Trốn trại tạm giam, lãnh 16 năm tù giam
Ngay 2/6, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Mai Thái Học (SN 1978, trú tại thôn 5, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Trước đó, ngày 14/4/2011, Mai Thái Học rủ Trần Thanh Tùng (trú ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình) đi xe ô tô đến TP Vinh (Nghệ An). Đến chợ Vinh, Học mua 41,876gr heroin với giá 40 triệu đồng (trong đó Học bỏ 30 triệu, Tùng bỏ 10 triệu) do một người tên Hằng bán.
Sau đó, khi về đến xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), và Học và Tùng bị lực lượng Công an bắt quả tang vào lúc 8h30 ngày 15/4/2011.
Bị cáo Mai Thái Học tại tòa (Ảnh: B.Q.B)
Cơ quan công an đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối tượng tại Trại giam Công an tỉnh Quảng Bình về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, đêm 15, rạng 16/5/2011, Học đã cùng đồng bọn trốn khỏi nơi giam, bị khởi tố và truy nã về hành vi “Trốn khỏi nơi giam”.
Video đang HOT
Thời gian bỏ trốn, Mai Thái Học sang Lào làm thuê sửa chữa xe ô tô. Đến ngày 29/7/2012, Học thực hiện hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, bị Công an tỉnh Khăm Muộn (Lào) bắt giữ, khởi tố, tạm giam và bị xử phạt 2 năm tù giam.
Ngày 19/1/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với VKSND tỉnh này đã tiến hành dẫn độ bị can Mai Thái Học từ An ninh tỉnh Khăm Muộn để phục hồi điều tra về tội “Trốn khỏi nơi giam” và tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Kết thúc phiên tòa xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thái Học 16 năm tù giam về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, đồng thời bị cáo Học còn bị phạt tiền 20 triệu đồng.
Theo Dantri
Gặp người cứu sống ngư dân Trung Quốc bị rơi xuống biển
Bên chén trà đắng, câu chuyện của Hiếu về việc cứu sống ngư dân Trịnh Tổ Ba (người Trung Quốc) bị rơi xuống biển, chuyện Trịnh Tổ Ba điện thoại hỏi thăm chuyện bão, lũ, rồi chuyện chiếc áo Hiếu tặng Ba mang về khoe với người láng, người xóm bên Trung Quốc thật cảm động. Dù ngoài kia biển Đông đang dậy sóng, nhưng với Hiếu và hàng vạn, hàng ngàn ngư dân khác họ đều chung ý nghĩ: Trên biển chỉ có tình người.
Trong cái nắng nóng bỏng rát vùng cát Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình chúng tôi tìm đến nhà ngư dân Nguyễn Trọng Hiếu khi mặt trời đứng bóng. Hiếu đón chúng tôi với nụ cười giòn tan mang vị mặn mòi của biển.
Chữ tình trên biển
Sinh năm 1981, bao nhiêu tuổi là chừng ấy thời gian Nguyễn Trọng Hiếu gắn mình với biển cả quê hương. Chưa đầy tháng sinh, Hiếu đã được mẹ là bà Võ Thị Thảo địu trên lưng ra bờ biển ngóng chồng đi biển về. Cha Hiếu, ông Nguyễn Trọng Bằng mới 65 tuổi nhưng đã có 50 năm đánh cá trên biển. Sinh ra trong một gia đình ngư dân nên tình yêu Hiếu dành cho biển cũng mênh mang như sóng nước. Mới hơn 10 tuổi đầu, nghỉ học hè Nguyễn Trọng Hiếu đã được cha đưa lên tàu đánh cá ra biển. Những cơn say sóng ngả nghiêng không làm cậu bé sợ hãi mà ngược lại, mỗi lần say sóng, mỗi lần ra biển Hiếu lại được trầm tích thêm tình yêu biển cả. Giờ thì anh đã trở thành chủ một chiếc tàu đánh cá lớn mang số hiệu QB 91223TS với hơn 20 ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Khi nhắc tới việc cứu ngư dân người Trung Quốc bị rơi xuống biển, Hiếu nhìn xa xăm như nhớ một người bạn lâu ngày chưa gặp lại.
21h đêm 27/7/2013, ngày cuối tháng, trời tối đen như mực, tàu đánh cá của Nguyễn Trọng Hiếu đang buông lưới ở tọa độ 17029N - 108005E, thuộc vùng biển chủ quyền Việt Nam thì phát hiện thấy vật lạ trôi nổi trên biển. Linh tính nghề biển mách bảo Hiếu "chắc có người trôi dạt trên biển". Hiếu tập trung tất cả các thuyền viên trên tàu, ngừng đánh bắt quay mũi tàu đến gần thì phát hiện có người đang quẫy đạp trên sóng lớn. Dù rất yếu ớt, nhưng người trôi trên biển vẫn thều thào, nghe tiếng lạ các ngư dân biết không phải người Việt Nam. Nhưng nhiều ngư dân lập tức lao xuống biển, số còn lại đứng trên tàu thả lưới xuống để cứu người bị trôi lên và hồi sức cấp cứu kịp thời. Một số ngư dân trên tàu biết ít tiếng Hoa nên qua giọng nói thì biết đây là ngư dân người Trung Quốc. Sau khi tỉnh táo, ngư dân Trung Quốc tỏ ra sợ sệt vì gặp toàn người lạ, nhưng được sự chăm sóc tận tình của ngư dân Việt Nam nên ngư dân này dần dần tỏ ra bình tĩnh.
