Trở thành tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ trong nuôi lợn
Nhờ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn, ông Trịnh Duy Tân, ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã trở thành tỷ phú.
Là một trong bốn hộ nông dân tiêu biểu được dự Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam mới đây, ông Trịnh Duy Tân, ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm vươn lên trở thành tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn.
Bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn từ năm 2010 với 20 con lợn nái, đến nay, ông Tân đã có trang trại rộng 2.500 m2 với 100 lợn nái, sinh sản mỗi lứa từ 700 đến 1.000 con lợn giống và lợn thịt. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường khoảng 170 đến 200 tấn lợn thịt, giá bán luôn cao hơn các trang trại khác từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg, doanh thu đạt từ 3 đến 5 tỷ đồng/năm.
Hơn 10 năm qua, trang trại của ông chưa từng bị dịch bệnh, lợn nái đẻ đều, con giống đẹp… Để có được kết quả này, ông Tân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ trong chăn nuôi, đầu tư xây dựng trại lợn hàng tỷ đồng.
Ông Trịnh Duy Tân – tỷ phú nông dân nhờ nuôi lợn.
Với dây chuyền máng ăn tự động, mỗi ngày, ông chỉ cần đổ cám 1 lần, có khi 2 ngày mới phải đổ, không cần người trông nom. Đàn lợn ăn tới đâu cám chảy ra tới đó, khi nào lợn no rời máng ăn, hệ thống sẽ tự dừng tiếp cám, rất tiện lợi, không chỉ giảm được chi phí đầu tư, nhân công mà còn rất nhàn.
Video đang HOT
Ông Trịnh Duy Tân chia sẻ: “Làm chăn nuôi cần nhiều vốn. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, một là bị ép giá đầu vào, hai là ép giá đầu ra. Vừa rồi, Hội nông dân tỉnh đã hỗ trợ mỗi thành viên 50 triệu đồng. Tôi sẽ họp bà con lại, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con, giúp vốn cho bà con giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho bà con. Đồng thời, vận động bà con bán lợn sớm để vay vốn đó giúp những người chuẩn bị bán lợn nhưng chưa có tiền mua cám. Người nọ tương trợ người kia cùng làm giàu.”
Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, ông Trịnh Duy Tân là nông dân xuất phát từ hộ nghèo, thuộc gia đình công giáo. Ông vận động những người trong gia đình, trong thôn, xóm cùng phát triển kinh tế. Khi đã thoát nghèo, giờ trở thành hộ giàu, ông đã thành lập hợp tác xã chăn nuôi Tân Tiến với 28 thành viên.
Hiện Hợp tác xã của ông Tân là một trong những điển hình tiêu biểu cho phát triển kinh tế tập thể. Toàn bộ hội viên đều đồng lòng, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau; cung cấp thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y, chăm sóc cũng như phòng trừ bệnh cho lợn và lo đầu ra cho lợn thịt, lợn nái.
Theo ông Thái, ông Tân là tấm gương tiêu biểu cho bà con trong khu vực cùng thoát nghèo, làm giàu, tích cực tham gia công tác Hội. Ông Thái hy vọng mô hình chăn nuôi như ông Tân sẽ tiếp tục được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Không chỉ lo làm giàu, ông Tân còn rất chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường. Sau một thời gian học hỏi các trang trại trong và ngoài tỉnh, ông đã thiết kế hệ thống bể, tận dụng khí thải làm biogas phục vụ đun nấu sinh hoạt hàng ngày.
Với việc ứng dụng công nghệ này, ông Tân không chỉ tiết kiệm được chi phí mua gas đun nấu mà còn đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch mùi, đàn lợn lớn nhanh, không bệnh tật. Ông Tân tự tin, với cách làm giàu của ông, số thành viên tham gia hợp tác xã của ông sẽ ngày một đông hơn và trong tương lai gần, địa phương ông sẽ có nhiều tỷ phú như ông./.
Kim Thanh
Theo_VOV
Kênh giám sát hiệu quả hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Nhằm bảo đảm, củng cố toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, việc tái cơ cấu hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND) để hệ thống này phát triển an toàn, lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời. Trong quá trình đó, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam được thể hiện rõ nét.
Khách hàng giao dịch tại một quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bảo đảm an toàn hoạt động các Quỹ TDND
Với ưu thế hiểu địa bàn, chi phí hoạt động thấp, mục tiêu hoạt động mang tính chất tương trợ thành viên, việc phát triển hệ thống Quỹ TDND cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cung cấp nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương, giúp nhiều gia đình vay được vốn và phát triển kinh tế, giảm tình trạng cho vay nặng lãi, từ đó góp phần ổn định an ninh trật tự địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống Quỹ TDND vẫn còn gặp một số hạn chế nhất định như: hoạt động của toàn hệ thống còn đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng, hoạt động chủ yếu là huy động và cho vay, rủi ro tiềm ẩn, nhất là rủi ro đạo đức, là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các quỹ bị đổ vỡ. Trên thực tế, hầu hết các quỹ tín dụng "có vấn đề" đều xuất phát từ những sai phạm trong quản lý của lãnh đạo một số quỹ như cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc... khiến quỹ bị thua lỗ hoặc phá sản.
