Trinh sát tuổi Tỵ lột mặt nạ “lái rắn”
Bị trinh sát rượt đuổi bằng ôtô, “lái rắn” vứt xe chạy bộ trong con đường làng tối đen như mực. Cho đến khi mệt lử, trùm buôn rắn chúa mới chịu đứng yên thúc thủ. Một lúc sau, anh ta bất ngờ ngã vật ra đất giãy giụa, mắt trợn ngược, rên hừ hừ, biểu hiện như thể dính nọc độc rắn vậy.
Trong mắt đồng đội, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm Đinh Tỵ – cán bộ Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – CATP Hà Nội là một trong những trinh sát hiếm hoi dám ăn – ngủ – làm bạn với rắn hổ mang chúa. Để có những chuyến thâm nhập an toàn vào hang ổ của kẻ buôn rắn, trinh sát với dáng người nhỏ con phải kiên trì cả năm ròng tìm hiểu, thử nghiệm các mánh khóe của dân “lái rắn”.
Ngủ cũng mơ thấy tiếng rắn… phì phì
Làng Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) nổi tiếng với nghề nuôi rắn mấy chục năm nay. “Tuổi nghề” dù không đáng gì so với Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội) hay Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc), song ngôi làng này lại nổi tiếng chẳng kém bởi có những hộ nuôi rắn hổ mang chúa (loài động vật quý hiếm, nghiêm cấm mua bán, săn bắt, giết mổ, nuôi nhốt vì mục đích thương mại).
Núp dưới danh nghĩa nuôi rắn thường, nhiều “lái rắn” hổ chúa giàu lên nhanh chóng nhờ buôn hàng “cấm”. Nổi tiếng là vậy, nhưng Phụng Thượng không tiếp đón những người yếu tim hay ưa tò mò. Pháp luật nghiêm cấm hành vi mua bán, nuôi nhốt, săn bắt, giết mổ rắn hổ mang chúa nên khi đã làm ăn, “lái rắn” rất sợ gặp người lạ. “Có ai lạ mặt hỏi thăm về rắn chúa, cách tốt nhất để kiểm tra là cho họ… chọn rắn” – Đại úy Nguyễn Tuấn Anh kể về một chiêu thức phòng “người xấu” của “lái rắn” chuyên nghiệp. Những lần thâm nhập vào làng nuôi rắn, giúp người trinh sát dày dạn kinh nghiệm dựng lên chân dung một trong những ông trùm buôn “hổ chúa” ở Phụng Thượng – Trần Văn Xuyên (SN 1971), trú tại thôn Tây. Núp dưới danh nghĩa nuôi kỳ đà, don, nhiều năm qua, Xuyên lén lút nuôi nhốt loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm – nhóm IB để bán kiếm lời. Nguồn rắn chủ yếu được Xuyên mua gom tại Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam, vận chuyển ra Hà Nội vỗ béo rồi bán lại cho các thương lái ở Móng Cái, Quảng Ninh, để xuất sang Trung Quốc. Vẻ ngoài khiếp sợ, nọc độc có thể khiến “con mồi” vô phương cứu chữa, nhưng rắn hổ chúa lại khá hiền khi nhốt trong vùng tối – trinh sát sinh năm 1977 cho hay. Với thâm niên nhiều năm buôn rắn, Xuyên thừa kinh nghiệm, khéo léo để đóng gói loại “hành lý” đặc biệt này trong thùng xốp, vali du lịch để vận chuyển mà không bị ai phát giác. “Rắn từ các tỉnh phía Nam được Xuyên chở ra Bắc trên tàu hỏa, xe khách, song chúng tôi cũng có tin báo, một số “lái rắn” gửi “hàng” cả qua đường hàng không”.
