Trong 4 tượng Phật khổng lồ ở miền Tây, tỉnh An Giang có mấy tượng?
Thời gian qua, nhiều tượng Phật cao lớn, uy nghiêm được xây dựng tại các chùa ở miền Tây không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn tạo thành những điểm nhấn độc đáo hấp dẫn du khách gần xa.
Tượng Phật nằm kỷ lục
Nói đến các tượng Phật khổng lồ ở miền Tây đầu tiên phải kể đến tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn tại chùa Vàm Ray (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Ngôi chùa này nằm giữa chốn đồng quê với nhiều cây xanh rợp bóng mát.
Các công trình kiến trúc trong chùa từ chánh điện, cổng đến hàng rào, tường… đều được sơn màu vàng nên nhìn từ bên ngoài chùa như một cung điện. Các công trình xây dựng trong chùa với nhiều hoa văn, họa tiết được chạm trổ và điêu khắc tỉ mỉ.
Tượng Phật nằm ở chùa Vàm Ray thuộc xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Hiện nay, chùa Vàm Ray là một tổng thể các công trình kiến trúc ấn tượng, trong đó pho tượng Phật nhập niết bàn (Phật nằm) là công trình ấn tượng nhất đối với khách thập phương. Tượng Phật này đối diện với cổng chùa dài 54m, nằm sau những hàng cây cao trong khuôn viên. Toàn bộ bức tượng Phật được sơn màu vàng. Bên dưới, bệ đỡ là ngôi nhà cao 2 tầng dùng để cho các chư tăng sinh hoạt và phật tử gần xa về lưu trú.
Tượng Phật Tổ A Di đà ở ngôi chùa kỷ lục
Tọa lạc trên cù lao Giêng giữa sông Tiền mênh mông, chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) từ lâu là một công trình tôn giáo nổi tiếng khắp miền Tây. Chùa Phước Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc phật giáo có giá trị nghệ thuật cao.
Video đang HOT
Tượng Phật Tổ A Di Đà ở chùa Phước Thành thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đặc biệt vào năm 2012, chùa khởi công xây dựng tượng Phật tổ A Di Đà cao 39m cùng 48 vị Bồ tát Thánh chúng mỗi tượng cao 5m bằng bê tông cốt thép. Công trình hoàn thành năm 2016 mang kiến trúc văn hóa cổ, truyền thống đặc thù của Phật giáo. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo kết hợp với việc công trình Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng được xác lập Kỷ lục Việt Nam, ngôi chùa càng thu hút sự chú ý của du khách thập phương.
Tượng Phật Quan âm lớn nhất miền Tây
Cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 7km, chùa Hưng Thiện (tọa lạc tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cũng gây ấn tượng với du khách gần xa bởi có pho tượng Phật Quan âm lớn nhất miền Tây. Đây là một ngôi chùa nằm ở vùng nông thôn sâu, bao quanh là đồng ruộng và con rạch nhỏ chảy qua trước mặt.
Tuy là ngôi chùa được xây dựng và hoàn thành gần đây nhưng lại rất “hút” khách thập phương đến tham quan, lễ Phật bởi tượng Phật Quan âm cao đến 43m (trong đó toàn thân tượng tượng Phật Quan âm cao 33m bệ cao khoảng 10m).
Tượng Phật Quan Âm ở chùa Hưng Thiện thuộc xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Pho tượng có màu chủ đạo là trắng, được trang trí thêm các nét màu vàng ở viền áo, có tòa sen với những cánh sen lớn màu hồng nhạt. Bức tượng có hình dáng Phật Bà một tay cầm lọ nước thần, một tay niệm kinh. Ngoài ra, để lên tới chân đài sen khách sẽ phải bước qua 52 bậc thang. Tượng được xây dựng trong vòng 6 năm, chi phí do phật tử gần xa đóng góp. Có thể nói đây là một bức tượng Phật Bà được chạm trỗ công phu, đẹp mắt. Từ khi hoàn thành đến nay, tượng Phật Bà “khổng lồ” này đã thu hút rất đông người dân địa phương và du khách phương xa đến chiêm ngưỡng.
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh Thiên Cấm Sơn
Trong các công trình tượng Phật tại miền Tây hiện nay có lẽ ấn tượng nhất chính là tượng Phật Di lặc tại chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm ( xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) – nơi cao 710m so với mặt nước biển. Tượng Phật uy nghiêm giữa chốn sơn lâm hùng vĩ này đã được công nhận tượng Phật Di lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á.
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Theo đó, tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu là 33,6m, diện tích bệ tượng 27m x 27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Nếu đứng ở vị trí nào trên núi Cấm du khách cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu. Trước đây, tượng Phật Di Lặc là 1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được trung tâm sách kỷ lục công bố trong Đại lễ Phật đản năm 2008. Vào năm 2006, công trình nghệ thuật đồ sộ này cũng được xác lập kỷ lục là tượng Phật ngồi lớn nhất Việt Nam.
Theo Bình Nguyên (Báo Cần Thơ)
Lạ đời, sầu riêng Núi Cấm ở An Giang trái xâu xấu vẫn đắt hàng
Sầu riêng núi Cấm mang hương vị đặc trưng, ai đến đây tham quan đều muốn thưởng thức 1 lần. Theo anh Đinh Văn Phi Vân (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang): "Lên núi Cấm mà chưa thưởng thức sầu riêng là coi như chưa đến đây".
