Trớ trêu khi xây nhà… nhỏ hơn giấy phép
TP HCM có hàng ngàn căn nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép, người dân bị “treo” sổ hồng, rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười do cách giải quyết chưa thống nhất của cơ quan chức năng. Ông Phan Thanh Vũ (ngụ đường Thành Mỹ, phường 8, quận Tân Bình, TP HCM) đến nay vẫn chưa thể hợp thức hóa ngôi nhà đã xây xong 3 năm trước của mình vì diện tích xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng (GPXD).
Ông Phan Thanh Vũ (đường Thành Mỹ, phường 8, quận Tân Bình, TP HCM) chờ đợi 3 năm nhưng chưa thể hợp thức hóa nhà vì xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng 0,3 m2
3 năm vẫn chờ hướng dẫn
Năm 2018, ông Phan Thanh Vũ được cấp GPXD ngôi nhà cao 5 tầng (3 tầng tầng lửng tầng sân thượng) trên khu đất 55,2 m 2. Diện tích xây dựng (tầng 1) là 50 m 2, tổng diện tích sàn xây dựng là 206,7 m 2. Nhà xây xong, ông Vũ làm hồ sơ gửi đến chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) quận Tân Bình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng). Thời điểm tháng 9-2019, khi làm hồ sơ hoàn công thì diện tích xây dựng chỉ thể hiện 49,64 m 2, tức nhỏ hơn GPXD gần 0,3 m 2.
Theo ông Vũ, nhà ông dài 8 m. Khi xây dựng thì 4 m tường phía sau giữ đúng vị trí nhưng phần tường 4 m phía trước đã lùi vào một khoảng nhỏ để mở rộng lối đi cho hàng xóm. Ông Vũ không ngờ điều này là nguyên nhân khiến 3 năm qua, ông chưa thể hợp thức hóa ngôi nhà.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của ông Vũ, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Tân Bình ra công văn thông báo tạm thời chưa giải quyết vì đang chờ hướng dẫn của Sở Xây dựng TP HCM về việc xác nhận các nội dung đối với việc xử lý nhà ở xây nhỏ hơn GPXD. Sau đó, ông Vũ mang hồ sơ qua nhiều cơ quan chức năng khác nhưng không có tác dụng.
“Cán bộ nói chưa có hướng dẫn nên cũng không hứa hẹn gì. Đến nay đã 3 năm, tôi chưa thể hợp thức hóa căn nhà. Việc chậm cấp đổi sổ hồng chỉ vì nhà xây nhỏ hơn GPXD là một sự lãng phí bởi nhiều người có nhu cầu vay vốn làm ăn, giao dịch, mua bán để giải quyết công việc cá nhân. Tôi mong thành phố sớm giải quyết vướng mắc này” – ông Vũ bày tỏ.
Trường hợp như ông Vũ không hiếm. Theo thống kê của Văn phòng ĐKĐĐ – Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, đến cuối năm 2020, thành phố có khoảng 5.000 trường hợp tương tự.
Tháng 11-2021, báo cáo UBND TP HCM, Sở TN-MT cho biết trước thời điểm 15-1-2018 (ngày Nghị định 139/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực), Bộ Xây dựng chấp thuận theo đề xuất của Sở Xây dựng TP HCM là những trường hợp nhà nhỏ hơn GPXD được giải quyết cấp sổ hồng bình thường.
Cụ thể, đối với nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực quy hoạch chi tiết 1/500 mà xây nhỏ hơn GPXD thì không quy định là hành vi xây dựng sai phép, do đó không xử lý vi phạm hành chính. Đối với nhà trong khu quy hoạch 1/500 mà giảm tầng, giảm diện tích xây dựng so với quy hoạch được duyệt là hành vi xây sai thiết kế. Hành vi này bị phạt tiền nhưng không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 139/2017 ra đời thì trường hợp xây nhà nhỏ hơn GPXD được xem là xây dựng sai phép. Các trường hợp này bị phạt tiền và phải tháo dỡ công trình.
Theo Sở TN-MT TP HCM, thực tế có nhiều trường hợp xây nhà ở hoặc công trình không phải nhà ở có diện tích nhỏ hơn, số tầng và chiều cao thấp hơn so với giấy phép. Tuy nhiên, đến nay, những trường hợp này chưa thống nhất về nội dung và hình thức xử lý. Do đó, Văn phòng ĐKĐĐ TP HCM gặp nhiều trở ngại trong việc cấp sổ hồng, gây khó khăn cho người dân.