Để những chuyến thâm nhập vào hang ổ của kẻ buôn rắn chúa đảm bảo an toàn, người trinh sát nhỏ con, nhanh nhẹn Nguyễn Tuấn Anh phải kiên trì cả năm ròng tìm hiểu mánh khóe của “lái rắn”. Đơn giản nhất là dấu hiệu nhận biết rắn hổ mang thường với rắn chúa; phức tạp hơn là cách trấn tĩnh, cân bằng tâm lý khi “đụng” rắn hổ, nghe nó phun phì phì trước mặt; nghệ thuật vỗ về, túm đuôi bắt rắn chúa từ hang tối cũng rất quan trọng… Tất cả đều được người trinh sát tuổi Tỵ học hỏi, thực hành thuần thục trước khi chạm trán “ông trùm”.
Bức ảnh chụp Xuyên trước khi anh ta “ diễn kịch”
Hơn một năm ròng kiên trì nắm bắt quy luật hoạt động, phương thức thủ đoạn đối phó của Trần Văn Xuyên, là khoảng thời gian quý báu để Đại úy Nguyễn Tuấn Anh và đồng đội “đọc vị” những mánh khóe của “lái rắn” này. “Đúng như dự đoán, ngay lần giáp mặt đầu tiên, ngoài tra hỏi các kiến thức, hiểu biết về nghề, Xuyên mời anh em tham quan và kiểm tra luôn cách bắt rắn trong bể nuôi” – trinh sát cho hay. Vào hang ổ của “lái rắn”, trinh sát không chỉ lo phòng rắn cắn, chuẩn bị thuốc giải độc, mà rất cần sự bình tĩnh xử lý những tình huống hù dọa của ông trùm. “Chúng chờ khi anh em đang tập trung, nhẹ nhàng bắt rắn đã “bí mật” vảy lên tay một chất nhầy nhầy rồi hô rắn phun nọc độc” – người trinh sát chia sẻ một trong những “phép thử” kinh hoàng nhất. Ăn cũng nói về rắn, làm cũng bàn về rắn, ngay lúc ngủ, anh em trinh sát cũng mơ thấy tiếng rắn… phì phì – trinh sát nhớ lại thời điểm trước khi phá án.
Chiêu trò của trùm buôn “hổ chúa”
Từng tham gia bắt giữ cả chục vụ mua bán, vận chuyển “rắn hổ chúa” nhưng lần phá chuyên án, bắt “lái rắn” ở làng Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ là một trong số ít vụ việc mà Đại úy Nguyễn Tuấn Anh cùng với đồng đội tóm được ông trùm. Trước thời điểm phá án, kế hoạch vây bắt Trần Văn Xuyên được chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, chỉ huy Đội 3 cùng toàn thể CBCS bàn thảo kỹ lưỡng. Mọi tình huống, giả thiết đều được đặt ra với phương châm: “Bất ngờ do đối tượng tạo ra không được là bất ngờ cho anh em trinh sát”. Xử trí thế nào nếu anh em không may bị rắn cắn; khi đối tượng thả rắn hổ ra môi trường tự nhiên? Tỉ mỉ hơn là chuẩn bị găng tay đặc chủng, những túi lưới để chuyển rắn đi giám định, phân loại – Đại úy Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng. Đối tượng lắm chiêu trò, nếu không lên phương án chi tiết, rất có thể chỉ bắt được những người vận chuyển thuê cho Xuyên, khó động được đến “ông trùm” này – Đại úy Nguyễn Tuấn Anh nhận định.
Một ngày cuối năm, trinh sát nhận được tin báo, Xuyên vừa nhập một lượng lớn hàng về bể nuôi, đang nhồi cho ăn no để chuyển lên Móng Cái, Quảng Ninh bán. Nhất cử nhất động của “lái rắn” này được lực lượng công an giám sát chặt chẽ. “Trước thời điểm vận chuyển hàng, chiếc Hyundai do Xuyên điều khiển liên tục chạy vòng vèo để thăm dò tình hình. Đợi đến gần đêm, Xuyên xếp 6 bao tải rắn hổ mang chúa, nặng 150kg lên ô tô và phóng đi. Chờ cho đối tượng ra khỏi làng Phụng Thượng, lực lượng công an đã tổ chức đón đầu, vây bắt. Thấy bóng cảnh sát từ xa, Xuyên quay xe bỏ chạy nhưng gặp đúng đoạn đường hẹp. Bị xe trinh sát khóa đuôi phía sau, “lái rắn” vứt xe chạy bộ trong con đường làng tối đen như mực. Anh em rượt đuổi nhiều kilomet trong bóng tối, cho đến khi Xuyến mệt lử chẳng thể lê bước, đành đứng im thúc thủ. Trong lúc dẫn giải đối tượng về trụ sở CAX Lại Thượng, Xuyên tìm cách tiếp cận trinh sát, đề nghị được “lót tay” một lượng lớn tiền mặt để xin tha.
