Trịnh Tú Trung: “Ba đánh mẹ dã man lắm, bóp cổ dí vào tường, nhấc bổng người lên”
“Tôi chứng kiến những cái sai dai dẳng của ba làm với mẹ, từ lừa dối tình cảm đến lấy tiền để dành của mẹ đem cho những người phụ nữ khác. Mẹ đều chịu hết”, Trịnh Tú Trung kể.
Bạn xấu, mình có thể bỏ để chơi với bạn khác tốt hơn nhưng cha mẹ thì chỉ có MỘT. Không ai có thể thay đổi được người đã sinh ra mình. Không ai có thể chọn người sinh ra mình. Thay vì oán hận, căm ghét, thậm chí từ bỏ họ, hãy tha thứ, chấp nhận và nhìn mọi chuyện một cách tích cực để không sống những tháng ngày tiêu cực về sau.
Bởi, tha thứ là một phép màu để thay đổi tất cả. Để người sai nhận ra mình sai và sửa. Để những bi thương hoá đẹp đẽ từ chính giá trị mà nó đem lại, dẫu đau đớn tận cùng.
Đó là điều mà tôi rút ra được từ chuyện đời đầy bi kịch và nước mắt của Trịnh Tú Trung.
“ Vì thương đứa con trong bụng nên mẹ đánh liều 1 phen…”
Hầu hết mọi đứa trẻ đều được sinh ra từ tình yêu của cha mẹ và chúng được nuôi dưỡng từ chính tình yêu ấy. Nhưng những gì tôi biết về Trịnh Tú Trung thì bạn là một trường hợp trái ngược?
Ba và mẹ có em bé khi họ còn trẻ và chưa sẵn sàng, thậm chí có thể nói là không xuất phát từ tình yêu và sau đó là sự gánh chịu trách nhiệm của cả hai.
Gia đình nhà ngoại cố gắng tách ba mẹ ra, khuyên mẹ bỏ đứa bé trong bụng đi, chẳng thà đau một lần rồi thôi, còn hơn sau này khổ. Cứ phá thai đi rồi tìm hạnh phúc khác.
Còn bên nội thì không đồng ý. Nhà nội bảo, dù sao đó cũng là lỗi sai của ba nên ba phải có trách nhiệm. Và thế là ba mẹ dọn về sống với nhau. Mẹ cũng biết con đường chông gai phía trước nhưng vì thương đứa con trong bụng và vì quá yêu người đàn ông đó nên đánh liều một phen.
Khi tôi hiểu chuyện thì cũng thắc mắc, tại sao nhà bác ruột có hình cưới treo mà nhà mình thì không. Từ những câu chuyện phiếm trong gia đình, giữa cô dì chú bác họ hàng mỗi lần hỏi thăm mẹ thì tôi biết là ba mẹ chưa từng làm đám cưới.
Tôi chứng kiến những cái sai dai dẳng của ba làm với mẹ, từ chuyện thiếu trách nhiệm, lừa dối tình cảm đến lấy tiền để dành của mẹ đem cho những người phụ nữ khác, phục vụ thú vui và sở thích của mình. Mẹ đều chịu hết.
Tới giờ phút này, khi tôi đã hơn 30 tuổi, mẹ vẫn nói với tôi rằng: “con là niềm an ủi duy nhất của mẹ”, chứng tỏ là mẹ vẫn đau thì mới cần tới an ủi, chứ nếu không mẹ sẽ nói, con là niềm vui của mẹ. Và mỗi lần nghe câu đó, tôi rất chạnh lòng.
“ Ba tôi đánh mẹ dã man lắm…”
Trung có chứng kiến trực tiếp chuyện ba làm tổn thương mẹ, làm đau mẹ?
Ba đánh mẹ dã man lắm, bóp cổ dí vào tường, nhấc bổng người lên. Tôi la khóc, van xin “con lạy ba, ba thả mẹ ra đi. Con lạy ba, ba thả mẹ ra đi, không thôi mẹ chết”.
Lúc ba buông mẹ ra là mẹ chạy một mạch ra chợ vì mẹ nghĩ, chỉ có chạy ra chợ thì ba mới không đánh nữa.
Ba tôi là người cực kỳ sĩ diện. Bước ra khỏi cửa là trở thành một con người khác, lịch thiệp, nho nhã. Thậm chí bà con hàng xóm còn lầm. Họ bảo “chắc nó phải làm sao thì chồng nó mới đánh dữ vậy”, bởi người ta không biết trong nhà xảy ra chuyện gì.
Ba nói rất giỏi, từ sai nói cũng thành đúng và câu chuyện cỡ nào cũng là người chủ động hết. Còn mẹ, mẹ chịu đựng hết thảy. Nếu bây giờ, mọi người để ý sẽ thấy, mũi mẹ tôi bị méo qua một bên vì bể xương mũi. Nguyên nhân là vì lần đó ba mẹ tranh cãi chuyện tiền bạc.