Mùa mưa đến cũng là thời điểm núi Cấm vào mùa trái cây. Các loại trái cây ở đây từ lâu nổi tiếng có vị ngon, ngọt tự nhiên, mang hương vị đặc trưng so với những nơi khác. Đặc biệt, do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên cây trái phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh phá hoại, do đó rất ít sử dụng thuốc hóa học, trái cây sạch, đáp ứng nhu cầu thưởng thức trái cây sạch của người dân địa phương cũng như du khách tham quan.
Sầu riêng sạch
Thiên Cấm Sơn vào mùa mưa phủ lên một màu xanh của các loại rau màu và cây ăn trái. Ở đây, ngoài các loại cây được người dân trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cam, quýt, bơ, bưởi... thì sầu riêng là loại trái cây rất được ưa chuộng của nhiều du khách.
Sầu riêng núi Cấm cho năng suất không cao nhưng chất lượng đảm bảo.
Ông Hồ Việt Trung (ấp Vồ Bà, xã An Hảo), người đã trên gắn bó hơn 60 năm với vùng đất núi Cấm cho biết: "Cây sầu riêng xuất hiện trên núi Cấm rất lâu, giống cây là gì tôi không nắm được, chỉ biết mua ở Bến Tre. Sầu riêng ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, chất lượng trái thơm ngon, mang hương vị đặc trưng".
Đặc biệt, cây sầu riêng ở đây rất cao, có cây cao đến hàng chục mét, nên việc chăm sóc và thu hoạch trái gặp rất nhiều khó khăn. Sầu riêng núi Cấm có trái không to như ở vùng đồng bằng, nhưng trái rất sai nên nông dân có thu nhập, trong quá trình trồng không cần phải tốn công chăm sóc hay sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào để chăm bón cây sầu riêng. Hiện nay vào thời điểm đầu mùa, sầu riêng bán tại vườn giá 70.000-80.000 đồng/kg".
Sầu riêng núi Cấm được bán rất nhiều ở khu vực chân núi. Tuy nhiên, du khách nên tham quan, thưởng thức ngay tại vườn để cảm nhận hương vị đặc biệt "riêng" của sầu riêng núi Cấm.
Đặc sản non cao
Sầu riêng núi Cấm từ lâu là một trong những món ăn đặc sản của vùng núi Cấm. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (du khách đến từ huyện Châu Thành) chia sẻ: "Hương vị của trái sầu riêng ở đây khá đặc biệt so với các giống sầu riêng trồng ở nhiều nơi khác. Mặc dù có giá bán hơi cao nhưng chất lượng đảm bảo, không sử dụng thuốc hóa học nên chúng tôi rất an tâm".
Nhà anh Phạm Hoài Phương (dưới chân vồ Bồ Hong) có khoảng 20 gốc sầu riêng đang cho trái và đang chuẩn bị thu hoạch. Năm nay, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường nên năng suất trái không cao. Tuy nhiên, nhờ trồng xen canh với các loại cây trồng khác nên đảm bảo thu nhập cho nông dân ở đây.
Anh Phương cho biết, do cây sầu riêng có đặc tính sinh trưởng chủ yếu trên vùng đất đá nghèo dinh dưỡng, nên phải mất 5-10 năm cây mới cho trái. Để thưởng sầu riêng phải chờ cho đến khi trái chín rụng, nên bà con nông dân ở đây có quan niệm "trời cho bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu".
"Nhiều trái rụng xuống đất là nát bấy, không thể ăn được. Ngoài ra, còn bị nhiều con vật như: sóc, nhen... cắn phá làm rụng trái, nên số lượng trái có để bán rất ít. Được cái là trái có nhiều múi, cơm nhiều, hạt nhỏ, hương vị không thua kém so với các giống được trồng ở đồng bằng nên có bao nhiêu cũng bán hết" - anh Phương chia sẻ.
Chị Lê Thị Kim Phượng (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) cho biết thêm, trước đây, sầu riêng trên núi bán với giá khá rẻ, đồng thời do tình trạng sóc, nhen gây hại nên nhiều hộ dân ở đây chặt bỏ, trồng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn.
"Hiện nay, sầu riêng trở thành một trong những loại trái cây đặc sản nên số lượng không đủ để bán. Muốn ăn được trái tại gốc phải đặt trước mới có đủ số lượng để cung cấp" - chị Phượng thông tin.
Hiện nay, một số nhà vườn trên núi Cấm đã phát triển các giống sầu riêng mới cho năng suất cao và ổn định hơn. Phần lớn các nhà vườn trồng sầu riêng trên núi Cấm tận dụng diện tích đất trống để trồng xen canh thêm nhiều loại cây trồng khác nhằm đa dạng cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)
Loài rắn hổ mây Núi Cấm: Khi rình mồi im phăng phắc như chết Không còn là giai thoại mà câu chuyện về rắn hổ mây là hoàn toàn có thật và nhanh chóng chiếm sóng của nhiều diễn đàn mạng. Cho đến nay, cặp rắn do một tập đoàn lớn đầu tư xây dựng công trình thành phố điện mặt trời ở chân Núi Cấm (An Giang) có cơ may bắt được vẫn còn độ "hot"...