Trò lừa về dự án nạo vét sông Đáy trị giá 4.300 tỷ đồng
Ngày 3-7, CQĐT CATP Hà Nội đã chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP đề nghị truy tố 2 bị can Ngụy Như Công, SN 1968, trú ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội; và Lê Sỹ Lâm, SN 1977, trú ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi phạm pháp của 2 bị can này xoay quanh dự án không có thật: “nạo, vét kè sông Đáy”, với quảng cáo tổng đầu tư kinh phí lên đến 4.300 tỷ đồng.
Ảnh mang tính chất minh hoạ: Nguồn: Internet
Lê Sỹ Lâm từng có nhân thân tốt. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2007, Lâm cùng bạn bè thành lập công ty chuyên lĩnh vực xây dựng – thương mại, trụ sở tại quận Cầu Giấy. Quá trình kinh doanh, Lâm quen Ngụy Như Công, đối tượng có một tiền án về tội tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Khoảng tháng 8-2011, Công khoe với Lâm: “Anh có dự án nạo, vét kè sông Đáy, tổng kinh phí 4.300 tỷ đồng. Anh muốn đưa công ty của em vào nhưng phải chứng minh được nguồn vốn dư là 20 tỷ đồng; chỉ phải bỏ ra 4% trên tổng số tiền của dự án là được trở thành nhà thầu”. Bật mí về dự án, Công không quên dặn Lâm: “Phải giữ bí mật vì bên chống tham nhũng mà phát hiện thì mất cả dự án”. Khấp khởi mừng đến mức chẳng cần xác minh độ thật – giả của dự án ra sao, Lê Sỹ Lâm hăm hở đi tìm đối tác tham gia dự án.
Ít ngày sau, Lê Sỹ Lâm mang thông tin về dự án “ma” đến gặp anh Nguyễn Thanh Bình, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội và không quên “cài” thêm 0,5% vào tổng kinh phí dự án, nhằm hưởng chênh lệch. Tin tưởng Lâm là doanh nghiệp, anh Bình rủ một số bạn bè, doanh nghiệp thân tín tham gia, trong đó có anh Ngô Trọng Tuất, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Vĩnh Sơn; và anh Nguyễn Văn Hưng, nhà ở TP Bắc Ninh. Các cá nhân này đã nhờ Công ty CP Sông Đà Bình Phước cùng đứng tên trong hồ sơ để đảm bảo năng lực tài chính.
Trung tuần tháng 11-2011, Công thông báo cho Lâm đã xong hồ sơ. Những văn bản này, Công chỉ cho Lâm dùng điện thoại di động chụp lại để mang cho các đối tác xem. Tuy nhiên, một trong những đối tác đã phát hiện sự thiếu hụt hồ sơ, cụ thể là Quyết định phê duyệt tổng dự toán của Chính phủ đối với dự án trên. Lê Sỹ Lâm yêu cầu đối tác phải chuyển trước 300 triệu đồng mới cung cấp nốt hồ sơ, nhưng đối tác chỉ đồng ý chuyển một nửa số tiền. Một thời gian ngắn sau đó, thấy Lâm không đưa ra được Quyết định phê duyệt tổng dự toán của Chính phủ, các đối tác nghi ngờ, trình báo đến cơ quan công an. Tháng 2-2012, Ngụy Như Công và Lê Sỹ Lâm bị khởi tố, tạm giam về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trưng cầu giám định các loại giấy tờ thu giữ, CQĐT xác định tất cả đều là giả mạo. Trong số này, bản Thông báo vốn số 216 ghi tên, chức danh của đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính, thực chất là số công văn thông báo… nghỉ hưu đối với một cán bộ của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính. Ngoài tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CQĐT CATP Hà Nội còn xem xét làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức đối với các đối tượng để xử lý sau.
Theo ANTD
Máu lừa của người đàn bà "tâm thần" họ Mông
Tìm hiểu về những chiêu lừa của người đàn bà 40 tuổi, mang tên Mông Thị Ngọc - trú ở tập thể Văn công, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, không ai nghĩ rằng đó là thủ đoạn của một người "bất thường" về thần kinh. Vậy nhưng Ngọc đã có được giấy xác nhận bị "điên" và đã tiếp tục gây án.
"Nẫng" 5 tỷ đồng của ngân hàng
Ngày 28-5, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", khởi tố bị can đối với Mông Thị Ngọc cũng về tội danh nêu trên.
Theo tài liệu CQĐT, khoảng tháng 4-2010, bà Nguyễn Thị Đ, nhà ở huyện Từ Liêm, được người quen giới thiệu gặp Mông Thị Ngọc để nhờ vay giúp tiền của ngân hàng bằng hình thức thế chấp "sổ đỏ". Theo thoả thuận, Ngọc sẽ cho bà Đ vay 1,5 tỷ đồng; đổi lại, bà Đ thế chấp "sổ đỏ" mảnh đất hơn 100m2 tại xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm.