Ngày xưa, nhà tôi thường có tiền của bà nội ở nước ngoài gửi về. Ba mẹ giành nhau ai được phần hơn. Mẹ thì phải lo cho cả gia đình, con cái, cơm nước nên mẹ muốn phần nhiều hơn, còn ba thì chỉ ăn xài, đi chơi thôi.
Khi tranh cãi không được như ý, ba đá cái xô rất dày màu đỏ vào thẳng mặt mẹ. Lúc đó, mẹ đang ngồi rửa chén. Máu văng ra rất nhiều. Mẹ nghĩ không sao nên chỉ chặm máu lại. Tới lúc mặt hết sưng thì mũi cũng bị méo luôn.
Khi phát hiện ra thì sửa không kịp. Đi thẩm mỹ thì điều kiện kinh tế không cho phép. Hơn nữa, những người phụ nữ bình dân, họ không nghĩ tới chuyện đó, lỡ rồi thì thôi. Thậm chí, có lần mẹ mua tuýp kem đánh răng về, vừa tháo hộp giấy ra thì ba đi nhặt hộp lại, nhét tuýp kem vô mang ra chợ bán rẻ cho người ta. Mẹ lại dấm dứt khóc.
Sống khổ sở như thế, có bao giờ mẹ và Trung nghĩ tới chuyện phải giải thoát?
Chuyện đó xảy ra suốt hơn 20 năm mẹ sống với ba và mẹ luôn chịu đựng. Mẹ sợ mẹ đi, ba sẽ đưa ngay người phụ nữ khác về ở thì mất trắng, mẹ không muốn tôi khổ.
Nhưng tôi lại nghĩ, chẳng thà mẹ khổ con khổ, thuê nhà lụp xụp ở mướn mà mẹ đỡ phải chịu đau đớn còn hơn. Trong lòng tôi luôn nghĩ mình phải học thật giỏi vì chỉ có học giỏi mới cứu được mẹ ra khỏi chỗ này.
Bởi thế mà cả tuổi thơ của tôi không có bạn bè gì hết, chỉ biết chui đầu vào học, cố chờ tới lúc mình lớn, có thể chủ động được cuộc sống của mình và mẹ thì tìm đường rút.
Nhưng sau tất cả, tôi nhận ra rằng, vì mẹ yêu ba, cần ba nên mẹ cứ nấn ná chần chừ. Và việc tước đi tình yêu của người khác là điều vô cùng khó chịu. Cho tới một lúc, cái gì đến cuối cùng cũng phải đến.
Thật sự, trong rất nhiều chuyện, tôi cũng giận tại sao mẹ lại chịu đựng như vậy. Thậm chí có những lần, tôi phản ứng rất mạnh khi mẹ nói rằng tại tôi mà mẹ khổ.
Tôi bảo “mẹ đừng đổ thừa tại con. Con không hề có nhu cầu được sinh ra trên cõi đời này. Con càng không muốn mình là nguyên nhân để mỗi lần mẹ đau khổ, mẹ quay ra nói, tại mày mà tao mới như vậy.
Con cũng không biết được cuộc đời con lại nhiều khổ đau như thế. Nếu biết trước thì thà mẹ đừng sinh con ra còn hơn”. Và đó cũng là một trong những câu nói của tôi làm mẹ buồn.
Thậm chí, tôi cũng từng nói “mẹ chịu nổi người đàn ông đó nhưng con không chịu được”. Mẹ thường nói “thôi, thương mẹ thì nhịn đi. Dù gì ông ấy cũng là cha của mày, không cãi được chuyện đó”.
Nhưng nói thì nói vậy, giận đó rồi cũng thôi. Khi tôi đi làm có tiền, ngoài tiền đưa riêng cho mẹ, tôi vẫn để riêng tiền cho ba trên mặt tủ để ba tiêu xài, dù không nói chuyện.
Nhưng có những thứ đã ăn vào máu và không thể thay đổi. Tôi không hiểu là khi ba làm cho tôi đau khổ, làm cho mẹ đau khổ thì ba cảm thấy như thế nào…
Suy cho cùng, mẹ nhẫn nhịn có lẽ vì muốn tôi có một gia đình đầy đủ, muốn con mình không cảm thấy hụt hẫng vì gia đình ly tán. Bởi xung quanh tôi, có rất nhiều bạn bè gia đình ly tán rồi mất tập trung vào việc học và chúng đổ thừa là do gia đình thế này thế kia. Mẹ tránh cho tôi điều đó.
Nhưng cuối cùng, ba là người chọn bỏ đi.
Trịnh Tú Trung kể về bi kịch gia đình.
“ Dù mẹ có sai thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ bỏ qua hết”
Dù mẹ yêu đến bao nhiêu đi nữa nhưng hôn nhân cứ chìm ngập trong đau khổ, nhẫn nhịn, chịu đựng rồi mẹ sống ra sao trong những tháng ngày đó. Mẹ xoa dịu nỗi đau ấy bằng cách nào và có đủ tỉnh táo để quan tâm, chăm sóc cho con?
