Trở lại thị trấn sương mù
Chuyến nghỉ phép được thưởng sau khi kết thúc dự án của chúng tôi dẫn chúng tôi về Sapa. Thị trấn nay đã khoác áo mới, nhiều điều thú vị nhưng cũng nhiều điều đáng suy gẫm.
Sapa là sự hội tụ nên thơ của ẩm thực dân dã và khí trời trong lành, của cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, cuốn hút sâu trong các bản làng lẫn với nét sang trọng, hiện đại ở trung tâm thị trấn.
Sapa mặc áo mới
Đặt chân tới thị trấn cũng là lúc tâm trạng của chúng tôi thoáng buồn, thị trấn Sapa đã khoác một thứ áo mới toàn diện rồi. Nhà thờ cổ có thêm dãy hàng rào sắt bao kín, trông thật cách biệt, xa vời. Những cô gái dân tộc nói tiếng Anh điệu nghệ hơn và biết làm duyên trước ống kính hơn sau khi đã mặc cả xong giá chụp ảnh.
Video đang HOT
Thị trấn Sapa đẹp lộng lẫy nhiều sắc màu với nét hiện đại có phần lấn át vẻ hoang sơ. Những cửa hàng sang trọng với ô cửa kính trong suốt nhìn rõ vẻ kiêu kỳ, cao cấp của thứ hàng hóa bên trong, ánh lên vẻ lung linh dưới ánh sáng đỏ của chùm đèn pha lê lóng lánh. Có chăng nét mộc mạc còn lại nơi thị trấn tấp nập này là khu chợ trung tâm. Nhưng nếu bạn có mong ước lên Sapa mua vải thổ cẩm dệt bằng tay như những chương trình du lịch trên truyền hình vẫn ca tụng, bạn nên vào sâu trong bản làng và đặt hàng theo ý thích, thay vì tìm kiếm 1% may mắn nằm mất hút trong những đám hàng hóa và cửa hàng giả thủ công đầy rẫy ở chợ.
Chuyến khởi hành khám phá lại vùng đất đã từng rất quen thuộc với chúng tôi bắt đầu từ mờ sáng, lúc Sapa còn đẫm hơi sương. Những hàng ngô luộc, bún chả bắt đầu phả hơi nóng để cuốn hút thực khách. Khi chúng tôi đến chân Cầu Mây, thị trấn sương mù chào ngày mới bằng một thứ nắng rất trong. Người ta có cảm giác muốn tẩy trần dưới cái nắng trong trong và mềm mại nhưng căng tràn nhựa sống này.
Dưới ánh nắng mảnh mai đó, một con suối hết sức hiền hoà uốn lượn khoe mình rồi ánh lên sự long lanh của dòng nước. Người dân quanh đây vẫn giữ thói quen sinh hoạt xưa, sống với con suối và để nó yêu thương, che chở cho mình. Người ta giặt đồ ở suối, rồi leo lên thượng nguồn lấy nước về nấu nướng và tắm rửa, những gùi nước ắp đầy sau vai của những chàng trai, cô gái khỏe mạnh phần nào gợi lên sức sống rất riêng của người miền núi.
Dọc theo lộ trình, chúng tôi ghé thăm bản Cát Cát và Mèo Vạc. Dù nhịp sống du lịch đã đi theo vào cuộc sống của người H’mong nhưng dường như điều đó vẫn chưa làm mất đi sự thú vị của bản làng miền núi. Những thùng chàm để ngay trong vườn nhà, sát với lối đi của khách du lịch biểu hiện một tập tục nhuộm quần áo chưa thay đổi, từng nhịp sống xưa cũ vẫn còn rộn rã đầy màu sắc. Tại đây, bạn có thể mua vải thổ cẩm nguyên thuỷ. Đó là thứ vải thô được lấy sợi từ thân cây lanh, rồi nhuộm bằng lá chàm cho ra màu xanh tím than thuần chất. Nếu khéo đề nghị, bạn có thể nhờ người dân dệt thêm hoa văn theo trang phục dân tộc họ. Giá thành của một sản phẩm không hề rẻ, vì từ rất lâu rồi, người dân đã quen với việc tiếp đón khách du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Món nướng ở Sapa
Du khách đến Sapa còn có thú đi dạo đêm. Bởi cái lạnh gợi cảm giác cần được sum tụ hơn bao giờ hết, nhưng không phải sum tụ dưới một mái nhà, mà là cùng ngồi quây quần bên một gian bếp lửa dưới làn sương mờ trắng đục. Có lẽ vì thế mà con đường phía trước cửa nhà thờ luôn ấm áp với những dãy hàng ăn đêm chạy dọc trên vỉa hè, mà thực đơn chỉ bao gồm món nướng.
