Trời mưa ăn cháo cóc
Trời mưa cóc nhái chết sầu
Ểnh ương đi cưới nhái bầu không ưng
Chàng hiu đứng dựa sau lưng
Khều khều móc móc cứ ưng cho rồi
Sau cơn mưa, cóc thường xuất hiện trong các vườn cây quanh nhà – Ảnh: Công Hân
Đó là những câu ca dao bọn trẻ chúng tôi ngày xưa thường cất lên mỗi khi trời mưa xuống. Trời sa mưa, các loài ếch, nhái, cóc, ểnh ương không biết ở đâu lại xuất hiện rất nhiều. Chúng kêu inh ỏi, làm vang động cả không gian tĩnh mịch của một làng quê yên ả.
Khi đó, chúng tôi thường đi theo đàn anh soi nhái. Gọi là soi nhái chứ gặp cóc cũng bắt, gặp ếch càng hay. Mỗi lần đi soi về lại bứt lá chuối khô buộc ếch lại, đem đi rọng đợi sáng mai ra chợ bán, lấy tiền mua gạo ăn. Số cóc còn lại, coi như là chiến lợi phẩm, đem nấu cháo.
Cóc đem ra sau hè, chặt đầu, lột da, sau đó rửa sạch đem bằm. Đợi khi nồi cháo sôi nhừ thì để thịt cóc bằm vào, nêm nếm, cho thêm một ít hành, rồi phi tỏi mỡ. Ôi, cái mùi tỏi mỡ, nó thơm ơi là thơm.
Cháo cóc. Ảnh internet
Video đang HOT
Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy biết gì là ẩm thực, chỉ biết chân không lội bùn đất đi soi, trên đầu thì mưa lất phất. Thỉnh thoảng một làn gió ùa về làm lạnh tê cả người. Tiếng chó sủa xa xa sao mà hiu hắt nên được ăn một vài chén cháo đêm khuya trong đó có công sức của mình thì thú vị vô cùng. Nhớ có lần, vì buồn ngủ, rồi hoa mắt, miệng bảo khẽ mọi người yên lặng, đi nhón chân, dùng chĩa đâm một cái xực, rồi reo lên bảo là trúng ếch bự rồi. Xem lại, hóa ra là cục đất, liền cho là ma nhát, cả bọn chạy có cờ.
Khi nồi cháo chín, lót lá chuối khô dưới sàn nhà. Mọi người quây quần bên nồi cháo, mùi cháo xông lên thơm nức mũi. Mỗi người một chén, rắc ít tiêu vào, thổi qua vài cái, húp nghe sồn sột, không cần dùng muỗng. Vị cháo ngọt lịm, thơm phức càng thôi thúc bao tử hơn. Ăn xong chén này múc thêm chén khác, đến khi cạn đáy nồi thì thôi. Mồ hôi bắt đầu tươm ra, đưa tay áo quệt ngang, bước ra ngoài cho mát. Những người lớn còn ngồi lại với nhau uống thêm vài ly đế, cao hứng cất lên vài câu vọng cổ. Vị cháo ngọt ngào làm cho giọng ca càng thêm mùi mẫn hơn.
Xa quê đã bao năm rồi, tôi không còn được ăn cháo cóc nữa, nhưng cái mùi thơm của cháo dường như vẫn còn lẩn quẩn quanh tôi. Nó giúp tôi nhớ quê hương bản quán. Ở đó, tuổi thơ của tôi trải dài với tiếng ếch, nhái kêu inh ỏi, trải dài với những đồng lúa bao la…
Theo ihay
Cuối tuần đi ăn cháo cá ở ngoại ô Sài Gòn
Cháo cá miền Tây đơn giản với rau xanh, cá lóc, cháo... rất dân dã, bình dị mang đậm chất Nam bộ.