Khai báo với cơ quan công an, Trần Văn Xuyên nhận vận chuyển 150kg rắn hổ mang chúa về bán cho các cửa hàng chuyên ngâm rượu rắn ở Thái Bình. Áp giải đối tượng ra sân trụ sở CAX Lại Thượng để kiểm đếm, phân loại rắn, cũng là lúc hàng chục người dân địa phương, trong đó có người thân quen với “lái rắn” thi nhau trèo lên tường rào, cửa trụ sở cơ quan để nghe ngóng” – Đại úy Nguyễn Tuấn Anh nhớ lại. Trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng, nhóm PV Báo ANTĐ, Xuyên được yêu cầu mở các bao tải rắn để công an, Kiểm lâm kiểm đếm. Vừa chạm vào túi rắn, Xuyên bất ngờ giật nảy, ngã ngửa ra đất, mắt trợn ngược, rên la bị rắn độc tấn công. Như thấy ám hiệu từ bên trong, “màn kịch” sức ép ở bên ngoài cũng bắt đầu. Hàng chục người đứng trên tường rào, cổng trụ sở cơ quan công an liên tục hò hét đòi thả Xuyên để đi cấp cứu.
Video đang HOT
“Màn diễn” này trên thực tế cũng nằm trong phương án dự phòng, nên CBCS cứ đúng như kế hoạch triển khai” – trinh sát kể. Công an địa phương được điện báo xuống hỗ trợ, trong khi “lái rắn” Xuyên liên tục kêu la, bóp chặt ngón tay và đòi mượn dao lam chích nọc độc. Đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Nếu “dính” nọc độc rắn hổ mang chúa, Xuyên khó có sức kêu la. Hơn nữa, mọi động thái của anh ta khi tiếp cận lũ rắn đều được CBCS giám sát chặt chẽ”. Để “hạ nhiệt” dư luận bên ngoài, tránh những bức xúc có thể xảy ra, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh đã trực tiếp lấy dây cao su buộc chặt “vết thương”, tự tay cầm dao nhọn rạch vết thương, mút “máu độc”, ngâm tay Xuyên vào nước muối loãng. Công tác sơ cấp cứu cho “bệnh nhân” diễn ra chừng 5 phút. Chuyển “ông trùm” này đi bệnh viện được cho là cách xử lý an toàn nhất, tránh gây kích động thêm tâm lý đám đông – trinh sát tuổi rắn kể.
Chiếc xe hú còi inh ỏi vút đi trong màn đêm, hướng về Khoa chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, trong sự bám riết của một số ô tô “lái rắn” khác. Buồng điều trị của Xuyên được cảnh sát chốt chặn. Sau một đêm theo dõi, các bác sỹ kết luận, Xuyên không hề bị rắn cắn như anh ta nói.
Theo 24h
Ghé thăm "kinh đô" rắn
Về miền Tây nếu không một lần ăn rắn, coi như chưa biết gì về châu thổ Cửu Long. Và, những "thầy" ăn rắn, nhậu rắn, ghiền rắn tới đẳng cấp "sành điệu" ở vùng đất phì nhiêu này, không ai không biết Tam Nông - chợ quê nhỏ bé nhưng âm thầm nổi tiếng bởi thịt rắn ở mạn vùng Đồng Tháp.
