Trở ngại lớn trong quan hệ giữa chính phủ mới của Ba Lan và Ukraine
Tờ Politico (Mỹ) ngày 12/12 cho biết tân Thủ tướng Donald Tusk đã cam kết sẽ đưa Ba Lan trở lại khu vực châu Âu sau khi ông nhậm chức, nhưng có ít nhất một trở ngại mà ông chưa thể vượt qua.
Tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu tại phiên họp Hạ viện ở Warsaw ngày 12/12/2023. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo một thành viên cấp cao của chính quyền sắp tới, chính phủ mới do ông Tusk lãnh đạo, dự kiến nhậm chức vào ngày 13/12, sẽ tiếp tục cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine.
Lệnh cấm do chính phủ sắp mãn nhiệm dưới sự lãnh đạo của đảng Luật pháp và Công lý Ba Lan (PiS) áp đặt vào tháng 4 vừa qua. Lệnh này đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mì và ngô của Ukraine – nguồn thu xuất khẩu chính của quốc gia bị xung đột tàn phá này. Lệnh cấm cũng làm căng thẳng mối quan hệ giữa Warsaw và Kiev, vốn là đồng minh mạnh mẽ kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đồng thời đẩy Ba Lan vào tình thế căng thẳng với phần còn lại của EU.
Động thái này chỉ là một trong vô số ví dụ về việc chính phủ do PiS lãnh đạo đã không tuân theo quy tắc đã được thiết lập của EU. Vì vậy, sự trở lại của ông Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, người đã lãnh đạo một liên minh giành chiến thắng vào tháng 10 vừa qua, đã làm dấy lên hy vọng rằng ông sẽ đảo ngược những quyết định gây tranh cãi nhất của chính phủ tiền nhiệm.
Rõ ràng, chính quyền mới ở Ba Lan dự kiến sẽ là một đối tác đàm phán minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn, nhưng đó sẽ không phải là điều dễ dàng. Trong một phép thử đầu tiên, đảng Nhân dân Ba Lan (PSL), đảng sẽ nắm giữ Bộ Nông nghiệp trong liên minh của tân Thủ tướng Tusk, đã báo hiệu ý định duy trì lệnh cấm nhập khẩu và mở rộng danh sách các sản phẩm Ukraine bị cấm.
Bộ này sẽ do ông Czesław Siekierski đứng đầu, một nhà lập pháp giàu kinh nghiệm, từng phục vụ trong Nghị viện châu Âu từ năm 2004 đến năm 2019 và là Chủ tịch Ủy ban nông nghiệp có ảnh hưởng của cơ quan này. Khi được Potilico hỏi về vấn đề trên, ông Siekierski từ chối cung cấp thông tin về những gì chính phủ tiếp theo sẽ làm, nhưng cấp phó của ông và là thành viên PSL, Stefan Krajewski thì tỏ ra thẳng thắn hơn.
Ông Krajewski nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tất nhiên, hiện tại cần phải duy trì lệnh cấm vận này”, đồng thời giải thích rằng nông dân và doanh nhân Ba Lan không nên chịu gánh nặng trong việc giúp đỡ Ukraine, những bình luận gợi nhớ đến chính phủ trước đó.
Video đang HOT
Ông Krajewski nêu rõ: “Chúng ta phải giúp đỡ Ukraine, nhưng không phải gây thiệt hại cho nông dân Ba Lan, doanh nhân Ba Lan. Mặt khác, chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp toàn diện, bởi vì chúng ta, với tư cách là những quốc gia có biên giới chung, phải chịu phần lớn gánh nặng. Vấn đề này phải được giải quyết cùng nhau vì đây không chỉ là vấn đề của chúng tôi mà dường như là vấn đề của toàn EU”.
Lệnh cấm đã hứng chỉ trích từ các quan chức Ukraine và các tổ chức EU. Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Taras Kachka đã gọi lệnh cấm là “bất hợp pháp” và “phản tác dụng” đối với lợi ích của chính Ba Lan. Ủy ban châu Âu cũng đưa ra quan ngại, cho rằng lệnh cấm có thể vi phạm luật pháp EU.
Trong số 5 nước EU áp đặt hạn chế nhập khẩu nông sản Ukraine hồi tháng 4, chỉ có Ba Lan, Slovakia và Hungary tiếp tục thực thi chúng. Điều này đặt ông Tusk, người đã cam kết sẽ hàn gắn mối quan hệ của Warsaw với Brussels và Kiev sau chiến thắng bầu cử của ông, vào một tình thế lưỡng nan.