Căn nhà bị vướng việc ra sổ hồng
Video đang HOT
Cấp sổ hồng mỗi nơi một kiểu
Sở TN-MT TP HCM cho biết các quận, huyện hiện xử lý theo 2 quan điểm khác nhau.
Thứ nhất, xác định đây là hành vi vi phạm nên Thanh tra Xây dựng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, người dân bị phạt tiền nhưng không phải khắc phục hậu quả do không có phần diện tích vi phạm (diện tích xây dựng nhỏ hơn GPXD). Thứ hai, xác định đây không phải là hành vi vi phạm bởi công trình không vượt quá diện tích xây dựng…
Từ 2 quan điểm trên, một số địa bàn xác nhận đây là công trình phù hợp giấy phép hoặc không vi phạm hay không có ý kiến gì.
Theo Sở TN-MT TP HCM, từ khi thực hiện Nghị định 139/2017, Sở Xây dựng có 2 văn bản hướng dẫn để giải quyết cấp giấy chứng nhận công trình cho các trường hợp nhà xây nhỏ hơn GPXD; giao cho đội thanh tra địa bàn quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, có ý kiến đối với công trình do địa phương cấp phép. Tuy nhiên, việc cấp sổ hồng vẫn gặp khó khăn trong công tác phối hợp vì 3 lý do. Cụ thể là thiếu tính thống nhất, đồng bộ về cơ quan có ý kiến; thiếu tính phối hợp trong xử lý đối với loại hồ sơ và thiếu quy định về thời gian xử lý.
Chính vì hướng dẫn của Sở Xây dựng TP HCM chưa rõ ràng, các địa phương hiểu khác nhau nên cách xử lý ở mỗi nơi cũng khác nhau. Theo báo cáo mới đây, quận Tân Bình tiếp nhận và xử lý 84 hồ sơ thuộc dạng xây nhà nhỏ hơn GPXD. Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ không lấy ý kiến của Phòng Quản lý đô thị nữa mà chuyển hồ sơ qua thanh tra xây dựng địa bàn xác nhận nhưng thanh tra xây dựng địa bàn thường chậm phản hồi. Tương tự, tại TP Thủ Đức, với hồ sơ dạng này thì thanh tra xây dựng địa bàn có ý kiến, Phòng Quản lý đô thị đứng ngoài cuộc…
Trong khi đó, tại quận 1, chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ tiếp nhận hồ sơ chuyển qua thanh tra xây dựng địa bàn và cả Phòng Quản lý đô thị. Trường hợp xây nhỏ hơn GPXD thì thanh tra xây dựng địa bàn có ý kiến, còn điều chỉnh GPXD hay không thì do Phòng Quản lý đô thị tham mưu cho UBND quận…
Vào cuối năm 2021, UBND TP HCM đã giao Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra, rà soát và phối hợp với Sở TTN-MT giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại nêu trên. Tuy vậy, đến nay, nhiều người dân vẫn chờ…
Thuận lợi cho dân thì làm
Tại quận Bình Tân, thời gian qua, hơn 100 trường hợp xây nhà nhỏ hơn GPXD và đã được giải quyết. Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết địa phương linh động bằng cách điều chỉnh GPXD đúng với hiện trạng để làm hồ sơ hợp thức hóa nhà.
“Những trường hợp như thế thì người dân nộp hồ sơ là điều chỉnh GPXD liền. Nhiều người dân có nhu cầu dùng sổ hồng vay vốn ngân hàng hoặc các giao dịch khác nên quận linh hoạt giải quyết. Người dân chỉ tốn thêm chi phí đo vẽ lại” – ông Nguyễn Văn Sử giải thích.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Bình Tân, cho hay nhờ quận linh hoạt điều chỉnh GPXD nên giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng cho người dân bình thường. “Việc nào thuận lợi, tốt nhất cho người dân thì làm” – ông Bình nói.
20 năm sống khổ sở vì quy hoạch treo giữa trung tâm TP.Nha Trang
Suốt 20 năm qua, hàng nghìn hộ dân trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III (P.Phước Long, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) sống trong cảnh khốn khổ chỉ vì quy hoạch treo.
Nhiều ngôi nhà tại đây xuống cấp trầm trọng mà không thể sửa chữa.
Dự án 20 năm nằm trên giấy
Năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa lập quy hoạch dự án Khu dân cư số II Tây Lê Hồng Phong với diện tích hơn 63 ha. Sau đó, điều chỉnh cắt gần 20 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Phước Long 2 và gần 25 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Hoàng Long.