Ngày bé tôi đi học bị té gẫy tay nhưng về nhà nói, không ai tin. Cả mẹ cũng không tin. Mẹ bảo “gẫy tay thì sức mấy mà mày chịu được vậy, không sao đâu”. Vì lúc đó mình chỉ là đứa con nít 9 tuổi nên ba mẹ nói sao thì nghe vậy. Nhưng cái tay sưng hơn 2 tháng trời. Tới khi mẹ đưa đi viện thì xương lành luôn rồi.
Bình thường, 2 cái xương của người ta thẳng, còn xương của tôi móc ngoéo vào nhau. Tôi còn nhớ lúc đó các bác sĩ hội chẩn rất đông để bàn xem mổ thế nào. Tôi sợ bị mổ nên bằng mọi giá phải vặn xoay được cái tay mình. Bác sĩ thấy làm được thì cho về.
Chính vì thế, giờ 2 cái xương cánh tay của tôi dính vào làm 1. Xách đồ nặng rất khó, thể dục cũng khó và cứ tới mùa lạnh là đau. Dĩ nhiên, đó là lỗi của tôi. Tại tôi ham chơi, không biết thương mình thì ráng chịu. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu người lớn thương nó, quan tâm đến nó thì khác rồi.
Tương tự, có lần tôi bị sốt cao. Tôi nói mẹ đưa đi bác sĩ nhưng mẹ bảo “sốt vậy ăn thua gì. Nằm tí nó hết”. Bác ruột tôi ngày xưa là y tá. Lúc bác về, bác nói “nó sốt cao quá rồi, chở đi bác sĩ đi”. Tới nơi, bác sĩ nói, trễ chút là nó giật kinh phong chết rồi.
Có nhiều lý do để lý giải cho những chuyện đó. Chẳng hạn gia đình thiếu thốn. Thế nên sau này tôi quyết không bao giờ để mình sống trong cảnh thiếu thốn lần nào nữa. Tôi không đợi xin phép ai nữa.
Cuộc đời mình vì chờ đợi xin ý kiến người ta mà mém chết, chờ để được đồng tình mà tay thành tật nguyền. Hỏi tôi có giận không, tôi giận chứ. Tôi không chỉ giận ba mà còn giận cả mẹ nữa nhưng suy cho cùng, tôi vẫn muốn tha thứ.
Tôi hiểu rằng, tất cả những gì mẹ làm đều xuất phát từ việc mẹ không được hạnh phúc, mẹ không vui. Khi người ta không vui thì người ta nghĩ không được thông suốt và làm nhiều điều sai trái.
Mẹ tôi trải qua nhiều thú giải trí mà người ngoài xã hội gọi là tệ nạn. Hồi mới có tiểu thuyết ngôn tình, mẹ tôi đọc sáng đêm. 1 ngày mẹ đọc 2, 3 bộ. Sau này tôi cũng đọc thử Quỳnh Dao thì hiểu rằng, trong đó có những chuyện tình đẹp, lãng mạn. Mẹ tôi không có những chuyện tình đẹp như thế nên đắm chìm vào đó.
Và dĩ nhiên, khi mình có một mối bận tâm khác thì sẽ không lo cho con nữa. Khi mẹ có mối quan tâm khác không phải là mình, tôi rất tủi thân vì đó giờ mẹ chỉ có tôi và tôi chỉ có mình mẹ.
Khi nhà bác gái dọn nhà đi chỗ khác ở, không có ai quản lý chuyện gia đình tôi nữa thì mẹ đi đường mẹ, ba đi đường ba. Ba đi chơi, cặp kè với người này người kia. Tôi gặp hoài và nhớ tên từng cô. Mẹ buồn, tụ tập bạn bè rồi người ta rủ chơi đánh bạc.
Tôi phải đi gõ cửa từng nhà để hỏi có mẹ không. Mê mải cờ bạc, mẹ quên hết. Quên cả con. Tôi buồn chứ nhưng tự nói với lòng mình rằng, mẹ có nhiều nỗi đau quá nên phải tìm niềm vui để khoả lấp. Tôi không giận mẹ được.
Nếu mẹ không buồn, mẹ không bao giờ như vậy. Vì tôi từng chứng kiến cảnh mẹ buôn gánh bán bưng để lo cho tôi.
Tôi nhớ ngày xưa đi học, cứ xét xong hạnh kiểm học kỳ 2 là tôi xin nghỉ để phụ mẹ bưng bê, bán hàng bởi chỉ có mình mẹ làm. Sáng sáng mẹ lom khom khiêng từng cái tủ, cái chén ra để bán hủ tíu mà ba dắt xe đi thể dục coi như không thấy gì.
