Trời hanh khô trẻ dễ viêm đường hô hấp, không tự ý dùng kháng sinh
Bệnh lý hô hấp là bệnh rất phổ biến, nhất là ở nước ta hiện nay do đặc điểm khí hậu, ô nhiễm môi trường…
Ảnh minh họa
Hỏi: Thời tiết này, nhiều trẻ quanh khu vực nhà tôi mắc viêm họng, viêm phế quản. Tôi thấy các cha mẹ tự mua kháng sinh về cho con uống liệu có chữa được bệnh? Mong bác sĩ tư vấn.
Hoàng Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội)
Video đang HOT
Trả lời:
Bệnh lý hô hấp là bệnh rất phổ biến, nhất là ở nước ta hiện nay do đặc điểm khí hậu, ô nhiễm môi trường… Ở Việt Nam, trẻ thường bị từ 4-6 lần bệnh lý hô hấp/năm như viêm tai, mũi, họng. Họng là vùng cửa ngõ tiếp xúc trực tiếp với virus, vi khuẩn, trong khi trẻ non nớt do sức đề kháng yếu lại bị tác nhân tấn công liên tục nên dễ nhiễm bệnh. Bụi mịn, không khí đậm đặc, thời tiết hanh khô… nên nguy cơ trẻ mắc bệnh cao. Biểu hiện sớm là viêm long đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, ho, chảy mũi trong, hơi đau đầu, quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn… Lúc đầu ho khan, ho đờm, tiến triển dần. Đây là dấu hiệu khởi điểm hay gặp.
Viêm phế quản là bệnh đường hô hấp dưới, do bệnh đường hô hấp trên tiến triển nặng hơn, biểu hiện là ho nhiều khò khè, khó thở…
Tuy nhiên, cần phân biệt nguyên nhân gây bệnh khác nhau để có cách xử trí khác nhau, nếu do virus, bệnh có thể tự khỏi sau 2-3 ngày và 80% bệnh do virus gây nên; chỉ 20% do vi khuẩn, mới cần dùng đến kháng sinh điều trị. Việc điều trị là do bác sĩ quyết định, cha mẹ không tự ý mua kháng sinh về cho trẻ dùng.Nếu trẻ chỉ ho, cảm lạnh chỉ cần dùng đông y, thảo dược để dịu họng, mát họng, không có tác dụng phụ, cho trẻ ăn đồ lỏng, nhiều nước giúp hấp thu tốt làm lỏng đờm, vỗ long đờm… Còn khi trẻ sốt cao liên tục, khám có nhiễm khuẩn, họng có mủ, bỏ ăn, li bì khó đánh thức… cần cho trẻ nhập viện để bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị kháng sinh.
PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội
Theo baogiaothong
Bệnh lý hô hấp đang ngày càng gia tăng
Cùng với sự gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm do khói thuốc lá, tình trạng kháng kháng sinh nên tỷ lệ mắc bệnh lý hô hấp tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, gây nhiều khó khăn cho công tác chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân
Đó là những chia sẻ của GS, TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam tại Hội nghị Hô hấp châu Á - Thái Bình Dương (APSR) vừa được khai mạc chiều tối nay, 14-11 tại Hà Nội.
GS Ngô Quý Châu cho biết, trong các bệnh lý về hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ khoảng 4-5% người trên 40 tuổi. Bệnh khởi phát chủ yếu là do hút thuốc lá, thuốc lào chủ động đến bị động; hút thuốc lá điện tử; ô nhiễm không khí; ô nhiễm khí độc hại khác liên quan đến nghề nghiệp đặc thù; lao phổi; nhiễm trùng từ sơ sinh...
Theo PGS, TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viêm đường hô hấp là căn bệnh rất phổ biến và thường gặp. Đặc biệt, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, thời tiết hay thay đổi, kèm theo ô nhiễm môi trường do sự phát triển công nghiệp, dẫn tới tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp ngày càng tăng. Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm, mỗi trẻ mắc từ 5-7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Đáng nói, nhiễm khuẩn hô hấp có tỷ lệ mắc và tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi cao nhất trong các bệnh lý ở trẻ em Việt Nam.
"Chúng tôi có kết hợp với Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Nhi Trung ương nghiên cứu về tần suất nhập viện của bệnh hô hấp, bệnh tim mạch tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, trong những đợt ô nhiễm không khí cao điểm, tần suất nhập viện tăng lên. Như vậy, có mối liên quan giữa bệnh hô hấp với ô nhiễm không khí, với thời tiết giao mùa", BS Giáp cho biết.
Với việc ban hành các hướng dẫn điều trị, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong quản lý và điều trị các bệnh về hô hấp. Hiện nay, các kỹ thuật thăm dò chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành hô hấp đã được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nhanh chóng như nội soi phế quản ống mềm, nội soi lồng ngực, nội soi phế quản ảo, sinh thiết xuyên vách phế quản dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang... góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Tại Hội nghị Hô hấp châu Á - Thái Bình Dương (APSR) lần này, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về hô hấp sẽ cập nhật các kiến thức liên quan đến y học hô hấp lâm sàng, sinh học tế bào và phân tử, dị ứng lâm sàng và miễn dịch học, sức khỏe môi trường và nghề nghiệp và dịch tễ học, nhiễm trùng hô hấp (không lao), lao phổi, COPD, ung thư phổi, hen, sinh học hô hấp và giấc ngủ, hồi sức cấp cứu, nội soi phế quản và kỹ thuật can thiệp, bệnh phổi nhi, cấu trúc và chức năng hô hấp, lưu thông phổi, bệnh phổi kẽ... giúp cho các bác sĩ Việt Nam có phương pháp tiếp cận mới trong lĩnh vực hô hấp.
Hội nghị được tổ chức dưới sự phối hợp của Hội Hô hấp châu Á - Thái Bình Dương và Hội Hô hấp Việt Nam và đã trở thành sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc tế với nhiều chủ đề thực tiễn như: rối loạn hô hấp khi ngủ, COPD, hen, ung thư, suy hô hấp cấp tính và mãn tính, phổi kẽ, viêm phổi... Với chủ đề "Chia sẻ những kiến thức mới và phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực hô hấp", Hội nghị APSR 2019 diễn ra trong bốn ngày (từ 14 đến 17-11), thu hút hơn hai nghìn đại biểu đăng ký tham dự; 82 diễn giả với 118 bài giảng; 520 báo cáo viên với gần 250 bài cáo cáo miệng và hơn 400 báo cáo áp phích.
LÂM TRẦN
Theo Nhân dân
Triệu chứng dễ bỏ qua khiến 2 phụ nữ Hà Nội tử vong do viêm cơ tim Cả 2 nữ bệnh nhân đều có tiền sử khoẻ mạnh nhưng đã bỏ qua những dấu hiệu báo trước bệnh viêm cơ tim, dẫn đến nhập viện khi đã quá muộn. Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho biết, ngay khi có thông tin về 2 trường hợp tử vong liên tiếp do virus lạ gây viêm...