Anh Trịnh Tổ Ba (ngư dân Trung Quốc, bìa phải) rơi xuống biển được ngư dân Việt Nam cứu sống đưa vào bờ an toàn.
Ở lại tiếp tục đánh cá hay đưa ngư dân Trung Quốc vào bờ? Câu hỏi đó với Hiếu và hơn 20 ngư dân trên tàu không dễ trả lời. Bởi mỗi chuyến ra khơi, anh và bạn bè ngư phủ đã phải bỏ ra gần 200 triệu đồng mua sắm xăng dầu, lương thực, thực phẩm và biết bao thứ khác. Nhưng nhìn ngư dân Trung Quốc cứ hướng mắt về xa xăm với bao suy nghĩ chất chứa anh và các ngư phủ không đành lòng. Sau khi hội ý anh em trên tàu, Nguyễn Trọng Hiếu đã liên lạc qua kênh tìm kiếm cứu nạn với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và quyết định quay mũi tàu đưa ngư dân Trung Quốc vào bờ an toàn.
"Nếu gặp... vẫn cứu"
Tàu QB 91223TS vừa cập bến cảng Nhật Lệ, Quảng Bình, ngư dân Trung Quốc đã thổ lộ chuyện mình bị rơi xuống biển trong những giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Anh tên là Trịnh Tổ Ba (sinh năm 1983), trú tại thôn Hòa Năng, Bạch Mã Tĩnh, Hải Nam, Trung Quốc. Ngư dân Trịnh Tổ Ba đi tàu Đam Châu 13017 do anh trai mình là Trịnh Tổ Đạo làm thuyền trưởng. Gần sáng 27/7, khi tàu đánh cá Đam Châu 13017 đang lênh đênh trên biển thì Ba thức dậy đi vệ sinh. Một cơn gió lớn ào đến làm Ba bị rơi xuống biển. Trịnh Tổ Ba kêu cứu nhưng tất cả ngư dân Trung Quốc trên tàu đang ngủ say nên không ai biết để ứng cứu. Ba bị sóng biển đánh trôi dạt hàng chục km.
"Lúc rơi xuống biển trôi dạt, gần kiệt sức tôi lại nghĩ đến gia đình, vợ và 2 đứa con ở quê nhà. Chẳng lẽ mình không được gặp lại các con lần nữa, khi đi biển còn hứa với con nhiều lắm. Đến lúc được cứu vớt lên, nhìn xung quanh biết không phải là tàu nước mình tôi lại tiếp tục sợ hãi. Nhưng khi nhìn thấy lá cờ trên tàu tôi biết là tàu của ngư dân Việt Nam nên tôi dần yên tâm. Và sau đó tôi được các bạn ngư dân đối xử rất tốt, không có họ tôi đã chết, tôi rất cảm kích tấm lòng của họ", ngư dân Trịnh Tổ Ba tâm sự.
Ngày đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào Quảng Bình làm thủ tục để đưa Trịnh Tổ Ba về nước, Ba đã chỉ vào chiếc áo của Hiếu đưa cho Ba mặc trên biển để tránh gió rồi cười nói "tôi đưa chiếc áo này về để làm kỷ niệm, và nhìn thấy áo là nhắc tới người đã cứu sống mình". Tôi hỏi Hiếu "Từ khi về nước đến nay Trịnh Tổ Ba có còn liên lạc gì không?", Hiếu cười "có chứ, trận siêu bão tháng 10/2013 vừa rồi Trịnh Tổ Ba điện sang, cả nhà tui nghe điện thoại, cứ tiếng được tiếng không vì không biết tiếng của nhau. Bên đầu dây Ba cứ cười vang vì biết nhà tui còn sống sau bão. Sau đó Ba điện thì tui cho ghi âm lại nhờ người dịch mới biết Trịnh Tổ Ba nói xem tivi thấy bão to quá, nên điện hỏi thăm, vợ con Ba thường xuyên nói việc Ba được ngư dân Việt Nam cứu sống".
Câu chuyện của tôi và Hiếu đang tiếp tục thì nhiều ngư dân ở Bảo Ninh đến chơi, hầu hết ngư dân đều tỏ ra bất bình và phản đối kịch liệt việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở Đà Nẵng mới vài ngày qua. Nhưng khi chúng tôi hỏi, nếu giờ ra khơi đánh cá gặp tàu ngư dân Trung Quốc bị nạn, bị chìm, hoặc ngư dân rơi xuống biển như Trịnh Tổ Ba, các bác, các anh có cứu nữa không? Tất cả ngư dân chúng tôi gặp đều nói "Vẫn cứu, họ là ngư dân cũng như mình, khi đi kiếm tìm lộc biển thì ở nhà cũng có cha mẹ, vợ con ngóng chờ". Chia tay các ngư dân trên đường về tôi lại nhớ đến hình ảnh thật thân thiện của họ. Họ học không nhiều nhưng sao tư tưởng của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi viết cách đây hơn 500 năm "Lấy chí nhân thay cường bạo" lại thấm trong mỗi ngư dân Việt nhiều đến thế.
Theo Công An Nhân Dân
Nghĩa trang cô hồn bao dung những ngư dân TQ gặp nạn trên biển VN? Giữa lòng TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), ra Quảng trường biển rồi đi dọc bãi biển về phía Nam chừng 1000m, du khách sẽ đến được "Âm hồn tự". Có một nghĩa trang cô hồn bao dung những ngư dân TQ gặp nạn trên biển VN (ảnh minh họa) Mặt bằng trong khuôn viên hơn 400m2 có đến hơn 120 mộ táng...