Trốn việc đi đăng ký dâng sao, giải hạn
Tranh thủ giờ làm buổi sáng giáp Tết, chị Thu Hà đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) đăng ký và nộp 500.000 đồng để dâng sao giải hạn cầu an cho cả gia đình.
Tại tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa), ban tổ chức bố trí 4 bàn đón tiếp người đến đăng ký dâng sao, bên cạnh bàn viết sớ… Trên các các cột dán bảng kê tuổi gia chủ ứng với các sao chiếu mệnh để nhận biết năm nay “sao tốt” hay “sao xấu”. Người nào bị sao xấu chiếu mạng thì phải giải hạn.
Để đăng ký giải sao tại đây, mỗi người phải đóng phí 100.000 đồng, còn phí cầu an của mỗi gia đình là 100.000 đồng. Trong tháng Giêng, chùa Phúc Khánh sẽ làm lễ giải sao La Hầu ngày mùng 8, sao Thái Bạch ngày 15, và sao Kế Đô ngày 18.
Chị em nghiên cứu sao xấu, sao tốt tại chùa Quán Sứ. Ảnh: ĐL
Cầm tờ danh sách năm sinh của cả gia đình, chị Minh Hạnh (phố Chùa Bộc) lần từ trên xuống dưới bảng sao chiếu mệnh, ghi chép rồi nộp tiền xin giải sao xấu. Chị Hạnh cho biết, cứ trước Tết chị lại ra chùa xem sao để giải hạn cho yên tâm. Năm nay, tổng số tiền chị nộp cho nhà chùa để giải sao là hơn một triệu đồng.
“Năm nào tôi cũng phải chen lấn, cả ngày chầu trực trong đám đông đi giải sao, song vẫn không bỏ được thói quen. Mình không phải dân buôn bán song vẫn năng cầu cúng cho yên tâm, có thờ có thiêng”, chị Minh Hạnh bày tỏ.
Tranh thủ giờ làm việc, Thu (nhân viên công ty máy tính trên đường Láng) vào tổ đình Phúc Khánh đăng ký giải sao. Cô than thở, cuối năm công việc rất bận song mẹ chồng vẫn bắt cô đến chùa đăng ký giải sao cho cả gia đình. Mặc dù bản thân Thu chẳng quan tâm sao nào xấu, sao nào đẹp.
“Mẹ chồng tôi nghe theo mọi người phải đi giải sao nên năm nào cũng bắt ra chùa đăng ký, không có cách nào nói để các cụ biết đây là mê tín. Ra giêng là cụ bắt các con đưa đi giải hạn khắp nơi, rất mất công sức và thời gian”, Thu nói và cho hay, một số chị em không hiểu về sao xấu, sao đẹp nên cứ ghi hết tên sao ứng với mỗi người thân trong nhà và mang hỏi nhà chùa cách giải hạn.
Video đang HOT
Sau Tết, tổ đình Phúc Khánh thường tổ chức cầu an, dâng sao giải hạn cho hàng chục nghìn người. Ảnh: Hoàng Hà.
Nằm ở trung tâm thành phố, chùa Quán Sứ cũng thu hút nhiều người đến đăng ký dâng sao giải hạn. Ai cũng miệt mài ghi chép đầy đủ tên các thành viên trong gia đình rồi chờ đến lượt đăng ký, nộp tiền. Tranh thủ giờ làm buổi sáng, chị Thu Hà (cán bộ một cơ quan trên phố Lý Thường Kiệt) cũng đi đăng ký giải sao. Sau khi nghiên cứu từng năm sinh, chị viết thông tin của hơn 10 người trong gia đình rồi đưa cho nhà chùa vào sổ. Phí giải sao, dâng sao tại đây lại được tính là 500.000 đồng một gia đình.
“Bạn bè tôi thường xuyên cúng bái, lên đồng, xem bói vào đầu năm. Còn mình chỉ đơn giản là đi giải sao, các cụ đã nói Thái Bạch quét sạch cửa nhà. Mà chả nhẽ lại nhờ mấy ông thầy bói, thôi thì cứ vào chùa làm cho yên tâm”, chị Thu Hà giãi bày.
Nộp hơn một triệu đồng vào một chùa ở huyện Từ Liêm để làm lễ giải sao cho cả nhà, chị Trà (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm) cảm thấy tiếc hùi hụi vì bản thân vốn tiết kiệm từng đồng. Tuy nhiên, chị vẫn cho rằng, mỗi người có một sao chiếu mệnh nên không thể yên tâm nếu gặp phải sao xấu chiếu. Còn nếu gặp sao tốt thì phải nghinh để được đón nhận nhiều may mắn.
Không chỉ lên chùa đăng ký giải sao, các bà, các chị còn tranh thủ nhờ các thầy chùa viết sớ hay, xem tuổi người xông đất, ngày xuất hành đầu năm…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Vũ Đức Huynh, xu hướng người dân đổ đến chùa làm lễ giải sao là không nên. Người dân chỉ nên đến chùa lễ Phật và cúng bái tổ tiên tại nhà. Khi biết mình đứng sao xấu thì mỗi người cần cẩn thận hơn và có biện pháp phòng ngừa như đi lại cẩn thận, giữ lời ăn tiếng nói…
Còn GS Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Văn hóa Á Đông cho rằng, người dân quan niệm đi giải sao để giải được hạn là không có căn cứ, mê tín dị đoan. Phong tục Việt Nam không có dâng sao, giải hạn như hiện nay.