Chính vì những ngày tháng đó nên dù mẹ có sai thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ bỏ qua hết. Mẹ quá khổ, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Đêm nào mẹ cũng khóc. Tới khi mẹ tìm thấy niềm vui khác trong cuộc sống, tôi để mẹ vui.
Nhưng sau này, các bạn rủ mẹ đi xa hơn, sang Campuchia đánh bài thì tôi cản. Tôi nói “mẹ thương con thì đừng như vậy. Mẹ qua Campuchia, đường xa nước cạn, rủi có chuyện gì, mẹ không về được đâu”.
Và tôi mở shop quần áo cho mẹ buôn bán. Thậm chí, có lần tôi đi nước ngoài lấy hàng, mẹ gọi điện nói đi thể dục đánh rơi hết tiền. Sau này tôi biết là mẹ đánh bạc thua hết nhưng tôi không nói gì, đợi thời điểm phù hợp mới nói.
Tôi muốn mẹ biết, tôi quan tâm mẹ, tôi thấy hết mọi chuyện nhưng tôi thương mẹ và muốn tha thứ. Và dù mẹ có sai thế nào đi nữa thì mẹ vẫn là mẹ của con và con hiểu cội nguồn của cái sai ấy là gì, nên con sẽ bỏ qua hết.
May là trời thương, sau bao nhiêu chuyện thì mẹ đã thay đổi. Giờ mẹ khác, không còn làm mình buồn lòng nữa. Gia đình giờ vui hơn xưa rất nhiều, không còn nặng nề nữa….
Thậm chí mẹ đã biết để dành tiền. Tôi rất vui. Mẹ biết để dành tiền nghĩa là mẹ có biết nghĩ cho mẹ, biết thương mẹ. Biết đâu một ngày nào đó, không có tôi bên cạnh thì mẹ cũng phải tự lo được cho mình.
Xưa giờ mẹ chỉ biết nghĩ cho người ta mà không biết nghĩ cho mình thì giờ mẹ đã làm được điều đó. Mẹ để dành được 1, tôi cho mẹ 10.
Ngày xưa có chai nước hoa mẹ đang xài dở, ba cũng đem đi bán, giờ tôi mua cho mẹ một lúc mấy chục chai để khắp phòng. Nguyên tuổi trẻ của mẹ không được ăn ngon mặc đẹp, giờ tôi không để mẹ phải thiếu cái gì. Quần áo, chỉ cần mẹ bảo mẹ thích kiểu đó, tôi có thể mua cho mẹ tất cả các màu.
Tôi bù đắp bằng mọi cách và đó là cách mà tôi tha thứ cho quá khứ, cho tất cả. Và tôi tin, cha mẹ cảm nhận được hết những gì tôi làm.
Bởi vì tôi tin rằng, nếu mình cứ khư khư bắt bẻ, chăm chăm vào lỗi sai của họ thì họ sẽ cảm thấy không có điểm tựa về tinh thần và càng lúc càng sai hơn.
“ Ba mẹ có thể sai tất cả mọi thứ nhưng vẫn có một thứ đúng, đó là sinh ra tôi”
Còn hiện tại thì sao?
Sau tất cả, tôi biết mẹ sai nhưng vẫn xem mẹ là mục đích sống của mình, xem việc làm cho mẹ hạnh phúc là nghĩa vụ của mình, niềm vui của mình… Khi nghĩ và làm như thế, tự nhiên tôi thấy cuộc đời rất đẹp.
Tôi thấy nhiều người đi du lịch vòng quanh thế giới với người yêu, bạn bè và họ tự hào vì điều đó. Còn tôi, tôi tự hào vì đã đưa mẹ đi khắp nơi cùng mình. Tôi tự hào vì mình ăn món gì thì mẹ được ăn món đó.
Có thể so về tài sản, nhiều người giàu hơn tôi nhưng họ đã làm được điều đó cho mẹ họ chưa? Tôi cho mẹ biết thế nào là tuyết, thế nào là Nhật Bản, là hoa anh đào.
Nhiều người nghĩ, cha mẹ đã trải qua phần đời của cha mẹ rồi, giờ mình phải sống cho mình nhưng tôi không có tư tưởng đó.
Điều tiếc nuối nhất cuộc đời tôi cho tới giờ phút này là chưa từng có chuyến du lịch nào cho cả ba và mẹ. Tới giờ, gia đình tôi cũng chưa hề có một tấm hình nào đủ cả 3 người, ngoại trừ tấm hình thôi nôi năm tôi 1 tuổi. Và kể từ giây phút đó, cả 3 người chưa từng chụp hình với nhau.
Cho nên có những khoảnh khắc không phải mất đi rồi mới thấy tiếc, mà người ta hiện hữu đó, mình nhìn thấy đó nhưng họ không còn là của mình nữa, nó đáng sợ hơn rất nhiều.