Chưa tới 5 giờ sáng, anh Phi đã đánh thức tôi dậy để đi chợ rắn. Nằm lọt thỏm giữa thị trấn Tràm Chim, chợ rắn Tam Nông nhỏ bé, xộc xệch, le lói dưới ánh đèn điện khi tỏ, khi mờ... Hàng chục thương lái chở, vác những bao tải, bao cói tấp nập ghé các quầy hàng trong chợ. Anh Phi dẫn tôi đến trước một quầy có vẻ to nhất, với nhiều thùng tôn vuông, tròn, lớn , bé, đậy nắp kín như bưng.
Nhìn đâu cũng thấy rắn
Nhác thấy một người đàn ông vác bao tải lặc lè đặt phịch xuống đất, chị Tám - chủ quầy, ngoài 50 tuổi - xởi lởi: "Anh đổ vào đây giùm tui". Người đàn ông cắt dây buộc miệng bao, dốc cả bao tải vào chiếc thùng bằng tôn. Tôi đến gần hơn, hàng trăm con rắn đủ loại túa ra, bò lổm ngổm, đầy ắp cả thùng. Quả thật nếu ai đó yếu tim, hẳn không thể dừng chân lâu hơn để ngó nhìn. Hàng chục quầy khác kề bên quầy chị Tám, cũng... cơ man những rắn là rắn.
Rắn bày bán bò lổm ngổm ở chợ rắn.
Chị Tám "rắn" kể: "Tui bán rắn hơn chục năm rồi, còn chợ rắn Tam Nông này đã có từ lâu lắm, tui không nhớ... Chỉ biết từ nhỏ, theo má đi chợ mua rắn về hầm sả, đã không biết bao nhiêu lần tới chợ. Mùa nước nổi, Đồng Tháp Mười mênh mông nước bao nhiêu thì chợ Tam Nông cũng... mênh mang rắn bấy nhiêu. Tui đi chợ mua rắn miết, rồi trở thành chủ vựa bán rắn lúc nào không hay".
Tầm 6 giờ sáng, bình minh lên, ánh đèn điện nhạt dần, cũng là lúc chợ rắn bắt đầu tấp nập, sôi động người mua, kẻ bán. Hàng trăm thương lái từ khắp các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang... thậm chí, từ các tỉnh miền Đông như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đổ về mua rắn. Cả chợ ngập chìm trong cái không khí mua bán thật nhộn nhịp, nhưng chẳng giống bất kỳ một chợ nào ở bất cứ đâu...
Phía bên kia, chị Năm Nga vừa sang lại 50kg rắn từ một thương lái chở từ miệt giáp biên giới Campuchia xuống. Trả tiền xong, chị thong thả... thò tay vào bao tải, bốc từng con rắn ri voi, ri cá hoặc bông súng, bỏ vào từng ngăn chứa làm bằng kính trong. Thấy tôi há mồm ngạc nhiên, chị cười giải thích: "Mấy "ông" ri này lành lắm, không cắn; hơn nữa bán rắn lâu năm, chị quen rồi. Cỡ "đại" thì cho vào đây, cỡ "trung" thì cho vào ô này, còn cỡ "nhí" thì vô ngăn cuối cùng".
Chủ vựa Tám "rắn" trình diễn nghệ thuật... bắt rắn.
Dường như kinh nghiệm bán rắn lâu năm đã tạo cho chị Năm Nga một kỹ năng bắt, chọn rắn tới cấp độ thành thục. Chỉ ước lượng bằng mắt, kết hợp bàn tay dẻo dai, nhịp nhàng, chị đã thó từng con rắn (không phân biệt loại), bỏ vào 3 ngăn của bể kính, theo kích thước đại - trung - nhí của chúng, mà không một lần vuột tay đánh rơi rắn xuống đất. "Cái hay của người bán rắn là ở chỗ đó" - anh Phi nói.
