Trở về sau 17 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
17 năm không tin tức, người thân gần như hết hy vọng tìm thấy, cô gái 15 tuổi ngày xưa- nay đã là mẹ của 6 đứa con- đột ngột tìm về…
Hơn 10 ngày kể từ khi chị Hồ Thị Hái (SN 1982, ngụ thôn 3, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, dân tộc Bhnoong) bị kẻ gian lừa bán sang Trung Quốc trở về, ngôi nhà nhỏ luôn chật kín người kéo đến hỏi thăm.
Bị lừa bán
Dáng người thấp đậm, nước da trắng, tóc duỗi gọn gàng, gương mặt hiền lành, chị Hái vừa tiếp chúng tôi vừa nghe điện thoại của người thân ở Trung Quốc gọi về. 17 năm xa quê hương, chị không còn nói sõi tiếng Việt, quên cả tiếng của đồng bào mình, thay vào đó là tiếng Trung rất thạo.
Năm 1997, khi vừa tròn 15 tuổi, chị Hái được một người tên Lương, sống gần nhà, giới thiệu gặp một phụ nữ miền Bắc, nói rằng đến Đà Nẵng làm việc với thu nhập cao. Không chút nghi ngờ, chị khăn gói lên đường với mong ước kiếm tiền về lo cho gia đình.
Chị Hái kể lại câu chuyện 17 năm sống nơi đất khách quê người
Sau khi được đưa đến Đà Nẵng, chị Hái cùng người phụ nữ tiếp tục đi tàu ra Hà Nội rồi ngồi xe khách đến một nơi rất xa (sau này chị mới biết đó là tỉnh Lạng Sơn). “Họ dẫn tôi đi bộ thêm 2 ngày trong rừng sâu mới đến biên giới Trung Quốc. Lúc này, tôi nghi ngờ, định bỏ trốn nhưng không dám vì lúc nào cũng có 2 gã thanh niên lực lưỡng theo sát. Khi đưa tôi đến Trung Quốc, người phụ nữ kia đánh đập, không cho ăn uống, nói tôi đã bị người khác bán cho họ. Nếu không đồng ý lấy người đàn ông hơn tôi mười mấy tuổi, họ sẽ bán tôi vào nhà chứa. Quá sợ hãi, tôi đành chấp nhận lấy chồng Trung Quốc” – chị Hái kể.
Chị được người đàn ông ở TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc mua về làm vợ. May mắn cho chị, người chồng (năm nay 47 tuổi – PV) đối xử rất tốt, làm thủ tục cưới xin đàng hoàng. 17 năm làm vợ, chị Hái có với chồng 5 con gái và 1 con trai. “Gia đình nhà chồng và chồng hiểu được hoàn cảnh của tôi nên không đánh đập, nhiều lần còn động viên tôi tìm về thăm để báo tin cho gia đình ở Việt Nam” – chị Hái kể.
Hội ngộ đẫm nước mắt
Suốt thời gian sống nơi đất khách quê người, lúc nào trong chị cũng đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ quê nhưng mãi đến nay mới có thể trở về. “Tôi qua Trung Quốc trái phép nên không có giấy tờ tùy thân. Cũng có nhiều người hứa đưa về nhưng sợ bị lừa bán thêm lần nữa nên tôi không dám đi. Đầu năm 2014, tôi gặp một người hàng xóm bên Trung Quốc, nhờ họ giúp đỡ mới mạnh dạn tìm về. Khi đi, chồng tôi dặn dò nhiều thứ, cho tôi 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 30 triệu đồng) để cùng với người hàng xóm vượt biên trái phép về Việt Nam” – chị Hái kể tiếp.
Video đang HOT
Ngày 19-2, chị Hái bắt đầu cuộc hành trình vượt biên về nước. Chị bắt xe khách từ Quảng Tây về tỉnh Lạng Sơn, sau đó đón xe về Thanh Hóa. Nghỉ lại đây một đêm, chị lên mạng tìm kiếm địa chỉ, đường đi của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (chị Hái không biết đã tách tỉnh – PV) nhưng không được. May mắn, chị còn nhớ tên xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn nên thông qua một số người Việt Nam, chị xin được số điện thoại của UBND xã Phước Mỹ. Đến ngày 23-2, chị về đến huyện Phước Sơn.