Mình cũng buồn nhưng mình không thể làm khác được. Tôi không thể nói ba về ở cùng mẹ vì về thì cũng không hạnh phúc rồi gia đình hiện tại của ba sẽ ra sao.
Hiện giờ, tôi không còn giận ba mẹ nữa nhưng mình chưa có cơ hội để nói cho họ biết là mình đã sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng bỏ qua vì chuyện gì qua cũng đã qua rồi.
Và, dù ba mẹ có sai thế nào đi nữa thì tôi cũng phải là niềm tự hào của họ. Đó cũng là 1 trong những lý do để người lớn nghĩ lại, để đừng sai nữa.
Tôi sinh ra trong một gia đình quá nhiều tệ nạn vây quanh, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, tôi sẽ phải hư từ lâu rồi chứ không bao giờ lớn lên nghiêm túc được như vậy. Nhưng tôi biết mình không được phép.
Cũng có những lúc mình muốn buông thả chứ. Tại sao ba được làm điều ba muốn, mẹ được sống theo cách của mẹ còn mình thì không.
Đi chơi vui hơn đi học chứ. Cờ bạc mẹ thấy vui, con cũng thấy vui vậy. Ăn tiền người ta vui chứ. Cặp kè gái gú đi du lịch vui chứ… nhưng tôi không làm, vì tôi biết mình mà hư là hỏng hết.
Chỉ cần tôi hư thôi, ba mẹ sẽ nhìn vào đó và nói “thấy chưa, rõ ràng cuộc hôn nhân của mình là sai, cố gắng đến với nhau cũng có được gì đâu”. Nhưng, tôi muốn cho ba mẹ thấy: trong cuộc đời họ, dù họ có thể sai tất cả mọi thứ nhưng vẫn có một thứ đúng, đó là sinh ra tôi.
Tôi trưởng thành đàng hoàng nghiêm túc, tôi là người tốt, sống tốt. Tôi muốn họ biết rằng, việc để tôi tồn tại trên cuộc đời này này ngày xưa là 1 việc làm đúng.
Theo Trung, ba mẹ sẽ cảm thấy thế nào và nghĩ gì khi nghe được những tâm sự này của bạn?
Mình không bao giờ biết trước được điều gì sẽ xảy ra ngày mai nên khi còn kịp, còn có thể, tôi muốn cha mẹ nghe được những lời này.
Nghe không phải để sửa sai vì giờ mẹ không còn sai nữa. Thậm chí bây giờ ba cũng đã khác. Nhưng họ nghe để hiểu, con họ đã cố gắng như thế nào, áp lực ra sao, nghĩ cái gì và phấn đấu thế nào để có được ngày hôm nay.
Cảm ơn Trịnh Tú Trung đã chia sẻ và chúc bạn luôn tìm thấy sự an yên trong cuộc sống!
Theo Trí thức Trẻ
Trịnh Tú Trung: Tôi bị đuối nước, cha ruột tìm một hồi không thấy kêu mọi người "thôi đi về"
"Từ khoảnh khắc đó, tôi biết rằng, cái sống chết của mình không nằm trong sự quan tâm của người ta", Trịnh Tú Trung kể.
Trịnh Tú Trung khóc rất nhiều trong lúc trò chuyện với tôi. Các ngón tay liên tục vò vào nhau mỗi lần Trung nhắc nhớ lại tháng ngày bị cha ruột bạo hành, thờ ơ, thậm chí là không quan tâm tới cả sự sống chết của con.
Có những lúc, gân cổ, gân mặt Trung nổi rõ mồn một vì kìm nén cơn xúc động và như cố nuốt cả những giọt nước mắt chực trào xuống má....
Thế nhưng, sau những giọt nước mắt ấy, sau những nỗi đau tận cùng ấy, tôi nhận thấy ở Trịnh Tú Trung một cảm giác rất thanh thản. Đó là sự thanh thản của một đứa con đã sẵn sàng tha thứ cho mọi sai trái, lỗi lầm của cha mẹ.
Đó là sự thanh thản của một đứa con đã phải gồng mình suốt mấy chục năm để sống tốt, để trở thành người đàng hoàng, để chứng minh cho ba mẹ nó thấy "họ có thể sai tất cả mọi thứ, nhưng có một thứ duy nhất đúng, đó là sinh ra nó"!
" Cái gì qua cũng qua rồi, mình phải đối diện và chấp nhận thì mới sống tiếp được. Nếu nhìn theo chiều hướng bi kịch thì mình sẽ sống theo chiều hướng bi kịch cho những tháng ngày về sau.
Ở một góc nhìn nào đó, tôi nghĩ, tuổi thơ bất hạnh ấy lại là một may mắn để mình có cách sống đúng đắn hơn, có cách nhìn về cuộc sống đa chiều hơn, cho mình những trải nghiệm, cảm xúc mà nhiều bạn đồng trang lứa không có được.