Độc đáo "khô rắn Tam Nông"
Có lẽ vì đi đâu cũng thấy rắn, ra ngõ, vào chợ là... cơ man rắn nên không biết tự bao giờ, người dân Tràm Chim đã chế biến cho mình một món đặc sản không giống bất kỳ nơi nào - khô rắn. Ngay tại chợ rắn Tam Nông, chúng tôi đã mục sở thị ở khá nhiều quầy cách làm khô rắn. Ở một góc phía nam chợ, ngay tại vựa rắn của mình, anh Cường đang hí húi, thoăn thoắt lột da từng con rắn và chất thành một đống ngồn ngộn, ước chừng hơn 1 tạ.
Anh giải thích: "Vựa của tôi thu mua khoảng 400kg rắn các loại mỗi ngày. Anh thấy đấy, trong hàng tạ rắn, sẽ có một số con chết, bị thương, hoặc gãy đầu, gãy đuôi, gãy ngang lưng... Những con như thế không ai mua cả. Để không bị lỗ và gỡ vốn, chúng tôi chế biến thành khô rắn. Ai dè, khô rắn hoá ra thành đặc sản thứ thiệt của Tam Nông, dân nhậu khắp nơi bén mùi, đặt hàng mua hà rầm, bán chạy còn hơn cả tôm tươi".
Để chế biến được một ký khô rắn, cần có 10kg thịt rắn tươi. Rắn bông súng và rắn trun, thường được chế biến thành khô rắn, vì có rất nhiều ở địa phương và dễ làm. Phần da rắn cũng không bỏ đi, được các cơ sở sản xuất mua gom làm phân bón rất tốt cho đất hoặc chế biến thành thức ăn nuôi cá tra, cá ba sa... Không có gì bị bỏ phí đi từ con rắn.
Chế biến đặc sản "khô rắn Tam Nông". Ảnh: H.Hưng
Ở một quầy khác, tôi thấy có tới 2 thùng thiếc chứa hơn 100kg rắn đã chết, theo lời bà chủ - chị Tư Đỉnh - đang chờ 3 người thợ tới lột da, róc thịt, rút xương và mang đi ướp muối. Sau khi ướp muối xong, thịt rắn sẽ được phơi nắng thật khô trong 3 ngày. Xong công đoạn này, quan trọng nhất là ướp gia vị, sấy khô. Và cuối cùng, đóng gói với thương hiệu dân gian truyền miệng hết sức độc đáo "khô rắn Tam Nông".
Khô rắn chế biến từ thịt rắn được bán tại chợ Tam Nông với mức giá từ 350 - 400 ngàn đồng/kg, lãi 30.000 đồng/kg. Khô rắn được làm từ xương rắn thì rẻ hơn, khoảng 100 ngàn đồng/kg. Loại khô này thường bán cho dân nhậu.
Khô rắn chính hiệu từ chợ rắn Tam Nông, dường như làm ra tới đâu, bán hết ngay tới đó. Vì vậy, có không ít người trong thị trấn Tràm Chim đã lợi dụng sự nổi tiếng của "khô rắn Tam Nông", lừa đảo khách hàng làm giả khô rắn Tam Nông bằng thịt... trăn. Anh Phi nói: "Khô rắn Tam Nông nướng hay chiên giòn đều ngon. Nhưng phải nướng bằng than củi; lúc ăn cho vị rất đậm đà, vừa ngọt, vừa dai, lại mềm... Còn loại khô nào mà khi cắn vô dai nhách, nhạt thếch, đích thị là khô rắn giả".
Chợ rắn Tam Nông, ngoài rắn là chính, cũng có không ít quầy bán chim, chuột, rùa, cúm núm, gà nước, lươn, ếch... Tuy nhiên, vẫn không con nào qua được con rắn, nơi xứ chợ quê này.
Lan man chuyện con rắn
3 ngày về Tràm Chim cũng là 3 ngày chúng tôi ngập chìm trong những bữa ăn, tiệc nhậu... rắn với rắn hầm, rắn nướng, lẩu rắn, khô rắn chiên... Và một câu hỏi cứ ám ảnh mãi với tôi, rằng cứ cái đà này, liệu có còn rắn trong tự nhiên nữa hay không? Có người nói: "Chú em cứ lo bò trắng răng. Miền Tây không bao giờ hết rắn. Trời sinh ra sông nước miền Tây thì phải sinh... rắn cho mình ăn chứ".