Đến năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án Khu tái định cư Lê Hồng Phong III. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên dự án không thể triển khai. Đến năm 2015, UBND tỉnh có quyết định chấm dứt đầu tư dự án này. Hiện nay, khu vực này có diện tích khoảng 38,97 ha và thông báo thu hồi đất số 24 do UBND TP.Nha Trang ban hành năm 2009 vẫn còn hiệu lực.
Kể từ đó đến nay, qua 20 năm dự án vẫn chỉ nằm trên giấy và để lại cho hàng nghìn hộ dân nơi đây quá nhiều hệ lụy.
Một góc khu dự án Khu dân cư số II Tây Lê Hồng Phong, P.Phước Long, TP.Nha Trang. Ảnh THẾ QUANG
Sống "mòn" trong khu quy hoạch
Gia đình bà Nguyễn Thị Vương (59 tuổi) chuyển về sinh sống tại tổ dân phố 3 Phước Thành từ năm 1997. Thời điểm đó, dân cư ở đây rất thưa thớt, việc xây nhà cũng không bị cấm cản. Thế nhưng, mọi thứ bị đảo lộn sau khi nơi đây trở thành khu quy hoạch dự án.
Trong suy nghĩ của bà Vương khi ấy, nếu nhà nước quy hoạch thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ triển khai và gia đình bà sẽ được tái định cư để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, mòn mỏi suốt 20 năm chờ đợi bà Vương chẳng thấy một động thái nào từ phía chính quyền để thực hiện dự án. Cũng ngần ấy năm bà không thể xây sửa ngôi nhà của mình dù nó đã bị xuống cấp trầm trọng vì nằm trong vùng quy hoạch.
Bà Vương chỉ về nơi mực nước ngập mỗi khi có mưa lớn. Ảnh THẾ QUANG
Chỉ tay về phía bức tường trong phòng khách, bà Vương cho hay trước đây chỗ đó là cửa sổ nhưng sau nhiều lần nâng nền để chống ngập thành ra cửa sổ phòng khách giờ đã biến mất. Phía trên trần nhà nhiều mảng ngói đã bể nát, một số kèo gỗ trần nhà cũng gãy đổ, mục nát chỉ được ràng buộc tạm bằng mấy sợi dây thép cho khỏi sập.
"Nền nhà này tôi cũng nâng cao hơn cả mét rồi mà đến giờ vẫn cứ ngập, còn xây cao lên thì không được phép. Giờ tôi ở thì ở vậy thôi chứ mưa là sợ lắm, sợ sập với nước ở dưới nền trào lên. Mà mỗi lần như vậy thì đành bất lực chịu đựng, chỉ chờ nước rút", bà Vương thở dài nói.
Gần đó, gia đình ông Lê Văn Màu cũng phải chịu cảnh khốn khổ suốt 20 năm qua khi không thể sửa chữa nhà vì vướng quy hoạch. Ông kể, bản thân từng là bộ đội, năm 2001 gia đình ông về đây cất nhà sinh sống. Khi ấy, căn nhà của ông thuộc vào dạng khang trang trong khu vực, thế nhưng, theo thời gian, dân cư tại đây ngày càng đông đúc, nhà sau đổ nền cao hơn nhà trước, con đường hẻm trước nhà cũng ngày càng được nâng lên khiến ngôi nhà của ông lọt thỏm xuống dưới.
Sau 2 lần nâng nền lên 1,3 m khiến ngôi nhà của ông trông khá kỳ dị, trần nhà với nền ngày càng gần nhau. Thậm chí, cửa sổ phòng ngủ trước đây ông phải nhón chân mới nhìn được vào bên trong thì nay khung cửa sổ đã nằm sát phía dưới nền. "Tôi xin giấy phép xây dựng thì không được, chỉ còn cách nâng nền phía trong nên mới thành ra như vậy", ông Màu nói.
Sau 2 lần nâng nền để chống ngập, cửa sổ phòng ngủ nhà ông Màu đã sát với nền nhà. Ảnh THẾ QUANG
Thế nhưng theo ông Màu, ở tổ dân phố này còn nhiều nhà thấp và khốn khổ hơn cả nhà ông. Hễ trời mưa xuống là ngập, mà sửa thì không được, chính quyền sẽ xuống lập biên bản và xử phạt ngay. "Tôi chỉ mong nhà nước nếu có dự án thì khẩn trương làm còn nếu không thì nên rút quy hoạch để dân được làm sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng như những nơi khác, chứ bây giờ người dân khốn khổ đến 20 năm rồi", ông Màu nói.
