Trôi nước ngày mưa
Chiều nay, trời lại mưa. Lúc đầu còn nhỏ hạt, dần dần mưa càng dày đặc. Mùa đông dường như đã đến kề cận nơi mảnh đất miền Trung này dù bây giờ chỉ mới tháng chín âm lịch. Cô bạn ngồi nhìn mưa rồi nói “thèm chè trôi nước quá”. Nghe nhắc đến chè trôi nước, tôi không thể kiềm lòng, vậy là lang thang dưới mưa để tìm bằng được một gánh hàng trôi nước nóng hổi.
Tên gọi chè trôi nước có lẽ xuất phát từ việc các viên chè được luộc trong nước sôi, khi chín sẽ nổi bồng bềnh trên mặt nước. Những viên chè to, nhỏ trông khá xinh xắn, thoang thoảng mùi thơm của gừng từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người khi trời trở lạnh.
Nguyên liệu chính làm nên chè trôi nước đơn giản, gồm bột sắn (có thể thay bột sắn bằng bột nếp), nước cốt dừa, đậu xanh và ít gừng. Theo bí quyết của người quê tôi, bột sắn làm chè tuyệt đối không bị biến màu, không có mùi chua mốc đồng thời đậu xanh phải chọn loại hạt nhỏ, vàng và thơm, căng tròn không bị lép.
Chè trôi nước gồm có lớp vỏ bằng bột sắn bao bên ngoài khối nhân làm từ đậu xanh. Bột sắn được nhào trộn thật kỹ với nước ấm cho đạt đến độ dẻo thích hợp. Một vài gia đình muốn chén chè “điệu” hơn có thể xay nhuyễn lá dứa, lấy phần nước cốt cho vào trong quá trình nhào bột để tạo màu xanh cho viên chè, cũng như mùi thơm đặc trưng của lá dứa. Tiếp theo là bắc nồi đậu xanh đã bóc vỏ lên bếp luộc chín mềm, dùng muỗng nghiền đậu dẻo mịn, sau đó để nguội rồi nắn đậu thành từng viên nhỏ. Nếu muốn vị chè thêm phong phú có thể cho một ít gia vị như muối, nấm mèo, tiêu vào đậu xanh.
Khâu tạo hình cũng khá quan trọng. Lấy một khối bột sắn ép thành miếng mỏng, cho viên đậu xanh vào giữa, túm các góc bột sao cho bột có thể bao kín phần nhân phía trong và vo thành viên tròn. Sau khi định hình, từng viên chè được thả vào luộc trong nước sôi cho đến khi chúng nổi lên mặt nước. Cuối cùng cho các viên chè vào nồi nước đường đến khi ngấm đường, thêm một ít gừng trước khi tắt bếp.
Chè trôi nước ngon hơn nếu có thêm nước cốt dừa. Chọn dừa khô, cơm dày, nạo vắt lấy nước cốt. Cho phần nước dừa cô đặc vào chảo cùng với một ít đường nấu cho đến khi sệt lại. Trong quá trình nấu, vặn lửa nhỏ và khuấy đều. Độ đặc và độ ngọt của nước cốt dừa tùy thuộc vào người ăn.
Qua mấy trận gió chuyển mùa, đâu đó bên vỉa hè những gánh chè trôi nước mọc lên nhiều hơn. Chỉ cần thấy chị bán chè múc một vá nóng hổi cho vào chén nhỏ rồi rắc lên một ít mè thơm là đã muốn ghé vào thưởng thức…
Phan Thị Thanh Ly
Video đang HOT
Theo thanh niên
Bánh cam, xôi chiên và trôi nước
Gạo nếp là nguyên liệu quan trọng để chế biến nên những món ăn bình dị nhưng rất ngon miệng.
Ngoài việc là nguyên liệu chính để nấu nên các món xôi ngon, người ta còn chế biến ra rất nhiều món ăn làm từ hạt nếp như: bánh ít, bánh cam, các món chè.... Dưới đây là 3 món ngon làm từ nếp được ưa thích ở Sài Gòn:
Bánh cam
Chẳng hiểu bánh cam có từ bao giờ, nhưng nhìn kỹ nó giống bánh trôi, chỉ là không nấu thành chè mà rán giòn từng chiếc. Chiếc bánh đơn sơ và giản dị đấy gắn liền với ký ức một thời của biết bao nhiêu người. Làm sao có thể quên được hình ảnh các cô, các bà với mâm bánh cam đi khắp các ngõ xóm cùng tiếng rao thân thương: "Ai ăn bánh cam không?".