“Đạo Phật luôn hòa hợp với dân, nhà chùa cúng bái không phải để giải hạn cho dân. Đạo Phật cũng không có chuyện cúng sao giải hạn”, ông Hoàng Tuấn nói và cho hay, nên chọn người xông nhà theo mệnh thì tốt hơn là theo tuổi, ví dụ chủ nhà mệnh Thủy nên chọn người xông đất mệnh Kim, chủ nhà mệnh Hỏa chọn người xông đất mệnh Mộc…
Theo VNE
Đổ xô đi đăng ký dâng sao, giải hạn
Ngày cuối năm, nhiều chùa ở Hà Nội tấp nập chị em đến xem sao chiếu mệnh và đăng ký dâng sao, giải hạn trong năm mới. Nhiều gia đình mất cả bạc triệu cho công việc này với mong muốn năm sau tốt lành.
Xem tuổi trong tờ giấy được dán trên cột chùa Phúc Khánh (Đống Đa), thấy mình bị sao La Hầu được tô màu hồng khác với sao khác, Mai vội xem tờ hướng dẫn. Khi biết là sao xấu, cô gái đến từ Hà Đông vội ghi tên tuổi, địa chỉ và nộp 100.000 đồng cho nhà chùa để mong xóa vận hạn. "Năm nay em phải xin việc làm nên sợ gặp rủi ro. Thấy các bà, các chị làm thế em cũng làm theo", Mai nói và thừa nhận không hiểu về tục dâng sao, giải hạn.
Khác với Mai, nhiều chị em mang hẳn danh sách thành viên gia đình đến chùa so tuổi sao chiếu mệnh rồi đồng loại viết danh sách xin giải sao (nếu sao xấu) hoặc dâng sao (nếu sao tốt). Chị Hòa Bình, ở phường Nam Đồng (Đống Đa) cho biết, năm nào chị cũng ra chùa giải sao hoặc cầu an cho cả nhà như một thói quen. Tổng cộng số tiền chị nộp cho nhà chùa để giải sao gần một triệu đồng.
"Có năm tôi suýt ngất vì phải chen lấn giải sao trong đám đông song vẫn cố gắng đi. Ngày khóa lễ phải đi trước xếp hàng từ chiều, như thế mới yên tâm", chị Hòa Bình chia sẻ.
Xem sao chiếu mệnh tại chùa Phúc Khánh. Ảnh: PV.
Để phục vụ người đến đăng ký giải sao, chùa Phúc Khánh bố trí tới 4 bàn đón tiếp và ghi tên tuổi các thân chủ, thu phí. Đăng ký giải sao tại đây phải nộp phí 100.000 đồng một người. Chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức lễ giải sao La Hầu vào ngày 8 tháng giêng, sao Thái Bạch vào ngày rằm tháng giêng, sao Kế Đô vào ngày 18 tháng giêng.
Nằm ở trung tâm thủ đô, chùa Quán Sứ cũng thu hút khá đông người đến đăng ký giải sao ngày cuối năm. Khác với Phúc Khánh thu phí theo đầu người, chùa Quán Sứ thu phí 300.000 đồng mỗi gia đình, không hạn chế số người. Nhà chùa sẽ tổ chức giải sao, cầu an vào ngày mùng 4 và mùng 9 Tết.
Một bạn trẻ tên Vinh cho biết, mẹ cậu ở quê đã đăng ký giải sao cho cả nhà, nhưng cậu vẫn không yên tâm nên tự tìm đến chùa Quán Sứ đăng ký giải sao cho mình. "Năm nay em đứng sao Thái Bạch nên rất sợ. Người ta nói Thái Bạch quét sạch cửa nhà, mình cứ phải đi giải nhiều lần cho chắc", Vinh quả quyết.
Nộp gần một triệu đồng tại chùa Vân Trì (Từ Liêm) để làm lễ cho cả nhà, chị Hà cho biết, năm nào cũng đi giải nếu gặp sao xấu hoặc dâng nếu sao tốt. Theo chị, mỗi người có một sao chiếu mệnh nên không thể yên tâm nếu gặp phải sao xấu chiếu. Còn nếu gặp sao tốt thì phải nghinh để được đón nhận nhiều may mắn.
Tấp nập đăng ký giải sao. Ảnh: PV.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Vũ Đức Huynh, trong vũ trụ bao la có nhiều vì sao lớn nhỏ, xa gần. Ứng với con người, hàng năm đều có một sao chiếu, có sao hỗ trợ và có sao xung. Tuy nhiên, không thể cúng để giải được sao xấu, ngay cả các nhà chùa cũng không làm được.
"Xu hướng nhiều người đổ đến chùa làm lễ giải sao là không nên. Người dân chỉ nên đến chùa lễ Phật và cúng bái tổ tiên tại nhà. Khi biết mình đứng sao xấu thì mỗi người sẽ cẩn thận hơn năm cũ và có biện pháp phòng ngừa như đi lại cẩn thận, giữ lời ăn tiếng nói", ông Vũ Đức Huynh nhận xét.
GS Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Văn hóa Á đông, cũng cho rằng, chữ "Tinh" trong văn hóa Á đông không chỉ có nghĩa là sao mà là tinh thần của cuộc sống, tinh túy của trời đất.
"Đạo Phật luôn hòa hợp với dân, tạo tâm linh cho con người, song nhà chùa cúng bái không phải để giải hạn cho dân. Nếu người dân tin tưởng rằng giải sao là giải hạn được thì là mê tín dị đoan", ông Hoàng Tuấn bày tỏ.
Theo VNExpress
Độc đáo chợ lá duy nhất ở trung tâm Sài Gòn Chợ chỉ xuất hiện mỗi năm vào những ngày giáp Tết. Theo thông lệ, sau 23 tháng chạp, ngày ông Táo về trời, những nông dân, những người kinh doanh thời vụ từ các vùng Đồng Nai, Lâm Đồng mang lá dong về họp trên lề đường Cách Mạng Tháng 8, kéo dài từ giao lộ Phạm Văn Hai đến ngã tư Bảy...