Món ăn này rất phổ biến ở Sài Gòn. Khu vực tập trung nhiều và nổi tiếng nhất là trên đường Nguyễn Văn Bá (quận Thủ Đức). Khu vực này được mệnh danh như là khu phố cháo cá với rất nhiều hàng quán chuyên bán món ăn đậm chất Nam Bộ này.
Cá lóc là thành phần chính làm nên món ăn nổi tiếng của đất Nam bộ. Ảnh: Khánh Hòa.
Những quán cháo cá ở đây thường mở cửa từ buổi trưa cho đến khuya và không khi nào vắng khách. Vào những ngày cuối tuần, tạm tránh xa cái đông đúc chật chội và đầy tiếng ồn của nội thành, từng nhóm bạn bè, gia đình thường đến đây để được thưởng thức món ăn bình dị. Người đi đường thường bắt gặp hàng dài những chiếc xế hộp, xe máy mang biển số nội thành đậu kín mít trước các hàng cháo cá ở đây vào mỗi dịp cuối tuần.
Đến đây, vào bất cứ hàng quán nào bạn cũng được phục vụ món cháo cá thơm ngon đúng vị. Cháo cá miền Tây là tên gọi chung của món ăn này, có rất nhiều cách chế biến và hương vị khác nhau như: cháo cá lóc rau mồng tơi, cháo cá lóc rau đắng hay cháo cá lóc cải xanh....
Rau đắng là một trong những thành phần không thể thiếu khi thưởng thức món cháo cá miền Tây. Ảnh: Khánh Hòa.
Cháo cá miền Tây có cách chế biến và thưởng thức không khác gì món lẩu. Cá lóc làm thật sạch, luộc chín sơ. Nước luộc cá dùng nấu cháo để lấy vị ngọt. Cháo được hầm nhừ với đậu xanh, cho cá vào lại trong nồi cháo cùng nấm rơm, hành lá... Gia vị không thể thiếu trong nồi cháo là tiêu đen, cái vị cay nồng của tiêu làm tăng thêm hương vị cho món ăn này.
Ăn món này không thể thiếu đĩa rau xanh với các loại rau như: cải xanh, mồng tơi, rau đắng, cải cúc... Một nồi cháo được đặt giữa bàn, xung quanh là nước chấm và đĩa rau tươi, khi nồi cháo chín sôi ùng ục, ngắt ít rau xanh cho vào nồi, múc ra chén và thưởng thức. Chén cháo cá nghi ngút khói thật hấp dẫn, đưa lên mũi hít hà để cảm nhận cái hương vị đậm đà của món ăn đang thấm đẫm vào từng giác quan.
Bát cháo là sự pha trộn nhiều màu sắc rất hài hòa và thơm ngon. Ảnh: Khánh Hòa.
Có thề dùng kèm món nước mắm ngon và ớt tươi để chấm cá, giúp tăng thêm vị ngon ngọt của miếng thịt cá lóc và hương thơm ngon từ các loại rau. Từng thớ thịt cá mềm thơm rất vừa miệng, bên cạnh đó là nấm rơm thơm ngọt, cái vị đắng của rau đắng hay thanh mát của rau mồng tơi hòa trong cay nồng của tiêu... làm cho thực khách phải toát mồ hôi khi thưởng thức nhưng vẫn thấy đã.
Ngoài món cháo cá ngon miệng, trong thực đơn của các hàng quán ở đây không thiếu những món ăn thơm ngon khác như: cá lóc nướng trui, tôm nướng, mực nướng, gỏi.... với mức giá từ khoảng 40.000 đồng cho một món ăn. Riêng cháo cá thường có giá từ 100.000 đồng tùy vào số lượng người ăn.
Khánh Hòa
Theo VNE
Cháo thập cẩm Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó thông tin, khi con người ta phát minh ra đồng hồ, từ đồng hồ đo bằng bóng nắng của mặt trời, đến đồng hồ cát, rồi đồng hồ cơ khí vặn dây cót, đồng hồ quả lắc và cuối cùng là đồng hồ điện tử, thì được coi như tuyệt đỉnh của phát minh về đồng...