“Khi tôi gọi vào số điện thoại của xã cũng là lúc Hồ Văn Hồi, Bí thư Đoàn xã Phước Mỹ, em rể của tôi, nhấc máy. Hồi chỉ đường cho tôi rồi thông báo cho gia đình. Quãng đường từ Thanh Hóa về nhà, tôi thấy sao xa quá, đi mãi vẫn không đến nơi. Khi tôi về đến trung tâm huyện Phước Sơn, cả gia đình ra đón, ai cũng khóc” – chị nhớ lại.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hồ Thị Mang, mẹ chị Hái, cho biết 17 năm con gái mất tích là ngần ấy thời gian gia đình bà vất vả tìm kiếm khắp nơi, có lúc tuyệt vọng cứ nghĩ con gái đã chết. “Đi tìm con không được, mình nghĩ nó chết rồi, mình thương, mình nhớ nó lắm. Giờ nó về, mình vui quá. Mấy đêm nay mình đâu có ngủ, chỉ nói chuyện với nó suốt thôi. Mình chỉ mong nó ở nhà với mình luôn, đừng đi nữa” – bà Mang bộc bạch.
Sẽ điều tra hành vi buôn bán người
Chị Hái cho biết sẽ ở lại với gia đình một thời gian rồi sau đó quay về Trung Quốc. Tuy nhiên, do chị không có giấy tờ tùy thân nên không thể làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc. “Tôi chỉ mong có giấy tờ tùy thân để về thăm chồng con rồi đưa họ sang Việt Nam thăm nhà, chứ cảnh trốn chui nhủi, vượt biên trái phép rất sợ” – chị Hái nói. Ông Hồ Văn Khiết, Phó Công an xã Phước Mỹ, cho biết hiện tại xã đang hướng dẫn chị Hái làm giấy tờ tùy thân để sau này có thể nhập cảnh hợp pháp vào Trung Quốc. Theo ông, công an địa phương đang điều tra về hành vi buôn bán người đối với trường hợp của chị Hái.
Theo Người Lao Động
Tìm về nhà sau 17 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
Sau 17 năm mất tích do bị lừa bán sang Trung Quốc, một phụ nữ trú tại tỉnh Quảng Nam đã tìm đường về nhà trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Chị Hồ Thị Hái tìm đường về nhà sau 17 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
Gia đình chị Hồ Thị Hái (33 tuổi, người dân tộc Bhnoong, tại thôn 3, xã Phước Mỹ, H.Phước Sơn, Quảng Nam) đã trình báo việc chị trở về sau nhiều năm mất tích với cơ quan chức năng, đại tá Đào Quang, Trưởng Công an H.Phước Sơn (Quảng Nam) xác nhận thông tin này vào ngày 5.3.
Theo đại tá Quang, chị Hái đã mất tích 17 năm qua và được xác định là bị lừa bán sang Trung Quốc bởi một người phụ nữ trú tại tỉnh Thái Nguyên.
Chị Hái (người đứng) tâm sự với mẹ sau nhiều năm lưu lạc
Bị bán làm vợ người Trung Quốc
Kể lại hành trình bị lừa bán, chị Hái cho biết, năm 1997, chị được một người phụ nữ trạc 40 tuổi tìm đến tận nhà rủ ra biên giới phía bắc làm việc với hứa hẹn lương cao.
Gật đầu đồng ý, chị Hái từ biệt quê nhà rồi đón xe xuống TP.Đà Nẵng để đi tàu ra Hà Nội. Tiếp đó, chị cùng những kẻ lừa đảo khi ấy đi xe khách lên tỉnh Lạng Sơn rồi đi bộ vào rừng, đến vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc sau tổng cộng 7 ngày đi đường.
