Trong 1 thập kỷ qua, tăng trưởng VN-Index chỉ đạt bình quân 6,4%/năm
FiinGroup cho rằng trong bối cảnh các chỉ sỗ kinh tế vĩ mô phát triển và dự kiến duy trì tốt thì mức tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong 10 năm qua là nỗi thất vọng của giới đầu tư.
Thị trường chứng khoán thường được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với kỳ vọng tăng trưởng vượt xa lãi suất ngân hàng cũng như tính thanh khoản ưu việt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đầu tư chứng khoán tại Việt Nam trong những năm qua không thực sự hấp dẫn khi tỷ suất lợi nhuận không quá vượt trội.
Thống kê của FiinGroup cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của VN-Index trong vòng 10 năm qua (2010 – 2019) là khoảng 6,4%/năm, cao hơn mức 4,8%/năm CAGR của vàng. Xét trong trung hạn 5 năm (2015 – 2019), CAGR của VN-Index trung bình là 12%/năm.
Nhìn rộng hơn, 5 năm qua thì VN-Index cũng chỉ tăng 76% và tròn một thập kỷ 10 năm qua thì VN-Index cũng chỉ tăng 94%. Nếu tính ra mức tăng trưởng kép hàng năm thì cũng chỉ ở mức tương ứng 6,4% và 12%.
FiinGroup cho rằng trong bối cảnh các chỉ sỗ kinh tế vĩ mô phát triển và dự kiến duy trì tốt thì mức tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong 10 năm qua là nỗi thất vọng của giới đầu tư.
Quả thực, mức tăng trưởng trên khó có thể thỏa mãn giới đầu tư bởi đây là con số còn thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm, chưa kể mức đổ rủi ro khi đầu tư chứng khoán là lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có lẽ số người chiến thắng thị trường trong 10 năm qua là ít hơn rất nhiều số người thua lỗ.
Tính riêng năm 2019, chỉ số VN-Index chỉ tăng 7,7% với biến động thấp. Mức tăng này cũng chỉ ngang bằng với lãi suất tiệt kiệm cùng kỳ hạn vốn được xem là rủi ro rất thấp.
Video đang HOT
Cũng theo FiinGroup, nhà đầu tư thường cho rằng cái hay của kênh chứng khoán là cho phép nhà đầu tư có thể kiếm lời từ việc “lướt” nhanh và giao dịch nhiều lần trong năm chứ không chỉ mua và giữ đến ngày cuối năm. Tuy vậy diễn biến thị trường năm 2019 là rất khó cho việc “lướt sóng” khi mà đỉnh của VN-Index đạt 1024,91 điểm và đáy ở mức 878,22 điểm, tương ứng biến động chỉ là 16,7%.
Hơn nữa, thanh khoản bình quân hàng ngày cũng giảm 29% từ 6,5 nghìn tỷ đồng năm 2018 về mức 4,7 nghìn tỷ tính theo GTGD bình quân hàng ngày. Điều này cho thấy diễn biến thị trường chứng khoán năm 2019 nói riêng và trong 1 thập kỷ qua nói chung là không thực sự hấp dẫn với giới đầu tư.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Cuộc đua nóng đẩy lãi suất lên cao, tiền tỷ gửi tiết kiệm trúng lớn
Năm 2019, lãi suất được các ngân hàng đẩy lên cao, chưa khi nào gửi tiết kiệm lại hấp dẫn đến vậy. Người lại, bên vay tiền lại bất an.
Gửi tiết kiệm trúng lớn
Ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch Kỷ Hợi, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đẩy mạnh khuyến mãi để hút tiền gửi. Từ giữa tháng 2/2019, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã bị đẩy lên khá cao. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất dao động trong biên độ từ 5,5-7,6%/năm. Kỳ hạn dài, từ 12-24 tháng lãi suất phổ biến quanh mức 7-8,7%/năm. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ từ 0,1-0,3 điểm % với các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng TMCP và duy trì hết quý 2.
Tuy nhiên, tới đầu tháng 7/2019, cuộc đua lãi suất đã quay trở lại. Nhiều ngân hàng TMCP đã tăng lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng lên trên 8%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng còn "đua" phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất cao chót vót.
Lãi suất được các ngân hàng đẩy lên cao trong 10 tháng đầu năm 2019
Tới tháng 8/2019, cuộc đua giữa các ngân hàng đẩy lãi suất lên cao hơn nữa. Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) phát hành chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất dành cho kỳ hạn 24 tháng là 9,5%/năm, 36 tháng là 9,8%/năm, 48 tháng là 10%/năm và 60 tháng là 10,2%/năm. Đây là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng cũng được nhiều ngân hàng đẩy tăng lên mức 7,5- 8,5%/năm. Không chỉ có kỳ hạn dài, kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh tăng. Nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 7-8,05%/năm. Trong đó, xếp ở vị trí đầu tiên là Nam Á Bank với lãi suất kỳ hạn 7 tháng ở mức 8,05%/năm. Trong tháng 7/2019, có tới 15 ngân hàng đẩy mức lãi suất ở kì hạn 5 tháng lên kịch trần 5,5%/năm.