Bởi khi cây kim không đâm vào mình thì mình sẽ không thấy được nó đau như thế nào, nhưng khi đã trải qua thì cảm giác đó thật hơn rất nhiều", Trịnh Tú Trung mở đầu về tuổi thơ bi kịch của mình như thế.
"Tuổi thơ bất hạnh ấy lại là một may mắn để mình có cách sống đúng đắn hơn, có cách nhìn về cuộc sống đa chiều hơn, cho mình những trải nghiệm, cảm xúc mà nhiều bạn đồng trang lứa không có được" - Trịnh Tú Trung nói.
Bị chết đuối, tìm 1 hồi không được, bố bảo "thôi đi về"
Tôi biết Trịnh Tú Trung có những ký ức rất khủng khiếp trong tuổi thơ . Khơi lại những ký ức không vui đó là một điều thực sự không dễ dàng cho cả người hỏi và người trả lời, nhưng khi đã đi qua và sẵn sàng tha thứ cho quá khứ thì cái gì cũng có giá trị của nó, ngay cả những điều làm mình tổn thương tận cùng?
Thật ra tôi đã từng tha thứ, tha thứ rất nhiều cho ba - người để lại vô số những vết sẹo lồi sẹo lõm trong lòng tôi, để lại những di chứng khủng khiếp trong tâm hồn tôi.
Tôi nhớ là ngày xưa mình cũng từng cho ba cơ hội để quan tâm đưa đón nhưng rút cuộc đưa con đi chơi thì bỏ con lại không đón. Đi họp phụ huynh thì tôi phải bỏ tiền ra thuê, 2 tiếng là 50.000, 70.000 đồng nếu không ba sẽ không tới.
Hồi xưa, Thuận Kiều Plaza rất hot nên tôi rất thích tới đó chơi nhưng không tự đi được. Muốn đi thì phải trả tiền để ba chở, tới giờ ba quay lại đón, giống như một ông xe ôm, một người ngoài.
Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần người đàn ông này vui thì mẹ mình vui, bà nội mình vui. Người đàn ông này, mẹ và bà nội mình thương lắm nên thôi, mình cứ thương đi, cũng chẳng mất gì, chỉ là trích một phần tiền để dành của mình cho người đàn ông đó.
Thế nhưng lỗi sai này cứ bắt qua lỗi sai kia, càng lúc càng trầm trọng hơn. Giữa tôi và ba có những cái vệt là nỗi ám ảnh mà mình không bỏ qua và không thể quên được.
Năm tôi 2 tuổi, ba đưa tôi sang Thanh Đa bơi. Thanh Đa hồi đó còn chưa quy hoạch như bây giờ. Ba đi với một cô và một chú là em họ ba. 3 người bơi ra rất xa, để tôi đứng ở bờ. Tôi thò tay hái bông bụt. Bông bụt rớt xuống nước, tôi nhảy theo vớt và chìm luôn.
Mọi người lặn xuống tìm. Sau một hồi không thấy, ba tôi bảo "thôi đi về". Cả 3 người lên bờ hết, mặc quần áo xong hết thì... không biết là bao lâu sau đó, tôi nổi lên từ rất xa và có người kéo vào bờ.
Từ khoảnh khắc đó, tôi biết rằng, cái sống chết của mình không nằm trong sự quan tâm của người ta.
Trịnh Tú Trung kể về tuổi thơ bị bố ruột ngược đãi, bạo hành: "tôi đã sẵn sàng tha thứ"
Không phải mình không muốn bỏ qua nhưng cứ nhớ hoài...
Chuyện xảy ra từ năm 2 tuổi, là Trung nhớ hay sau này nghe mọi người kể lại ?
Tôi nhớ. Và tôi thấy sợ chính bản thân mình ở điểm đó. Tôi không biết những bạn khác thế nào nhưng tôi nhớ quá nhiều, nhớ từng ly từng tí, từng chi tiết nhỏ nhất về ngày bé của mình. Tôi nhớ hết tất cả các bạn học cùng trường mầm non ngày xưa, nhớ mặt, nhớ tên từng người và cả cô giáo.
Có nhiều lúc tôi ước mình được giống như những đứa con nít khác vì tôi cho rằng, việc nhớ quá nhiều là một trong những thiệt thòi và ám ảnh khủng khiếp.
Tôi là một đứa rất thích du lịch. Tôi đi vòng quanh thế giới, đi rất nhiều nơi nhưng có một nơi tôi tự nguyện không bao giờ đặt chân tới là Huế. Huế không gắn liền với ký ức tôi bị ngược đãi, đánh đập nhưng nó gắn liền với một sự tổn thương rất lớn về mặt tinh thần.
Những ngày ba tôi bị giam ở Huế, mẹ tha lôi tôi ra ngoài đó thăm ba như thế nào. Tôi nhớ cả cảnh ở nhờ nhà trọ ra sao, trên tàu ra Huế, tôi nằm tầng 2, lăn và té xuống sàn thế nào.