Một tháng sau đó, bà Đ và Ngọc đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tại đây, Ngọc và bà Đ đã lập giấy cam đoan, có sự làm chứng của 1 nhân viên phòng công chứng, nội dung Mông Thị Ngọc và bà Đ đã ký hợp đồng chuyển nhượng, hai bên cùng lập cam đoan để thoả thuận Ngọc giao cho bà Đ 1 tỷ đồng trên tổng số 1,5 tỷ đồng. Giấy cam đoan nêu rõ, sau thời hạn 1 năm kể từ ngày ký văn bản (18-5-2010), bà Đ sẽ phải thanh toán đủ cho Ngọc số tiền mà hai bên đã thống nhất. Trường hợp đến hạn phải thanh toán số tiền trên mà bà Đ không thanh toán được thì phải báo trước cho Ngọc 1 tháng để hai bên lập văn bản thoả thuận mới...
Các nội dung cam đoan, cam kết công chứng chưa kịp "nguội" thì ngay trong tháng 5-2010, Mông Thị Ngọc đã sử dụng hợp đồng ký với bà Đ để làm thủ tục đăng ký xác nhận chứng nhận quyền sử dụng đất tên Mông Thị Ngọc tại Văn phòng Đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm. Ngày 29-6-2010, Ngọc ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, mang đi công chứng để vay của Ngân hàng thương mại CP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm số tiền 5 tỷ đồng.
Không biết bị Ngọc lừa, từ tháng 1 đến 7-2011, bà Đ cặm cụi nhiều lần mang tiền đến trả cho Ngọc tròn 1 tỷ đồng. Về phần mình, sau khi ôm của ngân hàng 5 tỷ đồng, Ngọc cũng không trả nợ theo đúng kỳ hạn mà tìm cách trốn tránh.
Chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV thông tin, CQĐT còn nhận được đơn của nhiều cá nhân tố cáo đã cho Mông Thị Ngọc vay hơn 10 tỷ đồng. Theo nội dung đơn tố cáo, khi vay tiền của các cá nhân này, Ngọc đang là kế toán trưởng của hai công ty TNHH có địa chỉ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Án chồng án
Thời điểm CQĐT CATP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với Mông Thị Ngọc về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị can này đang... thi hành bản án 24 năm tù giam cũng về tội danh nêu trên.
Trong "giới" tội phạm, việc một bị can liên quan đến nhiều vụ án, nhiều tội danh là hết sức bình thường. Song với người đàn bà họ Mông này, thời điểm của những lần phạm tội dường như có sự tính toán hệ số "an toàn" rất kỹ lưỡng. Thậm chí có lần, Ngọc còn được xem như bị hại trong một vụ án hình sự. Đó là vụ việc xảy ra ngày 13-10-2011; hôm ấy, Phòng CSHS CATP Hà Nội phối hợp với CAQ Tây Hồ đã giải cứu một phụ nữ bị một nhóm đối tượng bắt giữ trái phép trong ngôi nhà ở phố Đặng Thai Mai. Nạn nhân chính là Mông Thị Ngọc. Là nạn nhân, nhưng Ngọc không "oan" chút nào, bởi cô ta liên quan đến việc vay nợ "tín dụng đen", có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Đáng chú ý, thời điểm bị bắt giữ trái phép, Ngọc có bệnh án đang điều trị tại bệnh viện tâm thần. Và đây cũng là một trong những lý do cô ta được tạm hoãn thi hành bản án lên đến 24 năm tù giam.
Mông Thị Ngọc "đến" với bản án trên ra sao? Năm 2003, Ngọc ra tòa với mức án 13 năm tù giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Năm 2005, người đàn bà họ Mông tiếp tục ra trước vành móng ngựa trong vụ án khác, và bị tòa tuyên 11 năm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt tù, Mông Thị Ngọc phải chịu mức án 24 năm tù giam. Ngày 27-9-2010, TAND TP Hà Nội có Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho Mông Thị Ngọc 12 tháng, kể từ ngày 27-9-2010 đến 27-9-2011, với lý do: "Người bị kết án đang ốm đau, bệnh tật, sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng".
Ngày 17-10-2011, CAQ Cầu Giấy nhận được Quyết định thi hành án đối với Mông Thị Ngọc. Nội dung quyết định thể hiện, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan công an. Nếu không có mặt, cơ quan công an sẽ tiến hành áp giải. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến nơi cư trú của Mông Thị Ngọc để thông báo quyết định, người thân của cô ta cho biết, Ngọc đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Làm việc với cán bộ công an, đại diện bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Mông Thị Ngọc. Theo hồ sơ bệnh án này, bệnh nhân Ngọc "vào viện ngày 30-8-2011; ra viện ngày 24-10-2011; chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực...". Điều kỳ lạ là thời điểm mà Ngọc bị bắt giữ trái pháp luật tại quận Tây Hồ cũng là lúc cô ta... đang điều trị ở bệnh viện tâm thần. Phải chăng Mông Thị Ngọc đã trốn viện ra ngoài để rồi bị bắt giữ trái pháp luật? Cùng với câu hỏi này, một băn khoăn cũng cần được đặt ra đối với bệnh lý về tâm thần của người đàn bà họ Mông.
Theo ANTD
Hà Nội: Attila đang chạy đột nhiên bốc cháy tại Mai Dịch Khoảng 9h30 sáng nay (3/4), một chiếc xe Attila mang BKS 29Z6- 0285 lại đột nhiên bốc cháy khi đang chạy trên đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch- Từ Liêm Vào thời gian trên khi đang chạy trên đường hướng Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch thì chiếc xe Attila bỗng nhiên bốc cháy. Chủ xe là chị Nguyễn Thị Hà My,...