Trộm vợ – Sơn nữ chưa kịp lớn đã làm mẹ trẻ con!
Những cô gái chưa kịp lớn đã bị trộm về làm vợ, nhiều em trong số đó đang ở lứa tuổi học sinh. Lấy chồng, sinh con, nhiều ước mơ trở nên dang dở. Lời ru của những người mẹ chưa kịp lớn ấy nghe đắng đót, ngậm ngùi…
Trường THPT Quỳ Hợp 3, nơi có đến hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, trung bình mỗi năm có 5-6 nữ sinh của trường bị “trộm vợ”
Từ một nét đẹp trong hôn nhân của người Thái, tục trộm vợ đã bị biến tướng, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của không ít cô gái vừa mới lớn.
Theo bà Vi Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), một trong những nguyên nhân là do người phụ nữ, đặc biệt là các em gái đã cam chịu khi bị trộm làm vợ. Hơn nữa, tình trạng trộm vợ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên khi cơ quan chức năng biết thì sự việc đã rơi vào “chuyện đã rồi”.
“Nếu như trước đây việc trộm vợ xuất phát từ việc hai bên trai gái có tình cảm với nhau, được chuẩn bị kỹ càng và có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, người thân của chàng trai, cô gái thì gần đây, tục trộm vợ đã biến tướng, trở thành “bắt vợ”. Nhiều cuộc trộm vợ diễn ra ngay giữa ban ngày. Chàng trai có thể hành động một mình hoặc có sự trợ giúp của bạn bè để khống chế, đưa cô gái về nhà mình. Sau khi đưa cô gái về, nhà trai sẽ tổ chức những bước như quy trình “trộm vợ” ngày xưa để buộc cô gái phải chấp nhận làm vợ dù không yêu thương, thậm chí là chưa từng quen biết”, ông Lương Viết Thoại – một người am hiểu phong tục người Thái ở Quỳ Hợp cho hay.
Một cuộc trộm vợ giữa ban ngày tại xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) từng gây chấn động cộng đồng sau khi video được đăng tải lên mạng xã hội vào đầu năm 2017
Ông Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 – nơi có đến hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái theo học thì những năm trước đây, trung bình sau mỗi kỳ nghỉ Tết có 5-6 học sinh nữ không trở lại trường do bị “trộm” làm vợ.
Sau khi bị trộm làm vợ, Lô Hồng V. (xã Châu Tiến) vẫn được nhà chồng tạo điều kiện cho tiếp tục đi học. Có lẽ, em là số ít nữ sinh được trở lại trường học sau khi đã lấy chồng. Vào thời điểm đó, V. đang học lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3. Em học khá tốt và vẫn tiếp tục được phân công làm lớp trưởng. Biết hoàn cảnh của em, các thầy cô giáo cũng hết sức động viên và gửi gắm nơi em nhiều kì vọng.
Video đang HOT
Cô Võ Thị Đông – giáo viên Trường THPT Quỳ Hợp 3 chia sẻ với các nữ sinh trong buổi sinh hoạt CLB bạn gái về những học sinh của mình từng là nạn nhân của tục trộm vợ đã bị biến tướng
“Nhiều hôm V. đến lớp với vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ hằn rõ trên mặt. Thậm chí có lúc em còn xin phép được chợp mắt một chút trong giờ học bởi tối hôm trước em gần như phải thức thâu đêm vì con lên cơn sốt. Thỉnh thoảng em nghỉ học một vài ngày, còn đợt ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì em hầu như vắng hẳn.
Tôi đến nhà động viên em đến lớp, cố gắng học hết chương trình phổ thông. Em buồn bã lắc đầu, bảo mùa trồng keo đến rồi, dù bố mẹ chồng và chồng không bắt em làm để em được đi học nhưng em là dâu, là con trong nhà, không thể để mọi người vất vả mà yên tâm ngồi học được.
Em nói vậy tôi cũng không thể làm gì được nhưng tiếc cho em. Em đã từng là một học sinh có học lực tốt, có hoài bão, ước mơ nhưng đành chôn vùi tất cả vì trách nhiệm làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi còn quá nhỏ”, cô giáo Võ Thị Đông (Trường THPT Quỳ Hợp 3) kể về trường hợp của V.
Chuyện trộm vợ của Lữ Văn B. (nguyên Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Châu Tiến, Quỳ Hợp) vẫn được nhắc lại bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến người bị trộm làm vợ mà B. cũng phải trả giá cho hành động nông nổi của mình. Một đêm cách đây 12 năm, B. đến Trường phổ thông dân tộc nội trú Quỳ Hợp (nay là Trường THPT Quỳ Hợp 3) “trộm” Lô Thị H. về làm vợ. Thời điểm ấy Lô Thị H. đang là học sinh lớp 11.
Các nữ sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 tại buổi sinh hoạt CLB bạn gái với chủ đề tục trộm vợ và tình trạng tảo hôn. Nhiều em đã trực tiếp chứng kiến bạn hoặc người quen của mình bị trộm làm vợ
Vào thời điểm bị B. tổ chức “trộm vợ” và thực hiện lễ cưới, Lô Thị H. chưa đủ tuổi kết hôn. Dù lấy được vợ nhưng B. cũng phải trả cái giá khá đắt đó là bị kỷ luật về Đảng, miễn nhiệm chức danh Phó Bí thư đoàn thanh niên xã. Còn vợ của B. cũng lỡ dở con đường học hành để gánh trên đôi vai của mình trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ.
Cũng giống như Lô Thị H., Lô Hồng V., sau Tết Nguyên đán năm 2017, Lô Thị Xuân V. (trú xã Châu Cường, Quỳ Hợp, học sinh lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3) cũng bị “trộm vợ”. Chồng em là một chàng trai người xã Châu Quang.
16 tuổi, Xuân V. thành gái đã có chồng. 18 tuổi, em đã kịp làm mẹ trẻ con. Trong khi bạn bè cùng lứa tuổi vẫn đang hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ thì Xuân V. quay cuồng với trách nhiệm của một người phụ nữ đã có chồng. Và con đường trở lại trường của em đã vĩnh viễn khép lại từ cái đêm bị “trộm” ấy…
Hoàng Lam
Theo Dantri
Mịt mờ tương lai những đôi vợ chồng trẻ con: Xóa hủ tục - không dễ!
Tục đi "sim" vốn tốt đẹp nhưng bị biến tướng, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã xảy ra rất nhiều ở miền núi Quảng Trị với những hậu quả và hệ lụy đau lòng. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã và đang nỗ lực ngăn chặn những hủ tục, tệ nạn này, nhưng chặng đường ấy không dễ dàng...
Mổ xẻ nguyên nhân
Giai đoạn từ năm 2011 đến giữa năm 2016, Quảng Trị có đến 1.339 trường hợp tảo hôn và 16 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Con số trên - dù đã rất đáng báo động - nhưng cũng chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Bởi theo ông Lê Văn Quyền - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, các địa phương thường e ngại khi báo cáo về tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn nên số liệu thường thấp hơn thực tế.
Cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ảnh: Ngọc Vũ
Như huyện Đakrông báo cáo giai đoạn 2011-2015 có 254 trường hợp tảo hôn, 1 hôn nhân cận huyết. Thế nhưng, cán bộ của Ban Dân tộc khảo sát thực tế tại 4/13 xã của huyện, con số tảo hôn đã là 269 trường hợp, 8 trường hợp hôn nhân cận huyết.
Theo ông Quyền, thanh thiếu niên là đối tượng chính cần được tuyên truyền để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhưng lâu nay chính quyền địa phương thực hiện việc tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn - mà những cuộc họp này thường là đại diện hộ gia đình như bố, mẹ... những người đã trưởng thành đến dự, do đó hiệu quả tuyên truyền rất thấp vì chưa đúng đối tượng cần hướng đến.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đánh giá sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết chưa được làm tốt ở địa phương. Trình độ dân trí đồng bào dân tộc ít người còn thấp, nhận thức chưa đầy đủ nên việc tuyên truyền, giáo dục con cái kết hôn đúng độ tuổi theo quy định chưa được quan tâm. Chưa kể nhiều gia đình vẫn xem tảo hôn và hôn nhân cận huyết là đương nhiên, phù hợp với phong tục tập quán với lý do "yêu nhau thì lấy nhau, không quan trọng tuổi tác", "kết hôn cận huyết sẽ thắt chặt tình cảm anh em, họ hàng", "lấy vợ sớm để có thêm lao động cho gia đình"...
Dở chồng tài liệu và phiếu khảo sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết mà cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cung cấp, tôi đã đọc được những câu trả lời ngây thơ đến mức không tưởng của những cặp vợ chồng trẻ con miền núi. Có em chưa bao giờ nghe đến tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, có em biết và nghĩ đó là nét văn hóa đẹp của dân tộc mình, không nên xóa bỏ. Có trường hợp trả lời rằng nguyên nhân lấy chồng cận huyết thống vì thích chồng đẹp trai, rất có lợi...
Trẻ em huyện Đakrông được tiếp cận kiến thức phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết qua hình ảnh được treo ở những nơi đông người qua lại. Ảnh: Ngọc Vũ
Bà Nguyễn Thị Ái Loan - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐTBXH Quảng Trị) cho biết, nguyên nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn vì quan niệm trọng nam khinh nữ. Minh chứng ở chỗ trường hợp kết hôn sớm đa số là phụ nữ, dường như có mặc định phụ nữ chỉ để sinh con. Nhiều đứa trẻ mới 12 đến 14 tuổi đã lấy chồng, như vậy là vi phạm quyền trẻ em.
Triển khai nhiều giải pháp xóa bỏ hủ tục
Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Trên cơ sở đó, Quảng Trị đã có chương trình thực hiện đề án này. Sở LĐTBXH Quảng Trị đã phối hợp Tổ chức Plan Việt Nam triển khai dự án phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2019. Dự án bắt đầu triển khai vào tháng 9.2016, đến nay đã có một số hoạt động, giúp chuyển biến nhận thức người dân.
Tổ chức Plan đã hỗ trợ kinh phí để dự án thực hiện việc tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em gái dưới 18 tuổi kiến thức về Luật Hôn nhân gia đình; hỗ trợ kinh phí cho các em mua giống cây, con nuôi trồng, ổn định kinh tế. Đặc biệt, dự án xây dựng quy ước chung phòng chống kết hôn sớm. Nếu như người Vân Kiều - Pa Kô có tục phạt vạ lợn, gà, trâu, bò, dê, tiền bạc, thanh la (nhạc cụ dân tộc làm bằng đồng, rất quý hiếm - PV)... đối với những cô gái mang bầu trước khi cưới, thì quy ước dự án đưa ra là không ai đến dự đám cưới những cặp kết hôn sớm. Thôn, bản nào xảy ra tảo hôn không được xét thôn văn hóa.
Câu trả lời ngây thơ của một "bà mẹ trẻ con" khi kết hôn cận huyết thống rằng: "Vì thích chồng, chồng rất đẹp trai". Ảnh: Ngọc Vũ
Bà Loan cho biết, việc quan trọng để hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết được xóa bỏ là các cấp chính quyền, nhân dân, phương tiện truyền thông đại chúng... cần phối hợp, cùng lên tiếng nhiều hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Cần coi xóa bỏ hủ tục, bảo vệ quyền trẻ em là nhiệm vụ hàng đầu và liên tục.
Ông Lê Văn Quyền - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho rằng, các địa phương cần đưa nhiệm vụ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các mô hình điểm ở thôn bản và trường học gây hiệu ứng lan tỏa đối với các địa bàn xung quanh... Công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn cần được tổ chức thiết thực hơn như: Tập huấn xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở có năng lực, kiến thức, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào để phục vụ tốt cho công tác vận động.
Lồng ghép công tác tuyên truyền vào các chương trình lễ hội của đồng bào, các buổi biểu diễn văn nghệ, hội thi kiến thức chủ đề về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản... giữa các thôn bản để thu hút số lượng người tham gia. Việc cấp phát tài liệu tuyên truyền phải đa dạng hóa loại hình, có hình ảnh và nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, có các tình huống trắc nghiệm hỏi đáp hoặc chiếu phim tuyên truyền.
Về lâu dài, theo ông Quyền, Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa xây dựng kết cấu hạ tầng; triển khai thực hiệu có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới... thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được đẩy lùi.
Bà Nguyễn Thị Ái Loan cho hay, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất lớn, trẻ sinh ra đa số bị suy dinh dưỡng, còi cọc, mắc nhiều bệnh tật... Cha mẹ còn quá trẻ, đa số là trẻ em chưa đủ 18 tuổi, kinh tế khó khăn, không có việc làm dẫn đến đói nghèo cứ đeo bám qua nhiều thế hệ, con cái không được quan tâm, chậm phát triển về thể chất và trí tuệ. Nghèo đói, bệnh tật của mỗi hộ gia đình tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.
Theo Danviet
Từ những tin nhắn "vợ chồng", cô bé 15 tuổi phải làm mẹ đơn thân Mông sinh con non tháng nên con bị suy dinh dưỡng nặng. Hai tháng sau sinh, Mông đã phải xách cuốc lên nương hì hục cả ngày, để con nhỏ cho em gái út 7 tuổi trông coi... Những cuộc tình oan trái, hệ lụy đáng tiếc của hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang ngày ngày diễn ra,...