số tiền kha khá từ nuôi gà.
Đến khu 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, hỏi về bà Vũ Thị Tráng, từ người già đến trẻ con đều biết và nhiệt tình chỉ đường. Bởi lẽ, bà Tráng được xem là một trong những người đầu tiên ở xã này mạnh dạn đầu tư trồng bưởi quy mô lớn.
Lại gần hơn, ai nấy trong đoàn chúng tôi đều thích thú khi những cành bưởi trĩu quả, lúc lỉu ngay trước mắt. Đặc biệt, dưới tán cây, rộng cả hecta, nhưng luôn sạch bong, không có nấy một ngọn cỏ.
Nói về thành công hôm nay, bà Vũ Thị Tráng không khỏi vui vẻ, chia sẻ về thành công, cũng như kinh nghiệm trồng bưởi mà vợ chồng bà tích góp được sau 13 năm gắn bó với cây có múi này.
Bà Tráng bên vườn bưởi giúp gia đình đổi đời.
Theo bà Vũ Thị Tráng, trước những năm 2005, cũng như bao gia đình khác ở địa phương, với 2ha đất của gia đình, vợ chồng bà cũng chỉ biết trồng chè, trồng vải, xoài, hồng và cây luồng.
“Trước đây, với tư duy trồng cây kiểu manh mún, mỗi thứ một ít không tập trung và đầu tư chăm sóc nên chỉ được ít tiền tiêu vặt, không có tiền tích lũy, cuộc sống cứ quẩn quanh với khó khăn. Chỉ đến khi vợ chồng tôi biết và trồng bưởi, cuộc sống mới sang một trang mới”, bà Tráng chia sẻ.
Cũng theo bà Tráng, sau khi nghiên cứu về giống cây bưởi, năm 2005, vợ chồng bà quyết định trồng 200 gốc.
“200 gốc bưởi đầu tiên, vợ chồng tôi chọn giống bưởi Diễn, không ngờ, giống bưởi này lại rất hợp với khí hậu và thổ những nơi đây nên phát triển tốt, ít sâu bệnh, đến 2008 bắt đầu cho thu những trái ngọt, căng tròn, mọng nước”, bà Tráng vui vẻ khoe.
Video đang HOT
Bưởi Diễn nhà bà Tráng sai trĩu quả, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.
Sau những thành công ban đầu, thấy cây bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng bà tiếp tục mở rộng mô hình, trồng tiếp 100 cây bưởi Diễn và 100 cây bưởi da xanh.
Kinh nghiệm của bà Tráng, để trái bưởi đều, căng mọng nước, năm đầu tiên và năm thứ 2 khi cây bói quả, mọi người nên vặt bỏ hết hoa, quả non để thân và tán cây phát triển. Đến năm thứ 3, mọi người nên tỉa bớt những cành cong, yếu, đến khi ra quả, nếu sai quá thì nên tỉa bớt quả như thế quả mới căng tròn và được nước.
“Trong suốt những năm tiếp theo, việc tỉa cành, tỉa quả vẫn phải duy trì, không nên tham mà để cây có quá nhiều cành và quá sai quả, như thế chất lượng bưởi sẽ không ngon. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, bưởi xảy ra tình trạng không tự thụ phấn, để cho chắc chắn, mọi người nên thụ phấn thủ công cho bưởi để tỷ lệ kết trái được đảm bảo”, bà Tráng chia sẻ thêm.
Với cách làm hay của mình, vườn bưởi của gia đình bà Tráng luôn được mọi người biết đến với hiệu quả cao khi quả đều, căng tròn, mọng nước và có vị ngọt thanh.
“Với 300 cây bưởi Diễn, mỗi năm cả bán quả và bán cành, gia đình tôi cũng thu được khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2018 này, 100 cây bưởi da xanh cũng bắt đầu cho thu hoạch. Đây là giống bưởi có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn số tiền thu được hàng năm sẽ rất lớn”, bà Tráng tâm sự.
Vườn bưởi Diễn nhà bà luôn sạch bong, không một ngọn cỏ, khiến ai nhìn cũng thấy ngạc nhiên, thích thú. Có điều này là do bà nuôi gà thả vườn bên dưới.
Ngoài vườn bưởi sai lúc lỉu quả, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, khi mọi người đến đây không khỏi ngạc nhiên khi vườn bưởi nhà bà luôn sạch bong, không một ngọn cỏ.
Khi được hỏi về điều này, bà Tráng cho biết tất cả là do thả gà, mỗi năm, gia đình chỉ cắt cỏ một lần, tiếp đến là thả gà, ngan vào vườn bưởi này, cứ ngọn cỏ nào nhú lên thì đều bị mổ hết.
“Trong vườn tôi, lúc ít có khoảng trăm con, nhiều thì cũng phải 500 con gà, ngan. Loại này không chỉ nhặt cỏ, có thêm nguồn phân bổ sung cho bưởi, mà còn thu về được cả trăm triệu mỗi năm. Tuy nhiên, khi bưởi ra quả, mọi người chỉ nên giữ lại vài chục con trong vườn thôi, bởi lẽ, gà có tập tính ngủ cây, mỗi khi gà nhảy lên, nhảy xuống cành sẽ khiến bưởi rụng quả”, bà Tráng chia sẻ.
