Trở về từ Gạc Ma: Không thể thờ ơ
25 năm đã trôi qua nhưng sự quan tâm đối với những người lính xả thân ở Trường Sa ngày 14/3/1988 vẫn chưa hề tương xứng. Làm sao lại có thể thờ ơ với những cựu binh hay gia đình liệt sĩ Trường Sa đang gặp khó khăn?
Từ khi người con trai Phan Tấn Dư hy sinh ở đảo Gạc Ma – Trường Sa, cụ Lê Thị Niệm ở với người con gái út Phan Thị Nhung ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa – Phú Yên. Đã 85 tuổi, lưng còng nhưng hằng ngày, cụ Niệm vẫn cùng con gái quần quật bên luống khoai, thửa ruộng để lo miếng ăn. “Lo nhất là đến ngày giỗ anh Dư, má bảo kiếm gì đó trong nhà bán để làm mâm cơm cúng tươm tất hơn chút nhưng đâu còn thứ gì để bán…” – chị Nhung buồn bã.
Ám ảnh trong mơ
Mỗi năm, đến ngày giỗ 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, gần 50 gia đình liệt sĩ lại đau đáu không yên vì hài cốt người thân vẫn còn nằm lại giữa trùng khơi. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm (huyện Hưng Hà – Thái Bình) là một trong 10 trường hợp may mắn tìm được hài cốt người thân qua xét nghiệm AND từ cuộc tìm kiếm và quy tập năm 2009. Bà Nguyễn Thị Dư, mẹ liệt sĩ Tâm, tâm sự: “Gia đình tôi may mắn vì một phần xương cốt của con trai hy sinh ở Gạc Ma đã được đưa về quê an táng. Tuy nhiên, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ đến giờ vẫn chưa thể tìm thấy hài cốt người thân”.
Không tìm ra hài cốt, 25 năm nay, người thân của các liệt sĩ vẫn gặp lại các anh trong những giấc mơ khắc khoải. Bà Nguyễn Thị Gái, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (xã Mê Linh, huyện Đông Hưng – Thái Bình), băn khoăn: “Cứ đến những ngày gần giỗ là tôi lại nằm mơ thấy Phương. Nó chỉ luẩn quẩn sau lưng tôi, chưa bao giờ cho mẹ thấy mặt. Chắc nó sợ nhìn thấy tôi già yếu, bệnh tật thế này. Mới đây, Phương lại “về”, đưa tay ôm mẹ từ sau lưng, tôi mừng quá quay lại thì nó đi mất…”.
Cụ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư, đã 85 tuổi nhưng hằng ngày vẫn quần quật bên luống khoai, thửa ruộng để lo miếng ăn. Ảnh: HỒNG ÁNH
Em gái liệt sĩ Phương, chị Nguyễn Thị Thoa, cũng thường gặp anh trai trong những giấc mơ. “Có lần, tôi mơ thấy anh quanh quẩn trong nhà, bảo rằng lo lắng cho bố mẹ đã già lại đau yếu, cuộc sống khó khăn. Phương bảo anh chưa thể yên lòng vì bố mẹ chưa có một chỗ dựa vững chắc khi tuổi già ập đến” – chị kể.
Video đang HOT
Gia đình liệt sĩ Phạm Hữu Doan, thuyền phó tàu HQ-604 giữ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1968 (quê Thái Thụy – Thái Bình), vừa được địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa. “Trước đây, gia đình sống trong căn nhà tồi tàn, không biết sụp đổ lúc nào. Giờ đây, có lẽ anh ấy đã được yên lòng” – em gái liệt sĩ Doan xúc động.
Chưa thể yên lòng
Đại tá – anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 trấn giữ đảo Cô Lin năm nào, cho biết cuộc sống của nhiều cựu binh Trường Sa hiện rất ngặt nghèo. “Một trong những trường hợp thương tâm nhất là Bùi Văn Thanh ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng. Cậu ấy bị vẹo cột sống nhưng gia đình quá khó khăn, không thể chạy chữa” – ông trăn trở.
Theo đại tá Lễ, một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng sự quan tâm đối với những người lính xả thân ở Trường Sa ngày 14/3/1988 là chưa hề tương xứng. Các cựu binh Trường Sa chỉ có thể giúp nhau bằng tinh thần để đồng đội vượt qua nghịch cảnh. “Giá như có một chương trình nào đó để hỗ trợ những gia đình liệt sĩ, giúp đỡ những cựu binh đã từng chiến đấu bảo vệ biển đảo giờ đang gặp khó khăn thì dù người đã hy sinh hay còn sống cũng đều cảm thấy an ủi, ấm lòng” – ông mong mỏi. Ông Võ Tá Du, chính trị viên tàu HQ-505, cũng luôn băn khoăn: “Chừng nào vẫn còn đồng đội hay gia đình liệt sĩ sống chật vật, khó khăn thì chúng tôi vẫn chưa thể yên lòng”.
