Trở lại ổ sốt xuất huyết tại Hà Nội: Ý thức phòng bệnh chưa cao
Tuy Hà Nội không trở thành điểm “ nóng” bùng phát mạnh sốt xuất huyết (SXH) như các tỉnh phía Nam, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc SXH đã tăng hơn tháng 8.
Trở lại các ổ dịch SXH ở Thủ đô, chúng tôi thấy nhiều người dân vẫn còn chủ quan với phòng bệnh, trong khi các ổ dịch này vẫn đang hiện hữu và có nguy cơ bùng phát.
Sống trong ổ dịch nhưng vẫn chủ quan
Đến phường Ô Chợ Dừa, nơi có số ca mắc SXH và ổ dịch cao nhất quận Đống Đa (Hà Nội), theo ghi nhận của chúng tôi, hiểu biết của người dân về phòng bệnh SXH đã cao hơn, song nhiều nơi, nhiều người vẫn còn chủ quan, thờ ơ với bệnh. Tuy ở vào “tâm dịch” nhưng một số người dân vẫn không biết, chưa có biện pháp từ phòng bệnh cho mình và người thân trong gia đình.
Có mặt ở 83 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa vào sáng 27-9, theo ghi nhận của chúng tôi, đây là công trường xây dựng lớn, công nhân, máy móc hoạt động liên tục. Thời gian cao điểm, công trường này có khoảng 200 công nhân làm việc, các dụng cụ chứa nước của công trình khá nhiều. Một công nhân đang làm việc ở đây cho chúng tôi biết, cuối tháng 8 nơi đây là ổ dịch SXH.
“Đội của tôi có 40 người thì có hơn 10 người mắc” – công nhân này nói. Theo anh, các công nhân được “cai thầu” cho ăn nghỉ trong các lán tại công trường. Do điều kiện vệ sinh kém, thời tiết mưa nắng đã sinh sôi muỗi truyền bệnh, cộng với việc các công nhân không quan tâm tới bệnh SXH cũng như hiểu biết về cách phòng bệnh, nên bọ gậy đã sinh sôi trong các bể, rãnh và dụng cụ chứa nước lưu cữu.
Video đang HOT
Hơn nữa, nhiều công nhân lao động mệt mỏi nên ngả lưng là ngủ luôn, không có thói quen mắc màn. Khi một người mắc SXH, muỗi truyền bệnh đã nhanh chóng lây truyền cho người khác.
“Có tốp thợ 10 người ở Thanh Hóa bị sốt kéo nhau về quê hết. Cả tốp thợ ở Nam Định cũng vậy, thấy sốt họ đều bỏ về quê” – công nhân này cho biết. Khi tôi hỏi vì sao SXH không vào viện mà lại về quê, anh này nói rằng do chi phí điều trị tốn kém nên họ quay về quê. Có người về lây bệnh cho cả nhà. Do là ổ dịch SXH nên từ tháng 9 đội của công nhân này được chủ thầu bố trí đến nơi khác để ở.
Tuy công trường này cách đây vài ngày là ổ dịch SXH, nhưng khi chúng tôi hỏi công nhân khác, anh này lắc đầu không hề biết. Một số công nhân không để ý và không quan tâm đến phòng bệnh.
Tương tự, tới dự án xây dựng lớn ở 36 Hoàng Cầu, chúng tôi cũng được thợ xây ở đây cho biết: “Muỗi đốt làm sao mà tránh được, lúc trước có mấy thợ ở đây bị sốt, sau lây lan nhanh. Người sốt về quê rồi, không thấy có thông tin gì nữa”. Khi tôi hỏi họ đi ngủ có mắc màn hay không, một công nhân đang xách nước cho biết: “Trước thì không, nhưng vừa rồi y tế đến kiểm tra nhắc nhở nên có mắc”.