Sau bao nhiêu năm xa cách, chị Hái (phải) đã trở về đoàn tụ với gia đình - Ảnh: Trọng Ý
Theo lời chị Hái, khi bị dẫn vào rừng sâu chị mới biết mình bị lừa nên có ý định bỏ trốn. Tuy nhiên, do bị cầm chân bởi 2 người đàn ông và không biết đường nên chị buộc phải vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
"Khi sang bên kia biên giới trời đã tối, người phụ nữ dẫn tôi đi nói rằng, một là lấy một người đàn ông nhiều tuổi hơn làm chồng hoặc phải vào nhà chứa làm gái bán dâm...", chị Hái kể.
Mặc dù rất sợ nhưng không còn cách nào khác, chị Hái phải chấp nhận lấy một người đàn ông Trung Quốc làm chồng tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Làm dâu nơi đất khách quê người suốt 17 năm qua, chị đã có 6 đứa con chung với một người đàn ông Trung Quốc.
"Đầu năm 2014, tôi tình cờ gặp được người quen ở Việt Nam tại Trung Quốc nên mới có ý định tìm về nhà. Khi đi, tôi được chồng cho 10.000 nhân dân tệ để có tiền về Việt Nam", chị Hái nói.
Cơ quan chức năng khó xử
Những ngày này, căn nhà bà Mang, mẹ chị Hái, luôn đông người tìm đến thăm hỏi, chia sẻ niềm vui vì sự trở về bất ngờ của chị Hái.
Bà Hồ Thị Mang (70 tuổi) rưng rưng nước mắt: "17 năm qua, cả nhà tôi đi tìm Hái khắp nơi nhưng không có tung tích gì. Tôi nghĩ là con đã chết và sẽ không bao giờ gặp lại Hái nữa. Nó trở về, tôi mừng lắm...!".
Được đoàn viên bên người thân sau bao năm xa cách, chị Hái mừng khôn xiết, thế nhưng trong chị lại thêm nỗi lo vì nghĩ về gia đình của mình ở Trung Quốc.
Do không có giấy tờ tùy thân nên chị Hái không thể làm được thủ tục xuất cảnh.
"Vượt biên trái phép, tôi sợ lắm. Tôi chỉ mong có thể làm được giấy tờ để sang lại với chồng, con", chị Hái chia sẻ.
Đại tá Đào Quang cho biết thêm, do sự việc xảy ra cách đây đã lâu và người phụ nữ lừa bán chị Hái ở ngoài tỉnh nên rất khó xử lý vụ việc. Ngoài ra, hiện chị Hái đã có gia đình tại Trung Quốc cùng với việc gia đình chị không tố cáo sự vụ nên chưa công an chưa có cơ sở giải quyết.
Còn theo ông Hồ Văn Khiết, Phó trưởng công an xã Phước Mỹ, để giúp đỡ chị Hái có thể làm các thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc, về với gia đình, lực lượng chức năng địa phương đang hướng dẫn chị Hái tiến hành làm giấy tờ tùy thân.
Cảnh giác chiêu lừa rủ rê đi làm với mức lương cao Theo đại tá Đào Quang, Trưởng công an H.Phước Sơn, trong năm 2013, lực lượng công an huyện đã xử lý một vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn. Theo đó, cũng với chiêu lừa rủ rê đi làm ăn xa với thu nhập cao, một người dân đã theo chân kẻ dụ dỗ (trú tại địa phương) đi khỏi nhà. Sự việc bị phát hiện, Công an H.Phước Sơn đã vào cuộc điều tra sau đó chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục xử lý. Cũng trong năm 2013, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt hai vợ chồng Lý Xua Liang (46 tuổi, trú tại Hồ Bắc, Trung Quốc) lừa bán 3 thiếu nữ người C'Tu trú tại H.Nam Giang cũng với chiêu lừa rủ rê đi làm việc ở các tỉnh, thành với thu nhập cao.
Theo TNO
Dân dừng bao vây đòi nợ Công ty Vàng Phước Sơn Chiều 28/12, UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cho biết các chủ nợ đã ngừng việc bao vây Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) sau khi nghe tin công ty này hoạt động trở lại. Trước đó, chiều 27/12, UBND huyện Phước Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Vàng Phước Sơn...