Từ ngày về hưu, đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người trực tiếp chỉ huy Cụm 2 Trường Sa – trong đó có các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin năm 1988 – vẫn thường mang ba lô đi tìm lại đồng đội và gia đình các liệt sĩ để tìm cách phụ giúp những trường hợp khó khăn. “Tôi vừa được xuất viện sau chuyến tìm đồng đội ở Đắk Lắk, giờ đang vào TP Cam Ranh – Khánh Hòa thăm gia đình liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh” – ông cho biết.
Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, cho rằng không thể thờ ơ với những trường hợp cựu binh hay gia đình liệt sĩ Trường Sa đang gặp khó khăn. “Chúng tôi đã hô hào nhau góp tiền để giúp đỡ họ phần nào nhưng chẳng thấm vào đâu. Lính vốn đã nghèo, khi xuất ngũ, về hưu thì đâu có nhiều điều kiện? Giá như có được nguồn quỹ nào đó để giúp họ vượt lên những lúc khó khăn thì còn gì bằng…” – ông ao ước.
Mong một nơi tưởng niệm
Trong ngày giỗ liệt sĩ Trương Văn Thịnh (phường 9, TP Tuy Hòa – Phú Yên) mới đây, gia đình anh đã thổ lộ niềm mong mỏi bấy lâu: “Giá như chúng tôi được một lần ra thăm Trường Sa, được tận mắt thấy nơi con em mình nằm lại để thắp cho nó nén hương”. Có lẽ đó cũng là nỗi niềm chung của thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Đại tá Trần Minh Cảnh cho rằng sẽ ấm lòng biết bao đối với gia đình những liệt sĩ Trường Sa khi có một tượng đài hay bia tưởng niệm để thế hệ trẻ ngưỡng vọng và tri ân. “Đó cũng là cách nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ” – ông nhìn nhận. TP Cam Ranh hiện có một tượng đài tưởng niệm chung quân nhân Liên Xô và Việt Nam, gồm cả 64 chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Chúng ta vẫn chưa có một tượng đài riêng để tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa.
Theo đại tá Vũ Huy Lễ, nếu xây dựng tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa thì không nơi nào ý nghĩa bằng đảo Cô Lin. “Đó là nơi nhìn rõ Gạc Ma nhất, cũng là nơi nhiều chiến sĩ đã đổ máu để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” – ông cho biết.
Theo 24h
Trở về từ Gạc Ma: Vò võ nuôi con
Chồng hy sinh nơi đảo xa, một mình thui thủi nuôi con thơ, nỗi nhọc nhằn của những người vợ liệt sĩ Trường Sa như nhân đôi nhưng họ luôn gắng gượng vượt qua.
25 năm sau ngày người lính hải quân Phan Huy Sơn hy sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa, chị Trần Thị Ninh, vợ anh, chưa lúc nào thôi vất vả vì một mình thui thủi nuôi 2 con, trong đó có một người bị bệnh tâm thần.
Oằn vai người vợ trẻ
"Lúc nhỏ, con tôi đã có biểu hiện không bình thường, lớn lên bệnh càng nặng. Nó đi lang thang khắp nơi, về nhà thì thường lên cơn rồi đập phá. Không có tiền chữa trị nên bệnh nó ngày càng nặng, không biết chết sống ra sao. Mất chồng, giờ tôi lại có nguy cơ mất luôn giọt máu của anh ấy" - chị Ninh sụt sùi.
Năm 1981, chị Ninh kết hôn với chàng trai cùng quê, học cùng lớp Phan Huy Sơn. Một năm sau, anh lên đường nhập ngũ rồi được phân làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Ngày đứa con đầu lòng chào đời, anh Sơn vẫn biền biệt nơi đảo xa.
"Bao thương nhớ, hy vọng đặt lên con trai nhưng thật sự, đó là chuỗi ngày mà tôi luôn sống trong lo âu, buồn tủi. Không có chồng ở bên chia sẻ, chứng kiến con trai càng lớn càng không bình thường, tôi chỉ biết lặng lẽ khóc" - chị Ninh chua xót.
Chị Trần Thị Ninh trong lần giỗ thứ 25 của chồng, liệt sĩ Phan Huy Sơn. Ảnh: HẢI VŨ
Năm 1987, Sơn được về phép thăm nhà. Chưa hết phép, anh đã nhận được lệnh phải quay lại đơn vị gấp. Đó là lần cuối chị nhìn thấy mặt chồng, đứa con thứ hai còn trong bụng mẹ. "Tháng 3-1988, nghe đài thông báo anh Sơn cùng 63 chiến sĩ khác đã hy sinh và mất tích khi bảo vệ đảo Gạc Ma, tôi vẫn hy vọng anh trôi dạt đâu đó trên biển. Chẳng bao lâu sau, khi nhận giấy báo tử, tôi chết lặng, suy sụp rất lâu mới gượng dậy nổi" - chị Ninh nhớ lại.