Mùa nước nổi, Đồng Tháp Mười mênh mông nước bao nhiêu thì chợ Tam Nông cũng... mênh mang rắn bấy nhiêu.
Trong lúc đó, anh Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim - cho biết: "Trên thực tế, ở Tràm Chim đã xuất hiện mô hình nuôi rắn ri voi rất kinh tế như trại nuôi rắn ri voi thương phẩm rất nổi tiếng của ông Mai Minh Mẫn ở xã Phú Thành A. Mỗi năm, trại rắn ri voi này thu lãi hàng trăm triệu đồng. Rắn bán ở chợ, ngoài nguồn tự nhiên còn có rắn nuôi bổ sung mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Với mô hình nuôi rắn kinh tế, chúng tôi khuyến khích người dân. Còn việc bắt rắn tự nhiên, đặc biệt là trong khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim, chúng tôi tuyệt đối nghiêm cấm".
Chả trách trước đó khi trò chuyện lan man ngoài chợ Tam Nông, tôi tiết lộ lát nữa sẽ gặp anh Hùng - giám đốc vườn - anh Cường tỏ ý không vui vì "bọn tui buôn rắn, mà ổng thì cản ngăn, không ủng hộ".
Đã có rất nhiều đánh động về tình trạng đánh bắt trái phép rắn, chim, thú ở Đồng Tháp Mười, nhất là khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên vì mưu sinh, nên nói như một thợ săn rắn ở đây là "trách nhiệm của cơ quan chức năng là đánh động, còn việc của thợ săn chúng tôi là... bắt rắn để kiếm cơm" (!). Và với lý luận đó, chợ rắn Tam Nông bao nhiêu năm nay vẫn cứ đầy ắp rắn, nhất là vào mùa nước nổi. Khó nữa là hầu hết rắn bán ở Tam Nông đều không nằm trong danh sách cấm. Vì vậy, bà con vẫn tha hồ nhập, tha hồ xuất ê hề các "anh" ri voi, ri cá, bông súng... để phục vụ cho dân nhậu miền Tây "sành điệu".
1 triệu đồng/kg rắn ri voi
Mùa nước nổi (khoảng tháng 9 - 10 hằng năm), rắn xuất hiện rất nhiều ở khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim và miệt biên giới Campuchia. Rắn bắt được, người ta gom hết về chợ Tam Nông và từ đây, rắn mới toả đi khắp các vùng miền, qua các thương lái.
Tùy "gu" của mỗi vùng, từng loại rắn được các chủ vựa phân phối, với các mức giá khác nhau. Rắn ri voi, với trọng lượng 1kg/con, thường được thương lái TP. Hồ Chí Minh mua với giá 1 triệu đồng. Vì vậy, loại ri voi 1kg/con được các chủ vựa chọn ém riêng trong một thùng đậy nắp kín mít. Còn lại, những con có trọng lượng dưới 0,5kg/con thì chỉ ở mức giá từ 400 - 600 ngàn đồng/kg. Riêng loại rắn nước có giá khá rẻ từ 100 - 400 ngàn đồng/kg.
Chị Tám "rắn" bật mí: "Đa phần ở đây là bán những loại rắn đặc sản miền sông nước như: Ri cá, ri voi, bông súng, hổ hành...Thỉnh thoảng cũng có những loại rắn độc, nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách như: Hổ mang, hổ đất..., song rất hiếm".
Theo 24h
Hoài Linh kể chuyện đời Thanh Tuyền ở Thủ đô Không tấu hài hay diễn kịch, danh hài nổi tiếng sẽ cùng Trấn Thành đảm nhận vai trò người dẫn dắt câu chuyện cuộc đời của giọng ca "Giã từ kỷ niệm" tối 21/12 tới. Hình ảnh Thanh Tuyền thời còn trẻ. Sinh ra ở Đà Lạt nhưng Thanh Tuyền có rất nhiều kỷ niệm thú vị gắn liền với mảnh đất ngàn...