Tới tháng 9/2019, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-13 tháng lên cao. Ngân hàng Quốc Dân huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng với lãi suất cao nhất tới 8%/năm. Một loạt ngân hàng khác bám sát ở mức từ 7,5%-7,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng gửi tại quầy, cao nhất lên tới là 9%/năm tại ngân hàng SHB.
Cũng trong tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định giảm 0,25%/năm các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng... Tuy nhiên, điều này cũng không làm cho lãi suất huy động hạ nhiệt, mà vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết tháng 10/2019.
Cho tới tận đầu tháng 11/2019, một số ngân hàng mới giảm nhẹ lãi suất, nhưng phải tới nửa cuối tháng, lãi suất tiết kiệm mới đồng loạt giảm. Ngày 18/11, NHNN ban hành quy định mới với tiền gửi dưới 6 tháng, giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, do vậy trong cùng ngày các ngân hàng cũng giảm lãi suất tiết kiệm. Mức giảm từ 0,05 điểm %/năm đến 1 điểm %, cho các kỳ hạn từ 5-24 tháng.
Phải đến tháng 11, lãi suất mới bắt đầu hạ nhiệt
Tháng 12/2019, lãi suất tiếp tục giảm thêm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi kì hạn 6 tháng đã giảm từ 5,5%-8%/năm về còn 5,3%-7,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,6%-8,2%/năm về còn 6,1%-7,99%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 6,3%-9% về còn 6,1%-8,4%/năm.
Mặc dù "cuộc đua" về lãi suất đã dừng, nhưng theo nhận xét của giới chuyên môn, mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn khá cao. Một số ngân hàng cho rằng, việc tăng mạnh lãi suất huy động xuất phát từ quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019 của NHNN.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, nhất là các ngân hàng TMCP nhỏ. Vì vậy, từ quý 3/2019, các ngân hàng này đã phải huy động tiền gửi với lãi suất cao. Lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP nhỏ, cao hơn hẳn nhóm ngân hàng lớn từ 1%-1,5 điểm %/năm, cùng các kỳ hạn. Chính các ngân hàng nhỏ đã dẫn dắt "cuộc đua" lãi suất. Điều này khiến cho các ngân hàng TMCP lớn cũng phải chạy theo, duy trì lãi suất ở mức cao, do lo sợ mất thị phần.
Không những thế, năm 2019 nhiều DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn trên 10%/năm, cùng với thị trường chứng khoán tăng trưởng trên 12%, khiến lãi suất tiết kiệm phải duy trì ở mức cao để cạnh tranh.
Người vay tiền nhăn nhó
Lãi suất cao tiết kiệm cao suốt cả năm 2019, những khách hàng có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, với các DN thì ngay từ đầu năm đã thấy bất an bởi lãi vay cao.
Cuộc đua lãi suất khiến người gửi tiền trúng lớn, trong khi các DN cần vay vốn lại lo lắng
Năm 2019, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 9%-10,5%/năm. Nhóm ngân hàng TMCP, mức lãi suất cho vay thông thường từ 11%-14%/năm. Vào thời điểm đầu tháng 10/2019 một số DN phản ánh họ phải vay ngân hàng TMCP nhỏ với lãi suất bình quân kỳ hạn 6 tháng lên tới 10,5%/năm.
Vào thời điểm giữa năm và cuối năm 2019, đã có hai đợt các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, với những đối tượng ưu tiên từ 0,5-3,5 điểm %, nhưng rất ít DN tiếp cận được khoản vay ưu đãi này bởi các nhà băng rất khắt khe trong việc lựa chọn khách hàng. Đó phải là những DN có uy tín, lịch sử tín dụng lành mạnh, có các hợp đồng và dự án kinh doanh hiệu quả, phải cam kết bán ngoại tệ, chiết khấu bộ chứng từ, cùng những giao dịch quốc tế khác,... thông qua ngân hàng cho vay vốn ưu đãi. Vì vậy, vốn ưu đãi không phải không có nhưng thực tế khó tiếp cận.
Hơn nữa, dù được ưu đãi nhưng lãi suất cũng chưa hẳn đã thấp. Chẳng hạn, một số ngân hàng áp dụng cho DN vay ưu đãi lãi suất 7,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Nhưng mức lãi này chỉ được tính cho 3 tháng đầu, 3 tháng sau là lãi suất thả nổi lên đến 10,5%/năm. Tính bình quân cũng là mức 9%/năm.Có ngân hàng cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay với lãi suất 3,6%/năm, nhưng cũng chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu với khoản vay kỳ hạn từ 6 tháng. Sau đó lãi suất thả nổi lên tới 10,5%/năm, tính bình quân DN phải vay mức 7%/năm, đấy còn chưa kể các chi phí khác.
Lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cao là tất yếu. Mức giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay mà các cơ quan chức năng mong muốn, để hỗ trợ DN đến nay vẫn chưa diễn ra trên diện rộng, chắc phải chờ tới năm 2020.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet
Cẩn trọng giao dịch chênh lệch lãi suất Nhiều chuyên gia cảnh báo không loại trừ khả năng trong dòng kiều hối chảy về Việt Nam, có nguồn vốn chảy về nước chỉ nhằm gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch lãi suất (cary trade). Kiều hối chảy về Việt Nam trong hơn 10 năm qua Kiều hối vẫn duy trì đà tăng Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, lượng...