Là tổ chức thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam với mục tiêu chính là bảo vệ người gửi tiền, vai trò của BHTG Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc hệ thống Quỹ TDND được thể hiện rõ nét. Thông qua nghiệp vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 1.828 người gửi tiền tại 39 Quỹ TDND với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng bảo đảm nhanh gọn, đúng quy định. Trong quá trình hơn 15 năm hoạt động, BHTG Việt Nam đã giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền, tạo điều kiện cho các Quỹ TDND huy động vốn dễ dàng hơn từ hệ thống dân cư, đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động của loại hình tổ chức tín dụng này. Trong thực tiễn hoạt động, lãnh đạo của nhiều Quỹ TDND thừa nhận, nếu không có chính sách BHTG thì việc huy động tiền gửi của người dân rất khó khăn, do ảnh hưởng tâm lý của việc đổ vỡ trên diện rộng của hàng loạt hợp tác xã tín dụng vào những năm 90 của thế kỷ 20 tại Việt Nam.
Thông qua hoạt động nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa đối với các Quỹ TDND của BHTG, đã phát hiện một số sai sót trong công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ; huy động vốn, cho vay, việc hạch toán không đúng tài khoản, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách... và đưa ra những cảnh báo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với việc chấp hành các quy định của luật pháp về BHTG và các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Kênh giám sát hiệu quả
Hiện nay, BHTG Việt Nam đã có những động thái tích cực, đẩy mạnh kiểm tra giám sát các quỹ tín dụng có vấn đề trong hoạt động, để kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, tránh những đổ vỡ không đáng có, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, phòng ngừa các hiện tượng gian lận BHTG. Việc tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng có vấn đề, giúp tổ chức BHTG xác định chính xác số tiền gửi trong hạn mức bảo hiểm, làm rõ những khoản tiền gửi nghi ngờ, tạo cơ chế công bằng, minh bạch trong chính sách BHTG; đồng thời phát hiện được những đơn vị hoạt động kém, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước biện pháp xử lý, góp phần làm trong sạch hoạt động của hệ thống Quỹ TDND trên cả nước.
Với nghiệp vụ tuyên truyền chính sách BHTG, người gửi tiền nắm rõ quyền lợi của mình, yên tâm gửi tiền nhàn rỗi để tái đầu tư phát triển kinh tế, giúp giảm tình trạng người dân mua vàng tích trữ, hay gửi tín dụng đen, lành mạnh hóa môi trường tín dụng tại địa phương và tăng khả năng huy động vốn của hệ thống Quỹ TDND. Đối với các Qũy TDND gặp sự cố, xảy ra hiện tượng rút tiền gửi ồ ạt, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, BHTG Việt Nam đã phối hợp với các chi nhánh ngân hàng nhà nước trên địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị khách hàng, thực hiện tuyên truyền, giải thích để nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định BHTG, giảm những xáo trộn tâm lý, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định của thị trường tài chính, giúp đơn vị dần ổn định tổ chức, trở lại hoạt động bình thường.
Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống Quỹ TDND cũng như phát huy vai trò của BHTG Việt Nam đối với nhiệm vụ này, trong thời gian tới, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác xã, BHTG Việt Nam và chính quyền địa phương. Do đó, cần có hướng dẫn quy định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị trong quá trình tái cơ cấu các Quỹ TDND cơ sở, để bảo đảm quá trình này diễn ra êm thấm, không có những xáo trộn xấu, gây ảnh hưởng đến môi trường tín dụng của địa phương, đặc biệt trong các trường hợp phải đóng cửa các đơn vị không bảo đảm điều kiện hoạt động.
Bên cạnh đó, hiện nay việc chi trả BHTG, theo quy định của Luật BHTG năm 2012, chỉ có thể thực hiện khi tổ chức tham gia BHTG thực hiện đóng cửa theo phương thức phá sản, trong khi đó hướng dẫn về trình tự phá sản Quỹ TDND theo quy định của Luật Phá sản 2014 chưa được ban hành, do đó, nếu phát sinh trường hợp Quỹ TDND phải đóng cửa, sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý để có thể chi trả BHTG kịp thời. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn về việc đóng cửa Quỹ TDND phù hợp những quy định hiện hành là rất cần thiết để BHTG Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Cuối cùng, cần nâng cao khả năng quản trị điều hành của các quỹ, cũng như tăng cường sự giám sát và hỗ trợ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác xã và BHTG Việt Nam đối với hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng này.
LÊ HOÀNG
Theo_Báo Nhân Dân
Chuyện lạ Đà Nẵng: Người chịu nóng, lắp điều hòa cho lợn Có máy lạnh ở nhiều vùng quê còn là điều xa xỉ, vậy mà Nguyễn Duy Tuấn (sinh năm 1982) - một nông dân ở Đà Nẵng, đã vay hơn 1,5 tỷ đồng lắp cả hệ thống máy lạnh để nuôi lợn. Tốt nghiệp đại học về nuôi lợn Khi nghe Nguyễn Duy Tuấn trình bày ý tưởng mô hình xây chuồng trại...