Trợ lực cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất
Những năm qua, Hội ND thị xã Quảng Yên ( Quảng Ninh) đã tạo điều kiện cho các hội viên, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).
Những hộ được vay vốn Hội đã có thêm thuận lợi mở rộng quy mô nuôi trồng, tăng sản lượng, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Sửa ao đầm, mua con giống
Điển hình như tại phường Nam Hòa, từ năm 2017 đến nay đã có 38 hộ được vay vốn Quỹ HTND để phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tổng số tiền vốn Quỹ HTND Hội đã giải ngân trên địa bàn phường Nam Hòa là trên 1,1 tỷ đồng. Số vốn này được các hộ dùng để tu bổ, gia cố ao đầm, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Hội Nông dân thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) giải ngân vốn Quỹ HTND cho hội viên, nông dân. Ảnh: Ngọc Ánh
Gia đình anh Hoàng Văn Chính (thôn 3, phường Nam Hòa) bắt đầu nuôi trồng thủy sản từ những năm 2000. Mỗi năm gia đình anh đều phải tu sửa ao đầm, nhưng do vốn ít nên bờ đầm, cửa cống không được kiên cố, chắc chắn. Với số tiền vay từ nguồn Quỹ HTND là 70 triệu đồng, trong thời hạn 24 tháng, phí quản lý là 0,7%/tháng, gia đình anh đã có điều kiện để tu bổ đầm nuôi tôm chắc chắn hơn.
Anh Chính cho biết: Từ khi bờ đầm, cửa cống được tu bổ kiên cố, gia đình anh đã không còn nỗi lo vỡ đầm khi mùa mưa bão đến, nên đã yên tâm đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng lên 9ha.
Cùng với việc tu bổ, gia cố ao đầm, từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, các hộ nuôi trồng cũng có điều kiện đầu tư mua giống để nuôi tôm, cua, cá kết hợp theo hình thức quảng canh cải tiến ở các vùng trung và hạ triều.
Video đang HOT
Ông Vũ Hoài Nam (thôn 3, phường Nam Hòa) cho hay, năm nay gia đình ông đã thả khoảng 1 triệu con giống tôm sú, 4 vạn cua giống và khoảng 5.000 con cá đối, với đa phần vốn vay từ Quỹ HTND. Có thể thấy, các hộ được ưu tiên vay vốn đều đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Nhu cầu còn lớn
Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, đã có gần 100 hộ nuôi trồng thủy sản của thị xã Quảng Yên được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với hơn 7.000 hộ nuôi trồng thủy sản ở thị xã Quảng Yên thì việc mở rộng diện tích ao đầm, chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh và nuôi công nghiệp đòi hỏi lượng vốn rất lớn. Chính vì vậy, để tiếp tục phát triển sản xuất, các hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Yên vẫn đang thực sự khát vốn, nhu cầu được vay vốn Quỹ HTND của người dân còn rất lớn. Bà Bùi Thị Mài (khu 4, phường Nam Hòa) cho biết, với số tiền vay 70 triệu đồng từ Quỹ HTND, gia đình bà hiện chỉ đủ đầu tư mua giống, thức ăn, guồng quay nước cho một ô đầm nuôi tôm. Trong khi gia đình bà đang có 3 ô nuôi tôm, nên mong muốn được vay khoảng 150 triệu đồng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Cũng như hộ bà Mài, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản khác đều mong muốn được nâng mức vay Quỹ HTND từ 100 triệu đồng trở lên để có điều kiện mở rộng quy mô nuôi trồng, chuyển từ quảng canh sang thâm canh và nuôi công nghiệp.
Nắm bắt được nguyện vọng của bà con, Hội ND thị xã Quảng Yên đã tìm nhiều giải pháp để nâng mức vốn vay, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng cao của hội viên. Ông Trần Mạnh Thắng – Chủ tịch Hội ND thị xã Quảng Yên cho biết: Đầu năm 2019, Hội ND tỉnh đã cấp ủy thác cho Hội ND thị xã 500 triệu đồng Quỹ HTND. Hội đã đề nghị tỉnh tiếp tục cấp bổ sung Quỹ HTND và không luân chuyển trong năm tiếp theo để Quảng Yên quay vòng cho các hộ chưa được vay.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Mạnh Thắng – Hội ND thị xã cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả nguồn quỹ cũng như dẫn thêm vốn từ các kênh tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT cũng như các ngân hàng thương mại khác nhằm tạo điều kiện để nhiều hộ được vay vốn hơn.
Có thể khẳng định, Quỹ HTND trên địa bàn thị xã Quảng Yên là một trong những nguồn tín dụng quan trọng, trợ giúp nông dân nói chung, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn nói riêng, phát triển quy mô, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung. Nguồn vốn Quỹ HTND cũng góp phần đưa các hoạt động của Hội ND sát với nhu cầu thực tiễn của nông dân, nâng cao vai trò, vị thế của Hội ND trong hệ thống chính trị cũng như uy tín trong hội viên, nông dân…
Theo Danviet
Nấm rơm được mùa, thương lái mò vào tận ruộng mua giá cao
Những ngày này, nông dân phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) đang tất bật ủ rơm, xuống meo cho vụ nấm rơm mới. Vụ nấm rơm này nhiều hộ có điều kiện đầu tư bởi trước đó được sự "tiếp sức" của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Được mùa, được giá
Vụ mùa này, trên địa bàn phường Thới An Đông có khoảng 100 hộ sản xuất nấm rơm với khoảng 900.000 chai meo giống.