Chồng hy sinh, chị Ninh một mình bươn chải nuôi nấng 2 con, bao gánh nặng cuộc sống đè oằn đôi vai người vợ góa nghèo ở quê nhà Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu - Nghệ An. "Tội nghiệp đứa con đầu, người ta nói đưa đi bệnh viện chữa trị sẽ đỡ nhưng biết đào đâu ra tiền?" - chị xót xa.
Mọi kỳ vọng giờ đây chị Ninh đều dồn lên người con thứ hai đang theo học năm thứ 2 Trường ĐH Y khoa Vinh. "Gia đình tôi giờ chỉ sống dựa vào thu nhập từ 3 sào ruộng. Đứa đầu đã vậy thì chịu thôi nhưng với con trai thứ 2, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tôi cũng ráng lo cho nó học hành nên người để hương hồn anh Sơn được an lòng" - chị tâm sự.
Không ngớt lo toan
Trong căn nhà nhỏ ở phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh - Khánh Hòa, chị Đỗ Thị Hà - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, người đã hy sinh cùng chiếc tàu HQ-604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 - 25 năm nay vẫn vò võ nuôi con.
Chị Đỗ Thị Hà bên bàn thờ chồng, liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Ảnh: KỲ NAM
Cưới nhau 27 năm, vậy mà đến 25 năm chị Hà phải làm thuê, làm mướn một mình nuôi con, cuộc sống không lúc nào ngớt lo toan. "Không có chồng bên cạnh, sự vất vả như nhân đôi. Khi bé Đinh Thị Mỹ Lệ được 2 tuổi thì tôi nghe tin anh ấy hy sinh. Nhìn đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi nén nỗi đau để gắng gượng làm thuê, làm mướn, phụ hồ kiếm sống" - chị bồi hồi.
Thời gian nhọc nhằn đằng đẵng rồi cũng trôi qua, Lệ thi đỗ vào đại học. "Lúc đó tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì thấy Lệ từng bước trưởng thành nhưng tôi lo lắm vì sợ mình yếu rồi, không đủ sức khỏe để kiếm tiền nuôi con. May mà đến năm 2007, tôi bắt đầu nhận được trợ cấp liệt sĩ. Khoản tiền tuy không lớn, chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng nhưng thật ý nghĩa trong lúc khó khăn. Cùng với khoản tiền ấy, tôi dồn sức đi giữ trẻ, làm thuê, bắt ốc, bắt sò... kiếm tiền lo cho con" - chị Hà nói.
Giờ thì Lệ đã ra trường, có công việc ổn định tại TPHCM. "Ước nguyện lớn nhất của tôi là con gái được ăn học đàng hoàng và vững bước vào đời, nay đã thành hiện thực. Dù hài cốt chồng tôi vẫn còn nằm lại nơi đảo xa nhưng tôi tin anh ấy đã ấm lòng" - chị Hà thổ lộ.
Có lẽ cũng được ấm lòng như liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh là đồng đội của anh - thiếu úy đảo phó Gạc Ma Trần Văn Phương, người lính hải quân anh hùng nổi tiếng với câu nói trước khi ngã xuống: "Thà hy sinh chứ không được để mất đảo. Hãy để máu mình tô thắm cờ Tổ quốc và truyền thống Quân chủng Hải quân". Trải qua bao nhọc nhằn, vợ anh - chị Mai Thị Hoa - cũng đã nuôi nấng người con thơ khôn lớn, trưởng thành.
Trần Thị Thủy, con gái anh Phương, giờ là cán bộ văn thư của chính Lữ đoàn 146, đơn vị mà cha cô công tác năm xưa. "Hiện nay, dù biên chế trong quân đội nhưng em chỉ là công nhân viên quốc phòng. Em chỉ mơ ước là được trở thành đồng đội của bố, được là một người lính hải quân đích thực như ông" - Thủy khát khao.
Theo 24h
Trở về từ Gạc Ma: Chưa nguôi lòng mẹ Con trai hy sinh khi làm nghĩa vụ thiêng liêng dù đau đớn nhưng họ vẫn cảm thấy tự hào. Song trong tâm khảm, họ vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi tiếc thương, nhất là khi cuộc sống gặp bộn bề khó khăn. Phường Hòa Cường, quận Hải Châu - TP Đà Nẵng có 9 chiến sĩ tham gia trận hải chiến ngày...