Chính phủ sắp mãn nhiệm do PiS lãnh đạo đã cảnh báo tình trạng hỗn loạn về nhập khẩu nông sản của Ukraine nếu quốc gia này – và ngành nông nghiệp khổng lồ của Kiev – gia nhập EU.
Jadwiga Emilewicz, Quốc vụ khanh Ba Lan về hợp tác phát triển với Ukraine, nói với Politico vào tháng 9: “Ngày nay không ai hiểu Ukraine nhiều và rõ hơn Ba Lan. Tôi thường dùng phép ẩn dụ về một chiếc máy bay. Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra trên máy bay, người mẹ được yêu cầu đeo mặt nạ cho mình trước khi đeo mặt nạ cho con mình. Và quan điểm của Ba Lan hiện nay đối với vấn đề ngũ cốc cũng tương tự như vậy”.
Ông Tusk, người dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 14/12, cũng không hề dè dặt trong tuyên bố của mình. Vào tháng 4, trước khi lệnh cấm được ban hành, ông đã đăng một video lên TikTok cáo buộc chính phủ do PiS lãnh đạo đã cho phép ngũ cốc Ukraine vào nước này mà không bị hạn chế. Ông cũng dẫn lời nông dân và đại diện ngành công nghiệp Ba Lan gọi ngũ cốc của Ukraine là “thứ tồi tệ nhất” và cho rằng ngũ cốc này “đang hủy hoại nông dân Ba Lan”.
Tại sao EU 'thở phào nhẹ nhõm' trước kết quả bầu cử ở Ba Lan?
Với việc đảng của cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trở lại nắm quyền ở Ba Lan, các nhà lãnh đạo EU rất vui vì điều này.
Cựu Thủ tướng Ba Lan và cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: Politico
Tờ Politico.eu dẫn kết quả kiểm phiếu cuối cùng do Ủy ban bầu cử quốc gia Ba Lan công bố sáng 17/10, phe đối lập ở nước này đã giành đủ số ghế trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào cuối tuần qua để giành quyền lãnh đạo từ đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đảng đã lãnh đạo quốc gia Đông Âu trên kể từ năm 2015.
Cuộc bầu cử - kết thúc với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục là 74,4 % - chứng kiến PiS trở lại với tư cách là đảng lớn nhất, nhưng không có khả năng thành lập liên minh đa số tại Quốc hội gồm 460 thành viên.
Theo kết quả, PiS được 35,4% phiếu bầu, tiếp theo là Liên minh Công dân (KO) do ông Tusk lãnh đạo được 30,7%, Đảng Con đường Thứ ba trung hữu với 14,4%, Cánh tả với 8,6% và Liên minh cực hữu với 7,2%. Điều đó có nghĩa là PiS chiếm 194 ghế trong quốc hội, KO được 157, Con đường Thứ ba được 65, Cánh tả 26 và Liên minh cực hữu 18 ghế.
KO, do cựu Thủ tướng Ba Lan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lãnh đạo, Con đường thứ ba và Cánh tả đã cam kết thành lập một chính phủ liên minh để lật đổ PiS khỏi quyền lực - họ cùng nhau có 248 ghế. Phe đối lập cũng tăng cường kiểm soát Thượng viện vốn kém quyền lực hơn, giành được 66 ghế so với 34 ghế của PiS. Bước đi tiếp theo thuộc về Tổng thống Andrzej Duda, người phải đề cử ứng cử viên thủ tướng.
Với kết quả trên, các chính trị gia trên khắp châu Âu đã ăn mừng chiến thắng như dự đoán của phe đối lập Ba Lan - đặc biệt là ở Đức, nơi thường bị chỉ trích bởi PiS.
Terry Reintke, nghị sĩ EU người Đức, đồng lãnh đạo đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu, nói với đài phát thanh Đức: "Tôi kỳ vọng rằng Ba Lan sẽ trở thành một đối tác mang tính xây dựng và sự thay đổi trong chính phủ sẽ củng cố vị thế của nước này ở châu Âu. Ba Lan là một nền dân chủ cực kỳ phù hợp với châu Âu".