Món nướng ở Sapa có thể là trứng vịt lộn nướng, khoai lang nướng, hạt dẻ nướng, ngô nướng, sắn nướng, lợn cắp nách, gà nguyên con nướng, thịt lam… thơm ngào ngạt lên tới tận cửa sổ những khách sạn gần đó. Lam theo tiếng dân tộc có nghĩa là thực phẩm được nướng chín bằng ống tre. Món ăn lam là nét đặc sắc nổi bật trong ẩm thực vùng núi, từng nằm trong thực đơn của khách sạn huyền thoại 6 sao Metropole Sofitel Hà Nội. Nhưng tại đây, bạn mới thực sự được thưởng thức hương vị thuần khiết đúng chất núi rừng. Thịt được làm từ lợn Mường nổi tiếng, ướp với chút hương thơm trầm ấm của hạt và lá mắc mật, chút cay nồng của hạt tiêu rừng, chút mặn, chút ngọt của hỗn hợp gia vị luôn nằm trong hai chữ bí mật của những hàng quán. Và nhất là được thưởng thức đúng trong không gian của núi rừng.
Ăn trứng nướng ở Sapa cũng khiến thú hưởng thụ quẫy mạnh. Vừa nghe mọi người tán gẫu, vừa ngẫm xem trứng vịt lộn nướng ngon hơn trứng luộc ở điểm nào. Tách đôi một nửa vỏ trứng rồi dùng thìa ăn trực tiếp, thấy vị tanh tanh thường có nay chuyển thành một mùi thơm của củi cháy và vỏ trứng nướng nâu vàng. Có lẽ đó là điều thú vị hơn của trứng nướng chăng.
Khi những quán hàng vẫn không thôi nghi ngút khói, những điệu hát đối của chàng trai, cô gái phía bên kia đường làm chúng tôi không thôi tò mò. Một người khách du lịch sau khi trêu ghẹo cô gái dân tộc một hồi suýt nữa ghi kỷ lục chạy trốn thành hình vòng tròn lâu nhất khi “được” cô gái đuổi theo đòi lấy làm chồng.
Sapa vẫn đợi chờ
Nếu muốn khám phá những gì còn là bí ẩn về Sapa, bạn rất nên thuê lấy những anh xe ôm (xe thồ) lâu năm, chuyên trị dòng xe Minsk cho đường núi. Chúng tôi đã có được bài học quý giá khi tự thuê xe và trải nghiệm hành trình khám phá. Trục đường dẫn qua Bãi Đá Cổ hết sức nguy hiểm với đường cua ngoằn nghèo, rất dốc, không có rào chắn bên vực và chỉ đủ rộng cho hai ô tô qua lại ngược chiều. Cả nhóm gần như lạnh xương sống khi tắt máy, rồi phanh mà vẫn trượt dài với vận tốc 60km/h. Dù đã cố gắng giơ chiếc máy ảnh về phía trước thì gió và một bên vực không thanh chắn cũng làm chúng tôi rợn người không chụp nổi một bức hình.
Dẫu đã quen đến đi mòn gót chân, dẫn có vài điều thay đổi không mấy dễ chịu, Sapa vẫn chờ đợi và vẫn xứng đáng để du khách ghé thăm, dù chỉ một lần.
Theo PNO