Ông Đỗ Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội nông dân xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội nông dân xã Vân Đồn cho biết: “Mô hình trồng bưởi của hộ gia đình bà Tráng được xem là có quy mô lớn và đem lại hiệu quả nhất xã. Không những thế, gia đình bà Tráng còn có nhiều kinh nghiệm hay khiến quả đều, căng mọng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, gia đình bà không ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay đó cho người dân trong xã học tập, điều này giúp cho diện tích trồng bưởi trên toàn xã ngày được nhân rộng, đời sống của người dân cũng vì thế được nâng cao”.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Thu tiền tỷ/năm nhờ trồng cà phê xen cây có múi
Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và không phát triển theo trào lưu rậm rộ như chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ nông dân ở huyện Mai Sơn, (Sơn La) thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình trồng cà phê xen cây ăn quả.
Ông Đỗ Xuân Khởi sinh năm 1970, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) theo bố mẹ lên khai hoang vùng đất mới năm 1986. Ông được nhiều người biết đến bởi là người đầu tiên trồng các giống cây có múi như cam vinh và bưởi diễn, bưởi da xanh xen cây cà phê tại bản Hoa Ban.
Việc trồng xen cà phê với cây có múi bắt đầu năm 2007, khi vợ chồng ông Khởi bỏ trồng mía. Nhiều người dân trong bản đã khuyên can, cho rằng làm vậy thì đầu ra bán cho ai, lấy tiền mua thóc gạo đâu mà ăn. Ông Khởi lại nghĩ khác, trồng hay thâm canh cây gì cũng cần tập trung vào một mối và hướng đi mới, còn trồng mía thì hiệu quả kinh tế không cao, lại thu nhập thấp, không đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học...
Niềm vui mừng của ông Khởi hiện hữu trên khuôn mặt, khi thấy vườn cây có múi trồng xen cà phê phát triển tốt.
Ông dồn hết vốn trồng toàn bộ cây ăn quả có múi như: cam vinh, bưởi diễn, bưởi da xanh và xen canh cà phê trên diện tích 1.6ha. Giống cây có múi được ông đặt mua từ bà con họ hàng ở Hưng Yên. Ba năm sau vườn cây bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Thu nhập từ cà phê trên 120 triệu đồng; cam vinh thu nhập khoảng 200 triệu, bưởi diễn và bưởi da xanh thu nhập hơn 80 triệu. Cá biệt, năm 2012 ông Khởi thu hoạch từ cây cà phê được 7 tấn, cho lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Ông Đỗ Văn Khởi đang kiểm tra quá trình phát triển cây cam vinh tại vườn
Thấy gia đình ông Khởi làm kinh tế ngày một thấm khá và có lãi lớn nhờ cây trồng xen cà phê. Nhiều người dân trong bản Hoa Mai đã kéo đến nhà ông học tập kinh nghiệm. Đến năm 2014 ông Khởi đã nhân rộng mô hình cam vinh lên 400 gốc và trồng hơn 200 gốc bưởi da xanh xen giữa những hàng cà phê trong vườn. Năm 2016 ông thu hoạch từ cam vinh là 14 tấn cho thu nhập trên 400 triệu đồng, thu nhập từ bưởi trên 100 triệu đồng.
Những cây bưởi da xanh trong vườn nhà ông Khởi tươi tốt sai trĩu quả chờ đến ngày thu hoạch
Chia sẻ bí quyết làm ăn, ông Đỗ Văn Khởi cho biết: Đó là sự quyết tâm và dứt khoát trong chuyển đổi cây trồng. Cùng một diện tích đất trồng những cây có múi như cam, bưởi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều đặc biệt, cam vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh mang về bản Hoa Mai trồng, quả ăn rất ngọt không khác gì hương vị trồng trên đất gốc. Cứ đến mùa thu hoạch cam và bưởi là các thương lái ở Hà Nội; Hưng Yên; Điện Biên...đánh xe tải lên tận vườn nhà ông Khởi thu mua. "Trung bình mỗi năm tôi thu nhập từ vườn cây có múi trồng xen cà phê khoảng 1 tỷ đồng...", ông Khởi cho hay.
Cán bộ khuyến nông xã Chiềng Ban đang trao đổi kinh nghiệm trồng cây có múi cà phê với ông Khởi
Ngoài trồng cây ăn quả, ông Khởi còn hợp tác với các nhà vườn ở dưới tỉnh Hưng Yên chuyên cung cấp cây giống cho bà con trên địa bàn xã Chiềng Ban và các huyện Sốp Cộp, Sông Mã và tỉnh Điện Biên...Trung bình một năm ông thu nhập từ cây giống khoảng 80 triệu. Không những thế ông Khởi còn tận dụng mạnh đất trống cạnh nhà nuôi thêm 60 con lợn để lấy phân chuồng, kết hợp dùng phân vi sinh khoáng bón cho vườn cây, giảm bớt được nhiều chi phí tưới tiêu cho cây trồng.
Toàn cảnh vườn cây ăn quả xen cây cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Khởi
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Ông Hoàng Văn Sương, Phó chủ tịch xã Chiềng Ban cho biết: "Gia đình anh Đỗ Xuân Khởi là một trong những hộ nông dân điển hình của xã trong việc phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả. Với việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây, gia đình anh Khởi đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những hộ gia đình khá giả nhất của bản Hoa Mai. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khởi còn luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, giúp vốn làm ăn cho các hộ gia đình khác trong bản; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân làm kinh tế giỏi. Nhờ đó mà anh Khởi luôn được nhiều bà con ở địa phương quý mến"...
Theo Danviet
Lên núi đãi..."vàng ròng" Từ cây cam, cây bưởi đến đám cỏ mọc hoang trong trang trại của anh Đỗ Quang Minh (thôn Kim Bắc 4, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đều không ngừng "đẻ" ra tiền. Những cố gắng, nỗ lực của anh đã biến khu đất rộng lớn thành trang trại xanh mướt. Từ trung tâm xã Tú Sơn ngược dốc...