Mối quan hệ Đức - Ba Lan đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây trong bối cảnh các nhà lãnh đạo PiS liên tục yêu cầu Đức phải trả hơn 1 nghìn tỷ euro tiền bồi thường chiến tranh. Tình cảm chống Đức cũng thúc đẩy chiến dịch bầu cử của PiS, bao gồm cả những cáo buộc thường xuyên rằng Donald Tusk, lãnh đạo KO và có thể trở thành thủ tướng tiếp theo, là một "đặc vụ Đức".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tìm cách cải thiện quan hệ với Ba Lan vào năm ngoái, tới Warsaw vào ngày quốc khánh như một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng đối với một đồng minh và láng giềng quan trọng.
Tuy nhiên, thay vì hoan nghênh cử chỉ này, lãnh đạo của PiS đã trình bày với bà Baerbock một dự luật về "tội ác chiến tranh" của Đức Quốc xã. Với lịch sử đó, các chính trị gia Đức thuộc mọi thành phần khác nhau đã kêu gọi chính phủ của họ nắm bắt thời cơ và đưa mối quan hệ theo một hướng mới.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Xã hội Metin Hakverdi, thành viên ủy ban EU của quốc hội Đức, viết: "Đức nên bắt đầu sáng kiến hồi sinh quan hệ song phương nếu có sự thay đổi trong Chính phủ Ba Lan", đồng thời nói thêm rằng việc tăng cường hợp tác an ninh phải là trọng tâm: "Trong khuôn khổ NATO, thông điệp nên là: Đức cảm thấy có trách nhiệm đối với an ninh của Ba Lan!".
Katja Leikert, một thành viên quốc hội Đức thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, người có ghế trong ủy ban quan hệ đối ngoại, cho biết kết quả bầu cử mới trên "mang lại hy vọng" cho châu Âu. Bà nói: "Một lần nữa có được một chính phủ ủng hộ dân chủ và thân châu Âu ở Warsaw sẽ có tầm quan trọng to lớn đối với châu Âu, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng này".
Rolf Nikel, trong nhiều năm với cương vị là Đại sứ Đức tại Warsaw, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, khi nói với đài truyền hình công cộng Đức: "Cử tri Ba Lan đã tạo ra mùa Xuân vào giữa tháng 10".
Quan điểm trên cũng được lặp lại ở Brussels, nơi lãnh đạo phe đối lập Ba Lan Donald Tusk là một nhân vật nổi tiếng, từng giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu từ năm 2014 đến năm 2019. Các quan chức và chuyên gia EU hy vọng rằng chính phủ trung hữu mới của Ba Lan sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng hơn ở Brussels.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết: "Kết quả trên sẽ giúp EU hoạt động tốt hơn, nơi EU thực sự phản ánh các giá trị và nguyên tắc của mình, đặc biệt là sự đoàn kết và trách nhiệm. Việc từ chối các chính sách cực hữu sẽ được dùng làm ví dụ cho những người khác và điều này hy vọng sẽ dẫn đến việc EU trở nên mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa địa chính trị".
Theo Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Eurasia Group ở châu Âu, ông Tusk sẽ có "tiếng nói lớn trong Hội đồng châu Âu" và ông ấy có thể lấp đầy "khoảng trống trong Hội đồng châu Âu về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người có thể thúc đẩy cuộc tranh luận mang tính xây dựng".
Việc đảng của ông Tusk trở lại nắm quyền ở Warsaw cũng là một động lực cho Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP), liên minh trung hữu mạnh mẽ mà Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cũng ca ngợi. Một quan chức EU khác cũng giấu tên cho biết: "[Ông Tusk] sẽ là nhà lãnh đạo EPP quan trọng nhất" tại Hội đồng châu Âu. EPP có nhiều nhà lãnh đạo trong [Hội đồng] - nhưng ông ấy sẽ là người duy nhất đến từ một nước lớn".
Kết quả của cuộc bầu cử Ba Lan làm thay đổi sự cân bằng của Hội đồng châu Âu và cuối cùng có thể nâng cao triển vọng giành được nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Chủ tịch Ủy ban châu Âu sau cuộc bầu cử ở EU vào tháng 6 tới của bà Leyen.
Một triệu người Ba Lan đổ xuống đường phản đối chính phủ Phe đối lập ở Ba Lan cho biết 1 triệu người Ba Lan đã tuần hành phản đối chính phủ, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở nước này đang đến rất gần. Một số lượng lớn người dân Ba Lan đã tập trung tại trung tâm thủ đô Warsaw vào ngày 1.10 để tham gia cuộc tuần hành do lãnh đạo...