Theo UBND phường Ô Chợ Dừa, trên địa bàn phường có 27 công trình xây dựng của các hộ gia đình và 4 dự án xây dựng lớn ở 83 Hào Nam, 61 Hoàng Cầu, số 2 Ngõ Giếng, 36 Hoàng Cầu. Thanh tra xây dựng phường và Trạm y tế đã tổ chức cho các chủ công trình ký cam kết ngay từ khi công trình bắt đầu khởi công và thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các công trình xây dựng.
Mỗi công trình được kiểm tra ít nhất 3 lần, riêng 4 dự án xây dựng lớn được kiểm tra, nhắc nhở và giám sát thực hiện diệt bọ gậy 4 lần. Kết quả kiểm tra, có 17/27 công trình xây dựng của người dân có bọ gậy trong các bể chứa nước, rãnh thoát nước, nước đọng trên nền nhà. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở chủ công trình phải hút nước đọng trên nền hằng tuần, vệ sinh nơi ăn ở của công nhân, yêu cầu công nhân phải nằm màn khi ngủ…
UBND phường đã chỉ đạo tổ trật tự xây dựng cùng trạm y tế phường tăng cường kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với những công trình xây dựng không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH.
Phòng ngừa để không bùng phát
Nếu như trong tháng 8-2019, Hà Nội ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc SXH/tuần, thì tháng 9-2019, số ca mắc SXH đã tăng lên từ 400 đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện, thị xã.
Theo báo cáo của phường Ô Chợ Dừa, số ca mắc SXH trên địa bàn hiện là 69 trường hợp với 9 ổ dịch, cao nhất quận Đống Đa. Số ca mắc bắt đầu có chiều hướng tăng nhanh vào giữa tháng 8. Hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại Hoàng Cầu, Hào Nam và Võ Văn Dũng.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng bệnh SXH tại đây đã nhận định, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu bởi các ổ bọ gậy trong các chậu hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình; bể chứa nước tại các công trình xây dựng của người dân, đặc biệt là 4 dự án xây dựng lớn trên địa bàn phường vẫn có bọ gậy.
Vì vậy, phường Ô Chợ Dừa và quận Đống Đa tập trung tích cực cho công tác phòng bệnh SXH, không để dịch bùng phát. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; không tự chữa bệnh tại nhà để tránh tử vong do bệnh dịch.
Theo báo cáo của UBND phường Ô Chợ Dừa, phường đã thành lập 7 tổ giám sát vệ sinh môi trường, lực lượng các đội xung kích để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy… Nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân, công nhân lao động trên địa bàn vẫn chủ quan, chưa chú ý phòng dịch.
Từ tháng 6 đến nay, quận Đống Đa đã tổ chức 3 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại 49 tổ dân phố. Tuy nhiên, kết quả phun chưa cao, chỉ đạt trên 63%. SXH đang có chiều hướng tăng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Từ đầu năm 2019 có khoảng 140.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần. Phòng bệnh SXH quan trọng nhất là diệt bọ gậy, loăng quăng để không cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Vì vậy cần phải nâng cao tuyên truyền đến từng tổ dân phố để mỗi hộ gia đình tự phòng ngừa. Cơ quan y tế phải kiểm tra, giám sát, khoanh vùng chặt chẽ không để bệnh lây lan.
Tr.Hằng
Theo CAND
Không để sốt xuất huyết lan rộng tại ĐBSCL vào cao điểm mùa mưa
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm của mùa mưa nên tạo điều kiện cho bọ gậy, muỗi sinh sôi, phát triển. Đây chính là nguyên nhân làm bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm của mùa mưa nên tạo điều kiện cho bọ gậy, muỗi sinh sôi, phát triển. Đây chính là nguyên nhân làm bùng phát dịch sốt xuất huyết.
An Giang và Tiền Giang là các tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao trên cả nước./.
Theo TTXVN/Vietnamplus
Nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Ô Chợ Dừa Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã nhận định, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn hiện hữu bởi các ổ bọ gậy trong các chậu hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình; bể chứa nước tại các...