Triều Tiên thừa nhận đang ở giai đoạn “khó khăn nhất trong lịch sử”
Trong một động thái hiếm khi xảy ra, truyền thông Triều Tiên tuần này than phiền rằng đất nước đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Theo trang tin Chosun Ilbo (Hàn Quốc), truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 21/3 đã thừa nhận rằng nước này đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa.
“Chúng ta đã trải qua tro tàn thời hậu chiến và “cuộc hành quân gian khổ”, nhưng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong 10 năm gần đây là những gian khó khắc nghiệt nhất trong lịch sử nền cộng hòa của chúng ta”, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, viết.
Rodong Sinmun kêu gọi “tinh thần mạnh mẽ” cũng như “lòng dũng cảm và óc sáng tạo trong việc xây dựng thành tựu từ con số không” để có thể duy trì cuộc sống, “miễn là còn nước uống và không khí”.
Theo báo Hàn Quốc, truyền thông nhà nước Triều Tiên hiếm khi thừa nhận tình trạng khó khăn của đất nước. Do vậy, bài viết trên Rodong Sinmun được xem là động thái bất thường của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, Rodong Sinmun cũng khẳng định nhu cầu duy trì vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
“Chúng ta đã đạt được chiến công lớn nhất và vang dội nhất ngay cả trong thời kỳ khó khăn”, Rodong Sinmun viết, đồng thời khẳng định Triều Tiên “tự tin nắm chặt thanh gươm tự lực cánh sinh”. Đây là cụm từ thường được Triều Tiên sử dụng để chỉ vũ khí hạt nhân.
Video đang HOT
Bài viết trên Rodong Sinmun được đưa ra trong bối c ảnh nền kinh tế Triều Tiên ngày càng gặp nhiều khó khăn sau khi Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên tục áp lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đang xoay xở tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt bằng việc vận chuyển dầu trái phép. Tuy vậy, Mỹ cũng tăng cường giám sát Bình Nhưỡng khiến hoạt động này trở nên khó khăn hơn. Nhiều nước trên thế giới cũng từ chối cấp thị thực cho người lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.
Bộ Tài chính Mỹ tuần này thông báo áp lệnh trừng phạt với hai công ty vận tải Trung Quốc vì giúp Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Đây là đòn trừng phạt đầu tiên của Washington sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Lý do khiến Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận được cho là bởi hai nước không tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Hội đồng Bảo an chia rẽ vì lệnh trừng phạt
Hãng tin NHK (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin từ Liên Hợp Quốc cho biết các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đang bị chia rẽ về nghị quyết trừng phạt đối với Triều Tiên.
Theo các nguồn tin, các đại sứ Nga và Trung Quốc tranh luận về việc xem xét tác động của các lệnh trừng phạt đối với người dân Triều Tiên. Trong khi đó các nước phương Tây vẫn hối thúc việc tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt này.
Các nguồn tin cho biết Nga và Trung Quốc đề xuất rằng, tác động của các lệnh trừng phạt đối với người dân Triều Tiên nên được đưa vào cuộc khảo sát do một ủy ban gồm các chuyên gia của Hội đồng Bảo an thực hiện. Tuy nhiên, các phái đoàn Mỹ, Anh và Pháp không đồng tình với quan điểm trên.
Theo DNVN
Triều Tiên lần đầu thừa nhận kết quả thượng đỉnh Trump - Kim
Truyền thông chính thức của Triều Tiên lần đầu thừa nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 8/3 lần đầu đề cập đến đàm phán bất thành tại hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27-28/2, nói dư luận đang quy trách nhiệm cho Mỹ về việc hai bên không đạt được thỏa thuận.
"Dư luận trong và ngoài nước, vốn đã hy vọng kết quả tốt và thành công tại hội nghị thượng đỉnh Triều - Mỹ lần hai ở Hà Nội, giờ đang cảm thấy tiếc nuối, quy trách nhiệm cho Mỹ về việc hội nghị đã không đạt được thỏa thuận", Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, viết trong một bài xã luận, theo Reuters.
Bài viết cũng kêu gọi người Triều Tiên tiếp tục theo đường lối tự chủ. "Giữa thời điểm các đế quốc đang lạm dụng quyền lực, chúng ta nên tiếp tục đường lối tự chủ để phát triển đất nước một cách độc lập", bài xã luận viết.
Người dân Bình Nhưỡng đọc báo đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam. Ảnh: AFP.
Bài viết cũng có những lời lẽ phản đối kịch liệt Nhật Bản, cáo buộc nước này "tìm mọi cách gây khó khăn" cho mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington và đã "vỗ tay" khi đàm phán không thành.
Bài viết được đăng tải sau khi tình báo Hàn Quốc tuần này nói họ đã phát hiện những hoạt động mới ở nhà máy Sanumdong, nơi sản xuất ra tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Triều Tiên có tầm bắn đến Mỹ. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon nói với các nghị sĩ rằng xe chở hàng được nhìn thấy di chuyển xung quanh nhà máy này, theo báo JoongAng Ilbo.
Cũng theo ông Suh, Triều Tiên vẫn vận hành cơ sở làm giàu uranium trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon ngay cả sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên ở Singapore.
Trong một diễn biến khác, hai tổ chức nghiên cứu 38 North và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 7/3 cho biết Triều Tiên dường như đã tái xây dựng trạm phóng vệ tinh Sohae vài ngày trước hội nghị Hà Nội.
"Việc tái xây dựng Sohae cho thấy Triều Tiên có thể đảo ngược nhanh và không khó khăn bất kỳ bước đi nào trong tiến trình giải giáp vũ khí hủy diệt hàng loạt", CSIS cho biết.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa được chở đi trên đường trong lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng ngày 15/4/2017. Ảnh: Reuters.
Một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ nói với Reuters việc tái xây dựng cơ sở trên có thể nhằm hối thúc Washington đi đến thỏa thuận, hơn là nhằm tiếp tục thử vũ khí. Nguồn tin này nói việc tái xây dựng vừa là để Triều Tiên có thể dừng ngay lập tức và thể hiện thiện chí, vừa là cách để Triều Tiên tỏ ra cứng rắn và thách thức nếu đàm phán không thành.
Tổng thống Trump đã lên tiếng, nói ông sẽ "rất, rất thất vọng" với ông Kim nếu những thông tin trên là đúng. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán thêm với Triều Tiên, theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/3 nói ông lạc quan về việc cử phái đoàn đến Triều Tiên để tiếp tục đàm phán trong những tuần tới, nhưng "vẫn chưa có cam kết nào".
Theo Zing.vn
Truyền thông Triều Tiên kêu gọi Mỹ có hành động thực tế tương ứng Các cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 11/2 đã kêu gọi Mỹ có "hành động thực tế tương ứng" đáp lại các bước đi phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, sau khi hai nước kết thúc vòng đàm phán đầu tiên chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo 2 nước này. Lãnh đạo...