Được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nên bánh không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Để vỏ bánh ngon hơn, người ta còn cho thêm ít khoai lang vào trong phần bột pha chế. Bột được nhồi dẻo, mềm để làm vỏ bánh, chia thành từng viên tròn nhỏ và nắn dẹt, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi vo tròn lại, sau đó lăn qua vừng cho vừng bám đều bên ngoài rồi đem chiên.
Sau khi chiên xong, bánh để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp mật. Mật ở đây được làm từ đường cát nấu với nước sôi theo một tỷ lệ nhất định để mật có độ dẻo, trong và vị ngọt thanh. Mật khi rưới lên bánh sẽ có màu vàng óng, trong suốt và khô bề mặt. Chiếc bánh ngon có vỏ giòn, lớp mật bên ngoài không quá dẻo để dính sang các bánh khác.
Chiếc bánh cam được chiên vàng rượm, óng ánh của mật, khi cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong, cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên cái vị khó quên.
Muốn ăn bánh cam, bạn có thể tìm mua trong các ngôi chợ nhỏ ở Sài Gòn hoặc may mắn lắm là ở các xe bán rong trên các con hẻm, công viên... Mỗi chiếc bánh có giá 4.000 đồng.
Xôi chiên
Xôi chiên từ lâu đã trở thành món ăn vặt yêu thích của người Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ. Không biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu và bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết rằng cách đây khoảng gần 10 năm những chiếc bánh xôi chiên vàng ươm, giòn rụm được để trong tủ kính nơi góc đường hay hè phố trở thành một hình ảnh quen thuộc với người đi đường.
Mỗi chiếc bánh chỉ có vài ngàn đồng, nhưng các công đoạn làm không hề đơn giản. Đầu tiên người nấu chọn loại nếp ngon, vo thật kỹ rồi cho vào nồi nấu. Khi xôi gần chín thì rưới nước dừa để xôi vừa mềm và thơm. Một bánh xôi đạt yêu cầu khi có màu trắng, hạt nếp tròn đều, mềm và dẻo...
Bánh xôi chiên chín được vớt ra để lên giá cho ráo dầu. Bí quyết để món này ngon là người bán bao giờ cũng chiên vàng hết một mặt mới trở sang mặt bên kia. Nhân thịt thường được làm từ nấm mèo, củ sắn, thịt lợn băm nhỏ, trộn chung với nhau cùng các gia vị muối, đường, tiêu, củ hành... rồi đem xào chín. Khi ăn, tùy theo yêu cầu của người mua, người bán có thể cho thêm chà bông (ruốc) và tương ớt.
Đặc biệt, ăn bánh xôi chiên khi còn nóng mới cảm nhận được hết cái giòn rụm của xôi chiên. Vì thế, vào những ngày mưa, các hàng xôi chiên thường rất đông khách. Ở TP HCM hiện nay, người bán xôi chiên không còn nhiều như trước đây, tuy nhiên bạn có thể đến các địa chỉ như khu chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), chợ Trần Hữu Trang (quận 3).
Chè trôi nước
Chè trôi nước là loại chè viên tròn làm bằng bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo. Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người bán.
Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa. Người ta hấp chín đậu, tán nhuyễn với một lượng đường vừa phải để nhân không quá ngọt, không quá ướt.
Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Nấu chừng hai mươi phút là những viên chè chín, nổi lên trên mặt nước và đượm vị ngọt của đường.
Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên. Cắn một miếng bột, sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi bùi của nhân đậu. Húp một muỗng nước để cảm nhận vị ngọt ngào của đường, ấm nóng của gừng, vị béo của nước cốt dừa và thơm lừng của những hạt vừng bé nhỏ lan trên đầu lưỡi.
Bạn có thể thưởng thức món chè trôi nước thơm ngon này trong chợ Bàn Cờ (quận 3), trước cổng công viên Tao Đàn (quận 1), góc đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ (quận 5)... Chè trôi nước có giá khá rẻ với 5.000 đồng cho một chén chè có hai viên.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
[Chế biến] - Bánh củ cải đường Các cụ ta vẫn thường nói "Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng, một năm bốn mùa đảm bảo an khang". Củ cải rất tốt cho hệ hô hấp, họng, huyết áp, da... Ngoài làm rau, loại củ này còn làm bánh cực ngon. Bánh củ cải vốn được biết đến là món ăn của người Triều Châu tiễn ông Táo...