Ông Lương Văn Thông, tổ trưởng tổ dân phố 3 Phước Thành, cho biết, hệ lụy từ việc quy hoạch treo kéo dài khiến người dân nơi đây đang phải sống trong tình cảnh hết sức khó khăn. Năm 2017, bão khiến hàng trăm căn nhà bị sập, thiệt hại nặng nề nhưng cũng không được hỗ trợ vì tất cả nằm trong khu quy hoạch. Chưa kể việc trẻ em sinh ra cũng không thể nhập hộ khẩu, phải nhập vào nhà người quen ở nhiều nơi khác nhau. Con dâu, con rể cũng không thể nhập hộ khẩu vào gia đình vì chính quyền không cho phép...
Triển khai dự án hoặc xóa "treo"
Theo ông Thông, do nhu cầu nhà ở rất lớn nên hàng chục năm qua đã có nhiều hộ dân xây dựng nhà trái phép tại đây.
Theo thống kê, có 542 căn nhà xây dựng trái phép nằm trong diện phải cưỡng chế giải tỏa. Vừa qua, chính quyền cũng tiến hành cưỡng chế hàng chục căn nhà tại đây. "Còn hàng trăm hộ dân khác đang rất hoang mang, lo sợ không biết khi nào tới lượt mình", ông Thông nói.
Do đó, ông đề nghị chính quyền cần triển khai thực hiện sớm dự án, nếu không cũng trả lại quyền lợi cho người dân để được làm sổ đỏ, được cấp phép xây dựng, được nhập hộ khẩu, được phép hòa mạng lưới điện.... "Tôi khẳng định bà con ở đây luôn sẵn sàng thực hiện theo chủ trương và sẽ tự giác tháo dỡ nhà cửa, di dời khi dự án được thực hiện, còn hiện tại thì nên hoãn việc cưỡng chế để yên dân trước đã. Chứ cưỡng chế xong khu đất đó lại để không, dân thì không có chỗ ở, nhiều người phải sống lay lắt trong khu ổ chuột, ở thuê phòng trọ. Vừa rồi có 2 vợ chồng đến xin chỗ ở vì nhà bị cưỡng chế, vợ thì mới sinh không ai cho thuê nhà, cũng may có một gia đình cưu mang", ông Thông cho hay.
Các bức tường nhà ông Màu đã bong tróc, mục nát từ lâu nhưng cũng không thể sửa chữa do vướng quy hoạch. Ảnh THẾ QUANG
Ông Ngô Khắc Thinh, Chủ tịch UBND P.Phước Long, cho biết trong 38,97 ha quy hoạch, chỉ tính riêng tổ dân phố 3 Phước Thành và tổ dân phố 3 Phước Tín đã có hơn 2.000 hộ với gần 8.000 nhân khẩu. Ngoài ra, còn một phần tổ dân phố 3 Phước Trung chưa có thống kê cụ thể.
Những năm gần đây, thấy khu vực này nhếch nhác, người dân đã đóng góp tiền để láng xi măng các tuyến hẻm. TP.Nha Trang cũng đã đầu tư hệ thống thoát nước chống ngập tại đây với kinh phí hàng chục tỉ đồng.
"Quan điểm của phường là đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép thành phố hủy bỏ thông báo thu hồi đất số 24 năm 2009, đồng thời điều chỉnh quy hoạch theo hướng khu dân cư chỉnh trang. Nếu người dân được làm sổ đỏ, được cấp giấy phép xây dựng, sẽ tạo điều kiện cho phường làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng", ông Thinh nói.
Được biết, năm 2021, UBND TP.Nha Trang đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép TP.Nha Trang điều chỉnh thông báo thu hồi đất số 24 theo hướng không thực hiện thu hồi đất đối với diện tích 38,97 hecta tại khu vực quy hoạch vì không có dự án triển khai tại đây. UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xem xét nội dung kiến nghị của UBND TP.Nha Trang.
Cuối tháng 4.2022, UBND TP.Nha Trang tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TN-MT về nội dung này với mục đích hạn chế tình trạng đơn thư kéo dài, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III được cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng.
Bộ GTVT đề xuất giảm nhiều loại thuế, phí Hôm qua (6.7), Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh nhiều loại phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn do chi phí xăng, dầu tăng cao. Bộ GTVT kiến nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí...