Trời rét, bỗng dưng đau vùng kín, nam giới nghĩ ngay đến bệnh tối cấp cứu
Thiếu niên 16 tuổi đang ngủ thì đột ngột bị đau tức bìu trái, cơn đau liên tục, dữ dội.
Cậu được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn, cần được mổ cấp cứu ngay để tránh “hạt ngọc” bị hoại tử.
Trong 2 tuần gần đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận đến 5 trường hợp bị xoắn tinh hoàn, trong đó có 2 ca do nhập viện muộn nên bác sĩ buộc phải cắt tinh hoàn.
Trường hợp của Vinh (tên nhân vật đã được thay đổi, 16 tuổi, Hà Nội) may mắn đến viện trong thời gian “vàng”.
Theo đó, khoảng 6h cậu đang ngủ thì đột ngột bị đau tức bìu trái. Cơn đau diễn biến liên tục, dữ dội khiến em không thể ăn uống và đi học được. Vô cùng lo lắng, gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 2.
Xoắn tinh hoàn là một tình trạng tối cấp cứu trong nam khoa (Ảnh: B.V).
Tại đây, cậu được bác sĩ nam khoa thăm khám và chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái giờ thứ 4. Bệnh nhân có các triệu chứng đặc trưng như khởi phát đột ngột, tinh hoàn trái nằm ngang và treo cao, ấn đau chói, giảm phản xạ cơ bìu trái.
Kết quả siêu âm tinh hoàn cho thấy thừng tinh trái tăng kích thước kèm hình ảnh “xoáy nước” rất đặc trưng của căn bệnh nguy hiểm này.
Trước tình trạng tối cấp cứu của bệnh xoắn tinh hoàn, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 1 để phẫu thuật cấp cứu. Cùng với đó, ekip trực cấp cứu và phòng mổ cũng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng nhằm tranh thủ thời gian “vàng” giữ lại tinh hoàn cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, nhận thấy tinh hoàn sưng nề, xanh tím, xoắn 1,5 vòng, các bác sĩ quyết định tháo xoắn, ủ ấm tinh hoàn, phong bế thừng tinh bằng lidocain. May mắn thay, sau 10 phút tinh hoàn trái đã hồng ấm trở lại và được cố định vào khoang bìu cùng với tinh hoàn bên còn lại.
Video đang HOT
ThS.BS Trần Văn Kiên, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người trẻ tuổi (89% dưới 25 tuổi). Bệnh thường khởi phát khi ngủ, lúc hoạt động gắng sức hay khi thời tiết trở lạnh dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt.
Một số yếu tố nguy cơ của xoắn tinh hoàn là tuổi trước hoặc trong dậy thì, di truyền, tinh hoàn hình con lắc chuông, thừng tinh dài…
Thời tiết lạnh cũng là một yếu tố nguy cơ khiến tinh hoàn dễ bị xoắn hơn. Theo các báo cáo của một số tác giả, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Lý do vì điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.
Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các dấu hiệu như đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, bìu sưng to và đau, đau có thể lan lên phía trên, tinh hoàn bị xoắn treo cao hơn bên đối diện. Đôi khi đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn.
Theo BS Kiên, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh là mức độ xoắn và thời gian xoắn. Mức độ xoắn ảnh hưởng đến tốc độ bị phá hủy của tinh hoàn, xoắn càng chặt thì tinh hoàn càng thiếu máu nhiều và dễ bị hoại tử sớm hơn.
Thời gian vàng để cứu được tinh hoàn là trước 6 giờ kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Sau 24 giờ, gần như tất cả tinh hoàn xoắn đều hoại tử.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý tối cấp cứu, nếu không xử lý sớm thì nguy cơ cao phải cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng một phần tới khả năng sinh sản của nam giới. Ngoài ra, nó có thể ảnh hưởng tâm lý, khiến nam giới mất tự tin sau này khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn, rối loạn cương dương…
Vì thế, khi xuất hiện đau tinh hoàn, đặc biệt khi có dấu hiệu đau vùng bìu, cần nghĩ ngay đến tình trạng xoắn tinh hoàn và nhanh chóng tới cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
Nam giới dễ bị sỏi tiết niệu do ăn uống?
Nhiều người thắc mắc không hiểu do chế độ ăn uống hay sinh hoạt mà siêu âm kiểm tra và thậm chí nhập viện cấp cứu do bị sỏi ở nhiều bộ phận cơ thể.
Thường gặp là sỏi thận, sỏi bàng quang, có người viên sỏi khổng lồ làm ảnh hưởng sức khỏe.
Viên sỏi khổng lồ trong bàng quang một bệnh nhân, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ phẫu thuật lấy ra - Ảnh: T.LŨY
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lộc - trưởng khoa ngoại thận, tiết niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, ngày nay các bệnh lý sỏi đường tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về niệu khoa.
Do Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ với bệnh lý sỏi. Theo số liệu thống kê, có khoảng 10-14% người Việt có sỏi đường tiết niệu.
Theo các thống kê cho thấy tỉ lệ mắc sỏi đường tiết niệu ở nam giới cao gấp 2-3 lần so với nữ giới, thường ở người trưởng thành, đặc biệt là người lao động làm việc trong môi trường nóng nhiều.
"Thực tế điều trị chúng tôi nhận thấy nhiều người có triệu chứng như đau lưng, tiểu gắt nhưng ngại đi khám bệnh và tự mua thuốc uống, lâu ngày dẫn đến biến chứng nặng hơn.
Khi đến bệnh viện thường có nhiều biến chứng như sỏi phát triển to, nước tiểu đục, tiểu máu, thậm chí nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thận chướng nước dẫn đến suy thận" - bác sĩ Lộc nói.
Đối với sỏi bàng quang thường là sỏi từ trên thận di chuyển xuống; một số trường hợp còn do hẹp cổ bàng quang, tăng sinh tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, đặt thông tiểu lâu ngày... làm nước tiểu lắng đọng và kết tụ tạo thành sỏi bàng quang.
Vì sao có sỏi đường tiết niệu?
Có nhiều giả thuyết cơ chế tạo sỏi đường tiết niệu, nhưng dễ nhận thấy nhất nguyên nhân gây ra sỏi là bắt đầu từ sự kết tinh, lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu.
Theo các chuyên gia, sỏi tiết niệu hình thành có thể do nước tiểu có chứa quá nhiều chất, điển hình là canxi, axit uric, cystine..., trong đó 85% số lượng sỏi hình thành bắt đầu từ sự lắng đọng canxi.
Nguyên nhân cụ thể được chỉ ra là:
- Uống không đủ nước, cơ thể không đủ nước cho thận bài tiết, nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.
- Chế độ ăn nhiều muối: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người Việt, do khẩu vị ăn khá mặn, trong đó muối và nước mắm là gia vị quen thuộc hằng ngày... Khi chúng ta ăn nhiều muối (NaCl), cơ thể phải tăng đào thải, làm tăng canxi tại ống thận, do đó sỏi calcium dễ hình thành.
- Chế độ ăn nhiều đạm: Đạm trong đồ ăn làm tăng nồng độ pH nước tiểu, tăng bài tiết calcium và lại làm giảm khả năng hấp thu citrate (chất này làm nước tiểu ít axit hơn).
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân gây sỏi tiết niệu khác như: nạp bổ sung calcium, vitamin C sai cách. Chúng ta bổ sung vi chất quá nhiều, vô tội vạ dẫn đến tình trạng cơ thể thừa chúng.
Đặc biệt đối với vitamin C, khi bổ sung thừa hoặc không đúng cách, chúng chuyển hóa thành gốc khác sẽ cạnh tranh và ức chế việc hấp thu các ion khác... Khi thận quá thừa các chất sẽ bị quá tải, sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Hậu quả của một số bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy... cũng có thể hình thành sỏi calci oxalate. Ngoài ra còn có nguyên nhân do yếu tố di truyền, người béo phì...
Có thể phòng ngừa và hạn chế sinh sỏi đường tiết niệu
Hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế sỏi đường tiết niệu, quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập thể thao vừa sức.
Nên uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2.000 - 2.500ml nước. Có thể tính theo công thức: trọng lượng cơ thể x 40 ra số ml nước nên uống trong một ngày.
Đối với chế độ làm việc, cần hạn chế làm việc trong môi trường khô, nóng thời gian quá lâu. Quá trình làm việc, lao động, học tập tuyệt đối không được nhịn tiểu thời gian dài; thường xuyên tập thể dục, vận động để tránh béo phì.
Trong ăn uống, có chế độ ăn hợp lý: Hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm giàu oxalate như đậu bắp, củ cải đường, trà, sô cô la, đậu nành; không uống nhiều nước ngọt; không ăn nhiều protid từ các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản...
Trong chế độ ăn hằng ngày hạn chế không ăn mặn. Hạn chế chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Khi có các triệu chứng đường tiết niệu như đau lưng, tiểu gắt... nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, phát hiện sớm bệnh lý sỏi đường tiết niệu cũng như các nguyên nhân để điều trị kịp thời. Không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng về sau.
Những dấu hiệu nam khoa nguy hiểm quý ông cần đi khám ngay Trong nam khoa có nhiều bệnh lý nam giới cần đi viện khám ngay tránh để lại hậu quả khôn lường. Quý ông có thể bị vỡ vật hang do quan hệ sai tư thế, sưng đau vùng bìu do bị xoắn tinh hoàn... Theo PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), nam...