Triều Tiên kêu gọi thực thi “các biện pháp tiến công”
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một cuộc họp của đảng Lao động kêu gọi thực thi các biện pháp “tích cực và tiến công” để đảm bảo an ninh trước thềm năm mới, thời hạn chót ông đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, theo tường thuật hôm qua của hãng tin chính thức KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì phiên họp hôm Chủ nhật. Ảnh: KCNA/Reuters
Ông Kim đã triệu tập một cuộc họp vào cuối tuần với sự tham gia của các quan chức cao cấp nhất trong đảng để bàn thảo các vấn đề sách lược. Trong phiên họp hôm Chủ nhật, ông Kim đề nghị có hành động trong lĩnh vực ngoại giao, công nghiệp vũ khí và lực lượng vũ trang, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp “tích cực và tiến công để hoàn toàn đảm bảo chủ quyền và an ninh quốc gia”, KCNA nói nhưng không giải thích thêm.
Đây là phiên họp toàn thể lớn nhất của Ủy ban Trung ương lần thứ 7 đảng Lao động Triều Tiên kể từ phiên họp đầu tiên vào năm 2013 trong thời ông Kim Jong Un làm lãnh đạo, Reuters dẫn nhận định của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Phiên họp có sự tham gia của hàng trăm đại biểu, theo hình ảnh được phát đi trên truyền hình Triều Tiên. Năm 2018 và tháng 4 năm nay cũng có cuộc gặp tương tự nhưng với quy mô nhỏ hơn.
KCNA nói phiên họp vẫn đang tiếp diễn, có nghĩa là hội nghị diễn ra ít nhất ba ngày. Đây là lần đầu tiên hội nghị kéo dài hơn một ngày kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền từ năm 2011, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sang-min nói tại một cuộc họp báo.
Video đang HOT
“Khi nói “các biện pháp tích cực và tiến công”, ý họ muốn nói đến các hành động có tính gây hấn cao chống lại Mỹ và cả Hàn Quốc”, Yang Moo-jin, giáo sư đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nói.
Bình Nhưỡng đã thúc giục Washington thay đổi cách tiếp cận để tái khởi động các cuộc đàm phán, cảnh báo rằng họ có thể chọn “đi một con đường mới” nếu Mỹ không đáp ứng kỳ vọng của họ.
Các chỉ huy quân đội Mỹ nói động thái này có thể bao hàm việc thử nghiệm một tên lửa tầm xa, việc mà Triều Tiên đình hoãn từ 2017, hoặc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân.
Washington sẽ hết sức thất vọng nếu Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nói hôm Chủ nhật và thề rằng sẽ có hành động tương thích với vai trò một cường quốc quân sự và kinh tế.
Mỹ đã mở các kênh đối thoại với Triều Tiên và hy vọng ông Kim sẽ tuân thủ các cam kết về phi hạt nhân hóa đưa ra trong các cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump, ông O’Brien nói.
Nền kinh tế Triều Tiên có vẻ là chủ đề quan trọng thứ hai của phiên họp kéo dài hai ngày, giáo sư Yang nhận định. KCNA nói ông Kim đã thảo luận các vấn đề kinh tế và quản lý nhà nước, trong lúc ông đang muốn xây dựng “một nền kinh tế độc lập”.
Theo KCNA, ông Kim đã “trình bày các nhiệm vụ để nhanh chóng cải thiện tình hình nguy cấp trong các ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế”.
Trong khi đó, theo dự kiến, tại New York, các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ họp xem xét đề nghị của Nga và Trung Quốc, nới lỏng các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng với Triều Tiên.
Hồi đầu tháng 12, Nga và Trung Quốc đã đề xuất một dự thảo nghị quyết với nội dung gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt nhằm khởi động lại tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Yonhap dẫn lời một số chuyên gia nhận định một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa từ Triều Tiên sẽ là một thất bại đối với tổng thống Trump khi ông nhiều lần nói việc đình hoãn thử vũ khí dạng này của Bình Nhưỡng là một trong những thành công ngoại giao lớn nhất của ông.
Theo tienphong.vn
Mỹ "choáng váng" vì Anh không chịu nghe lời khuyên về Trung Quốc
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien tỏ ra sốc và ngạc nhiên khi Anh khước từ lời khuyên không hợp tác với gã khổng lồ Huawei của Mỹ trong xây dựng mạng lưới 5G.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien. Ảnh: RT
"Đó là điều gây sốc với chúng tôi khi mọi người ở Anh xem Huawei như một quyết định thương mại. 5G là một quyết định an ninh quốc gia... Họ sẽ đánh cắp hàng loạt bí mật nhà nước, bất kể đó là các bí mật hạt nhân của Anh hay các bí mật từ MI6, MI5", Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien ngày 24/12 nói với tờ Financial Times.
Mỹ lâu nay khuyên các đồng minh không hợp tác với Huawei trong xây dựng mạng lưới 5G. Theo ông, Trung Quốc có thể sẽ "nhắm mục tiêu" tinh vi tới các cá nhân bằng cách tiếp cận với dữ liệu sinh học được truyền tải qua các mạng lưới.
"Nếu bạn có tất cả thông tin về một người, sau đó bạn có bộ gen của họ, và bạn kết hợp hai thứ lại với nhau, rồi bạn có một chính quyền sử dụng các thông tin này, đó là sức mạnh vô cùng lớn. Thật kỳ lạ khi Anh lại cho phép một chương trình như vậy", ông O'Brien ví von.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng cho biết, không như Anh, chính phủ các nước châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Australia đã hiểu được mối đe doạ này.
Phía Trung Quốc và Huawei chưa lên tiếng về động thái của Mỹ. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc và gã khổng lồ công nghệ Huawei nhiều lần phủ nhận sử dụng thiết bị cho mục đích gián điệp.
Ở Mỹ, hồi tháng 5, Tổng thống Donald đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông từ các công ty có nguy cơ gây tổn hại cho an ninh quốc gia. Trong đó Huawei đứng đầu danh sách đen.
Hiện không rõ Mỹ sẽ làm gì nếu Anh nhất quyết hợp tác cùng Huawei. London là đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là một bên trong mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.
Thái An
Theo baovephapluat.vn
Cực Bắc từ tiếp tục xê dịch về hướng Nga, vượt kinh tuyến Greenwich Trong bản cập nhật mới nhất, Cực Bắc từ - rất quan trọng đối với hệ thống định vị của chính phủ và quân đội các nước cũng như nhiều ứng dụng dân dụng- tiếp tục dịch chuyển xa vùng Bắc cực của Canada và hướng về phía Siberia, Nga. Cực Bắc. Ảnh: Sputnik Đài Sputnik dẫn báo cáo của Cơ quan Khảo...