Hồi đó, có một chú dẫn hai mẹ con đi vì chỉ có 1 phụ nữ và 1 trẻ nhỏ thì nguy hiểm. Chú đó giành ăn trái thanh long với tôi ra sao, tôi nhớ hết. Tôi nhớ cả việc mình ngồi lột ăn một lần hết trái thanh long thế nào vì sợ người ta ăn mất.
Tôi nhớ cả lúc xích lô dừng trên cầu Tràng Tiền, tôi đói bụng đòi mẹ mua bánh bao, mẹ bảo "làm gì có tiền đâu mà mua". Tôi cũng nhớ như in cái cảm giác đứng ngoài song sắt nhìn người đàn ông phía trong song sắt, nó sợ hãi thế nào.
Chính vì vậy, tôi tự thề với lòng mình là không bao giờ đi Huế. Chuyến đi Huế vừa rồi của tôi là bất khả kháng vì phim quay ở Huế nên tôi buộc lòng phải tới.
Vì lý do gì mà ba của Trung lại bị ở tù?
Là vì gái gú. Ba bị bắt ở Huế cũng vì lý do mê gái. Ba cặp kè với bạn của mẹ, hai người đưa nhau ra Huế chơi. Tiền ở khách sạn hết hơn 3 triệu nhưng không trả, trốn về Sài Gòn. Hai người đã về trót lọt và nghĩ là với số tiền đó thì họ không truy cứu nhưng họ thưa ra toà.
Và ở thời điểm đó, phạm tội ở đâu thì xử và giam ở đó. Ba bị giam ở lao Thừa Phủ.
Khi ba bị giam, mỗi tháng mẹ ra Huế thăm ba 1 lần, gởi tôi ở nhà cho bác là chị ruột của ba trông. Lúc đó tôi mới 3 tuổi.
Nói là bác ruột, dẫu thương thế nào thì cũng không thể bằng mẹ được. Tới giờ ăn cơm, ai cũng ở dưới ăn còn mình, bác bới cho một chén cơm với cái trứng chiên, ra góc cầu thang ngồi ăn một mình. Tối tự ngủ trên lầu 1 mình. Sáng bác kêu dậy chở đi học.
Khi mẹ về, tôi không kể với mẹ chuyện bác ruột, các anh chị đối xử với mình thế nào. Và chắc tới bây giờ, mẹ tôi cũng chưa biết. Tôi chỉ bảo "mẹ đi đâu thì cho con đi cùng, đừng để con 1 mình".
Và có lần, tôi được đi theo mẹ như thế.
Tôi còn nhớ là hồi mình mới 18, 20 tháng tuổi đã được cho đi học chữ vì kế bên có một cô giáo mở lớp tại nhà. Có lần ra thăm nuôi ba, tôi cầm cuốn truyện đọc, ba bảo "trời ơi, nó biết đọc rồi đấy hả, nhanh quá ha".
Thật sự, trong đầu tôi thời điểm ấy, tôi không biết người đó là cha mình, chỉ biết là mình rất sợ người đàn ông đó.
Hồi xưa, mỗi lần mẹ bận việc phải nhờ ba tắm cho tôi là mỗi lần ba cầm cái ca múc nước phang thẳng vô đầu. Vừa đánh vừa chửi "mày đứng yên chưa, đứng yên chưa".
Cái cầu thang trong nhà, tôi té không biết bao nhiêu lần. Và có những lần là bị ba đạp thẳng xuống. Đó là những di chứng tâm lý khủng khiếp.
Vì sợ nên tôi né, gần như không nói chuyện, không giao tiếp, lại càng không bao giờ chia sẻ. Nói thật, tôi gọi một tiếng ba nhưng không biết ba nghĩa là gì.
Tới cả đồ chơi của bà nội từ Mỹ gửi về cho tôi, ba cũng lấy đem đi bán. Tức là ngay cả cái điều mình không thể làm cho con thì cũng không giữ cho nó.
Không phải mình không muốn bỏ qua nhưng mình cứ nhớ hoài, nhớ hoài...
Sai hay đúng thì cũng là cha mẹ
Nhìn lại quá khứ khủng khiếp ấy, giờ Trung cảm thấy thế nào?
Mình phải tự nghiệm được chuyện bỏ qua vì sai hay đúng thì cũng là cha mẹ. Huống chi, trong suy nghĩ của tôi, họ hiểu hết nhưng họ chưa có cơ hội để chứng tỏ hoặc thay đổi. Phần lớn cha mẹ trên đời này đều thương con cái.
Ngay như ba tôi, dù hiện giờ ông đã có 1 người phụ nữ khác, 1 đứa con khác nhưng tôi tin là ba vẫn dành tình thương cho mình.