Vụ nấm năm nay, anh Ngô Văn Út, ở khu vực Thới Long, phường Thới An Đông, thuê khoảng 1.300m2 đất để chất khoảng 800 chai meo giống. Bình quân mỗi chai meo cho năng suất từ 2- 3kg nấm rơm. Hiện tại, nấm rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 47.000 đồng/kg.
Với mức giá và diện tích này, ước tính gia đình anh Út sẽ đạt lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng. Cũng theo anh Út, sau vụ nấm này, anh sẽ tiếp tục tìm đất để thuê làm vụ nấm rơm mới, vì lợi nhuận từ trồng nấm rơm khá ổn định.
Với giá 47.000 đồng/kg nấm rơm, sau đợt thu hoạch, mỗi hộ trồng nấm lợi nhuận từ 20 triệu đồng trở lên trong thời gian 45 ngày. Ảnh: Nguyễn Tín
Ở miền Tây nói chung và Cân Thơ nói riêng, nhiều hộ làm nghề cho rằng, nấm rơm là loại nông sản có thời gian sinh trưởng ngắn, từ lúc chất đến thu hoạch dứt điểm kéo dài khoảng 45 ngày.
Trồng nấm rơm không cần phải tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ nặng công ủ rơm, chất, tưới nước và hái nấm hằng ngày. Nguồn lợi nhuận từ nghề trồng nấm rơm mang lại rất hấp dẫn nên thu hút nhiều người tham gia. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì trồng nấm rơm thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa, trong khi chi phí về vật tư lại giảm hơn so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An Đông, quận Bình Thủy cho biết, những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu của bà con và tín hiệu của thị trường, Hội Nông dân trên địa bàn đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm cho các hộ làm nghề.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cũng đã tổ chức thực hiện dự án sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân trong phát triển nghề trồng nấm rơm trên địa bàn phường An Thới Đông. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp các hộ có thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
Tạo thêm việc làm
Theo những nông dân có kinh nghiệm, trồng nấm rất hiếm gặp rủi ro. Hơn nữa, những mô rơm sau khi trồng nấm có thể tận dụng để làm phân bón trồng rau, trồng hoa... rất tốt. Anh Ngô Văn Hòa, ngụ phường Thới An Đông, một trong những hộ gắn bó với nghề trồng nấm rơm từ nhiều năm nay cho biết, hiện tại bà con đang tất bật chuẩn bị cho vụ nấm rơm mới, không khí chất nấm rơm rất sôi nổi.
Nguồn rơm ở địa phương không đáp ứng đủ cho nghề trồng nấm rơm nên nhiều hộ phải đến tận các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang... để mua rơm nguyên liệu. Giá rơm nguyên liệu ở vào khoảng 18.000 đồng/cuộn. "Chất nấm rơm khá cực nhưng nếu chịu khó thì thu nhập khá cao, đạt từ 20-30 triệu đồng/vụ nấm chỉ trong 1 tháng rưỡi"- anh Hòa phấn khởi nói.
Nấm rơm đang đem lại no ấm cho nhiều gia đình, nên số hộ trồng nấm ở Thới An Đông cũng tăng lên. Vì vậy, việc củng cố, phát huy hiệu quả của tổ hợp tác trồng nấm rơm được phường xem là một trong những công tác trọng tâm. Phường Thới An Đông hiện có 4 tổ hợp tác trồng nấm rơm ở khu vực Thới Long, Thới Thạnh, Thới An và Thới Hưng với gần 50 thành viên.
Hiện tại, mô hình trồng nấm rơm đang phát triển mạnh tại các tổ hợp tác. Ngoài tận dụng diện tích đất trống sẵn có, các hộ dân làm nghề còn thuê đất ở những địa phương lân cận và thu mua rơm nguyên liệu ở các tỉnh thành về để chất nấm.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn-cho biết: "Hiện nay, địa phương đang hướng dẫn và giúp bà con phát triển nghề trồng nấm theo hướng nông nghiệp đô thị. Hội chủ động vận động các hội viên tham gia vào tổ hợp tác trồng nấm rơm để có hướng hỗ trợ giúp bà con phát triển nghề trồng nấm rơm...".
Để hỗ trợ nông dân làm nghề trồng nấm rơm, Hội Nông dân phường đã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Bình Thủy cùng các ngành hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho bà con có nhu cầu.
Đặc biệt, trong năm 2018, các thành viên của Tổ hợp tác trồng nấm rơm đã được hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác. Một mùa vụ nấm rộn ràng hứa hẹn nhiều niềm vui đang về trên khắp cánh đồng Bình Thủy.
Theo Danviet
Nuôi bò nhốt chuồng dễ khấm khá "Được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các thành viên trong tổ hợp tác đã đầu tư trồng các loại rau màu. Trung bình mỗi ha cho lợi nhuận 100 triệu đồng/năm, tăng gấp 3-4 lần so với độc canh cây lúa" - đó là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Hữu - Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) trồng màu...