Cái ngày ba quyết định rời khỏi nhà, tôi nghĩ chắc chắn đó là 1 quyết định khó khăn nhưng suy cho cùng, ba biết ba mẹ ở cạnh nhau, cả hai người đều không vui, không hạnh phúc và tôi cũng đã lớn, lại chưa từng đứng về phía ba. Cho nên việc ba quyết định đi là đúng. Ba phải lo cho đứa bé kia, để không lặp lại chuyện của tôi ngày xưa.
Tôi không buồn về việc ba bỏ đi. Tôi thấy đó là sự giải thoát cho tất cả mọi người. Cho mẹ, cho ba, cho tôi và cả gia đình sau này của ba nữa.
Ngồi suy nghĩ lại, tôi thấy hợp lý nên không hề giận. Tôi vẫn dặn mẹ, chuẩn bị bánh trái, quần áo và tiền để lúc nào ba về cũng có đưa cho ba. Thỉnh thoảng, ba có viết thư để lại, đọc mình cũng chạnh lòng. Rồi lâu lâu có số điện thoại lạ nhắn "ba xin lỗi", đọc mình cũng thấy thương.
Nghĩa là, ba của Trung giờ đã nhận ra cái sai với con mình?
Tạm thời tới lúc này là như vậy nhưng để sửa sai thì chắc là chưa thể vì hiện tại điều kiện của ba không tốt bằng điều kiện của tôi.
Với lại, nếu muốn bù đắp cho tôi thì cũng không kịp nữa, tôi có điều kiện của mình nên không cần những món quà về tinh thần hay vật chất.
Để bù đắp cho mẹ thì mẹ cũng quên luôn quá khứ rồi, mẹ không cần sự bù đắp đó nữa, miễn là từ giờ đừng sai gì với nhau, để khi tới nhà còn có thể mời nhau vào uống nước là vui lắm rồi.
Lâu lâu không thấy ba về, tôi cũng hỏi thăm. Tôi nói với mẹ chịu khó hỏi thăm vì tôi lo đứa con sau này của ba lại bất hạnh giống mình.
Nhưng ngày xưa, ba còn là thanh niên, 25, 30 tuổi chắc sẽ khác bây giờ là người 50, 60, suy nghĩ phải chững chạc, cũng trải qua bao nhiêu mất mát rồi.
Tôi nghĩ hơn ai hết, ba là người tiếc nuối nhất khi mất 1 đứa con như tôi - điều mà trước đó ông cảm thấy không cần. Bởi trước khi đi, ba nói với mẹ rằng " nó không giống con tôi, nó giống con bà hơn nên tôi phải tìm ai đó đẻ cho tôi đứa con mà nó coi tôi là cha của nó và là con của tôi kìa".
Ngày xưa, nhà nội cũng thường trách mẹ, tại sao lại dạy cho con cái tư tưởng oán hận và ghét cha. Ba tôi cũng nói y chang thế với mẹ. Nhưng sự thật, mẹ chưa từng dạy tôi những điều đó. Hơn ai hết, mẹ là người cố gắng hàn gắn tình cảm giữa hai cha con nhưng tôi tự xây rào cản cho chính mình.
Thậm chí, mẹ tôi còn bênh ba. Bao nhiêu lần tôi xách quần áo đi ra khỏi nhà vì cảm thấy không chịu nổi ba. Và mẹ bảo "mày đi đi, tao không cần".
Trịnh Tú Trung và mẹ...
Hồi đó, tôi còn chạy chiếc Atila, để chiếc va-li sau lưng, chạy vòng vòng ngoài đường 5, 7 tiếng. Không phải vì mình không thể qua nhà bạn ở nhờ hay mướn khách sạn ở tạm, mà vì trong lòng cứ nghĩ, mình có thực sự muốn bỏ đi hay không.
Bởi tôi biết, nếu mình thực sự bỏ đi thì mẹ sẽ không thể chống lại được với nghịch cảnh. Khi tôi quay về, mẹ cũng không hỏi vì mẹ biết, dù thế nào tôi cũng không bao giờ bỏ mẹ 1 mình.
Bây giờ, thỉnh thoảng có người hàng xóm của ba, nhắn tin trên facebook cho tôi nói rằng, ba hay đi khoe với mọi người: thằng bé trên ti vi là con tôi đó, nó giỏi dữ lắm nhưng tại tôi không tốt nên nó giận.
Cuối cùng thì ba cũng nhận ra điều đó.
Theo Trí Thức Trẻ
Quản lý cũ của Hiền Thục - Trịnh Tú Trung: Bị đuổi ra khỏi nhà vì ép bố mẹ chia tay Bố của Trung không phải là người đàn ông chung thuỷ. Ông mải chơi, để trái tim đi hoang với những mối tình bên ngoài nhưng mẹ anh vẫn cam chịu. Trịnh Tú Trung sinh năm 1986. Tử vi nói người tuổi Bính Dần là con hổ dũng mãnh, nhiều khi khiến người xung quanh sợ hãi nhưng thực chất lại hiền lành,...